Cuộc chiến âm thầm của Trung Quốc chống lại phương Tây
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã sử dụng ‘chiến tranh không hạn chế’ để làm suy yếu các quốc gia đồng minh phương Tây từ bên trong, bao gồm cả Canada.
Một cách âm thầm và chính xác cao, Trung Quốc đã và đang tiến hành một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ chống lại phương Tây để đạt được sự thống trị thế giới bằng cách sử dụng chiến lược quân sự được gọi là “chiến tranh không hạn chế”.
Gần như tất cả mọi người đều không biết, Trung Quốc đã xâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực chính của cuộc sống ở các quốc gia như Hoa Kỳ và Canada — hầu như không có ngành nào không bị ảnh hưởng. Mặc dù mối đe dọa này tồn tại và không bị phát hiện, nhưng ảnh hưởng của nó đối với các quốc gia bị nhắm tới, cũng như các hậu quả địa chính trị của nó, là rất sâu rộng.
Bỏ qua cách thức truyền thống, các hành vi tấn công đối đầu quân sự trực diện đã phần nào trở nên lỗi thời trong thế giới hiện đại, chiến lược độc đáo này đã trở thành trọng tâm trong cách tiếp cận chiến tranh của Trung Quốc.
Chiến lược này được nêu rõ trong cuốn sách “Chiến tranh không hạn chế”, viết bởi hai đại tá không quân Trung Quốc – Qiao Liang và Wang Xiangsui – và được xuất bản năm 1999 bởi Quân đội Trung Quốc, lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh dựa trên các tài liệu gốc của quân đội.
Bắc Kinh sử dụng một loạt các chiến thuật lật đổ, bao gồm nhưng không giới hạn như chiến tranh tuyên truyền, chiến tranh văn hóa, chiến tranh mạng xã hội, các tổ chức bình phong, xâm nhập chính trị, chiến tranh công nghệ và viễn thông, chiến tranh pháp lý, gián điệp kinh tế, gián điệp giáo dục, chiến tranh mạng, và chiến tranh trừng phạt. Trung Quốc sử dụng đồng thời tất cả các chiến thuật này ở các mức độ khác nhau trong nhiều lĩnh vực của xã hội để phá hoại hoặc gây ảnh hưởng đến quốc gia bị nhắm tới.
Năm 2014, tin tặc do Trung Quốc bảo trợ đã xâm nhập vào mạng máy tính của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada. Cuộc tấn công khiến Canada thiệt hại hàng trăm triệu dollar. Theo lời cựu cố vấn bảo mật cao cấp, ông Brian Shields, của công ty viễn thông Canada, Nortel, đã nộp đơn phá sản vào năm 2009, họ đã là đối tượng của vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ lớn kéo dài nhiều năm của các tin tặc Trung Quốc. Ông Shields tin rằng bên hưởng lợi từ vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ này là công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei, công ty này bắt đầu phát triển mạnh trên thị trường thế giới cùng thời điểm Nortel phá sản.
Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng Anh Quốc, Tướng Nick Carter, cho biết Bắc Kinh đang nhắm đến việc đánh bại phương Tây bằng cách “sử dụng các cuộc tấn công dưới ngưỡng có thể gây ra phản ứng chiến tranh.”
Ví dụ, Trung Quốc đã “khai thác các công nghệ và chiến thuật vượt ra khuôn khổ sự cập nhật của luật pháp quốc tế để tránh các hành động của họ bị coi là xung đột theo các định nghĩa hiện hành của luật pháp quốc tế,” ông Carter nói.
Để chống lại mối đe dọa này, ông Carter cho biết Lực lượng Vũ trang Anh Quốc đã khai triển “Khái niệm hoạt động tích hợp” mới. Chiến lược này đánh dấu sự thay đổi lớn trong tư duy quân sự, để thích ứng với công nghệ hiện đại và các chiến thuật phi truyền thống, chẳng hạn như các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch, được sử dụng bởi các đối thủ.
Một báo cáo năm 2018 trong một hội thảo do Cơ quan Tình báo An ninh Canada tổ chức cho biết, Bắc Kinh đang sử dụng “chiến lược đa chiều để đưa Trung Quốc lên vị trí thống trị toàn cầu”.
Báo cáo viết, “Chiến lược này tích hợp chính sách ngoại giao hung hăng, các thỏa thuận kinh tế không công bằng, các đột phá trong công nghệ, cũng như tăng mạnh đầu tư cho quân sự.”
Cơ quan giám sát quốc hội Canada phụ trách giám sát an ninh quốc gia, Ủy ban An ninh Quốc gia và Tình báo của các Nghị sĩ, cho biết trong báo cáo thường niên năm 2019 rằng Bắc Kinh duy trì “các hoạt động can thiệp nước ngoài đáng kể và liên tục” ở Canada. Các hoạt động này bao gồm việc nhắm đến cộng đồng người nhập cư, tìm cách phá hoại các hoạt động chính trị, thao túng phương tiện truyền thông Canada, và tác động đến các nghiên cứu ở các trường đại học Canada theo hướng có lợi cho nó.
Ủy ban đã chỉ ra các mối đe dọa tương tự trong báo cáo thường niên năm 2018, nói rằng Trung Quốc đang tiến hành “các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng ở Canada.” Báo cáo cho biết thêm rằng, Trung Quốc là một trong những nước tìm cách truy cập vào các mạng của chính phủ Canada và thông tin liên lạc của các quan chức chính phủ liên bang tích cực nhất.
Theo nghị sĩ Đảng Bảo Thủ, ông Garnett Genuis, mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất mà thế giới tự do phải đối mặt là những nỗ lực không ngừng của Trung Quốc và các tổ chức phi nhà nước khác nhằm tác động đến giới tinh hoa và nắm quyền kiểm soát các thể chế dân chủ phục vụ cho các mục đích của họ.
“Cần phải mở rộng nhận thức về rủi ro … thừa nhận thực tế rằng giới tinh hoa ở mọi cấp độ đều đang là mục tiêu mà các nỗ lực này nhắm tới, cho dù đó là hội đồng trường học, thị trưởng thành phố nhỏ, hiệu trưởng trường đại học, các thành viên Quốc hội — có rất nhiều hoạt động trong việc gây ảnh hưởng này,” ông Genuis, thành viên của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc, một nhóm các nhà lập pháp quốc tế, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Nghị sĩ Đảng Tự Do, ông John McKay, mô tả Trung Quốc là “chế độ thực dân lớn của thế kỷ 21”.
“Mặc dù đây có thể không phải là một cuộc chiến tranh lạnh, nhưng xét về khía cạnh nào đó, nó là một cuộc chiến tranh phi đối xứng với mặt trận là sở hữu trí tuệ, học thuật, thương mại, nhân quyền, và khá rõ ràng là toàn bộ các yếu tố quan hệ song phương giữa hai quốc gia, Trung Quốc tìm cách khẳng định vị trí thực dân của mình,” ông McKay, Chủ tịch Ủy ban Thường trực về An toàn Công cộng và An ninh Quốc gia, cho biết trong một phiên họp quốc hội vào tháng 12/2019.
Các chiến thuật
Trong khi một số chiến thuật của Bắc Kinh như, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, và các hành vi thương mại không công bằng, dễ nhận biết hơn, thì những thủ đoạn khác sử dụng cái mà các quan chức Trung Quốc gọi là “quyền lực mềm” khó bị phát hiện hơn.
Một trong những phương thức đấy là các Viện Khổng Tử do Trung Quốc hậu thuẫn, thâm nhập và hoạt động trong các cơ sở trường đại học và cao đẳng ở Canada và các quốc gia khác để nâng cao hình ảnh của Trung Quốc. Nó cũng nhằm thúc đẩy mục tiêu chính sách đối ngoại là biến đổi hình ảnh của chế độ này không chỉ là một siêu cường về kinh tế, mà còn là một siêu cường về văn hóa.
Các ví dụ khác thì trắng trợn hơn, chẳng hạn như một cựu chủ nhiệm khoa hóa học của Đại học Harvard gần đây bị truy tố vì đã khai man về nguồn tài trợ mà ông nhận được từ Trung Quốc, và một công dân Trung Quốc ở Hoa Kỳ bị kết tội gián điệp kinh tế, trộm cắp bí mật thương mại, và các âm mưu khác.
Trong trường hợp thứ hai, một người đàn ông được xác định là Hao Zhang, 41 tuổi, bị phát hiện đã cố gắng đánh cắp bí mật thương mại từ hai công ty Hoa Kỳ “vì lợi ích của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Ông Zhang đã lấy trộm các thông tin cụ thể liên quan đến hiệu suất của các thiết bị không dây.
Theo FBI, Kế hoạch ngàn nhân tài, một trong những chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc được biết đến rộng rãi hơn, khuyến khích hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ các tổ chức chính phủ. Bằng cách cung cấp mức lương cạnh tranh, cơ sở nghiên cứu hiện đại và danh hiệu cao cấp, các chương trình này thu hút nhân tài từ nước ngoài đến Trung Quốc, “ngay cả khi điều đó có nghĩa là ăn cắp thông tin độc quyền hoặc vi phạm kiểm soát xuất cảng để làm như vậy,” văn phòng cho biết.
Tờ Globe and Mail cho biết trong một báo cáo tháng 8/2020 rằng họ đã phát hiện có ít nhất 15 học giả Canada tham gia vào Kế hoạch ngàn nhân tài. Đây là các chuyên gia về lĩnh vực máy tính lượng tử, điện tử và kỹ thuật công nghệ cao, vaccine, hóa học và trí tuệ nhân tạo.
Một trong những tổ chức quan trọng mà Trung Quốc dùng để tạo ảnh hưởng ở nước ngoài là Ủy ban Mặt trận Thống nhất. Đơn vị này điều phối hàng nghìn nhóm khác nhau để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài, trấn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ của các nước khác cho Trung Quốc, theo một báo cáo hồi tháng 6/2020 của Viện Chính sách Chiến lược Úc.
Giám đốc FBI, ông Christopher Wray, đã làm chứng vào năm 2018 rằng cơ quan này đã cân nhắc rằng mối nguy hiểm do Trung Quốc gây ra “không chỉ là mối đe dọa đối với toàn chính phủ, mà là mối đe dọa đối với toàn xã hội”. Để chống lại chiến lược này của Trung Quốc một cách hiệu quả, ông Wray cho biết Hoa Kỳ cũng phải sử dụng “phản ứng của toàn xã hội”.
Các quan chức Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu nhận ra các mối đe dọa an ninh quốc gia do các công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE gây ra. Tháng 6/2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã chính thức đưa Huawei và ZTE vào danh sách các mối đe dọa an ninh quốc gia, do đó cấm sử dụng nguồn tiền từ Quỹ dịch vụ chung 8.3 tỷ USD một năm của FCC để mua hoặc thay thế bất kỳ thiết bị hoặc dịch vụ nào do hai công ty này sản xuất hoặc cung cấp.
TikTok do Trung Quốc sở hữu, đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc ở Bắc Mỹ, gần đây cũng bị phát hiện là đang bí mật lấy dữ liệu bộ nhớ nhớ tạm của người dùng, mặc dù ứng dụng hiện tuyên bố rằng họ đã khắc phục vấn đề trên. Cũng có những lo ngại tương tự về Zoom, khi các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Citizen của Đại học Toronto phát hiện ra rằng các khóa mã hóa được gửi tới các máy chủ ở Trung Quốc.
Mùa hè này, Hoa Thịnh Đốn thông báo rằng họ sẽ cấm TikTok cũng như mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. TikTok đang chạy đua với thời gian để bán hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ cho một công ty Hoa Kỳ, và trong khi đó, cả hai công ty đều tiến hành khởi kiện về lệnh cấm.
Trong khi đó, Canada vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có cấm Huawei khỏi mạng 5G của họ hay không. Ba trong số năm đồng minh của Canada trong nhóm tình báo Ngũ Nhãn — Hoa Kỳ, Úc và New Zealand — đã cấm Huawei khỏi mạng 5G của họ, trong khi Vương quốc Anh đã thiết lập kế hoạch để loại bỏ nó. Hoa Kỳ đã đe dọa rằng họ có thể hạn chế chia sẻ thông tin tình báo với Canada nếu Huawei không bị loại trừ vì sợ rằng dữ liệu của chính họ có thể bị xâm phạm nếu nó được chia sẻ trên các mạng của Canada.