Có thể Nhẫn, mọi sự tất thành
Người xưa nói, nhỏ không nhẫn ắt loạn đại mưu. Tự cổ chí kim, bí quyết của người thành đại sự chính là chữ Nhẫn này.
Vào thời Đường, ở Sơn Đông, Trung Quốc có một ông lão tên Trương Công Nghệ, mọi người gọi ông là Trương Công. Gia đình của ông khi đó đã là cửu đại đồng đường, mấy trăm người cùng ở với nhau, nhưng hàng xóm xung quanh lại chưa từng nghe thấy nửa câu cãi nhau nào phát ra từ nhà họ, cả nhà luôn sống rất hòa thuận và đầm ấm.
Chuyện này sau khi đồn tới Trường An, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã ban thưởng cho Trương Công hai quả dứa được cống tiến trước đó, mục đích là muốn xem xem họ sẽ làm gì với hai quả dứa này.
Trương Công sau khi nhận được hai quả dứa đã đặt nó lên nơi trang trọng rồi cùng cả gia đình cúi đầu tạ ân, sau đó đích thân trai giới 3 ngày. Tiếp đó, ông dặn dò cô cháu dâu đời thứ 7 nghiền nát hai quả dứa này ra rồi đổ vào nồi nấu thành cháo, rồi ông đích thân đong cho mỗi người một thìa, vậy là cả nhà từ lớn đến bé ai cũng được ăn.
Đường Thái Tông sau khi biết chuyện đã rất vui mừng, triệu Trương Công vào điện, trực tiếp thỉnh giáo đạo trị gia của Trương Công. Trương Công xin hoàng thượng giấy bút, một hồi sau, ông trình tờ giấy lên cho hoàng thượng.
Đường Thái Tông xem, thấy cả tờ giấy dày đặc duy nhất một chữ “nhẫn”, viết tới 100 lần. Đường Thái Tông chợt hiểu ra thâm ý của Trương Công muốn gửi gắm: Trị gia cần Nhẫn, trị quốc cũng cần Nhẫn.
Nhẫn là phẩm, cũng là đức
“Nhẫn” (忍) theo “Thuyết văn giải tự” nghĩa là năng lực, khả năng. Chữ Nhẫn bao gồm chữ “Tâm” (心 – trái tim) và chữ “Nhận” (刃 – lưỡi dao). Trong những hoàn cảnh thống khổ, thậm chí đến như dao đâm vào tim, mà có thể chịu đựng, đó chính là Nhẫn.
Cổ nhân xem Nhẫn như một loại phẩm đức cao thượng, là con đường đến viên mãn của người tu luyện. Vậy nên Nhẫn là nội hàm trọng yếu trong tất cả các triết lý tôn giáo.
Nho gia đề cao sự khiêm nhường. Khổng Tử nói: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn”. Lại giảng: “Quân tử không tranh giành”. Trong Luận Ngữ ghi lại lời Đức Khổng nhắc nhở một môn đồ của ngài là Tử Lộ rằng: “Nhu nhuyễn nhất định thắng cương ngạnh, nhỏ yếu mà lại chiến thắng cường đại. Ham tranh đấu nhất định sẽ bị tổn thương, một mực khoe dũng nhất định sẽ dẫn tới diệt vong. Thái độ căn bản để làm mọi chuyện là: Nhẫn nhịn là tốt nhất.”
Đạo gia coi trọng sự nhu hòa. Đạo đức kinh viết: “Thiên Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà Thiện ứng”. Lão Tử nói: “Thượng Thiện giống như nước, làm lợi cho vạn vật mà không tranh”. Đức hạnh chí cao vô thượng thì cũng giống như nước vậy, lương thiện ban phúc cho vạn vật mà không hề tranh đấu.
Xích Tùng Tử từng nhắc nhở đệ tử: “Có thể nhẫn thì sẽ không bị sỉ nhục”. Tôn chân nhân nói: “Nhẫn nhượng có thể làm việc xấu tự biến mất, tự xem xét bản thân thì tai họa sẽ không rơi lên thân mình”.
