Cuộc bức hại Pháp Luân Công suốt 22 năm dài của Bắc Kinh
Trong 22 năm qua, chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã thực thi một chiến dịch toàn diện đàn áp các học viên của nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ, tra tấn, sách nhiễu, cưỡng bức lao động, và mổ cướp nội tạng.
Cách cuộc bức hại đó bắt đầu ra sao và Trung Cộng đã thực hiện chiến dịch này như thế nào sẽ được diễn giải chi tiết sau đây.
Làm sao mà 100 triệu người lại trở thành mục tiêu?
Một môn tu luyện tinh thần phổ truyền
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định có các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên lý cốt lõi “Chân, Thiện, Nhẫn” cùng một bộ 5 bài công pháp tĩnh tại.
Năm 1992, nhà sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí, đã giới thiệu môn tu luyện này ra công chúng tại Trường Xuân, một thành phố nằm ở phía đông bắc Trung Quốc. Môn tu luyện này đã lan truyền nhanh chóng đến các địa phương khắp đất nước Trung Quốc qua việc khẩu truyền. Theo ước tính chính thức vào thời điểm 1999, có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người trên toàn quốc đã tu luyện Pháp Luân Công.
Ông Lý Hồng Chí từng 4 lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình. Các cơ quan nhà nước cũng tôn vinh môn tu luyện tinh thần này vì những cống hiến cho xã hội, và một số học viên đã nhận được các giải thưởng dành cho hoạt động phục vụ cộng đồng của họ trước khi Trung Cộng bắt đầu một cuộc đàn áp toàn diện vào tháng 07/1999.
Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa
Ngày 25/04/1999, khoảng 10,000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung tại văn phòng kháng cáo gần các cơ quan đầu não của Trung Cộng ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tự do tu luyện. Sự kiện này đã trở thành cuộc thỉnh nguyện ôn hòa lớn nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến trong suốt một thập kỷ, kể từ vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn.
Nguyên nhân dẫn đến kháng nghị là việc bắt giữ hàng chục học viên [Pháp Luân Công] ở đô thị Thiên Tân gần đó; những người này đã phản đối một bài báo phỉ báng đức tin của họ. Từ đó, môi trường tu luyện bị thu hẹp hơn: các sách Pháp Luân Công bị cấm xuất bản; và công an ở một số khu vực đã sách nhiễu các học viên, lục soát nơi ở và đánh đập họ.
Những người thỉnh nguyện đã gặp Thủ tướng đương thời Chu Dung Cơ và đưa ra ba yêu cầu: trả tự do cho các học viên bị bắt giữ, hủy bỏ lệnh cấm xuất bản, và cho phép họ tập luyện ở nơi công cộng mà không phải lo sợ. Sau khi biết các học viên Thiên Tân đã được thả, những người thỉnh nguyện đã lặng lẽ rời đi trong buổi tối hôm đó.
Nhà cầm quyền đã dùng sự kiện này để biện minh cho cuộc bức hại được phát động ba tháng sau đó; họ tuyên bố rằng các học viên đã “bao vây” nhà cầm quyền.
Sợ hãi và đố kỵ
Sự phát triển nhanh chóng của môn tu luyện này – với số lượng học viên đông hơn số lượng 60 triệu đảng viên vào thời điểm đó – đồng nghĩa với việc môn tu luyện này bị xem là mối đe dọa lên sự cai trị độc tài của chính quyền này. Trong khi đó, các giá trị mà Pháp Luân Công chiểu theo lại mâu thuẫn với hệ tư tưởng Marxist vô thần vốn là nền tảng của Trung Cộng.
Lãnh đạo Trung Cộng đương thời Giang Trạch Dân, người đã đích thân ra lệnh đàn áp, đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối kịch liệt đối với môn tu luyện này trong các nhận định và trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông ngoại quốc.
Trong bức thư được công bố ngay sau lần kháng nghị diễn ra ngày 25/04/1999, ông Giang đã bày tỏ sự báo động về “số lượng các Đảng viên, cán bộ, trí thức, binh sĩ, công nhân và nông dân” trong số học viên Pháp Luân Công, và thề sẽ cứng rắn hơn trong việc kiểm soát tư tưởng.
Ông ta viết trong thư, “Lẽ nào chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa duy vật, và chủ nghĩa vô thần mà những người cộng sản chúng ta theo đuổi lại không thể đánh bại những điều của Pháp Luân Công hay sao? Nếu đúng là như vậy thì đó sẽ là một trò cười lớn.”
Toàn bộ bộ máy nhà nước tham gia bức hại
Mệnh lệnh diệt trừ
Một đại tá quân đội tham dự cuộc họp cho biết ý đồ của Trung Cộng là xóa sổ Pháp Luân Công; ban đầu Giang Trạch Dân đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêu diệt pháp môn này trong vòng ba tháng. Các lãnh đạo hàng đầu của Trung Cộng còn lệnh cho các quan chức phải “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể các học viên.”
Theo trang web Minh Huệ (Minghui.org), các quan chức công an đã tuyên bố rằng nếu họ đánh các học viên đến mất mạng, thì có thể xem như học viên tự sát.
Tháng 06/2001, hơn một chục nữ học viên đã thiệt mạng trong một trại lao động ở Cáp Nhĩ Tân, một thành phố ở phía bắc tỉnh Hắc Long Giang, và nhà cầm quyền đã tuyên bố là một vụ tự sát hàng loạt. “Chỉ có 15 hay 16 trong số 3,000 người thiệt mạng. Làm sao mà coi là nhiều được?” gia đình cô Lý Tú Cầm (Li Xiuqin), một trong những nạn nhân xấu số, đã kể rằng trại lao động đã nói với họ như vậy. Họ chỉ nhìn thấy tro cốt của cô ấy.
Phòng 610
Ngày 10/06/1999, một cơ quan ngoài vòng pháp luật – tương tự như tổ chức Gestapo [của Đức Quốc Xã] – đã được thành lập và có tên là “Phòng 610”, được đặt dựa theo ngày thành lập của nó.
Phòng 610 được ban cho các quyền hạn to lớn, và chỉ huy nhiều cơ quan khác nhau trong xã hội để thực hiện chiến dịch đàn áp. Một báo cáo năm 2017 của cơ quan giám sát nhân quyền Freedom House ước tính rằng ngân sách thường niên cho các Phòng 610 trên toàn Trung Quốc là khoảng 879 triệu nhân dân tệ (135 triệu USD).
Năm 2002, một học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân đã bị đánh đến tử vong sau khi bị bắt vì chèn sóng truyền hình để phát các chương trình bóc trần tuyên truyền của nhà nước về môn tu luyện này. Người đứng đầu Phòng 610 của thành phố chịu trách nhiệm giám sát cuộc bức hại đã chỉ thị cho cảnh sát giữ bí mật về sự việc này. Ông ta đã mô tả chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công là “một nhiệm vụ chính trị gian khổ” và nói với công an “đừng sợ máu hay chết chóc”, một cựu sĩ quan có mặt tại cuộc họp nói với trang Minh Huệ.
Theo Tổ chức Thế giới Điều tra về Cuộc bức hại Pháp Luân Công, Phòng 610 cũng tham gia vào việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng, dẫn đến số trường hợp tử vong không xác định được.
Toàn bộ xã hội tham gia đàn áp
Chiến dịch này đã huy động mọi tầng lớp trong xã hội cùng tham gia. Tuyên truyền xuyên tạc về môn tu luyện này đã xuất hiện trên báo chí nhà nước, truyền hình, đài phát thanh, cũng như sách giáo khoa của trường học và bảng tin cộng đồng.
Bộ Văn hóa đã ra lệnh tiêu hủy hàng triệu tài liệu Pháp Luân Công, gồm cả việc đốt sách và tống giam các chủ hiệu sách. Các công sở đã sa thải những người không chịu từ bỏ đức tin của họ, đồng thời tiến hành đuổi học các học sinh từ tiểu học đến đại học. Một học sinh trung học đã bị kết án năm năm tù sau khi từ chối tham gia cuộc diễn hành do nhà trường tổ chức nhằm bôi nhọ môn tu luyện này – mặc dù cậu bé chưa đủ tuổi để bị tống giam.
Một trường tiểu học ở Thượng Hải đã trừng phạt một giáo viên là học viên Pháp Luân Công bằng cách giáng cô xuống làm công việc dọn dẹp nhà vệ sinh của trường, một quyết định mà một đồng nghiệp cho biết nó gợi lại sự ngược đãi đã diễn ra thời Cách mạng Văn hóa.
Với hệ thống tòa án nằm dưới sự kiểm soát của Trung Cộng, các phiên tòa xét xử ở Trung Quốc chỉ là hình thức. Các học viên thường bị giam giữ trong nhiều tháng hoặc lâu hơn trước khi đưa ra xét xử và thường xuyên bị từ chối hỗ trợ pháp lý. Các luật sư đại diện cho họ bị quấy rối, tấn công hoặc đe dọa, và thường xuyên bị ngắt lời tại tòa khi bào chữa cho thân chủ của mình. Ông Wu Shaoping, một luật sư nhân quyền hiện sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng ông đã bị cảnh sát chặn lại giữa phiên tòa và bị áp giải ra khỏi tòa án khi ông chứng minh rằng thân chủ của ông đã bị buộc tội phi pháp. Một tháng sau đó, thân chủ của ông bị kết án chín năm tù.
Ma quỷ hóa nạn nhân
Tuyên truyền và phát tán thông tin sai lệch
Nhận thấy dư luận không quay lưng lại với Pháp Luân Công, năm 2001 nhà cầm quyền này đã phát động một chiến dịch xuyên tạc trắng trợn nhằm kích động sự thù hận của công chúng đối với môn tu luyện và những người theo học môn này. Vào tháng 01/2001, năm người đã tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn, một sự kiện mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đã vu cáo cho Pháp Luân Công. Sau thảm kịch đó, số lượng những tội ác thù hận đối với các học viên Pháp Luân Công ngày càng tăng.
Vụ này hóa ra lại là một sự kiện được dàn dựng. Kể từ đó, những tình tiết đáng ngờ xung quanh sự kiện này đã bị phát giác và được ghi lại trong bộ phim tài liệu đạt giải thưởng có nhan đề “Lửa giả”.
Nhà cầm quyền này còn dựng lên những câu chuyện sai sự thật cáo buộc các học viên – như chuyện một người phụ nữ đã sát hại chính con ruột của mình rồi sau đó tự kết liễu sinh mạng – với hy vọng gây chấn động dư luận ở Trung Quốc. Về sau một cuộc điều tra độc lập đã phát hiện rằng người phụ nữ đó không hề tồn tại.
Các quan chức Trung Cộng đã công khai phát tán tuyên truyền này cả ở Trung Quốc lẫn hải ngoại. Năm 2004, một người ủng hộ Pháp Luân Công đã đệ đơn và thắng vụ kiện Phó Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Toronto vu khống ông trong một bức thư đăng trên tờ Toronto Star.
Trong hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á Châu–Thái Bình Dương năm 1999 tại New Zealand, ông Giang đã phân phát các tập sách nhỏ bôi nhọ Pháp Luân Công cho các thành viên tham gia hội nghị.
Kiểm duyệt và nhồi sọ
Các cơ quan kiểm duyệt của Trung Cộng đã xóa sạch bất kỳ tài liệu mang tính xác thực nào về Pháp Luân Công trên mạng Internet tại Trung Quốc, đồng thời để những thông tin sai lệch về môn tu luyện tinh thần này tràn ngập không gian mạng. Các từ ngữ liên quan đến Pháp Luân Công đã bị xóa sạch trên mạng, và đã có nhiều trường hợp các học viên bị bắt giam vì sử dụng các từ ngữ liên quan đến môn tu luyện này trên nền tảng nhắn tin thịnh hành của Trung Quốc – WeChat.
“Vạn lý Tường lửa” (Great Firewall) ngăn công dân Trung Quốc truy cập vào nhiều trang mạng ngoại quốc như Facebook và Google, cũng chặn cả các trang mạng hải ngoại liên quan đến Pháp Luân Công.
Trung Cộng không chỉ kiểm duyệt trên không gian mạng mà còn tước đoạt quyền tự do ngôn luận của các học viên. Những học viên nào trò chuyện với hàng xóm hay người lạ về Pháp Luân Công đều có nguy cơ bị bắt giam – hoặc tệ hơn là bị kết án tù.
Các giáo viên được yêu cầu truyền bá cho học sinh của họ những tuyên truyền chống Pháp Luân Công. Tháng 04/2020, trường tiểu học trực thuộc Đại học Tế Nam của Trung Quốc đã tổ chức một “lớp học về an ninh quốc gia”, trong đó học sinh được dạy rằng Pháp Luân Công “đặt ra một mối đe dọa” cho toàn xã hội.
Hủy hoại thân thể để đánh bại ý chí
Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho biết, kể từ năm 1999, vài triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các trại tạm giam, trại lao động, nhà tù và bệnh viện tâm thần. Theo lời kể của những người sống sót, tại các cơ sở này, các học viên Pháp Luân Công thường bị đối xử hết sức tàn nhẫn, nhằm buộc họ từ bỏ đức tin.
