Cộng sự của Hunter Biden tiết lộ: Ông Joe Biden đã cùng bàn bạc về thỏa thuận với Trung Quốc
Cộng sự kinh doanh cũ của Hunter Biden hôm thứ Năm (22/10) cho biết ông đã gặp cựu Phó Tổng thống Joe Biden vào tháng 5 năm 2017, và dành một tiếng để thảo luận về một thỏa thuận với một tập đoàn năng lượng Trung Quốc cùng lịch sử gia đình Biden.
Ông Tony Bobulinski dự định sẽ giao nộp ba chiếc điện thoại thông minh với bằng chứng về thỏa thuận của gia đình Biden cho FBI vào thứ Sáu (23/10), đồng thời thảo luận những gì ông biết với các điều tra viên của Thượng viện – những người hiện đang điều tra các giao dịch kinh doanh của Joe Biden.
Trong cuộc họp báo hôm 22/10, ông Bobulinski cho biết, Hunter Biden và các đối tác của mình đã để ông tham gia vào một thỏa thuận hồi đầu năm 2017 với tập đoàn năng lượng Trung Quốc CEFC (China Energy Company Limited).
Theo ông Bobulinski, ông Hunter Biden và các cộng sự của mình đã mời ông tham gia vào thỏa thuận này với tư cách là Giám đốc điều hành của SinoHawk LLC, một tổ chức kinh doanh được thành lập nhằm chính thức hóa quan hệ đối tác đầu tư giữa gia đình Biden và CEFC.
Tên công ty có nguồn gốc từ chữ “Sino” – viết tắt của từ “Trung Quốc”, và “Hawk” [diều hâu] – loài động vật yêu thích của người anh quá cố Beau Biden của Hunter Biden. Công ty SinoHawk được cho là đã nhận được khoản vốn tài trợ ban đầu là 10 triệu USD, sau đó sẽ tăng lên hàng tỷ USD trong quỹ đầu tư, ông Bobulinski nói thêm.
The Epoch Times có trong tay một bản đề án gửi cho chủ tịch CEFC đề ngày 10/4/2017, trong đó liệt kê ông Hunter Biden và ông Bobulinski là những thành viên triển vọng cho Ban Giám đốc và Hội đồng Quản trị của công ty; còn ông James B. Biden – anh trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden cũng được đề cử làm cố vấn. Sự sắp xếp trong bản đề án này trùng khớp với nội dung của một email được New York Post công bố vào tuần trước, trong đó trình bày chi tiết về việc phân chia vốn chủ sở hữu giữa những người tham gia từ phía Hoa Kỳ trong thỏa thuận.
Ông Bobulinski khẳng định, 20% cổ phần được ghi chữ “H” trong email là dành cho ông Hunter Biden, và dòng chữ 10% cổ phần “do H nắm giữ cho ông lớn” là ám chỉ vốn chủ sở hữu do Hunter Biden giữ hộ cha mình – ông Joe Biden.
“Tôi đã được một người cũng liên quan đến vấn đề này chia sẻ vào Chủ nhật tuần trước rằng nếu tôi công khai thông tin này, tất cả chúng tôi sẽ xong đời, bao gồm cả gia đình Biden,” ông Bobulinski nói.
Theo ông Bobulinski, ông Hunter Biden và ông James Biden đã đích thân giới thiệu ông Bobulinski với ông Joe Biden vào ngày 2/5/2017, một ngày trước khi cựu Phó Tổng thống phát biểu tại Hội nghị toàn cầu của Viện Milken. Cả ba đã thảo luận về lịch sử gia đình Biden và kế hoạch hợp tác với công ty năng lượng Trung Quốc.
“Tôi đã nghe ông Joe Biden nói rằng ông ấy chưa bao giờ thảo luận điều này với Hunter. Điều đó không đúng sự thật”, ông Bobulinski quả quyết.
Theo lời vị cựu đối tác này, ông được yêu cầu không sử dụng tên của Joe Biden trong các văn bản [giao dịch]. Đồng thời, cả Joe Biden và Hunter Biden đều “rất lo lắng”, [do đó] sự dính líu của cựu Phó Tổng thống [trong các thỏa thuận này] cần được giữ bí mật.
Theo các hồ sơ từ Ngoại trưởng tiểu bang Delaware, công ty SinoHawk được thành lập vào ngày 15/5/2017 – hai ngày sau khi có email nói trên.
Ông Bobulinski nói rằng ngay sau đó, ông bắt đầu bất đồng với Hunter Biden về cách sử dụng các khoản tiền mà công ty mới thành lập này nhận được. Ông Hunter Biden nhất quyết đòi lấy cho gia đình Biden 5 triệu USD từ khoản vốn đầu tư 10 triệu USD ban đầu. Ông Bobulinski phản đối và nhấn mạnh rằng “cần phải thực hiện các các thủ tục quản trị công ty thích hợp”. Tuy nhiên, ông Hunter Biden đáp trả rằng, người Trung Quốc “thực chất đang đầu tư vào gia đình Biden”. Hôm 17/5/2017, ông Hunter Biden nói với ông Bobulinski rằng CEFC “mong muốn trở thành đối tác của tôi… được hợp tác với nhà Biden”.
Ông Bobulinski cho biết khoản tiền 10 triệu USD đáng lẽ ra được chuyển cho SinoHawk nhưng đã không bao giờ đến tay công ty.
“Thay vào đó, tôi phát hiện ra trong báo cáo tháng 9 của Thượng nghị sỹ Johnson rằng 5 triệu USD đã được gửi cho các tổ chức có liên kết với Hunter vào tháng 8/2017,” ông Bobulinski nêu rõ.
Trong một tuyên bố gửi tới The Epoch Times qua email, ông Bobulinski cho biết ông không hướng tới bất kỳ mục đích chính trị nào, và rằng một số khoản quyên góp chính trị mà ông đã thực hiện là dành cho Đảng Dân Chủ. Một cuộc tra cứu cơ sở dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang đã chứng thực tuyên bố này.
Tập đoàn CEFC China Energy có trụ sở tại Thượng Hải, là công ty dầu khí tư nhân lớn nhất Trung Quốc trước khi bị lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh vào năm 2018. Tập đoàn dầu mỏ này đã kiếm được hàng tỷ USD ở Nga, Đông Âu và một số khu vực của Châu Phi, trong khi người sáng lập đồng thời là Chủ tịch – hiện đã thất sủng – Diệp Giản Minh [Ye Jianming], đã thúc đẩy quan hệ với các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Diệp đã mất tích từ đầu năm 2018, sau khi bị chính quyền Trung Quốc điều tra vì “nghi ngờ [là] tội phạm kinh tế” và bị giam giữ. Theo kênh truyền thông Trung Quốc Caixin, một doanh nghiệp nhà nước đã nắm quyền kiểm soát CEFC vào tháng 3/2019 và công ty này đã tuyên bố phá sản vào đầu năm nay.
Ông Bobulinski đã giao một lượng lớn hồ sơ của mình cho Thượng nghị sĩ Ron Johnson, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện.