Cục Trang trại Hoa Kỳ: Người Mỹ sẽ phải trả thêm 17% cho tiệc ngoài trời vào ngày 04/07
Người tiêu dùng Hoa Kỳ có thể dự kiến phải trả thêm 17% cho tiệc ngoài trời vào Ngày Độc lập 04/07/2022, theo một báo cáo mới từ Liên đoàn Cục Trang trại Hoa Kỳ (AFBF).
Nghiên cứu thường niên này xác nhận rằng chi phí trung bình cho một bữa ăn mùa hè ngoài trời dành cho 10 người sẽ là 69.68 USD, tăng 10 USD so với năm 2021.
Các tác giả của nghiên cứu đã đánh giá nhiều loại thực phẩm ngoài trời yêu thích của người Mỹ. Họ phát hiện ra rằng giá 2 pound (0.9 kg) thịt bò xay tăng 36% lên 11.12 USD, 2 pound (0.9 kg) ức gà không xương và không da tăng 33% lên 8.99 USD, 3 pound (1.3 kg) thịt sườn lợn tăng 31% lên 15.26 USD, và 32 ounce (0.9 kg) thịt lợn và đậu tăng 33 % lên 2.53 USD.
Đối với những người tổ chức sự kiện ngày 04/07, giá một số loại thực phẩm sẽ hạ nhiệt khi giá 2 panh dâu tây giảm 16% xuống còn 4.44 USD, một pound pho mát cắt lát giảm 13 % xuống 3.53 USD, và một túi khoai tây chiên 16 ounce giảm 4% xuống 4.71 USD.
Cục Nông trại viện dẫn sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra và lạm phát trên diện rộng khiến chi phí thực phẩm tăng hai con số trong năm nay. Nhà kinh tế trưởng của AFBF, Roger Cryan cũng ám chỉ đến những tác động lớn của cuộc xung đột quân sự ở Đông Âu khi xuất cảng phân bón của Belarus và Nga bị hạn chế, và phần lớn các lô hàng thực phẩm của Ukraine bị cắt đứt.
Chủ tịch AFBF Zippy Duvall cho biết trong báo cáo: “Chi phí thực phẩm và nguồn cung cấp gia tăng là một mối quan tâm rất thiết thực ở đất nước chúng ta và trên toàn cầu. Các chương trình hỗ trợ lương thực và ngân hàng lương thực của Hoa Kỳ giúp những người đang chật vật kiếm sống tại đây, nhưng câu chuyện trên toàn cầu lại khác nhiều khi tình trạng mất an ninh lương thực tăng vọt. Tác động lớn của một sự kiện ở Ukraine cho thấy thế giới phụ thuộc như thế nào vào nền nông nghiệp ổn định và có năng suất.”
Hồi tháng Năm, chỉ số giá lương thực đã tăng 10.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong đó giá mặt hàng chủ lực tiêu biểu của các hộ gia đình tăng vọt. Theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Cục Thống kê Lao động, giá thịt bò và thịt bê tăng 10.2%, thịt lợn tăng 13.3%, giăm bông tăng 13.3%, thịt gà tăng 17.4%, cá và hải sản tăng 13.1% và trứng tăng 32.2 %.
Ngoài ra, Chỉ số giá lương thực FAO toàn cầu (FFPI) của Liên Hiệp Quốc đã công bố mức giảm hàng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Năm, giảm 0.6% so với tháng Tư. Tuy nhiên, thước đo hàng tháng này vẫn tăng gần 23% so với cùng thời điểm vào năm 2021.
Ông Cryan nói: Trong khi người mua hàng đang phải chịu phí tổn từ giá cả cao hơn, thì những người nông dân cũng đang cảm nhận được gánh nặng kinh tế.
Ông Cryan nói trong một tuyên bố: “Bất chấp giá lương thực cao hơn, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát đã khiến nguồn cung cấp nông sản đắt đỏ hơn; như người tiêu dùng, nông dân là người chấp nhận giá chứ không phải người định giá. Trong nhiều trường hợp, điểm mấu chốt là mức giá cao hơn mà nông dân được trả không đủ bù đắp cho việc gia tăng chi phí trang trại của họ. Chi phí nhiên liệu tăng và giá phân bón đã tăng gấp 3 lần.”
Nhu cầu giảm đã giúp giá phân bón giảm gần 30% trong những tuần gần đây kể từ khi đạt mức đỉnh điểm 1,425 USD/tấn hồi tháng Năm. Theo nhà phân tích Alexis Maxwell của Green Markets, các nhà sản xuất Đông Nam Á đang chứng kiến người mua từ chối trả những mức giá cao ngất ngưởng này.
Ngoài ra, giá khí đốt tự nhiên của Âu Châu đã giảm nhẹ trong quý II, giúp giảm chi phí sản xuất amoniac.
Tuy nhiên, Phong vũ biểu Kinh tế Nông nghiệp của Đại học Purdue/CME Group nhấn mạnh hồi tháng Năm rằng tâm lý của người nông dân đã giảm đi do chi phí tăng cao.
Ông James Mintert, điều tra viên chính của phong vũ biểu và là giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Thương mại của Đại học Purdue, cho biết số liệu hàng tháng đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 04/2020 do chi phí sản xuất cao hơn, vốn đang cân bằng lại các mức thu nhập tiềm năng từ giá hàng hóa rất cao.
Ông Mintert cho biết: “Mặc dù giá hàng hóa tăng mạnh, nhưng sự yếu kém trong tâm lý của các nhà sản xuất trong tháng này dường như được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhanh chóng của chi phí sản xuất và sự không chắc chắn về giá đầu vào. Sự kết hợp đó đang khiến các nhà sản xuất rất lo ngại về hiệu quả tài chính của trang trại của họ.”
Chi phí đầu vào tăng tiếp tục là mối quan tâm chính của các nhà sản xuất, với 44% báo cáo rằng đây sẽ là vấn đề chính của hoạt động nuôi trồng của họ trong năm tới. Hơn nữa, 57% dự đoán rằng giá đầu vào trang trại sẽ tăng 30% hoặc hơn.
Nhiều công ty lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm đã cảnh báo rằng giá cao hơn sẽ vẫn tiếp tục kéo dài do chi phí nguyên liệu, nhân công và vận chuyển ngày càng tăng.
Ông Randy Garutti, Giám đốc điều hành của Shake Shack cho biết tại một hội nghị nhà đầu tư hôm 21/06: “Lạm phát là có thật và nó sẽ không sớm cải thiện trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.”
Điều kiện kinh tế hiện tại khiến 90% người Mỹ lo lắng về giá lương thực, theo một cuộc thăm dò hồi tháng Sáu do The Harris Poll đại diện cho Alpha Foods thực hiện.
Mặc dù chi phí sản xuất vẫn ở mức cao nhưng giá cả cây trồng đã có một tuần đầy biến động khi nhiều mặt hàng nông sản cứng giảm giá. Lúa mì ghi nhận mức giảm 9% hàng tuần trên Chicago Board of Trade. Ngô giảm khoảng 16%, trong khi đậu nành giảm khoảng 15%.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).