Cuộc chiến sức hút ngoại giao Đông-Tây tạo ra bước ngoặt mới ở Phi Châu
Pháp, Nga, và Hoa Kỳ đang chạy đua với thời gian để xác định lại mối quan hệ ngày càng khó đoán của họ với các quốc gia Phi Châu trong bối cảnh cuộc chiến ở Đông Âu đang diễn ra. Từ ngày 25/07 đến 28/07, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp đã đến thăm Cameroon, Benin, và Guinea-Bissau, đồng thời giải quyết các thách thức an ninh trên nhiều phương diện của Phi Châu cũng như cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ông Macron nói trong một cuộc tụ hội của những người Pháp xa xứ tại thủ đô Yaounde của Cameroon, “Pháp vẫn kiên quyết cam kết đối với vấn đề an ninh của lục địa này, hành động ủng hộ, theo yêu cầu của các đối tác Phi Châu của chúng tôi.”
Tổng thống Pháp lên án những nhà lãnh đạo Phi Châu nào đã không chỉ trích gay gắt và công khai cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ông nói: “Lựa chọn đầu tiên của người Âu Châu không phải là tham gia vào cuộc chiến này mà là nhận ra và chỉ rõ nó ra. Nhưng tôi thấy thái độ đạo đức giả quá thường xuyên, đặc biệt là ở lục địa Phi Châu.”
Tổng thống Pháp cho biết việc lựa chọn ba quốc gia đến thăm phản ánh mong muốn “duy trì tính thực chất” đồng thời làm sâu sắc hơn những mối quan hệ đối tác.
Nhưng một số nhà phê bình cho rằng chuyến thăm Phi Châu của ông Macron là quá ít ỏi và muộn màng.
Theo ông David Otto, giám đốc về chống khủng bố của Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Chiến lược Phi Châu ở Geneva, “Các chính trị gia Phi Châu của thế kỷ 21 không còn chấp nhận một trật tự Pháp-Phi đơn cực nữa — quan hệ đối tác với các cường quốc khác dựa trên lợi ích chung giờ đây là một chiến thuật được ưa chuộng — Pháp không còn có thể ảnh hưởng to lớn lên các thuộc địa cũ của mình nữa.”
Ông Otto cho biết thực tế là chuyến thăm nói trên diễn ra vào thời điểm mà tâm lý bài Pháp đang gia tăng ở Phi Châu — đặc biệt là ở Trung Phi và Tây Phi, nơi Pháp có phần lớn các thuộc địa cũ — khiến đây trở thành một chuyến thăm hoàn toàn mang tính chiến thuật.
Ông nói với The Epoch Times trong một văn bản, “Pháp đã hy vọng sử dụng Cameroon, Benin, và Guinea để chứng tỏ rằng Điện Elysee vẫn có những đồng minh đáng tin cậy ở lục địa này sau khi Cộng hòa Trung Phi, Mali, và ở một mức độ nào đó là Burkina Faso, đang quay lưng lại với Paris.”
“Ngoài sự phô trương ngoại giao, các quốc gia được lựa chọn cẩn thận này đã không cho Pháp một cuộc đổ bộ có tác động mềm.”
Nhưng một giáo sư về luật công và luật quốc tế tại Đại học Buea của Cameroon, ông Wilson Tamfu, dự đoán Pháp sẽ thành công trong các mối quan hệ của nước này.
Ông Tamfu nói với The Epoch Times qua điện thoại: “Tách khỏi Pháp là tách khỏi Liên minh Âu Châu.”
Ông nói: “Lần đầu tiên sau 14 năm, Pháp đảm nhận vị trí chủ tịch Hội đồng EU hồi tháng 01/2022. Mối liên kết giữa Pháp và EU — Cộng đồng Kinh tế Khu vực lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới — có ảnh hưởng lớn đối với Phi Châu.”
“Vị thế này trao quyền cho Pháp trong lĩnh vực quan hệ Pháp-Phi vì nhiều quốc gia Phi Châu có thỏa thuận song phương với EU.”
Cùng tuần mà ông Macron đang công du các nước ở Tây và Trung Phi, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đáp phi cơ từ Ai Cập đến Cộng hòa Congo, Uganda, và Ethiopia.
Lãnh đạo Pháp hứa rằng đất nước ông sẽ hỗ trợ các nước Phi Châu đối mặt với những xáo trộn do chiến tranh ở Ukraine gây ra bằng cách khuyến khích các địa phương đầu tư vào nông nghiệp để tăng sản lượng lương thực.
Ông cho biết các biện pháp trừng phạt kinh tế của Âu Châu đối với Nga hiện đang ảnh hưởng đến Phi Châu là nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Nga vào chủ quyền của Ukraine “chứ không phải để trừng phạt người dân Phi Châu.”
Ông Macron than thở: “Một số người nhất định đang tấn công chúng tôi vẫn cho rằng các lệnh trừng phạt của Âu Châu [chống lại Nga] là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng lương thực thế giới, kể cả ở Phi Châu.”
Ông nói: “Điều này hoàn toàn sai lầm. Chỉ là vì thực phẩm, cũng như năng lượng, đã trở thành vũ khí chiến tranh của Nga.”
Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga đã nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ở Cairo, Ai Cập, hôm 24/07 rằng có “một sự hiểu biết chung về những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngũ cốc.”
Ông Lavrov mô tả rằng những suy đoán của “tuyên truyền từ phương Tây và Ukraine rằng Nga được cho là xuất cảng nạn đói” là “hoàn toàn vô căn cứ.”
Ông Tamfu cho biết việc một ngoại trưởng Nga thu hút các mối quan hệ hữu nghị trên khắp thế giới trong thời kỳ chiến tranh là “mâu thuẫn.”
Ông nói với The Epoch Times: “Trong nền dân chủ toàn cầu, phần lớn các quốc gia văn minh không đồng tình với các hành động của ông Putin ở Ukraine.”
“Việc Tổng thống Pháp đề cập đến thói đạo đức giả của các quốc gia Phi Châu là hợp lý bởi thực tế là Nga đang tìm cách nối lại các mối quan hệ trong thời kỳ chiến tranh.”
“Tại sao Nga không làm điều này vào lúc nào khác? Điều này giống như việc bỏ qua một vấn đề toàn cầu và tận dụng nó để cải thiện lợi ích song phương với Nga.”
Dù là Cameroon, Benin, hay Guinea Bissau, lời cam kết hỗ trợ quân sự của ông Macron giúp chống lại chủ nghĩa cực đoan ở Tây và Trung Phi là không đổi.
Nhưng đáng ngạc nhiên là ông đã tránh đề cập đến cuộc khủng hoảng Anglophone kéo dài 6 năm ở Cameroon, đang đe dọa sự ổn định của đất nước này và sự ổn định trong tiểu vùng.
Ông Otto cho rằng đây là một hành động thận trọng và có chiến thuật, nhằm bảo vệ quốc gia Âu Châu này khỏi những chủ đề nhạy cảm mà sẽ lôi kéo quốc gia này vào các vấn đề chính trị nội bộ của các thuộc địa cũ.
Ông Otto nói với The Epoch Times: “Pháp đã thường bị cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của các thuộc địa cũ của họ.”
“Vào thời điểm mà tâm lý bài Pháp dâng cao, bước đi cuối cùng của Paris là bất cứ điều gì liên quan đến những gì Cameroon xem là công việc hoàn toàn nội bộ.”
Ông nói: “Dù bằng cách nào đi chăng nữa, Paris cũng đang gặp rắc rối khi đứng ngoài chủ đề này hoặc tham gia vào chủ đề của cái gọi là cuộc khủng hoảng Anglophone.”
Một chuyến thăm Phi Châu khác của một nhân vật cao cấp phương Tây là chuyến thăm từ ngày 07/08 đến ngày 11/08 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến Nam Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, và Rwanda.
Theo ông Otto, đó là một dấu hiệu cho thấy Phi Châu vẫn là lục địa điểm đến để các siêu cường quốc đạt được đòn bẩy ngoại giao và chính trị — dù là Pháp, Hoa Kỳ, Nga, hoặc Trung Quốc.
Ông viết cho The Epoch Times: “Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên tranh giành lại Phi Châu 2.0 nhưng lần này, các quốc gia Phi Châu đang ngồi trên bàn địa chính trị và một số nước thậm chí còn ở một vị thế có thể quyết định lợi ích quốc gia của họ.”
“Càng ngày, Phi Châu càng trở nên dũng cảm hơn và lựa chọn sẽ làm việc với ai và loại hình hợp tác là gì.”
“Hệ thống thuộc địa cũ của phương Tây theo kiểu ‘làm những gì chúng tôi muốn, và làm những gì chúng tôi bảo, và vào lúc chúng tôi bảo’ là một điều quá xa vời.”
“Những người chơi mới và nhiều quyền lực như Nga và Trung Quốc đang mang đến những cách thức giao dịch thay thế. Ông Otto cho biết đây là kỷ nguyên để Phi Châu đứng lên và tận dụng tối đa cuộc đấu tranh địa chính trị này.”
Anh Nalova Akua là một ký giả tự do đa phương tiện người Cameroon.