Cố vấn gốc Hoa của Ngoại trưởng Hoa Kỳ bác bỏ tuyên bố chủ nghĩa đa phương của ông Tập Cận Bình
Vào ngày 22 tháng 9, Tiến sĩ Miles Yu, xuất thân từ tỉnh An Huy, Trung Quốc, cố vấn chính về chính sách Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, đã xuất hiện hiếm hoi trước công chúng để bác bỏ đề xướng tiếp cận với thế giới theo “chủ nghĩa đa phương” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ông Yu, người bị truyền thông nhà nước Trung Quốc dán nhãn là kẻ phản bội số một đối với dân tộc Trung Hoa trong lịch sử hiện đại, nói rằng những bình luận của ông Tập xuất phát từ sự “thiếu nhận thức về bản thân Trung Quốc.”
Ông cho biết Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc (ĐCSTQ) đang “bị cô lập” và không có đồng minh thực sự nào, ngoài Triều Tiên và Nga, vốn cũng là “những người bạn khó chơi.”
Ông cũng bình luận về sự thiếu tin cậy đối với ĐCSTQ thể hiện qua các hành động đàn áp “tàn bạo và nửa phát xít” mà nó đã thực hiện ở Hồng Kông.
Ông Yu đã đưa ra các bình luận của mình trong một cuộc thảo luận trực tuyến về những hậu quả của những hành động của ĐCSTQ tại Hồng Kông do Viện nghiên cứu Macdonald-Laurier, một tổ chức tư vấn của Canada chủ trì.
Ông phát biểu: “Các giá trị chung mới là nền tảng của chủ nghĩa đa phương.”
“Chúng tôi (Hoa Kỳ) cũng như các quốc gia như Úc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Canada, EU, NATO và các quốc gia thuộc tổ chức ASEAN — tất cả chúng tôi đều chia sẻ những giá trị chung.”
Ông kêu gọi bạn bè và đồng minh trên toàn thế giới cùng chia sẻ các giá trị chung như Hoa Kỳ để “xây dựng một liên minh các nền dân chủ nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.”
“Mọi nền dân chủ tự do trên thế giới đều công nhận Trung Quốc là một mối đe dọa”, ông cho biết.
“Hãy luôn nhớ rằng Trung Quốc không đáng tin để có thể coi như một đồng minh thực sự. Vì vậy, thật nực cười khi nghe ông Tập Cận Bình tại Liên Hợp Quốc ngày hôm qua tuyên bố rằng Trung Quốc đang dẫn đầu chủ nghĩa đa phương.”
Ông Yu bác bỏ tuyên bố của ông Tập và gọi đó là “biểu hiện đầy đủ của sự thiếu nhận thức về bản thân Trung Quốc.”
Ông nói rằng Hoa Kỳ “đa phương hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới khi đối mặt với thách thức từ Trung Quốc, và hành động đa phương của Hoa Kỳ mang tính toàn cầu và thực tiễn”, nhưng cho rằng “chủ nghĩa đa phương” cần có mục tiêu riêng của nó.
Ông phát biểu, “Các đảng phái, các cuộc đối thoại và các bữa tiệc [bản thân chúng không] nhất định là cứu cánh để giải quyết mọi vấn đề trên thế giới”, đồng thời trích dẫn thêm ví dụ rằng các cuộc đàm phán đa phương của các chính quyền Hoa Kỳ trước đây với năm nước khác đã không giúp cải thiện được vấn đề Triều Tiên.
Ông nói rằng Tổng thống Donald Trump đã chọn một cách tiếp cận khác đó là đối thoại trực tiếp với Kim Jong Un và đã “vô hiệu hóa ông ta trong ba năm rưỡi nay.”
Yu còn cho biết rằng mục tiêu của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và khu vực là bảo vệ các giá trị như tự do và pháp quyền vốn đã bị dập tắt ở Hồng Kông.
Ông cho rằng, “Trung Quốc coi toàn bộ thế giới là cuộc đấu tranh bất tận giữa chủ nghĩa xã hội Trung Quốc – một chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Vì vậy, họ muốn chúng ta quên đi những khác biệt về hệ thống, chính trị và ý thức hệ giữa hai chế độ.”
Ông Miles Yu, tên tiếng Trung là Yu Maochun, sinh ra ở Trung Quốc và đến Hoa Kỳ để học cao học vào năm 1985. Ông là giáo sư về lịch sử Đông Á, quân sự và hải quân tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNA), và là một thành viên chủ chốt trong đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người được biết đến với tư cách là chuyên gia tư vấn nội bộ của Bộ.
Nhiều người tin rằng ông Yu đóng vai trò trung tâm trong việc hoạch định chính sách liên quan đến Trung Quốc của chính quyền Trump. Ngoại trưởng Pompeo mô tả ông là “hạt nhân trong đội ngũ của tôi”, còn David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương gọi ông Yu là “báu vật quốc gia.”
Lập trường cứng rắn của Yu chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh tức giận.
Theo tờ The Epoch Times, ĐCSTQ gần đây đã thực hiện một loạt các hành động trả đũa ông.
Vào tháng 7 năm 2020, ngôi trường cũ của Yu, trường trung học cơ sở Vĩnh Xuyên ở Trùng Khánh, một thành phố lớn ở Tây Nam Trung Quốc, đã khắc tên ông lên bức tường danh dự. Yu đã được vinh danh đỗ thủ khoa ngành khoa học nhân văn trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Trung Quốc năm 1979.
Đầu tháng 9 năm nay, một nhóm những người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi có cùng họ với Yu tuyên bố rằng Yu là “kẻ phản bội đất nước Trung Quốc” và loại bỏ tên của ông ấy ra khỏi bảng gia phả của “Gia tộc họ Yu.”
Yu đã trả lời trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng, “Thật kỳ lạ khi loại tên tôi ra khỏi bảng gia phả mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến, và cũng chưa bao giờ quan tâm. Trò hề này chẳng bao lâu nữa sẽ bị phơi bày dưới ánh sáng.”
Một ‘thử nghiệm lớn’
Trong cuộc thảo luận trực tuyến hôm thứ Ba (22/9), Yu cũng miêu tả rằng tình trạng của Hồng Kông kể từ năm 1997 chính là một “cuộc thử nghiệm lớn đã thất bại thảm hại”. Ông nói rằng Hồng Kông là một “cuộc thử nghiệm để kiểm tra thực tiễn mức độ đáng tin cậy của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Tuy nhiên nó đã thất bại thảm hại và qua đó bộc lộ rõ cho thế giới thấy rằng họ không thể tin tưởng Bắc Kinh.
Bắc Kinh hứa sẽ duy trì “một quốc gia, hai chế độ” trong 50 năm khi Vương quốc Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Tuy nhiên ĐCSTQ đã không giữ lời hứa của mình và còn cố gắng áp đặt chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chuyên quyền lên người dân Hồng Kông.
Yu cho rằng “một quốc gia, hai chế độ” của ĐCSTQ là một “ý tưởng bị phá sản” vì “mâu thuẫn nội hàm” trong chính cụm từ đó. Ông chỉ ra rằng “thống nhất quốc gia” đối với Trung Quốc sẽ là vô nghĩa nếu không có “tự do chính trị”. Ông cũng lấy ví dụ về sự thống nhất của Đông và Tây Đức, và cả Bán đảo Triều Tiên.
Ông nói: “Mọi người sẽ không thể đoàn kết với nhau dưới một chế độ chuyên chế.”
Ông nói thêm, “Tôi nghĩ người dân Hồng Kông đã lựa chọn một chế độ tự do và pháp quyền, chứ không phải chế độ chuyên quyền cộng sản nhân danh thống nhất tự nhiên.”
Ông nói rằng sự đàn áp tàn bạo của Trung Quốc đối với nền dân chủ và áp đặt Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông đã khiến mô hình “một quốc gia, hai chế độ” của ĐCSTQ hoàn toàn mất đi “tác dụng làm gương học tập cho Đài Loan.”