Phật gia giảng từ bi. Phật giáo giảng: “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”. Trong kinh Phật viết: “Thái độ đối nhân xử thế đoan chính, nét mặt kiền tịnh tinh khiết, phong thái dung mạo tốt đẹp, đây đều là từ trong ‘Nhẫn’ mà đạt được.”
Dù là Nho hay Đạo hay Phật gia đều mang theo nội hàm về “Nhẫn”. Nhẫn được điều không thể Nhẫn, đây là một loại tu dưỡng và cảnh giới.
Tấm gương đại nhẫn của người xưa
Trương Lương là bậc danh thần khai quốc thời nhà Hán. Có câu chuyện kể rằng thời trẻ, khi đang thong dong tản bộ trên cầu Hạ Phi, Trương Lương tình cờ gặp một cụ già đang ở trên cầu.
Lúc ấy, cụ già đánh rơi chiếc giày xuống dưới cầu và nói với Trương Lương rằng:
“Cậu bé, xuống lấy giày cho ta”. Trương Lương rất ngạc nhiên nhưng vẫn xuống dưới cầu nhặt giày
Trương Lương mang giày đến cho cụ già, cụ nói: “Xỏ giày cho ta”. Trương Lương lại quỳ xuống xỏ giày.
Cụ già thấy vậy liền cười ha ha rồi bước đi. Vừa đi được một đoạn thì cụ già quay đầu lại và nói: “Cậu bé này có thể dạy dỗ được. 5 ngày sau lúc bình minh gặp ta ở đây”.
Trương Lương lấy làm lạ, bèn quỳ xuống đáp: “Xin vâng”
5 ngày sau vào lúc bình minh, Trương Lương đến nơi đã thấy cụ già đang ở trên cầu rồi.
Cụ vừa nhìn thấy Trương Lương thì giận dữ nói: “Có hẹn với người già mà lại đến sau là sao vậy? 5 ngày nữa gặp lại!”. Nói rồi cụ bỏ đi.
5 ngày sau, Trương Lương dậy sớm đến chỗ hẹn từ khi gà gáy.
Nhưng cụ già đã đến trước, cụ lại giận dữ nói: “Lại đến sau là sao vậy?”. Cụ bỏ đi và nói: “5 ngày sau lại đến”.
5 ngày sau, Trương Lương đi từ lúc nửa đêm. Đến nơi được một lúc thì cụ già tới
Cụ vui mừng nói: “Nên như thế”, rồi cụ lấy ra một bộ sách và căn dặn: “Đọc sách này có thể làm thầy đế vương, 10 năm sau sẽ hưng thịnh. 13 năm sau, cậu gặp ta ở Tế Bắc, Hoàng Thạch (đá vàng) dưới chân núi Cốc Thành chính là ta”.
Nói rồi cụ già quay lưng bước đi. Trương Lương nhìn bộ sách, trên đó ghi dòng chữ: “Thái Công binh pháp”.
Từ đó cậu thường xuyên đọc sách này, nhờ đó mà trí huệ mở mang, trở thành một bậc thầy mưu lược bên cạnh Lưu Bang.
Trương Lương có thể nhẫn nhịn hết lần này đến lần khác, ức chế được sự cương ngạnh của tuổi trẻ, nhờ đó mà đắc được thiên thư, giúp cậu thành tựu đại nghiệp.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng: “Ta lĩnh ngộ được sự tinh túy của ‘không tranh giành’ chính là đệ nhất thiên hạ”. Ngài lại nói: “Trong sáu phương pháp siêu độ và hàng vạn phương pháp tu hành, nhẫn nhịn chính là hàng đầu”.
Tự cổ chí kim, bí quyết của người thành đại sự chính là chữ Nhẫn này.
Trọng Nhĩ lưu vong nhẫn khổ chịu nhục, cuối cùng trở thành Vua nhà Tấn. Nhan Uyên sống cuộc sống giản dị, an bần mà lạc Đạo, cuối cùng trở thành đệ tử hiền đức nhất của Khổng Tử. Hàn Tín mang theo kiếm mà chịu nhục chui háng, cuối cùng trở thành đại tướng quân của Lưu Bang. Tô Vũ chăn cừu 19 năm, trung nghĩa giữ gìn tiết tháo, Nhẫn được điều người thường không thể Nhẫn được, sau trở thành tấm gương cho hậu thế.