Cựu Giáo hoàng Benedict qua đời ở tuổi 95 tại Tu viện Vatican
THÀNH PHỐ VATICAN — Một phát ngôn viên của Tòa thành cho biết, cựu Giáo hoàng Benedict, người hồi năm 2013 đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên từ chức trong 600 năm, đã qua đời vào hôm thứ Bảy (31/12) ở tuổi 95 trong một tu viện hẻo lánh ở Vatican, nơi ông đã sống kể từ khi từ chức.
Vatican cho biết từ hôm thứ Hai (02/01), thi thể của ông sẽ được đặt tại Vương cung thánh đường St.Peter. Vatican có những nghi thức phức tạp tỉ mỉ cho những gì diễn ra sau khi một vị giáo hoàng đang trị vì qua đời nhưng không có nghi lễ nào được công chúng biết đến đối với một vị cựu giáo hoàng.
Phát ngôn viên Matteo Bruni cho biết trong một tuyên bố: “Tôi vô cùng thương tiếc báo tin với quý vị rằng Đức Giáo hoàng Danh dự, Benedict XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9 giờ 34 phút tại Tu viện Mater Ecclesiae ở Vatican.”
Trước đó trong tuần này, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần của mình, Giáo hoàng Francis đã tiết lộ rằng người tiền nhiệm của ông “đang lâm bệnh trọng” và đề nghị mọi người cầu nguyện cho ông.
Trong gần 25 năm, với tư cách là Hồng y Joseph Ratzinger, Đức Benedict XVI là người đứng đầu đầy quyền lực của văn phòng giáo lý Vatican, khi đó được gọi là Bộ Giáo lý Đức tin (CDF).
Ông đã được bầu chọn làm giáo hoàng vào ngày 19/04/2005, kế vị Giáo hoàng John Paul II, người đã trị vì 27 năm. Các hồng y đã lựa chọn ông trong số những người mà họ liên tục tìm kiếm và điều mà người ta gọi là “người có thể tin tưởng tuyệt đối.”
Vị giáo hoàng người Đức đầu tiên sau 1,000 năm này, chính Đức Benedict đã thừa nhận rằng ông là một nhà quản lý yếu kém khi cho biết ông đã thể hiện “sự thiếu kiên quyết trong việc quản lý và đưa ra quyết định,” trong suốt 8 năm đảm nhiệm chức giáo hoàng của mình, thời kỳ được đánh dấu bằng các hành động sai lầm và một vụ bê bối rò rỉ thông tin.
Các vụ bê bối lạm dụng trẻ em đã ám ảnh hầu hết thời kỳ ông tại vị nhưng ông được ghi nhận là người đã bắt đầu quá trình kỷ luật hoặc sa thải các linh mục phạm tội sau một thái độ kém cứng rắn hơn dưới thời người tiền nhiệm.
Sau khi ông từ chức, những người theo phái bảo tồn truyền thống trong Giáo hội xem vị cựu giáo hoàng này là người lãnh đạo của họ và một số người theo chủ nghĩa truyền thống cực đoan thậm chí đã từ chối thừa nhận Đức Francis là giáo hoàng hợp pháp.
Philip Pullella thực hiện
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times