Cơ quan phòng chống doping thế giới khuyến cáo VĐV Olympic tránh ăn thịt ở Trung Quốc
Hồi tuần trước, Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) đưa ra khuyến cáo rằng các vận động viên (VĐV) Olympic phải “tập cảnh giác cao độ” khi họ ăn thịt ở Trung Quốc, loại thịt có thể bị nhiễm chất cấm clenbuterol.
Một phát ngôn viên của WADA cho biết hướng dẫn của họ đối với các VĐV thi đấu ở hải ngoại “chỉ được dùng bữa tại những địa điểm mà ban tổ chức sự kiện chỉ định là an toàn” ở các quốc gia như Trung Quốc vẫn phải áp dụng [hướng dẫn này], trang web tin tức về Olympic Inside the Games đưa tin.
Hướng dẫn này được đưa ra sau khi Cơ quan Phòng chống Doping của Đức khuyến cáo các vận động viên của mình bằng mọi giá phải tránh ăn thịt ở Trung Quốc và tìm kiếm một giải pháp thay thế vì khả năng nhiễm chất clenbuterol [trong thịt].
Sự lo lắng về vấn đề thịt tại Trung Quốc bị nhiễm độc luôn thường trực trong nhiều thập niên, mặc dù vào năm 1997 Trung Quốc đã cấm nông dân sử dụng clenbuterol, còn được gọi là “bột tạo nạc” (hay bột tăng trọng), để làm thức ăn cho gia súc như heo con và bê con. Chất phụ gia thực phẩm bất hợp pháp này được tạo ra với mục đích tạo thịt nạc hơn bằng cách đẩy nhanh quá trình tạo cơ và đốt cháy chất béo.
Những người thi đấu trong Thế vận hội sắp tới khó có thể dùng bữa bên ngoài Làng Vận động viên, nơi họ có thể ăn phải những loại thực phẩm kích thích như vậy, vì Bắc Kinh bắt đầu vận hành một hệ thống vòng khép kín cách đây hai tuần. Các vận động viên sẽ phải ở trong khu vực bong bóng Olympic (khu an toàn trong dịch COVID-19) khi đến nơi hoặc sau khi cách ly 21 ngày nếu chưa được chích ngừa đầy đủ.
Theo báo cáo, WADA cho biết “trách nhiệm của ban tổ chức sự kiện và chính phủ là bảo đảm thịt cung cấp cho các vận động viên không bị nhiễm độc,” kể cả ở trong Làng thi đấu.
Vị phát ngôn viên này cho biết thêm, các vận động viên có thể cho kết quả dương tính trong các xét nghiệm chất kích thích đối với clenbuterol [nhiễm] ở “mức rất thấp”.
Clenbuterol, bị Liên minh Âu Châu cấm vào năm 1988 và Hoa Kỳ vào năm 1991, cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở người bao gồm run tay chân, buồn nôn, và đau đầu.
Tuy nhiên, các vụ bê bối trong ngành này đã dẫn đến làn sóng nghi ngại trong và ngoài nước về năng lực của các cơ quan chức năng Trung Quốc trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm một cách thỏa đáng.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia vào tháng 03/2011, hàng trăm người Trung Quốc đổ bệnh do ăn phải thịt heo nhiễm chất clenbuterol, vì một số người chăn nuôi heo vẫn tái diễn việc sử dụng trái phép chất kích thích này để kiếm lời.
Vào năm 2012, Tổng cục Thể thao của Trung Quốc đã ban hành một khuyến nghị khẩn yêu cầu các vận động viên Olympic Trung Quốc không được ăn thịt, vì lo ngại rằng họ sẽ hấp thụ phải chất clenbuterol. Thông báo này được đưa ra sau khi nhà vô địch judo Olympic Trung Quốc, Đồng Văn (Tong Wen) bị treo giò hai năm vì có vết tích của chất clenbuterol trong máu của cô.
Tài liệu bị rò rỉ
Dữ liệu nội bộ cho thấy rau củ và trái cây cũng có nguy cơ nhiễm độc cao khi được cơ quan chức năng kiểm tra.
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times có được một tài liệu bị rò rỉ do cơ quan quản lý nông nghiệp hàng đầu của thành phố Tây An ban hành vào ngày 28/12, yêu cầu thắt chặt kiểm soát đối với các chất phụ gia thực phẩm bị cấm ở thành phố miền trung-bắc Trung Quốc này khi Thế vận hội Mùa Đông đến.
“Đối với các mặt hàng trồng trọt, cần tập trung vào việc giám sát chất chlorpyrifos, phorate, và các dư lượng thuốc trừ sâu bị cấm khác,” tài liệu viết.
“Đối với mặt hàng nuôi trồng thủy sản, cần chuyên chú vào việc giám sát các loại thuốc kháng khuẩn bị cấm, như nitrofurans; và chất diệt ký sinh trùng, chẳng hạn như malachite green. Đình chỉ việc sử dụng ofloxacin và các loại thuốc kháng sinh thông thường như enrofloxacin và ciprofloxacin.”
Tài liệu này cũng nêu tên ba loại rau có “nguy cơ ô nhiễm cao” là đậu đũa, tỏi tây Trung Quốc và cần tây.
Trong một tháng rưỡi qua, cơ quan giám sát thị trường thành phố Bắc Kinh, thành phố đăng cai Thế vận hội 2022, đã nêu đích danh một loạt các vấn đề về an toàn thực phẩm, theo một đánh giá của The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ.
Thông báo công khai do Cục Quản lý thị trường thành phố Bắc Kinh đăng tải cho thấy danh sách các sản phẩm thực phẩm không đủ tiêu chuẩn có chứa các chất cấm, cụ thể như sau:
Rau củ quả: mầm đậu tương, giá đậu xanh, cải thìa, cải bó xôi, măng đã qua chế biến, cải thảo, gừng, chuối, cam, đào;
Các sản phẩm từ thịt: thịt bò, thịt gà và thịt cừu;
Các sản phẩm thủy sản: cá trắm cỏ, cá diếc, cá chép, cá vược, cá tầm, cá đuôi phụng nội địa, hoàng ngư (cá lù đù vàng), cá rô đồng, cua biển, và tôm.
Thông báo này cho biết các sở ban ngành giám sát địa phương sẽ tiến hành một cuộc điều tra đối với từng trường hợp.
Bản tin có sự đóng góp của Long Đằng Vân
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: