Cử tri Đảng Bảo Thủ ở Uxbridge: Ông Boris Johnson ‘đã bị đâm sau lưng’
UXBRIDGE — Một vòng phỏng vấn nhanh các cử tri ở trung tâm khu vực bầu cử nghị viện của Thủ tướng Boris Johnson ở Uxbridge và South Ruislip đã mang lại nhiều ý kiến trái chiều về việc từ chức của ông, với hầu hết mọi người cảm giác rằng ông đã tại vị quá lâu, nhưng có ít nhất một người tin rằng ông đã bị các đồng sự trong Đảng Bảo Thủ “đâm sau lưng”.
Ông David Williams, 81 tuổi, người đã bỏ phiếu cho ông Johnson trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2019, nói với The Epoch Times: “Ông ấy đã bị rất nhiều người đâm sau lưng. … Có rất nhiều kẻ phản bội, đặc biệt là ông (Michael) Gove.”
Ông Williams nói: “Ông ấy đã có nhiều việc phải giải quyết hơn bất kỳ thủ tướng nào khác kể từ thời ông Churchill — Brexit, COVID, Ukraine. Tôi không thể tưởng tượng việc ông ấy gặp phải tình cảnh nào tệ hơn với tư cách thủ tướng.”
“Tôi thích ông ấy. Ông ấy là một gã hơi vụng về, và ông ấy không phải là một người đặc biệt giỏi ăn nói. Nhưng trái tim ông ấy đã đặt đúng chỗ và ông ấy làm hết sức mình. Đối với một chính trị gia, đó là điều phi thường,” ông Williams nói.
Nhưng cử tri Đảng Lao Động Richard Cawley có quan điểm rất khác: “Tôi rất vui vì ông ấy đã ra đi. Tôi chưa bao giờ bỏ phiếu cho ông ấy hoặc đảng của ông ấy. Phải mất một thời gian dài để đưa ông ta ra ngoài. Tôi nghĩ họ sẽ phải dùng lực để lôi ông ấy đi.”
‘Tôi muốn giai đoạn chính phủ khủng hoảng này kết thúc’
Ông Cawley, người làm việc trong thư viện trung tâm của Uxbridge, nói với The Epoch Times: “Tôi muốn giai đoạn chính phủ khủng hoảng này kết thúc. Kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 cho đến nay, có quá nhiều vấn đề nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết vì chúng ta cứ trải qua hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác.”
“Tôi chưa bao giờ bỏ phiếu cho Brexit nhưng đó là nền dân chủ. Nhưng cách nó đã được thực hiện thật điên rồ. Đầu tiên, họ đàm phán về Nghị định thư Bắc Ireland và sau đó họ đã quẳng nó đi.”
Anh Ferenc Kiss, người gốc Hungary nhưng đã nhập quốc tịch Anh hồi đầu năm nay, cho biết: “Tôi rất vui khi ông ấy rời đi. Đã đến lúc ông ấy phải rời đi. Tôi nghĩ ông ấy đã khởi đầu tốt và đã hoàn thành Brexit. Nhưng lẽ ra ông ấy nên rời đi sau vụ bê bối tiệc tùng.”
Anh Kiss, một chuyên viên phát triển nhu liệu (software), không chắc mình sẽ bỏ phiếu cho ai nếu có một cuộc tổng tuyển cử vào ngày mai: “Ban đầu tôi là cử tri Đảng Bảo Thủ nhưng sau đó tất cả những điều này đã xảy ra. Nhưng tôi không hài lòng với kế hoạch của Đảng Lao Động. Tôi không chắc mình sẽ làm gì.”
Cô Karen Hyatt cho biết cô đã bỏ phiếu cho Đảng Bảo Thủ vào năm 2019, chủ yếu để ngăn chủ tịch Đảng Lao Động đương thời Jeremy Corbyn thắng cử, trong khi người chồng tên Albie của cô thì bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ Tự Do, nhưng cả hai đều đồng ý rằng ông Johnson lẽ ra nên từ chức sớm hơn.
‘Tôi mừng vì ông ấy đã rời đi’
Chồng cô nói: “Tôi mừng vì ông ấy đã rời đi. Không còn chút sự tin tưởng nào. Tôi nghĩ đó là một điều đáng hổ thẹn. Ông ấy đã trải qua thời kỳ tồi tệ nhất với COVID và Ukraine… nhưng mọi người đã nghĩ rằng ông ấy là một người trẻ hơn với những ý tưởng mới và ông ấy khác biệt.”
Anh Albie Hyatt cho biết anh cảm thấy nước Anh đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế đến mức nước này nên xem xét một chính phủ liên minh lớn với các nghị viên của Đảng Bảo Thủ, Đảng Lao Động, và Đảng Dân Chủ Tự Do “cùng nhau hiệp lực.”
Anh Scott Balcony, người điều hành một cửa hàng áo thun ở Uxbridge, cho biết: “Quý vị có thể nói gì về ông ấy đây? Ông ấy là một cơn ác mộng hoàn toàn với tư cách là thủ tướng và với tư cách là một con người. Và ông ta sẽ không nhất thời bỏ đi.”
Anh Balcony cho biết thị trấn, một phần của khu Hillingdon, London, chắc chắn đã được hưởng lợi từ rất nhiều nhờ tăng thêm danh tiếng kể từ khi ông Johnson trở thành thủ tướng vào năm 2015, nhưng anh nói rằng ông ấy không phải là một thủ tướng vĩ đại, không giống như người tiền nhiệm Sir John Randall của ông ấy.
Về tương lai, anh nói rằng anh nghĩ đất nước có thể đi “từ tình hình tồi tệ đến tồi tệ hơn” và nói thêm: “Tôi có thể thấy một tương lai không chắc chắn sắp tới. Những tên tuổi lớn đều quá ô danh và có quá nhiều vấn đề trong quá khứ. Tôi có thể hình dung một nhân vật giống như ông Cameron. Có thể một người nào đó giống như bà Penny Mordaunt, người đã giữ cho mình im hơi lặng tiếng.”
Bà Sylvia Hooper nói: “Đã đến lúc ông ấy phải ra đi. Lẽ ra ông ấy nên rời đi sớm hơn. Các nghị viên lẽ ra nên loại bỏ ông ta khi họ có cơ hội [trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tháng trước]. Bây giờ có vẻ như chúng ta sẽ phải chịu đựng ông ta trong vị trí thủ tướng cho đến tháng Chín.”
Bà cho biết vài ngày gần đây đã nhấn mạnh rằng việc thiếu một Hiến Pháp thành văn có nghĩa là Anh không có phương thức nào rõ ràng để ứng phó với một thủ tướng không muốn rời chức vị.
“Nhưng như câu nguyền rủa Trung Quốc, đúng là ‘làm chó thời bình còn hơn làm người thời loạn,’” bà nói khi bước đi.
Ông Chris Summers là một ký giả tại Vương quốc Anh đưa tin về nhiều vấn đề quốc gia, với mối quan tâm đặc biệt đến tội phạm, trị an, và luật pháp.