Cựu giáo sư luật Đại học Bắc Kinh: Các gia tộc Hồng nhị đại trù định lật đổ ông Tập Cận Bình
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), cựu giáo sư luật Đại học Bắc Kinh và là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng sống lưu vong ở Úc, nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi ông lên nắm quyền.
Ông Viên cho biết một sự đồng thuận chính trị đã được hình thành trong nhóm các thái tử Đảng, những người có kế hoạch lật đổ ông Tập Cận Bình và thành lập một đảng chính trị mới.
Thái tử đảng, còn được gọi là thế hệ hồng nhị đại này, là con cháu của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có quyền lực và có ảnh hưởng nhất, những người được xem là người sáng lập ra nước Trung Quốc cộng sản.
Ông Viên cho biết, lần này, dưới sự lãnh đạo của ông Lưu Nguyên (Liu Yuan), con trai của cựu chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi), một nhóm gồm rất nhiều thái tử đảng đang đưa ra những hành động cụ thể chống lại ông Tập.
Vị cựu giáo sư luật này cho biết ông đã có được thông tin chi tiết từ các mối quan hệ trong nội bộ Trung Quốc, những người mà ông nói là nằm trong giới lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ, điều mà ông đã tiết lộ trong bài bình luận gần đây có tựa đề “Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng của ĐCSTQ ảnh hưởng đến tình hình ở Đài Loan như thế nào.”
Theo ông Viên, nhóm thái tử đảng này đã đạt được sự đồng thuận như sau:
Thứ nhất, trong mười năm cầm quyền, ông Tập đã hoàn toàn từ bỏ và đi chệch khỏi con đường cải cách, mở cửa của ĐCSTQ, đồng thời quay trở lại tư tưởng chính trị và con đường kinh tế của Cách mạng Văn hóa. Kết quả là tất cả mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế, xã hội, cho đến ngoại giao đều chìm sâu trong khủng hoảng. Những cuộc khủng hoảng này đã trở nên nghiêm trọng đến mức làm lung lay sự thống trị của ĐCSTQ. Họ cho rằng, điều tệ nhất là ông Tập đang đẩy quốc gia vào một cơ cấu xã hội thời chiến để chuẩn bị cho xung đột với Đài Loan. Nếu không được kiểm soát, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh chưa từng có.
Thứ hai, họ cho rằng ông Tập đã cải tổ “chế độ tập trung dân chủ” của ĐCSTQ, tức là sự lãnh đạo tập thể và ra quyết định tập thể, thay vào đó ông ấy lại thực hiện chế độ độc tài mang tính cá nhân. Trong thập niên qua, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng suy thoái nhanh chóng và không thể nào vực dậy, người dân phải sống trong cảnh khốn cùng, nền tài chính của quốc gia đang trên bờ vực phá sản, sự bất bình của công chúng ngày càng gia tăng, và các quan chức đang ở trong một trạng thái tư tưởng rất mông lung. Một cuộc khủng hoảng xã hội toàn diện đang trên đà bùng nổ.
Về ngoại giao quốc tế, họ cho rằng ông Tập đã từ bỏ chiến lược “giấu mình chờ thời” của ông Đặng Tiểu Bình và trở nên kiêu ngạo một cách mù quáng. Chính quyền ông Tập Cận Bình đã áp dụng cái gọi là chính sách ngoại giao chiến lang, vốn đặt Trung Quốc vào một vị thế là kẻ thù chung của các quốc gia phát triển.
Thứ ba, xét đến những điều kể trên, để ngăn không cho ông Tập dẫn quốc gia vào con đường sai lầm chưa từng có, nhóm thái tử đảng này sẽ bắt tay vào việc khởi xướng một cuộc cải tổ chính trị dân chủ mang tính đột phá nhằm tước bỏ quyền thống trị vận mệnh Trung Quốc của ông Tập. ĐCSTQ sẽ được chuyển đổi thành Đảng Dân Chủ Xã Hội Trung Quốc, và hệ thống chính trị nghị viện xã hội chủ nghĩa dân chủ sẽ được thực hiện ở Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc sẽ từ bỏ chính sách đe dọa Đài Loan bằng vũ lực và cải thiện bang giao với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Âu Châu, Anh, Úc, và các quốc gia khác.
Ông Viên không tiết lộ nhóm thái tử đảng này đã cùng nhau đạt được sự đồng thuận trên vào thời điểm nào, nhưng ông cung cấp danh sách những người trong nhóm đó, ngoài ông Lưu Nguyên, còn có ông Đặng Phác Phương (Deng Pufang), con trai ông Đặng Tiểu Bình; ông Hồ Đức Bình (Hu Deping), con trai ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang); ông Trần Nguyên (Chen Yuan), con trai của ông Trần Vân (Chen Yun); bà Mã Hiểu Lực (Ma Xiaoli), con gái của ông Mã Văn Thụy (Ma Wenrui); và bà La Điểm Điểm (Luo Diandian), con gái của ông La Thụy Khanh (Luo Ruiqing).
Dường như gia đình của “Bát đại nguyên lão Đảng Cộng sản Trung Quốc” (gọi tắt là Bát lão Trung Cộng) đều tham gia vào kế hoạch này.
Ông Viên nói: “Đây là một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có đối với ông Tập Cận Bình kể từ khi ông ấy bước lên ngôi vị quyền lực cao nhất.”
Ngoài ra, con cháu của các cựu quân nhân ĐCSTQ như ông Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying), ông Hạ long (He Long), ông Nhiếp Vinh Trăn (Nie Rongzhen), ông Từ Hướng Tiền (Xu Xiangqian), ông Túc Dụ (Su Yu), ông Từ Hải Đông (Xu Haidong), và ông Vương Chấn (Wang Zhen), cũng như con của ông Bạc Nhất Ba (Bo Yibo) ngoại trừ ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai), cũng là những người đồng ký tên vào bảng đồng thuận này.
Một nguồn tin cũng tiết lộ rằng một nhóm tướng lĩnh quân đội, những người mà ông Tập xem là thân cận, cũng đã đồng ý với kiến nghị này. Điều này được chứng minh qua cuộc thanh trừng Lực lượng Hỏa tiễn và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) của ông Tập.
Ông Viên cho biết trong bài báo của mình rằng cách đây vài năm, ông bắt đầu mô tả ông Tập là “Phiên bản Nhỏ bé và Thiếu khôn ngoan của ông Mao Trạch Đông,” một thuật ngữ hiện đã trở nên phổ biến trong giới thái tử đảng và các quan chức ĐCSTQ.
Trong bài viết của mình, ông Viên nói rằng đối với nhiều thành viên chủ chốt trong giới thái tử đảng này, cha mẹ và anh chị em của họ đều là nạn nhân của cuộc thanh trừng chính trị tàn bạo của ông Mao Trạch Đông trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, và một số người thậm chí còn bị bức hại đến tử vong.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times