Cuộc điều tra tiết lộ ‘sự luân chuyển’ nhân viên giữa DOJ và Big Tech
Báo cáo theo sau vụ kiện của các Tổng chưởng lý tiểu bang cáo buộc sự thông đồng bất hợp pháp giữa chính phủ và công ty công nghệ
Trong khi một vụ kiện đang diễn ra chống lại chính phủ Tổng thống (TT) Biden cáo buộc về sự hợp tác với các công ty truyền thông xã hội để kiểm duyệt người Mỹ, thì một báo cáo mới đã nêu chi tiết mức độ mà các cựu nhân viên của Bộ Tư pháp (DOJ) hiện đang làm việc tại các công ty “Đại Công nghệ” (Big Tech).
Tổ chức Trách nhiệm Giải trình Mỹ (AAF) đã điều tra lý lịch của những người được tuyển dụng mới đây và phát hiện ra rằng hơn 360 nhân viên hiện tại của các công ty Google, Amazon, Microsoft, Apple, và Facebook/Meta là các cựu nhân viên của DOJ. Tương tự như vậy, hơn 40 nhân viên DOJ, nhiều người trong số họ giữ vai trò cao cấp, trước đây đã làm việc tại các công ty Đại Công nghệ.
Theo báo cáo này, kể từ khi TT Joe Biden nhậm chức, Google đã tuyển dụng 40 người, Amazon tuyển dụng 61 người, Microsoft tuyển 26 người, và Meta tuyển dụng 53 người, đều là cựu nhân viên DOJ.
Ông Yitz Friedman, giám đốc truyền thông của AAF, nói với The Epoch Times rằng, mặc dù nhân sự thường xuyên luân chuyển giữa chính phủ và khu vực tư nhân, nhưng “trường hợp này là khác bởi vì không giống như chính phủ và ngành luân chuyển chuyên môn qua lại (chẳng hạn như kiến thức về các quy tắc mua sắm), những gì chúng tôi đã chứng kiến sự luân chuyển qua lại giữa DOJ và lĩnh vực công nghệ là một nghị trình chính trị chung, đặc biệt là để bịt miệng những tiếng nói của phái bảo tồn truyền thống.”
“Đáng buồn thay, đó là bằng chứng cho thấy trong cộng đồng Big Tech, chính sách của công ty là chính sách của chính phủ.”
Mối lo ngại này càng tăng cao bởi bằng chứng mới đây về sự hợp tác giữa DOJ và Twitter để bịt miệng những người Mỹ, đặc biệt là liên quan đến các phát ngôn về chính trị.
Sau khi mua nền tảng truyền thông xã hội Twitter, ông Elon Musk đã công bố hàng ngàn thư điện tử nội bộ được cho là thể hiện sự thông đồng giữa Twitter và các quan chức DOJ để kiểm duyệt ngôn luận, trong đó có việc cấm một bài báo của New York Post trước cuộc bầu cử năm 2020 vốn được cho là đã buộc tội ứng cử viên đương thời Joe Biden trong các vụ bê bối về các khoản thanh toán bất hợp pháp.
‘Chiến dịch đe dọa công khai’
Việc công bố “Hồ sơ Twitter” sau một vụ kiện của Tổng chưởng lý tiểu bang Louisiana Jeff Landry và cựu Tổng chưởng lý tiểu bang Missouri Eric Schmitt vốn cáo buộc sự thông đồng bất hợp pháp giữa chính phủ TT Biden và các công ty Big Tech nhằm ngăn chặn quyền tự do ngôn luận.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11/2022 với The Epoch Times, ông Landry tuyên bố rằng, dựa vào Tu chính án thứ Nhất, “chính phủ không có khả năng kiểm duyệt ngôn luận, đặc biệt là ngôn luận chính trị. Và vì vậy chính phủ không thể xuất hiện và buộc các công ty này [làm điều đó].”
Các nguyên đơn trong vụ án này đã đệ trình một tài liệu “tìm kiếm sự thật” dài 364 trang cho thấy một “chiến dịch đe dọa công khai đối với các nền tảng mạng xã hội nhằm gây áp lực buộc các nền tảng này phải kiểm duyệt nhiều ngôn luận hơn trên mạng xã hội.” Tài liệu này sẽ được thảo luận trong một phiên điều trần trước quốc hội vào ngày 30/03 về “Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang.”
“[DOJ] đang làm tất cả những gì có thể để giành giật và chiến đấu nhằm ngăn chúng tôi nhận được bất kỳ thông tin nào trong số những thông tin này … Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Tổng chưởng lý tuyên bố rằng có một số đặc quyền đối với thông tin mà chúng tôi đang tìm kiếm,” ông Landry cho biết. “Tôi muốn nhắc Tổng chưởng lý Hoa Kỳ rằng không có đặc quyền nào đối với việc vi phạm các quyền Tu chính án thứ Nhất của người Mỹ.”
Một thành phần quan trọng của vụ kiện này là điều được gọi là “luật của cơ quan chính phủ,” vốn quy định rằng chính phủ liên bang có thể chịu trách nhiệm về các hành động của các công ty tư nhân nếu chính phủ khuyến khích hoặc cưỡng bách các công ty này vi phạm pháp luật. Ông Landry hy vọng rằng vụ án này cuối cùng sẽ được Tối cao Pháp viện quyết định và sẽ tạo một tiền lệ mang tính bước ngoặt đối với sự thông đồng giữa chính phủ và các tập đoàn.
Thể hiện ý định nhằm hạn chế các công ty Big Tech độc quyền và quyền lực của chính phủ đối với các công ty này, hôm 24/01, DOJ đã công bố một vụ kiện chống lại Google vì lạm dụng độc quyền liên quan đến quảng cáo.
Khi công bố vụ kiện này, Tổng chưởng lý Merrick Garland tuyên bố, “Đơn kiện hôm nay cáo buộc rằng Google đã từng sử dụng hành vi bất hợp pháp, loại trừ, và phản cạnh tranh để loại bỏ hoặc giảm thiểu nghiêm trọng bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự thống trị của họ về các công nghệ quảng cáo kỹ thuật số.”
Tuy nhiên, điều này mang lại chút an ủi cho những ai lo ngại về sự thông đồng giữa chính phủ và công ty công nghệ, đặc biệt là khi nói đến việc bịt miệng các đối thủ chính trị.
Chủ tịch AAF Tom Jones cho biết: “Khi Big Tech tiếp tục nhắm mục tiêu vào những người thuộc phái bảo tồn truyền thống, thì sự luân chuyển nhân sự giữa Bộ Tư pháp và Big Tech này đặt ra câu hỏi về việc chính phủ Tổng thống Biden có sẵn sàng chấm dứt những hành vi lạm dụng này thay vì cộng tác với công nghệ lớn hay không.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times