Cựu Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương: Trung Quốc, nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ hai trên thế giới nên tránh đấu đá về thuế kỹ thuật số
Hôm 21/04, ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), cựu thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã diễn thuyết tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (BFA), với nội dung nhấn mạnh về thuế kỹ thuật số.
Ông xác nhận rằng vấn đề thuế kỹ thuật số sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng Bảy này, thời điểm mà mọi quốc gia thành viên được mong đợi sẽ bày tỏ quan điểm của mình.
Ông Chu chỉ ra rằng cuộc thảo luận của Trung Cộng về quan điểm của nước này nên “tránh rơi vào việc đấu đá lẫn nhau về thuế kỹ thuật số, đặc biệt là về việc tiền thu được từ thuế kỹ thuật số thuộc về ai” vì “những cuộc chiến này có thể dễ dàng nổi lên như một cuộc chiến thuế quan mới.”
Tranh chấp toàn cầu về thuế kỹ thuật số
Mâu thuẫn xung quanh việc cách thức và loại thuế kỹ thuật số nên được quy định như thế nào đã nảy sinh giữa Hoa Kỳ, một nhà xuất cảng lớn về dịch vụ kỹ thuật số, và các quốc gia Châu Âu nơi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số.
Ông Chu nói rằng, “Các công ty dịch vụ kỹ thuật số lớn xuyên quốc gia như Facebook, Twitter, Amazon và Google có nhiều người dùng Châu Âu, nhưng lại không hề nộp thuế cho các quốc gia thành viên EU.”
Vào tháng 07/2019, Pháp là quốc gia EU đầu tiên ban hành thuế dịch vụ kỹ thuật số. Ngay sau đó, các quốc gia EU khác như Anh Quốc, Tây Ban Nha và Ý cũng áp dụng thuế kỹ thuật số của riêng mình.
Hoa Kỳ đã đáp trả bằng một cuộc điều tra liên quan đến thương mại về thuế dịch vụ kỹ thuật số do 14 quốc gia đơn phương áp đặt.
Vị thế của Trung Quốc trong các dịch vụ kỹ thuật số
Một báo cáo do Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc công bố cho thấy nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đạt giá trị 5.5 nghìn tỷ USD vào năm 2019, chỉ đứng sau Hoa Kỳ trên toàn thế giới, hãng thông tấn nhà nước China Daily đưa tin.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc có tiêu đề “Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật số 2019,” Hoa Kỳ và Trung Quốc “chiếm 75% tổng số bằng sáng chế liên quan đến công nghệ blockchain, 50% chi tiêu toàn cầu cho IoT [Internet of things-Internet Vạn Vật], và hơn 75% thị trường điện toán đám mây công cộng trên thế giới.”
Cộng lại, “họ chiếm 90% giá trị vốn hóa thị trường của 70 nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới” trong khi đó “thị phần của Châu Âu chỉ chiếm 4%.”
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng tiết lộ bảy “siêu nền tảng” “chiếm 2/3 tổng giá trị thị trường” là Microsoft, Apple, Amazon, Google và Facebook từ Hoa Kỳ, và Tencent cùng Alibaba từ Trung Quốc.
Thặng dư thương mại dịch vụ kỹ thuật số của Trung Quốc tăng vọt
Do các rào cản phi thuế quan khắt khe đối với thương mại như tường lửa và kiểm duyệt, Google, Amazon, Twitter và Facebook đã bị chặn khỏi thị trường Trung Quốc, nhưng đồng thời, nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và giành được một thị trường lớn ở nước ngoài. Tỷ trọng thặng dư thương mại kỹ thuật số trong thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc cũng tiếp tục tăng lên.
“Báo cáo Phát triển Thương mại Kỹ thuật số Trung Quốc năm 2020” do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển An ninh Thông tin Công nghiệp Quốc gia công bố vào tháng 10/2020 chỉ ra rằng thặng dư thương mại kỹ thuật số vào năm 2019 của Trung Quốc là 28.92 tỷ USD, tăng 46.1% so với cùng thời kỳ năm trước (2018). Thặng dư thương mại đối với các dịch vụ viễn thông, máy tính và thông tin là lớn nhất, đạt mức 29.4 tỷ USD
Báo cáo này cho thấy thương mại dịch vụ số hóa của Trung Quốc đã tăng từ 49 tỷ USD năm 2005 lên 272 tỷ USD vào năm 2019. Giá trị xuất cảng tăng gấp bảy lần, trong khi giá trị nhập cảng chỉ tăng ba lần. Kênh thông tấn nhà nước China News đưa tin, thương mại dịch vụ số hóa cũng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư và thặng dư đang không ngừng tăng nhanh.
Các ứng dụng của Trung Quốc như TikTok cũng đang dẫn đầu việc mở rộng nhanh chóng ở thị trường nước ngoài và xuất cảng kỹ thuật số của Trung Quốc. Phần lớn các dịch vụ kỹ thuật số nhập cảng của Trung Quốc đã bao gồm chi phí quyền sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế. Năm 2020, chỉ riêng kim ngạch thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 260 tỷ USD, tăng 31.1%.
Giảm thiểu việc đánh thuế xuyên biên giới
Ông Chu đã thừa nhận trong bài diễn thuyết của mình rằng, “Trung Quốc chắc chắn vấp phải vấn đề này [vấn đề đánh thuế xuyên biên giới],” nhưng ông nhấn mạnh rằng “việc đó không đáng chú ý lắm.” “Chúng ta có nhiều nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ [ở nước ngoài], nhưng xét cho cùng thì tỷ lệ này là rất nhỏ.”
Vào ngày 16/04/2020, chế độ này đã công bố nhóm 12 cơ sở xuất cảng dịch vụ kỹ thuật số quốc gia đầu tiên. Vào tháng 10/2020, ông Tập Cận Bình cho biết trong một tuyên bố rằng Trung Quốc cần nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách tăng tốc nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc và chủ động tham gia vào việc định hình khuôn khổ quy định quốc tế về đồng tiền kỹ thuật số và thuế kỹ thuật số.
Ông Chu dường như cố tình hạ thấp tác động của thuế kỹ thuật số đối với xuất cảng hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số của Trung Quốc. Ông nói rằng vấn đề thuế kỹ thuật số là “một vấn đề nhỏ” ở Trung Quốc vì hệ thống thuế quan hiện tại đã bao phủ luôn cả lĩnh vực kỹ thuật số rồi.
Nhà bình luận Alexander Liao nói với The Epoch Times rằng đối với chế độ này, việc duy trì hiện trạng hiện nay là một lợi thế. Ông tin rằng chế độ này sẽ chỉ đơn giản là chờ đợi và theo dõi tình hình trong thời gian ngắn hạn trong khi cộng đồng quốc tế tranh chấp về thuế kỹ thuật số.
Do Jennifer Bateman thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: