Cuộc đảo chính ở Trung Quốc: Đại sụp đổ của Bắc Kinh
Tập Cận Bình là một bạo chúa thời hiện đại. Một số nhà lãnh đạo thế giới không mong mỏi gì hơn là nhìn thấy vị lãnh đạo Trung Cộng này bị bãi nhiệm. Để điều đó xảy ra, một cuộc đảo chính là cần thiết.
Theo ông Roger Garside, người từng nhiều năm làm việc trong vai trò một ngoại giao ở Trung Quốc, thì thời của chế độ độc tài độc đảng này có thể sắp kết thúc. Trong cuốn sách mới nhất của mình, “China Coup: The Great Leap to Freedom” (Tạm dịch: Cuộc đảo chính của Trung Quốc: Đại nhảy vọt hướng tới tự do), ông Garside lập luận rằng, trái với niềm tin phổ biến, ông Tập Cận Bình rất có thể bị phế truất “trong một cuộc đảo chính do các đối thủ trong giới lãnh đạo tối cao gây ra.” Ngay sau khi ông Tập bị bãi chức, các nhà lãnh đạo của cuộc đảo chính này sẽ mang đến dấu chấm hết cho “chế độ độc tài độc đảng của Trung Quốc và mở ra quá trình chuyển tiếp sang nền dân chủ và pháp quyền.”
Điều này nghe có vẻ xa vời nhưng ông Garside tin rằng phương Tây có thể giúp người dân Trung Quốc loại ông Tập khỏi nhiệm sở.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ông Garside gợi ý rằng “Hoa Kỳ và các đồng minh của họ” sở hữu một lợi thế riêng biệt so với Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ đây, “ưu thế về kinh tế” của họ phải được tận dụng để “mang đến sự thay đổi về chế độ.”
Mặc dù ông Joe Biden, ông Boris Johnson, ông Emmanuel Macron cùng các lãnh đạo thế giới khác không thể “từ bên ngoài quyết định việc Trung Quốc sẽ được điều hành như thế nào,” nhưng có một số cá nhân “bên trong Trung Quốc” lại muốn mang đến sự thay đổi. Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây của họ có quyền “giúp đỡ những người đó” và “hành động để tạo ra những điều kiện thuận lợi để họ có thể đạt được những gì họ muốn.”
Ông Garside tin rằng nếu “quan chức đứng thứ hai của Trung Cộng,” ông Lý Khắc Cường, cùng với “các lãnh đạo có cùng chí hướng,” sẵn sàng thách thức người đứng đầu, thì “họ sẽ không thể thiếu đi sự ủng hộ của công chúng.” Liệu ông Garside có đúng về những gì ông ấy tin tưởng hay không? Với tư cách hiện là một người đưa tin về các vấn đề của Trung Quốc, tôi nghĩ là có. Ông Tập Cận Bình thực sự là một vị vua không đội vương miện. Nếu lịch sử (và Trò chơi Vương quyền) đã dạy chúng ta bất cứ điều gì đó, thì đó là ngôi vị của một nhà vua luôn dưới sự đe dọa. Trích lời của Shakespeare, “hễ cái đầu đang đội vương miện thì không được yên.” Nếu những giả định của ông Garside được chứng minh là đúng, thì một tấn bi kịch của Shakespeare đang chờ đợi ông Tập.
Loại bỏ ông Tập
Có không ít hơn một cách để loại bỏ ông Tập. Chính trị gia người Anh Clive Lewis đã từng nói một cách chuẩn xác rằng cuộc đảo chính đó không nhất thiết phải là một cuộc đảo chính [quân sự]. Việc loại bỏ một bạo chúa “không phải lúc nào cũng đòi hỏi những chiếc xe tăng trên bãi cỏ cùng các loại quân đội cao cấp xuất hiện trên đài truyền hình và đài phát thanh của quý vị.” Mặc dù, xét về lịch sử của Trung Quốc, thì bạo lực chắc chắn sẽ đóng một vai trò nào đó. Để xảy ra một cuộc đảo chính hiệu quả, dù là bằng bạo lực hay bằng con đường khác, người dân phải được huy động đến. Điều này hẳn không phải là vấn đề. Hồi tháng Hai, ông Tập tuyên bố rằng Trung Cộng đã thành công trong việc đánh bại tình trạng nghèo đói cùng cực; tuy nhiên các bằng chứng lại cho thấy điều ngược lại. Khoảng 600 triệu người Trung Quốc, tức gần một nửa dân số nước này, đang sống dưới mức 5 USD mỗi ngày. Như những sự kiện ở Nam Phi đã chứng minh rõ ràng, những người khốn cùng có khả năng làm những điều liều lĩnh. Hiện tại, ở Trung Quốc, hàng trăm triệu người đang lâm vào cảnh khốn cùng. Khi cách biệt giàu-nghèo không ngừng gia tăng, sẽ là dại dột cho ông Tập khi mong đợi ở người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ với tính cách nổi loạn hơn sẽ ngồi yên bất động.
Liệu ông Tập có nên lo lắng hay không? Chắc chắn rồi. Theo một báo cáo dự báo về ‘Địa chính trị Tương lai’ mới đây, “Sự suy giảm sức cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường xuất cảng” là một thực tế mà các nhà lãnh đạo phải tính đến. Tỷ lệ thất nghiệp cao, vốn đã là một vấn nạn lớn của quốc gia này, sẽ trở thành một “thách thức đáng kể đối với vị chủ tịch của Trung Quốc.” Các tác giả gợi ý rằng nhà cầm quyền này “sẽ cố gắng sống sót giữa vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế” bằng cách làm một điều, và chỉ có duy nhất một điều mà họ biết cách làm: đó là “siết chặt quyền lực và chứng nào tật nấy củng cố lại chế độ độc tài của mình.” Mặc dù biện pháp này đã hữu hiệu trong quá khứ, nhưng sẽ không có tác dụng trong tương lai. Như báo cáo này nêu rõ, “sự phân hóa khu vực ở Trung Quốc quá phổ biến và không dễ bị chế độ độc tài đàn áp.” Đến năm 2040, “Trung Quốc sẽ chứng kiến một sự quay trở lại với chủ nghĩa khu vực, kèm theo đó là tình trạng hỗn loạn.” Cùng với đó là sự kìm kẹp yếu ớt dần của Trung Cộng, ở cả trong và ngoài nước, “một khoảng trống quyền lực sẽ xuất hiện ở Đông Á, điều mà sẽ được Nhật Bản lấp đầy.”
Ông Tập nên đọc bản báo cáo này, bởi nó vạch ra một tương lai mà cả ông ta và Trung Cộng đều thất bại. Nếu đất nước rơi vào vòng hỗn loạn, ông Tập sẽ phải chịu trách nhiệm. Ông ta sẽ còn phải đối mặt với cơn thịnh nộ của 1.4 tỷ người, trong đó có nhiều người đã bị bỏ lại phía sau. Chúng ta còn phải chờ xem những gì đang đón đợi vị lãnh đạo này, nhưng hãy hy vọng những tiên lượng của ông Garside được chứng minh là chính xác.
Ở Trung Quốc, thông qua việc gieo rắc tuyên truyền không ngừng nghỉ, ông Tập, trên một phạm vi rộng lớn, đang chiếm độc quyền về sự thật. Nhưng ông ta lại không có được độc quyền về thực tế địa chính trị và kinh tế. Với dân số Trung Quốc vẫn đang tăng lên còn lương thực để cung cấp thì ít đi, các cuộc khủng hoảng sống còn đang chờ đợi quốc gia này. Người dân thì đứng ngồi không yên, những cơ hội thì hãn hữu còn căng thẳng thì ngày một gia tăng. Nếu người dân Trung Quốc muốn có một tương lai tốt đẹp hơn, chắc chắn cần phải có một cuộc đảo chính.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo có uy tín khác. Ông cũng là một nhà báo chuyên mục tại Cointelegraph.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do John Mac Ghlionn thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: