Con gái cựu Bí thư Lý Nhuệ: Không có ‘Lục Tứ’, đập Tam Hiệp sẽ không được khởi công
Mùa hè năm nay, lưu vực sông Trường Giang đã gánh chịu những trận lụt nghiêm trọng chưa từng thấy trong mấy thập niên qua, và đập Tam Hiệp cũng trở thành tiêu điểm chú ý của ngoại giới.
Bà Lý Nam Anh, con gái của ông Lý Nhuệ (một nguyên lão của ĐCSTQ và là Bí thư dưới thời Mao Trạch Đông) bày tỏ, con đập hại nước hại dân này có thể được khởi công là bởi ĐCSTQ đã bắt giữ một nhóm chuyên gia, học giả và quan chức ĐCSTQ phản đối việc khởi động công trình trong khoảng thời gian diễn ra sự kiện Lục Tứ (ngày 4/6/1989).
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) hôm 26/8, bà Lý Nam Anh nói rằng công trình Tam Hiệp là “Tai họa mà ĐCSTQ tạo ra cho Trung Quốc”, “Nó căn bản không có khả năng chống lũ, chứ không phải là bị hạn chế về mặt này”. Nguyên nhân là khi đưa ra trình bày và chứng minh cho công trình Tam Hiệp, không có một bài trình bày nào mang tính tổng hợp, tức là [không có] một bài trình bày thống nhất nào, mà đều chỉ là bài trình bày của từng nhóm riêng rẽ, mỗi nhóm đều nói ý riêng của mình.
“Khi tổ phụ trách các vấn đề về bùn cát đưa ra luận chứng, thì nói hồ chứa nước là nghiêng, nên khi xả lũ, đất cát sẽ bị cuốn theo dòng chảy mạnh. Tuy nhiên, tổ chống lũ lại cho rằng hồ chứa nước là bằng phẳng, nếu tích trữ nước ở phía trước đập đến độ cao 175 mét, thì có thể đạt dung tích trữ lũ là 22,15 tỷ mét khối… thật nực cười.”
Bà Lý Nam Anh giải thích thêm tại sao đập Tam Hiệp không có chức năng chống lũ. Chức năng kiểm soát lũ là: trước khi lũ về, hồ chứa sẽ xả nước đến 145 mét để giải phóng nước, lấy dung tích chứa lũ. Khi lũ về, lượng nước chứa trong hồ có thể lên đến độ cao 175 mét, do đó, sức chứa phòng lũ là 22,15 tỷ mét khối. Điều này có nghĩa là hồ chứa của đập Tam Hiệp là một hồ chứa phẳng.
Nhưng trong vận hành thực tế, hồ chứa này về căn bản không hề phẳng. Nếu mực nước lên đến 175 mét khi lũ đến, thì mực nước ở Trùng Khánh sẽ dâng đến 221 mét, và nó sẽ bị ngập lụt! Năm nay, khi nước chứa trong đập đạt độ cao 157 mét, Trùng Khánh đã ngập lụt lênh láng rồi! Về căn bản họ không dám chứa nước trong đập để ngăn lũ.
Hơn nữa, lúc đó đã nói vô cùng rõ ràng rằng, vì Trường Giang không chỉ ngập lụt ở thượng lưu, mà Tứ Thủy, Hán Thủy, Tư Thủy ở trung hạ lưu cũng đều có thể bị ngập lụt. Năm nay tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như vậy, là bởi ở hạ lưu cũng có lũ. Do vậy nếu thượng nguồn lại xả lũ, e rằng hạ lưu sẽ không thể chịu nổi. Năm đó, địa điểm được lựa chọn để xây đập Tam Hiệp chỉ được đánh giá là có thể ngăn lũ ở thượng nguồn, không hề có tác dụng với lũ ở khu vực trung và hạ lưu.
Bà Lý Nam Anh còn tiết lộ, công trình Tam Hiệp có thể được khởi công là vì chính quyền ĐCSTQ đã bắt giữ một nhóm chuyên gia, học giả và quan chức ĐCSTQ phản đối việc khởi công công trình vào năm 1989; hơn nữa, Giang Trạch Dân, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ, cũng rất muốn khởi động dự án này.
Công trình Tam Hiệp đã được đề xuất từ thời Mao Trạch Đông, nhưng do vấp phải sự phản đối của một số quan chức và học giả ĐCSTQ, nên nó chưa được khởi công. Đến thời của Đặng Tiểu Bình, dự án đập Tam Hiệp lại được đề cập một lần nữa.
Bà Lý Nam Anh nói, vào năm 1989, trong thời gian diễn ra cuộc họp Quốc Hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, phóng viên Đới Tình của tờ Quang Minh Nhật Báo đang có cuộc gặp mặt với Hội cựu lưu học sinh Âu Mỹ ở bên cạnh Đại lễ đường Nhân dân, đã mang theo cuốn sách “Trường Giang, Trường Giang” đến buổi họp báo, và còn bán cuốn sách trong quầy bán quà vặt của khách sạn nơi các đại biểu đang lưu trú, thu hút sự chú ý.
Tại hội nghị đó, ông Diệu Y Lâm (lúc đó là Phó Thủ tướng ĐCSTQ) nói rằng, “Nội trong 5 năm, không bàn lại (công trình Tam Hiệp). Đây là một chủ đề mang tính dài hạn.” Bà Lý Nam Anh nói: “Lúc đó, là khoảng vài tháng trước ngày 4/6/1989, nó đã bị bác bỏ tại Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân.”
Ông Đới Tình là chủ biên của cuốn sách “Trường Giang, Trường Giang”, song phía sau là sự hậu thuẫn của một số quan chức ĐCSTQ, gồm ông Lý Nhuệ, viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc Chu Bồi Nguyên, Hội trưởng Hội Xúc tiến Hòa bình Thống nhất Tôn Việt Kỳ, họ đều phản đối việc khởi công công trình Tam Hiệp.
Bà Lý Nam Anh nói, nhóm Chu Bồi Nguyên, Tôn Việt Kỳ,… đều là những quan chức hàng đầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, họ còn có thể lên tiếng với ĐCSTQ. Trong cuốn sách “Trường Giang, Trường Giang” còn có các bài viết của Lý Nhuệ và một số cán bộ cao cấp của Ủy ban Kế hoạch Quốc gia, nên nó vẫn có tác dụng.
Tuy nhiên, sau sự kiện ngày 4/6, ông Đới Tình bị bắt, và cuốn sách bị cho là “chuẩn bị dư luận để gây động loạn và bạo loạn”. Các quan chức ĐCSTQ có bài viết trong cuốn sách, đặc biệt là những người trong Ủy ban Kế hoạch Quốc gia, đều bị phê phán. Bởi ông Đới Tình là “phần tử gây loạn”, nên tất cả các tác giả tham gia viết cuốn sách này cũng đều trở thành “phần từ gây loạn”. Như vậy, với cớ “phần tử gây loạn” Lục Tứ, cuốn sách này bị cấm và hóa thành bột giấy, vậy là “một lưới bắt gọn cả mẻ” những người này.
Từ năm 1991, Giang Trạch Dân đã bắt đầu phong phanh chuyện khởi công công trình Tam Hiệp. “Vào Tết Nguyên đán năm 1991, Vương Chấn và một số người khác đã tổ chức buổi tọa đàm ở Quảng Đông, nói rằng công trình Tam Hiệp nhất định phải được thực hiện… và thế là công trình bắt đầu triển khai. Vì vậy, nếu không có sự kiện Lục Tứ năm 1989, đánh đồng những người phản đối công trình Tam Hiệp thành phần tử gây loạn, dự án này sẽ không được khởi công, bởi lúc đó Diêu Y Lâm đã nói đã nói rất rõ ràng rằng ‘nội trong 5 năm, không bàn lại.’”
Bà Lý Nam Anh nói thêm: “Sở dĩ [đập] Tam Hiệp sau đó có thể khởi công là bởi Giang Trạch Dân đã trở thành người có quyền lực cao nhất, nhưng ông ta không hề biết một cái gì hết.” Ông ta chỉ muốn là thông qua việc “trị thủy” để có được một chỗ đứng vững chắc cho bản thân.
Bà Lý Nam Anh cho hay, từ dự án này, gia tộc Lý Bằng (cựu Thủ tướng) “có thể eo quấn bạc triệu, và một số quan chức địa phương nơi xây dựng đập Tam Hiệp, đã trở thành cán bộ cấp thứ trưởng. Sau Tam Hiệp, còn có dự án “Nam Thủy Bắc Điều” (Công trình dẫn nước từ Nam lên Bắc), lại sinh ra hàng loạt thứ trưởng, bộ trưởng và thậm chí cả quan chức trung ương: Một tập đoàn lợi ích đang bám lên Tam Hiệp mà hút máu của nhân dân”.
Tác giả: Trương Đốn