Tra tấn cùng các hình thức đối xử tồi tệ khác là điều phổ biến tại các cơ sở này. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã thiệt mạng do bị tra tấn hoặc bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Nô lệ khổ sai
Các học viên bị giam giữ trong các trại lao động và nhà tù còn bị cưỡng bức lao động, sản xuất hàng hóa giá rẻ phục vụ cho thị trường phương Tây và làm giàu cho các quan chức Trung Cộng trong quá trình này.
Theo trang Minh Huệ (Minghui), những người bị giam giữ phải làm việc nhiều giờ liền, có khi lên đến 19 giờ một ngày để đạt chỉ tiêu sản xuất. Được biết các lính canh đã ra tay tra tấn hoặc ngược đãi những ai không đạt chỉ tiêu hoặc từ chối thực hiện các lệnh phân công.
Các sản phẩm mà các học viên buộc phải làm bao gồm tóc giả, tăm xỉa răng, đũa, dụng cụ nối lông mi, đồ thêu, đồ trang trí, bao da điện thoại, áo khoác mùa đông, tăm bông y tế, túi da, v.v.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, một số nhà tù đã buộc các học viên phải sản xuất các thiết bị bảo hộ cá nhân để xuất cảng, bao gồm cả khẩu trang phẫu thuật và áo choàng phẫu thuật.
Tra tấn
Các học viên bị giam giữ tại các trại tạm giam và các cơ sở tâm thần đã phải chịu đựng nhiều hình thức tra tấn về thể chất, tâm lý, và tinh thần. Mục đích là buộc họ phải ký vào một tuyên bố từ bỏ đức tin của họ. Nhiều học viên đã bị thương nghiêm trọng và dẫn đến tử vong.
Một số cách thức tra tấn phổ biến gồm có tấn công tình dục; bức thực; đánh bằng gậy gỗ hoặc thanh thép; sốc điện bằng dùi cui điện; chọc vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể như đầu ngón tay bằng xiên tre; và đốt bằng thuốc lá, nước sôi, hoặc thanh sắt nóng.
Các lính canh cũng bắt các học viên phải chịu những điều kiện khắc nghiệt trong thời gian dài, bao gồm việc giam họ trong một cái lồng nhỏ chứa đầy nước ngập sâu đến ngực, bắt họ phơi mình ở nhiệt độ đóng băng hoặc không cho họ ngủ.
Trong những tình huống khác, các học viên đã bị ép vào hoặc bị trói trong những tư thế đau đớn một thời gian dài.
Đôi khi các học viên bị ép cho uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc – hóa chất độc hại làm tổn thương hệ thần kinh trung ương hoặc hóa chất tác động đến thần kinh làm ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của họ.
Thu hoạch nội tạng
Rất nhiều học viên bị giam giữ đã bị nhà cầm quyền này sát hại để lấy nội tạng, cung cấp cho thị trường cấy ghép nội tạng rộng lớn của Trung Quốc.
Vào năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập [China Tribunal] đã kết luận rằng Trung Cộng đã thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm trong nhiều năm “với quy mô đáng kể”, và các học viên Pháp Luân Công là nguồn tạng chính. Tòa án không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy những tội ác này đã kết thúc.
Trang Minghui đưa tin anh Cao Nhất Hỷ (Gao Yixi), một học viên Pháp Luân Công từ tỉnh Hắc Long Giang ở phía bắc xa xôi, đã qua đời 10 ngày sau khi bị bắt năm 2016. Không lâu sau đó, các bác sĩ đã giải phẫu thi thể của anh Cao, bất chấp sự phản đối của gia đình, đồng thời lấy đi tất cả các nội tạng chính yếu cùng với não của anh.
Tự do bị tước đoạt
Giám sát
Các nhà chức trách thường xuyên theo dõi hành tung của các học viên bằng cách nghe lén điện thoại của họ, theo dõi vị trí của họ, và theo dõi cảnh quay của camera giám sát, vốn thường được nâng cấp bởi trí thông minh nhân tạo.
Đến năm 2017, mọi người dân ở Trung Quốc bị buộc phải ghi danh bằng tên thật khi sử dụng các dịch vụ điện thoại và bình luận trực tuyến; mục đích là để cảnh sát truy tìm các học viên dễ dàng hơn. Tháng 01/2017, công an ở Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang đã bắt giữ ít nhất năm học viên với sự hỗ trợ của công nghệ giám sát sau khi họ tìm thấy một biểu ngữ viết dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo”.
Một học viên đã bị bắt tại một ga xe lửa sau khi thảo luận về hành trình chuyến xe lửa của cô trong các tin nhắn riêng tư trên mạng xã hội. Năm 2019, một học viên đã bị bắt tại bệnh viện khi đang chăm sóc một người thân bị bệnh sau khi bị hệ thống giám sát khuôn mặt báo động cho công an.
Năm 2020, công an đã thẩm vấn một học viên khác ở Sơn Tây về việc anh ta mua một số vật liệu xây dựng trên Internet.
Bức hại về tài chính
Các công an và quan chức an ninh Trung Cộng đã tịch thu phi pháp tiền mặt cùng tài sản cá nhân khác của các học viên. Một số quan chức đã tống tiền thân nhân của các học viên bị giam giữ, nói rằng họ sẽ được thả nếu gia đình trả một khoản tiền lớn.
Bên trong các nhà tù và trại lao động, các học viên có thể không nhận được tiền và vật dụng cá nhân mà gia đình họ gửi đến. Thân nhân của họ cũng có thể bị ép buộc phải hối lộ các quan chức để được nhìn thấy người thân bị giam cầm của họ.
Đã có nhiều trường hợp các trung tâm tẩy não tống tiền gia đình của các học viên bị giam giữ để trang trải chi phí cho các hình thức tra tấn được sử dụng trên người bị giam giữ, chẳng hạn như bức thực.
Các tòa án cũng áp dụng các khoản tiền phạt nặng nề đối với các học viên. Trong nửa đầu năm 2021, tòa án đã kết án 674 người với số tiền phạt tổng cộng hơn 3.4 triệu nhân dân tệ (525,000 USD), tương đương khoảng 5,000 nhân dân tệ (770 USD) mỗi người, gần bằng một tháng lương của một người bình thường.
Các học viên cũng đã bị sở làm của họ giữ lại lương hoặc lương hưu – đôi khi theo yêu cầu của giới chức Trung Cộng.
Sách nhiễu
Cảnh sát địa phương và các quan chức Trung Cộng đã sách nhiễu, dọa nạt, đe dọa các học viên bằng lời nói và thể lực.
Nhà cầm quyền này cũng nhắm vào người thân của các học viên, sách nhiễu cha mẹ, vợ chồng hay con cái của họ.
Hành vi sách nhiễu leo thang trong năm 2020 khi Trung Cộng phát động chiến dịch “Xóa Sổ” trên toàn quốc, với mục tiêu giảm số lượng học viên ở Trung Quốc xuống bằng 0. Chiến dịch mới cũng liên quan đến một hệ thống khen thưởng bằng tiền để dụ dỗ công dân trình báo các học viên mà họ biết cho công an.
Không khuất phục
Kháng nghị ôn hòa
Bất chấp môi trường khắc nghiệt, nhóm tu luyện tinh thần này đã kiên trì trong các nỗ lực cấp cơ sở để kêu gọi sự chú ý đến các hành vi lạm dụng của Trung Cộng. Vượt lên nỗi lo sợ về an nguy của bản thân, các học viên khắp đất nước đã phân phát các tập sách nhỏ, áp phích, và đĩa CD tự làm cho các gia đình và khách qua đường để giải thích tuyên truyền dối trá của Trung Cộng. Họ đã treo biểu ngữ ở những vị trí dễ thấy để thể hiện sự kiên định của họ.
Kể từ năm 2004, các học viên đã kêu gọi người dân Trung Quốc ly khai những tội ác mà Trung Cộng đã phạm bằng cách thoái xuất khỏi Trung Cộng cùng các tổ chức liên đới của nó (đội và đoàn).
Năm 2015, các học viên đã bắt đầu một làn sóng khởi kiện nhằm đưa cựu lãnh đạo Giang ra trước công lý.
Người dân ở một số khu vực của Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ những nỗ lực phản bức hại của các học viên. Trang Minghui đưa tin cho biết, năm 2017, khoảng 300 người ở thành phố Hồ Lô Đảo của tỉnh Liêu Ninh đã ký vào một bản kiến nghị kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho một học viên Pháp Luân Công địa phương.
Do Eva Fu và Frank Fang thực hiện
Hoa Hạ, Hạo Văn, Kha Nguyệt, và Ánh Dương biên dịch
Xem thêm: