Thỉnh nguyện trước Nghị viện Âu Châu: ‘Cuộc diệt chủng lạnh’ cần phải được ngăn chặn trước khi quá trễ
BRUSSELS, Bỉ — Cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm vào những người tu tập môn khí công Pháp Luân Công dù đã bị phơi bày từ hàng chục năm trước, nhưng từ đó đến nay, không có thêm áp lực thực sự mạnh mẽ nào từ cộng đồng quốc tế. Vì thế những kẻ thủ ác vẫn tiếp tục kéo dài các nỗ lực bức hại, mở rộng từ Trung Quốc ra hải ngoại. Mỗi từng ngày từng ngày trong 24 năm qua, nhiều người bị bắt cóc bỏ tù, cưỡng đoạt nội tạng, …
Cuộc thỉnh nguyện bền bỉ
Hôm 27/06/2023, các học viên Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) đã tổ chức một sự kiện phản bức hại tại bùng binh và khu vực phía trước Nghị viện Âu Châu ở Brussels, Bỉ. Đây là một trong hàng loạt các hoạt động của họ tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm lên tiếng thay cho những nạn nhân đã nằm xuống, và nhằm ngăn chặn nguy cơ một cuộc bức hại lan ra quy mô toàn cầu, trong bối cảnh ĐCSTQ đang nỗ lực trở thành bá chủ thế giới.
Nghị viện Âu Châu, có trụ sở tại Brussels và 750 nghị viên, là một trong những cơ quan quyền lực nhất thế giới, đại diện cho khối Liên minh Âu Châu gồm 27 quốc gia. Trụ sở của cơ quan này là nơi làm việc của rất nhiều ký giả, nhà ngoại giao, và các chính trị gia quan trọng. Vì vậy, việc các nhóm được phép tổ chức sự kiện xung quanh khu vực này là điều hiếm khi xảy ra.
Các học viên Pháp Luân Công từ nhiều quốc gia Âu Châu đã dựng quầy thông tin ở Place du Luxembourg, một quảng trường ở Khu phố Âu Châu của Brussels, để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đang diễn ra tại Trung Quốc kể từ năm 1999 tới nay. Đồng thời các học viên cũng thu thập chữ ký cho bản kiến nghị chấm dứt thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các học viên tại Trung Quốc, một hoạt động do chính quyền cộng sản hậu thuẫn và tiến hành thông qua hệ thống công an, bệnh viện trực thuộc nhà nước.
Nghị viên Âu Châu đến từ Đức: ‘Đã đến lúc cần có giải pháp’
Ông Lars Patrick Berg, Nghị viên của Nghị viện Âu Châu (MEP), đã đến cuộc tập hợp để bày tỏ sự quan tâm tới các học viên bị bức hại. “Tôi thấy khá khó chịu khi các học viên Pháp Luân Công bị bức hại, và thậm chí bị bỏ tù. Tôi nghĩ đây là một vấn đề cần được thảo luận trên bình diện chung giữa Liên minh Âu Châu, Nghị viện Âu Châu, và các đại diện của Trung Quốc,” ông nói.
“Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi rất quan trọng nhưng cũng rất khó giải quyết,” ông cho biết khi được hỏi về cuộc bức hại đã diễn ra trong 24 năm. “Đã đến lúc cần có kết luận và giải pháp vì cuộc bức hại đã diễn ra quá lâu. Điều đó không tốt cho mối quan hệ chung giữa Trung Quốc và Liên minh Âu Châu.”
Sau đó, ông đã trò chuyện với bà Lưu Ngọc Mai (Liu Yumei), một học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc. Bà Lưu Ngọc Mai đã kể về việc bà đã phải chịu đựng như thế nào khi bị cầm tù. Bởi vì bà đã tuyệt thực phản đối việc giam giữ bất hợp pháp, lính canh đã xích tay chân và cổ của bà xuống đất trong nhiều ngày và bức thực bà đến mức cận kề cửa tử. Bốn thành viên trong gia đình bà đã thiệt mạng vì bị bức hại. Sau khi nghe về điều này, vị nghị viên đã bày tỏ sự cảm thông và chụp chung một bức ảnh với các học viên.
Nhiều người dân và nhân viên nghị viện khác cũng đã tới tìm hiểu thông tin và ký vào các bản kiến nghị chấm dứt thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
‘Đây là một cuộc diệt chủng lạnh’
Tại quầy thông tin, ông Nico Bijnens đến từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Bỉ đã có bài diễn văn về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Ông cho biết, hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được phơi bày từ năm 2006. “Nhưng từ đó đến nay, không có áp lực mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế khiến cho Trung Quốc được hưởng lợi khi đóng vai trò là một quốc gia tự do và dân chủ. Đây là một cuộc diệt chủng lạnh đối với Pháp Luân Công.”
Tuy nhiên, thông tin về cuộc bức hại này lại ít khi xuất hiện trên truyền thông. Các cơ quan, tổ chức nhân quyền, và truyền thông … trên thế giới đã không sẵn sàng lên tiếng chống lại cuộc bức hại và thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Điều này khiến cho các học viên tự mình đưa sự thật tới cho người dân. “Từng ngày từng ngày trong 24 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã mạo hiểm sinh mạng của mình để phơi bày tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ tại Hoa lục cũng như ở hải ngoại. Họ chưa từng có mục đích nào đó trong chính trị và chỉ muốn tự do thực hành các nguyên lý chân, thiện, nhẫn.”
Các học viên cũng trình diễn năm bài công pháp của môn tu luyện thiền định ở bùng binh và khu vực phía trước Nghị viện. Những bài công pháp với động tác nhẹ nhàng, đơn giản và ba nguyên lý chân, thiện, nhẫn là nền tảng cốt lõi của môn tu luyện Phật gia này.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, từ năm 1999, vì đố kỵ với số lượng người tham gia tu tập, ước tính từ 70 triệu đến 100 triệu người, nên cố chủ tịch nước Giang Trạch Dân đã ra lệnh cấm. Các học viên bị bắt cóc phi pháp, bị tra tấn, đưa vào các lớp học tẩy não, và nhiều người trở thành nguồn cung cấp nội tạng sống cho hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của nhà cầm quyền.
Nhân chứng bức hại: ‘Họ cố ý bức hại người tốt’
Bà Dương Kim Hoa (Jinhua Yang), 51 tuổi, kể lại trải nghiệm bị tra tấn vì không từ bỏ đức tin của mình khi ở Trung Quốc. Bà bị bắt giữ phi pháp vào năm 1999, khi các chiến dịch đàn áp học viên tại Trung Quốc bắt đầu. Bà bị đánh đập tàn nhẫn khi giải thích cho người dân rằng Đại Pháp là chính Pháp chứ không như tuyên truyền. Bà đã trải qua hàng chục hình thức tra tấn trong thời gian bị giam cầm.
Điều đáng sợ hơn cả là trong thời gian bà bị giam giữ vào năm 2004, họ đã đưa bà đến một nơi bí mật và lấy rất nhiều máu của bà mà không cho biết lý do. Sau này bà Kim Hoa mới tìm hiểu và biết được sự thật rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị chính quyền cộng sản xem như là “ngân hàng nội tạng” sống di động, sẵn sàng dùng đến ngay khi có nhu cầu ghép tạng.
May mắn thay, bà đã thoát ra được và di cư sang châu Âu, nơi bà có cơ hội để nói với người dân về sự thật của Pháp Luân Công, về mức độ tàn ác của chính quyền cộng sản để mọi người nhận thức được.
Chia sẻ với Epoch Times Tiếng Việt về lý do bà có mặt tại đây để kể về câu chuyện của mình, bà Kim Hoa nói: “Tôi đã học Pháp Luân Đại Pháp, sau khi học tôi cảm thấy mình muốn làm một người tốt chiểu theo nguyên lý ‘Chân Thiện Nhẫn.’”
“Tôi cảm thấy Pháp này thật sự là quá tốt, quá tuyệt vời. Chính là đối với gia đình, công việc, xã hội, ở đâu cũng đều là tốt với người khác. Mà cuối năm 1998 tôi mới học, đến tháng 07/1999 thì đàn áp rồi, không cho học nữa,” bà tâm sự. “Tôi liền cảm thấy việc này không đúng, Pháp tốt thế này tại sao không cho học? Nên tôi cho rằng chính quyền làm sai rồi, cảm thấy rằng mình phải đi đến đó, muốn đến nói vài câu với chính quyền, rằng đừng có làm như vậy nữa, để chúng tôi làm người tốt còn không được sao?”
Bà tiếp tục cho biết, “Thế nhưng, việc mà chúng tôi muốn đến để nói ra ấy, không phải là chính quyền không biết, họ đã biết rõ Pháp Luân Công là dạy mọi người làm người tốt, họ chỉ là không muốn để chúng tôi trở thành người tốt. Cho nên tôi liền hiểu là họ cố ý, họ chính là cố ý muốn bức hại người tốt.”
Khi bà Kim Hoa hiểu rõ được điểm này, và sau khi phải chịu sự bức hại tà ác, bà đã hiểu được sự nhẫn tâm đáng sợ của ĐCSTQ và quyết tâm đào thoát khỏi Hoa lục để nói rõ sự thật cho người dân thế giới. Bà đã trải qua những khó khăn mà người bình thường không thể tưởng tượng nổi: “Tôi bị công an bắt đi tổng cộng mười hai lần, bị giam giữ bất hợp pháp ở nhiều nơi, năm lần bởi Trung tâm giam giữ thành phố Lai Tây ở Thanh Đảo, ba lần trong trại tạm giam thành phố Lai Tây, hai lần trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ tỉnh Sơn Đông, trong vòng năm năm. Có lần tôi còn bị chủ lao động giam giữ trái phép ba tháng trong phòng để đồ dưới tầng hầm tại nơi làm việc.”
“Trong thời gian bị giam giữ tôi đã trải qua nhiều hình thức tra tấn và lao động cưỡng bức. Tôi đã ba lần bất tỉnh vì chích điện. Công an cũng đã ba lần lục soát nhà và tịch thu tài sản cá nhân của tôi một cách phi pháp. Điện thoại của tôi thì bị theo dõi. Tôi bị bức ép phải sống xa nhà hơn bảy năm. Trong thời gian lưu lạc, tôi và gia đình đã phải chịu bao tủi nhục, tổn thất nặng nề về kinh tế, vật chất và tinh thần.”
Khi phiên dịch và đọc câu chuyện của bà Kim Hoa bằng tiếng Pháp cho người dân nghe, bà Marie-France Guinot đã không khỏi chạnh lòng trước những khổ nạn mà bà Kim Hoa đã trải qua. Quý bà người Pháp này đã nhanh chóng làm bạn và chụp chung một bức hình lưu niệm với vị học viên từng trải qua cuộc bức hại này.
Chia sẻ với Epoch Times Tiếng Việt, bà Kim Hoa cho biết bản thân bà chỉ là một người phụ nữ nông thôn bình thường, trải qua ghế nhà trường không quá hai năm. Bà không biết nhiều mặt chữ, không biết ngoại ngữ, và cũng chưa bao giờ rời khỏi quê nhà mình quá xa. Thế nhưng cuộc bức hại đã khiến bà không thể không học cách đi xe buýt, đi xe lửa, và còn phải học cách đi phi cơ, thì mới có thể thoát ra ngoài để nói lên sự thật cho người dân thế giới.
Một sinh viên ngành luật, anh Đinh Nhạc Bân (Lebin Ding), ở thành phố Berlin, Cộng hoà Liên bang Đức cũng tham gia buổi thỉnh nguyện. Cha mẹ anh bị cảnh sát mặc thường phục theo dõi và bắt giữ phi pháp từ nhà của hai ông bà vào ngày 12/05/2023 ở thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Nhiều cá nhân cũng như các tổ chức nhân quyền đã gửi thư và thiệp giải cứu tới trại giam thành phố Nhật Chiếu để đề nghị trả tự do cho cha mẹ anh Nhạc Bân. Dưới áp lực quốc tế, mẹ anh, bà Mã Thuỵ Mai (Ruimei Ma), đã được trả tự do vài ngày sau đó nhưng ông Đinh Nguyên Đức (Yuande Ding) hiện vẫn đang bị giam giữ phi pháp.
Quý vị có thể lan tỏa thông tin giúp đỡ anh Nhạc Bân giải cứu cha mẹ mình tại đây: Free My Parents – Free2Meditate.
Bản tin có sự đóng góp của phóng viên Minh Huệ Rong Fa
Do Việt Phương, Phượng Hoàng thực hiện