Cuộc sống thường ngày trong Triều đại nhà Đường
Nếu quý vị đã từng thưởng thức Shen Yun, chắc hẳn quý vị đã từng được ghé thăm triều đại nhà Đường. Kéo dài từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, nhà Đường của Trung Hoa là triều đại hùng mạnh nhất Á Châu lúc bấy giờ. Giai đoạn này chứng kiến sự xuất hiện của những vị Hoàng đế vĩ đại nhất Trung Quốc, là thời kỳ đỉnh cao của thơ Trung Quốc, kiến lập một quốc gia thịnh vượng, hòa bình và có sức ảnh hưởng quốc tế mà không giai đoạn nào khác sánh được. Kinh đô Trường An của nhà Đường đã từng là thành phố lớn nhất và đa dạng văn hoá nhất trên thế giới.
Qua các mùa diễn, Shen Yun đã cho ra mắt nhiều tiết mục lấy cảm hứng từ triều đại nhà Đường, khắc họa từ người lính cảnh vệ bất khuất đến những cung nữ trong trang phục lụa lộng lẫy. Ngoài ra cũng có những tiết mục vũ kịch với cốt truyện thời nhà Đường, như những cuộc phiêu lưu trong Tây Du Ký và câu chuyện của Hoàng đế Đường Thái Tông và các hòa thượng Thiếu Lâm Tự.
Là những nghệ sĩ múa của Shen Yun, chúng tôi thường được hòa mình trong thời hoàng kim của triều đại nhà Đường. Có thể mỗi buổi sáng thức dậy trong tiếng chuông báo thức từ chiếc đồng hồ điện tử, điểm tâm bằng món yến mạch ngâm qua đêm với chuối, bơ hạnh nhân, và khởi động bằng những tấm thảm mút yoga, nhưng khi bước vào vai diễn, chúng tôi lập tức hòa mình vào tinh thần của thời cổ xưa.
Tuy nhiên, thực sự cuộc sống trong thời nhà Đường là như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.
Trang phục
Trang phục của người dân chủ yếu làm từ vải lanh. Họ mặc quần thụng, áo dài thắt đai lưng, và đi xăng-đan. Tầng lớp thượng lưu mặc lễ phục là áo dài bằng lụa tơ tằm có ống tay rộng rủ xuống. Trang phục yến tiệc của các quý bà quý cô là những chiếc váy dài thướt tha, với cạp cao và ống tay còn rộng hơn nữa, đôi khi đi kèm với khăn choàng lụa. (Có lẽ quý vị cũng từng thấy những bộ đồ này trên sân khấu của Shen Yun). Nam giới thuộc tầng lớp quyền quý cũng thường cưỡi ngựa và đi ủng làm bằng da hươu hoặc thổ cẩm, còn các tiểu thư lại ưa thích những đôi giày thêu tao nhã.
Tóc và Trang sức
Thời nhà Đường, cả đàn ông và phụ nữ đều để tóc dài. Đàn ông búi tóc thành một búi nhỏ trên đỉnh đầu. Tuy nhiên phụ nữ lại có nhiều kiểu tóc cầu kỳ để lựa chọn. Họ sử dụng kiểu tóc nhiều búi nhỏ, tết tóc, xếp chồng lên nhau, hoặc vấn tóc hình trôn ốc hay các lọn nhỏ, đồng thời sử dụng những chiếc trâm bắt mắt để cài tóc. Một số kiểu tóc mất nhiều tiếng đồng hồ để làm. (Điều này khiến việc các nghệ sĩ Shen Yun chỉ có 45 giây để thay trang phục và hóa thân thành một nhân vật thời nhà Đường dường như quá sức tưởng tượng, phải vậy không?)
Thời đó phụ nữ cũng có thói quen cạo và vẽ lại lông mày. Trong suốt ba thế kỷ, hàng chục kiểu lông mày đã xuất hiện rồi liên tục được thay thế – mỏng, dày, cong tròn, nhọn, lượn sóng, kẻ chỉ, ngang rộng.
Trang sức thời nhà Đường không nặng về những đồ đá quý lấp lánh như kim cương. Thay vào đó, ngọc trai và ngọc thạch rất thịnh hành. Ngọc thạch tượng trưng cho sự tinh khiết, chính trực, trí tuệ và lòng dũng cảm; và độ bền của nó tượng trưng cho sự bất tử. Ngọc trai được xem là sinh ra từ mặt trăng và được nuôi dưỡng bởi mặt trời, chứa đựng tinh túy của cả hai. Những chiếc lông óng ánh của chim bói cá nhỏ cũng là một món đồ trang sức quý giá được yêu thích; dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau, màu của nó giống màu ngọc lam hoặc ngọc bích.
Chiếc gương thời đó được làm từ những tấm đồng được đánh bóng. Sau một thời gian, những chiếc gương này bị mờ và cần phải mang tới thợ sửa chữa để mài lại bằng đá mài.
Thay vì dùng nước hoa và lăn khử mùi, thời đó con người dùng các túi thơm đeo theo người. Để hơi thở thơm tho, họ nhai trám tẩm mật ong (thay kẹo cao su) hoặc ăn đinh hương (thay bạc hà). Họ ngâm mình trong bồn tắm được tẩm hương bằng các trái cầu thơm làm bằng trầm hương, nhũ hương, gỗ đàn hương, long não và hoa cúc.
Nhà cửa
Cửa sổ trong thời nhà Đường có các lưới chấn song bằng gỗ được làm theo các mẫu hình đa dạng và được chạm khắc nổi. Một số loại song cửa còn được khảm bằng khoáng vật. Những ô cửa sổ có lưới chấn song này nhìn rất đẹp mắt và cũng rất cần thiết, do chúng còn có vai trò giữ các tấm che không phải bằng kính mà làm bằng giấy hoặc lụa. Những tấm che cửa sổ giấy đơn giản được tẩm dầu để giúp ánh sáng đi qua tốt hơn. Còn những tấm che cửa sổ bằng lụa sang trọng thường nhuộm màu, do đó ánh sáng xuyên qua tấm lụa sẽ nhuốm màu của miếng lụa.
Trong thời đầu của nhà Đường, người dân thường ngồi khoanh chân trên các bục ghế thấp không có tựa hay tay vịn, và thường dùng bàn thấp. Vào giữa thời nhà Đường, kiểu ghế tựa cao hơn du nhập từ phương Tây trở nên rất phổ biến, đồng thời còn có ghế con và ghế dài. Giường của nhà Đường có tán và trông giống như giường cột. Gối ngủ không làm bằng lông vũ mà được thiết kế cứng và có chỗ lõm để ôm quanh đầu. Những chiếc gối làm từ gỗ, sành sứ hay đá có tác dụng giữ những kiểu tóc mất nhiều giờ mới làm xong. Người dân thời nhà Đường cũng đốt nến tẩm hương trong phòng ngủ nhằm giúp giấc ngủ thư giãn hơn. Một số cây nến còn có vết khắc để báo thời gian.
Đời sống Đô thị và Thương mại
Trường An, kinh đô của Nhà Đường, giống như một thành phố New York của thời xưa. Nó từng là một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới, và là cửa ngõ phía Đông của Con đường Tơ lụa. Trường An có nhóm người ngoại quốc khá đông, và có nhịp sống khá nhộn nhịp đông vui. Những món đồ đặc sắc phải kể đến như những chú ngựa đến từ vùng Karashar (Yên Kỳ), đồ thuỷ tinh từ Byzantium (Thổ Nhĩ Kỳ), đồ bạc đến từ Ba Tư, thảm từ vùng bờ Biển Đỏ, hạt chàm và hạt dẻ cười từ vùng Samarkand (Uzbekistan), nhân sâm và hạt thông từ Hàn Quốc, rượu nho từ Ấn Độ và điệu múa xoay đến từ vùng Sogdia (Túc Đặc, Ba Tư cũ), và khi đó trang phục kiểu Trung Á (như mũ da báo) rất thịnh hành.
Trường An được quy hoạch giống như một bàn cờ với các đại lộ chính và 108 phố phường. Trong số rất nhiều hàng quán, cửa hàng và các khu chợ lớn bé, hai khu chợ nổi tiếng nhất là Chợ Đông và Chợ Tây. Theo ghi chép lịch sử, Chợ Tây có khoảng 40.000 quầy hàng với 200 loại mặt hàng kinh doanh.
Quý vị có thể tìm thấy hàng hoá sản xuất tại địa phương và các sản phẩm độc đáo từ ngoại quốc – hàng tạp hoá, gia cầm, dược phẩm, gia vị, vải vóc, đồ nữ trang, đồ kim khí, nhạc cụ, các loại cờ. Thời ấy cũng có các dịch vụ như nhà hàng, quán trọ, ngân hàng và bói toán. Quý vị thậm chí có thể thuê một chú lừa nếu thấy mệt vì đi bộ hoặc mang túi nặng.
Ngày nay trong Tiếng Trung, việc đi mua sắm vẫn được gọi là “mǎi dōngxi”, nghĩa đen là “mua Đông Tây”, được lấy theo tên của hai khu chợ của Trường An.
Nhà nước điều tiết vật giá và chất lượng hàng hóa, hàng giả sẽ có thể bị tịch thu. Thời kỳ đầu, quan chức cũng thực hiện nghiêm túc các lệnh giới nghiêm. Chợ mở vào buổi trưa và đóng cửa lúc gần tối. Các cổng thành đều được khóa vào buổi đêm. Ngay cả trong trường hợp khẩn cấp, dân thường phải được phép của lính tuần tra mới được ra ngoài.
Dần dần luật lệ được nới lỏng hơn, các chợ đêm huyên náo mọc lên như nấm trong các khu dân cư. Quý vị có thể mua bánh xèo từ các quầy bánh và các loại bánh ngọt lạ miệng từ các cửa hàng bánh, và có thể dừng chân ở các quán trà hay các cửa hàng ẩm thực Trung Á. Vì vậy các chợ đêm mà các nghệ sĩ Shen Yun rất thích ghé thăm khi tới Đài Loan, Nhật Bản, và Hàn Quốc – và quý vị có thể cũng đã xem những bức hình mà chúng tôi chụp xiên thịt nướng và những ly đá bào – thực ra chúng có xuất xứ từ thời nhà Đường của Trung Hoa!
Tiền tệ
Tiền tệ của thời nhà Đường gồm có vàng thỏi, bạc thỏi và tiền xu bằng đồng, các đồng xu có hình tròn và đục lỗ vuông ở giữa để có thể xâu lại với nhau bằng dây một cách thuận tiện. Vải lụa cũng được dùng như một loại tiền tệ. Thậm chí có một loại thuế mà người dân bắt buộc phải thanh toán bằng cây vải lụa.
Di chuyển
Trong thời nhà Đường, thương nhân di chuyển qua các mạng lưới buôn bán rộng lớn. Họ đi bằng đường biển tới Ấn Độ, Đông Nam Á, Ba Tư, Phi Châu và đến tận Âu Châu dọc theo Con đường Tơ lụa. Một chuyến đi khứ hồi tới Rome mất hai năm.
Khi cần qua cổng thành, do chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ nên quý vị phải có giấy thông hành mới được đi qua. Vì mục đích an ninh nên áo giáp, cung tên, sách quân sự và thậm chí cả bản đồ thiên văn và dụng cụ thiên văn đều bị cấm.
Đền chùa
Phật giáo rất hưng thịnh trong suốt triều đại nhà Đường và trở thành tôn giáo chính. Thời đó, các chùa và tu viện Phật giáo không chỉ là nơi để cầu nguyện mà trong toàn vương quốc nó còn được sử dụng làm trường học, nhà trọ, và nơi tổ chức các sự kiện xã hội. Một số tu viện và chùa cung cấp dịch vụ y tế. Một số có cả dịch vụ xay xát lúa và ngũ cốc. Một số nơi có hộp lưu trữ để giúp người dân lưu giữ đồ có giá trị.
Trò chơi
Ngày nay, bóng đá là một thể thao được ưa chuộng nhất trên toàn thế giới. Ngược dòng thời gian ở thời nhà Đường, con người thích bắn cung, đi săn, chơi mã cầu (polo), nhưng phổ biến nhất là Thúc cúc (cuju). Mọi tầng lớp đều chơi cuju. Và quý vị biết không, nó thực ra chính là một dạng bóng đá cổ điển! Trước thời nhà Đường, bóng cuju làm bằng da nhồi lông vũ. Trong thời nhà Đường, họ đã sáng tạo ra loại bóng cải tiến bơm khí ở bên trong.
Còn mã cầu (polo) lại có xuất xứ từ Ba Tư. Đó là trò chơi được ưa chuộng trong giới quý tộc. Thậm chí nhiều vị Hoàng đế cũng rất yêu thích môn thể thao này.
Đồ uống
Ngày nay, trên các giá hàng siêu thị đều tràn ngập nước suối, nước khoáng, nước điện giải, nước có ga, nước lọc tự nhiên v.v. Người dân thời nhà Đường cũng rất chú trọng đến nước uống. Sách y học thời Đường phân biệt nhiều loại nước uống, ví dụ nước sương thu có tác dụng cải thiện da mặt, nước sương tuyết tan có thể giải nhiệt nội tạng, nước lọc qua đá quý (ngọc thạch hoặc thạch nhũ đá vôi) kéo dài tuổi thọ. Họ không uống nước tuyết tan vào mùa xuân, nếu không muốn bị ốm.
Người thời nhà Đường đun, lọc và làm khô các loại trái cây như táo Tàu, táo mèo hoặc mơ để tạo thành những loại hỗn hợp bột trái cây. Họ cũng chưng cất rượu, chủ yếu từ gạo nhưng cũng có thể làm rượu từ các loại trái cây như nho và lê.
Tuy nhiên, trà vẫn là đồ uống đặc trưng của quốc gia, đặc biệt là sau khi “Trà Kinh”, cuốn chuyên khảo đầu về trà, được viết vào thế kỷ thứ 8. Cuốn sách mô tả nguồn gốc và lịch sử của trà, các phương pháp và công cụ được sử dụng để trồng, pha trà và uống trà, cũng như các bài thơ, tập quán liên quan đến trà, công thức pha trà và nhiều hơn nữa.
Thời đại Hoàng kim triều Đường
Triều đại nhà Đường cai trị Trung Hoa trong 300 năm từ năm 618 đến năm 907. Lãnh thổ rộng hơn bốn triệu dặm vuông, trải dài từ Lòng chảo Tarim, Tân Cương tới bán đảo Triều Tiên, và từ vùng cao nguyên phía Nam Mông cổ tới Việt Nam. Xã hội và văn hóa thời nhà Đường vô cùng phong phú.
Vì thế, để có được bức tranh trọn vẹn về đời sống thời nhà Đường thì cần rất nhiều thời gian. Chúng tôi thậm chí còn chưa đề cập đến Đường thi, nghệ thuật biểu diễn, giáo dục, đời sống gia đình và ẩm thực. Thời đó họ tổ chức sinh nhật thế nào, và những ngày lễ hội đường phố nữa?
Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng bài viết này đã mang đến cho quý vị một chút hương vị của cuộc sống thời bấy giờ. Và có thể khi quý vị xem buổi diễn Shen Yun tiếp theo, sẽ có nhiều hiểu biết hơn để thưởng thức trọn vẹn các tiết mục về thời nhà Đường.
Đôi khi, trong thế kỷ 21 với các loại công nghệ trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, quý vị muốn được thoát khỏi để trở về thời xa xưa vốn đơn thuần hơn. Vậy nên, nếu quý vị muốn có một cuộc du ngoạn nhỏ về thế giới cổ xưa, hãy mô phỏng một chút cuộc sống thời nhà Đường – pha một ấm trà và từ từ nhấm nháp – đừng làm nhiều việc cùng một lúc, hoặc đá một trái bóng trong góc sân, hay đến thăm một khu chợ ngoài trời thay vì mua hàng qua mạng. Hãy tự hào vì quý vị đang bước ra khỏi cuộc sống thường nhật và làm quen lại với cuộc sống thật, giống như cuộc sống của thời đại Hoàng kim.