Cuộc kỳ ngộ của tú tài: Rồng gỗ hóa rồng thật, dự ngôn của Thần tăng ứng nghiệm
Vào thời nhà Minh, tú tài họ La từ huyện Bồ Thành, tỉnh Thiểm Tây nhờ tiếp đãi một vị tăng nhân mà đã có một cuộc kỳ ngộ. Tú tài được tăng nhân cho chứng kiến “tờ giấy tròn hóa Mặt trăng, rồng gỗ hóa rồng thật”. Khi hai người từ biệt nhau, tăng nhân đã tặng tú tài một món quà nhỏ, đồng thời đưa ra lời dự ngôn rằng “ân bang thập ngũ, quỷ tỉnh kỳ tẩm”. Câu văn khó hiểu này nói lên điều gì?
Ở huyện Bồ Thành thuộc Vị Nam, Thiểm Tây, có một vị tú tài họ La gia cảnh bần cùng, chỉ dựa vào dạy học để kiếm sống.
Một ngày nọ trong lúc rảnh rỗi, La tú tài ra ngoài đi dạo thì nhìn thấy một vị tăng nhân có tướng mạo kỳ lạ. Anh bèn chắp tay thi lễ với tăng nhân rồi hỏi: “Lão sư phụ từ đâu đến vậy?”. Nhưng tăng nhân chỉ cười mà không trả lời. La tú tài bèn mời vị tăng nhân đến thư quán và tiếp đãi ông một bữa cơm. Trước khi cáo biệt, tăng nhân nói: “Ngày mai cậu hãy đến miếu thờ Đông Nhạc đợi ta, ta sẽ bày tiệc để cảm ơn cậu”.
Ngày hôm sau, La tú tài đến miếu thờ Đông Nhạc như đã hẹn, đợi rất lâu mới thấy tăng nhân đến. Tuy nhiên, trong miếu không có vật gì thì làm sao tăng nhân có thể bày tiệc khoản đãi được? Lúc đó trời đã chạng vạng tối, tăng nhân lấy trong tay áo ra một tờ giấy có hình tròn rồi thổi nó lên xà nhà. Tờ giấy hình tròn bỗng chốc hóa thành một vầng trăng sáng. Trong khoảnh khắc, ánh trăng rọi xuống khắp nơi, miếu thờ cũng được chiếu sáng rực rỡ.
Tăng nhân lại chỉ tay vào bức tường phía đông của ngôi miếu và vẽ ra một cánh cửa đôi, cánh cửa bỗng nhiên tự động mở ra. Sau đó, có vài người hầu để râu dài bước ra từ trong cửa, họ sắp xếp chỗ ngồi bằng vải bố, đặt một bức bình phong bằng gấm và rải ra hai tấm nệm cẩm tú. Chỉ trong chốc lát, yến tiệc đã được bày xong.
Khi tăng nhân và La tú tài đang vui vẻ dùng tiệc, tăng nhân nói: “Yên tĩnh như vậy, làm cho có thể khiến tân khách vui vẻ được? Cho những người biết ca múa hát đi vào thôi”. Một lúc sau, có mười sáu mỹ nữ xinh đẹp từ phía sau cửa đi ra, nhẹ nhàng nhảy múa trong âm nhạc thánh thót.
La tú tài là một thư sinh nghèo, nhìn thấy cảnh tượng kỳ diệu trước mặt thì cảm thấy vô cùng choáng ngợp, trong tâm lại thấy sợ hãi, vội vàng xin phép rời đi. Tăng nhân phất tay áo, tất cả cảnh tượng đột nhiên biến mất, chỉ còn lại vầng trăng sáng. Khi họ bước ra ngoài miếu, vầng trăng cũng di chuyển theo ra bên ngoài.
Lúc này, La tú tài mới biết vị tăng nhân là thế ngoại cao nhân, bèn bái tạ và khẩn cầu sau này được theo tăng nhân đi vân du tứ hải. Tăng nhân nói: “Cậu có tướng nghèo, lại không có cốt tiên, việc này khó quá”. La tú tài liên tục cầu xin, tăng nhân bèn lấy từ trong tay áo ra một con rồng nhỏ bằng gỗ và bảo La tú tài cưỡi lên.
Trong khoảnh khắc, con rồng gỗ lắc lư bay lên rồi biến dài thành mấy trượng, trong nháy mắt đã bay vút lên cao lao qua núi rừng biển cả, bên dưới sóng lớn đập dữ dội, âm thanh cuồn cuộn không dứt. La tú tài cảm thấy sợ hãi, suýt chút nữa thì ngã khỏi lưng rồng. Không ngờ lúc này, tăng nhân đã đứng ở phía trước và hét lớn: “Có thể xuống rồi”. Sau khi La tú tài xuống thì phát hiện mình đang ở trong một túp lều tranh trên một hòn đảo. Tăng nhân bảo tú tài nghỉ ngơi một lúc, rồi lấy trà đưa cho anh uống.
Đột nhiên, bên ngoài túp lều xuất hiện một con hổ trắng to lớn, há miệng lao về phía tú tài. Tăng nhân hét to đuổi bạch hổ đi. La tú tài vô cùng sợ hãi, khóc lóc van xin được quay trở lại. Tăng nhân nói, “Ta biết mà, cậu không thể đi vân du với ta được. Tuy nhiên, cậu từng tiếp đãi ta, ta cũng có một chút lễ mọn tặng cho cậu, coi như báo đáp bữa cơm đó”.
Tăng nhân đổ từ trong lọ ra một viên thuốc nhỏ như hạt đậu, lại bẻ vài tấc trúc tặng cho tú tài và nói rằng: “Sau khi cậu quay về, lúc nào đến ‘ân bang thập ngũ, quỷ tỉnh kỳ tẩm’, cậu hãy dùng những cái này để thoát khỏi cảnh túng quẫn”.
La tú tài nhận lấy lễ vật, sau khi ngủ một giấc trong túp lều, vừa mở mắt ra đã thấy mình đang ở ngoài cổng miếu thờ. Trời vừa rạng sáng, La tú tài thẫn thờ trở lại thư quán, bỏ cành trúc và viên thuốc vào một chiếc hộp nhỏ.
Ba năm sau, ở Vị Nam, Thiểm Tây xảy ra một trận hạn hán, cuộc sống của La tú tài càng trở nên bần cùng hơn. Lúc này, anh nhớ đến món quà của vị tăng nhân và lấy viên thuốc ra, nhưng không biết sử dụng như thế nào.
Một hôm, La tú tài vô tình cọ viên thuốc vào cái vòng treo đóng trên cửa. Viên thuốc lập tức tan ra, hơn nữa còn phát ra tia lửa, chiếc vòng treo nháy mắt biến thành vàng, nặng khoảng hơn hai lượng. Anh lại lấy cành trúc mỏng vẽ một vòng tròn trên mặt đất, tức thì được ngay một chiếc bánh nướng. Khi La tứ tài ăn được ba cái, vẽ tiếp thì không còn khởi tác dụng nữa. Sau đó, ngày nào anh cũng làm như vậy. Được sự trợ giúp của tăng nhân, La tú tài đã thoát khỏi cảnh nghèo đói trong năm hạn hán. Đến năm thứ ba khi ngũ cốc được mùa, thì cành trúc cũng biến mất.
Vậy lời dự ngôn “ân bang thập ngũ, quỷ tỉnh kỳ tẩm” của vị tăng nhân là có ý gì? Nữu Tú, một viên quan của nhà Thanh đã ghi lại sự việc này, nói rằng: “ân bang” là chỉ Gia Tĩnh; “thập ngũ” tức là hai năm (Gia Tĩnh) thứ 7, thứ 8; “quỷ tỉnh” là biên giới của nước Tần.
Từ “ân bang” có nguồn gốc từ cuốn “Thượng thư – Vô dật”, nguyên văn viết: “(Cao Tông) bất cản hoang trữ, gia tĩnh ân bang. Chí vu tiểu đại, vô thời hoặc oán”. Nghĩa là, vị vua tài đức vẹn toàn của nhà Thương là Cao Tông Vũ Đinh siêng năng quản lý đất nước, hành thiện nhân chính, các quan đại thần và dân chúng trong triều không ai phàn nàn gì về ông. “Gia tĩnh ân bang”, gia là thiện, tĩnh là mưu lược quốc sách, câu này là chỉ những chính sách lớn nhỏ do Cao Tông thực hiện, dùng lễ nhạc giáo hóa dân chúng, thiên hạ an cư lạc nghiệp, bách tính ấm no hạnh phúc. Tăng nhân lấy “ân bang” để ẩn dụ cho Gia Tĩnh.
Hai sao “quỷ” và “tỉnh” thuộc chòm sao Chu Tước ở phía nam. Theo “Hán Thư – Địa lý chí”, “quỷ tỉnh” chủ yếu đối ứng với biên giới của nước Tần, tương đương với dải Thiểm Tây và Cam Túc, và cũng bao gồm phần lớn Tứ Xuyên. “Tẩm” là âm dương bất hòa dẫn đến tai họa.
Trong “Minh Sử” cuốn 30 ghi rằng: “(Gia Tĩnh) năm thứ 7, Bắc Kỳ, Hồ Quảng, Hà Nam, Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây hạn hán nghiêm trọng”. Các ghi chép trong lịch sử cũng cho thấy rằng một trận hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra ở Thiểm Tây. Vào năm Gia Tĩnh thứ 7, Minh Thế Tông đã tổ chức lễ tế trời để xin giải họa.
“Ân bang thập ngũ, quỷ tỉnh kỳ tẩm” có nghĩa là: Trong hai năm Gia Tĩnh thứ 7 hoặc thứ 8, ở dải Thiểm Tây sẽ có tai họa. Vị tăng nhân đã tiên đoán được trận thiên tai mà La tú tài sẽ phải hứng chịu.
(Nguồn tư liệu: “Cô thặng – Tần cô”, quyển 6)