Cổ phiếu SMIC sụt giảm do đối mặt với lệnh hạn chế của Hoa Kỳ
Công ty sản xuất vi mạch bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc (SMIC) đã chứng kiến cổ phiếu của mình giảm hơn 4.5% trên Sở chứng khoán Hồng Kông (HKSE) hôm 5/10/2020, một ngày sau khi công ty thừa nhận họ đang phải đối mặt với các hạn chế xuất cảng của Hoa Kỳ.
Cổ phiếu của Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) đã giảm ngay sau khi HKSE mở cửa hôm 05/10/2020, giảm hơn 6% xuống 16.88 HKD (2.18 USD) khoảng một giờ sau khi bắt đầu giao dịch. Cổ phiếu dần nhích lên và đóng cửa ở giá 17.28 HKD (2.23 USD) tại cuối phiên giao dịch.
Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, nơi cổ phiếu SMIC đồng niêm yết, đóng cửa hôm 05/10/2020, do kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài 8 ngày của Trung Quốc.
Tối ngày 04/10/2020, SMIC đã đưa ra một thông báo rằng họ đã có “những trao đổi sơ bộ” với Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ (BIS) về các hạn chế xuất cảng mà họ đang phải đối mặt, và cũng sẽ “tích cực liên lạc” với các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ có liên quan.
SMIC cho biết họ được biết việc họ nằm trong danh sách đen sau những cuộc họp với các nhà cung cấp Hoa Kỳ. Công ty sản xuất vi mạch bán dẫn Trung Quốc cho biết thêm rằng họ đang đánh giá các tác động của việc hạn chế xuất cảng, đồng thời bổ sung rằng những việc này sẽ có ảnh hưởng bất lợi lên các hoạt động sản xuất và vận hành trong tương lai.
BIS, trực thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đã ban hành một bức thư hôm 25/9/2020 tới các công ty Hoa Kỳ, cảnh báo họ rằng việc xuất cảng cho SMIC gây ra “rủi ro không chấp nhận được” khi các hàng hóa, dịch vụ đó có thể bị chuyển sang “mục đích sử dụng trong quân sự”, và các công ty cần có giấy phép của chính phủ Hoa Kỳ trước khi có thể xuất cảng trở lại cho SMIC.
Vào thời điểm đó, SMIC cho biết họ chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc hạn chế xuất cảng.
Bộ phận thương mại đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về các cuộc thảo luận đang diễn ra với SMIC.
Vào năm 2017, Bắc Kinh đã thành lập một cơ quan chính phủ có tên là Ủy ban Trung Ương về Phát triển Quân sự – Dân sự để giám sát sự phối hợp giữa các lĩnh vực quân sự và dân sự để thúc đẩy các sáng tạo công nghệ.
Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự hợp tác này là mục tiêu nhắm tới của chính phủ Tổng thống Trump.
“Trung Quốc đang thực hiện chính sách này, không chỉ thông qua các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của riêng họ, mà còn bằng cách mua và chuyển hướng các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới – bao gồm thông qua hành vi trộm cắp – để đạt được mục đích có lợi thế áp đảo trong lĩnh vực quân sự,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trên trang web của họ.
Tờ Nhật báo Toàn cầu, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, trong một bài báo được đăng sau thông cáo của SMIC, đã ước tính rằng SMIC có đủ dự trữ để duy trì hoạt động sản xuất trong sáu tháng, trích lời một chuyên gia công nghệ trong nước tên là Xiang Ligang.
Ông Xiang cho biết rằng khách hàng của SMIC, công ty công nghệ khổng lồ Huawei, cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế xuất cảng, vì Huawei là khách hàng lớn nhất của SMIC.
Trích dẫn từ các phân tích không nêu rõ nguồn, tờ Nhật báo Toàn cầu cáo buộc chính phủ TT Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với SMIC là “một hành động tuyệt vọng” để “ghi điểm chính trị trước cuộc bầu cử tháng 11”.
Các hạn chế xuất cảng của Hoa Kỳ có lẽ cũng không ngạc nhiên đối với công ty sản xuất vi mạch bán dẫn Trung Quốc.
Ngày 30/9/2020, tờ báo Nikkei Asian Review của Nhật Bản đã đưa tin rằng công ty sản xuất vi mạch bán dẫn của Trung Quốc đã dự trữ các thiết bị phục vụ sản xuất và các phụ tùng thay thế quan trọng để đối phó với bất kỳ hạn chế xuất cảng nào của Hoa Kỳ, trích dẫn nguồn tin giấu tên.
Một công ty thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn không nêu tên của Hoa Kỳ đã cho Nikkei biết rằng họ đã chuyển nhiều máy móc cho SMIC năm nay, và công ty này đã đặt hàng “nhiều máy hơn mức cần thiết cho những kế hoạch mở rộng của họ.”
Các hệ quả
Các hạn chế xuất cảng của Hoa Kỳ có khả năng tạo ra những hậu quả sâu rộng đối với SMIC, các đối tác cung cấp và khách hàng của họ.
“Với vị trí dẫn đầu của SMIC trong lĩnh vực sản xuất vi mạch bán dẫn của Trung Quốc, lệnh trừng phạt mới nhất có nguy cơ cắt đứt chuỗi cung ứng thiết bị sản xuất bán dẫn và nguyên liệu của SMIC, và sẽ gây thiệt hại đáng kể cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong quy trình sản xuất chip công nghệ cao, và những nỗ lực của Trung Quốc trong việc độc lập về công nghệ bán dẫn,” theo báo cáo hôm 28/9/2020 của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce có trụ sở tại Đài Loan.
Bắc Kinh tuyên bố thông qua chính sách công nghiệp “sản xuất tại Trung Quốc 2025” rằng sẽ hướng tới sản xuất trong nước 70% nhu cầu các sản phẩm công nghệ bán dẫn vào năm 2025. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang phụ thuộc nhiều vào các vi mạch bán dẫn của nước ngoài, được sử dụng trong mọi lĩnh vực, từ máy tính và điện thoại di động đến tên lửa và máy bay chiến đấu.
TrendForce dự đoán rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ có thể buộc SMIC phải chậm lại quá trình mở rộng sản xuất dựa trên các công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn đã cũ (28 nanomet và lớn hơn), cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển cho các công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn hiện đại (14 nanomet và nhỏ hơn).
Khi các thiết bị vi mạch bán dẫn giảm kích thước vi mạch ở mức độ nanomet, chúng trở nên mạnh mẽ và hiện đại hơn.
Ví dụ, Apple công bố hồi tháng 9/2020 rằng máy tính bảng iPad Air mới sẽ được trang bị vi mạch bán dẫn xử lý A14 Bionic, được sản xuất bằng công nghệ quy trình 5-nm hiện đại. Vi mạch bán dẫn thế hệ trước của Apple, A13 Bionic, được sản xuất bằng công nghệ quy trình 7-nm.
Theo truyền thông Đài Loan, TSMC có trụ sở tại Đài Loan, công ty sản xuất vi mạch bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã sản xuất vi mạch bán dẫn A14 mạnh mẽ này. Tháng 5/2020, TSMS đã công bố các kế hoạch đầu tư 12 tỷ USD để xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ quy trình 5-nm ở Arizona.
TrendForce cũng dự đoán rằng những công ty cung cấp thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn có trụ sở tại Hoa Kỳ, chẳng hạn như Applied Materials, Lam Research, và KLA, sẽ “gánh chịu một số tác động” – vì các thiết bị này có các linh kiện xuất xứ từ Hoa Kỳ và do đó, sẽ bị điều chỉnh bởi các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, SMIC cũng không có khả năng tìm được các lựa chọn thay thế ở Trung Quốc.
“Trong vòng năm đến mười năm tới, các công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị sản xuất bán dẫn rất khó có khả năng cung cấp các thiết bị sản xuất bán dẫn cho tất cả các yêu cầu của quá trình sản xuất,” TrendForce cho biết.
Ngoài ra còn có những rắc rối khác sắp xảy ra đối với SMIC. TrendForce cho biết các khách hàng không phải Trung Quốc của SMIC – chẳng hạn như Samsung có trụ sở tại Hàn Quốc và UMC, Vanguard và TSMC có trụ sở tại Đài Loan – có thể chuyển các đơn đặt hàng của họ đi sang nơi khác, vì dự đoán rằng SMIC có thể sẽ không có đủ các thiết bị hay vật liệu cần thiết để sản xuất, và do đó sẽ không thể hoàn thành được các đơn đặt hàng.
TrendForce cho biết rằng Apple, hiện đang đặt hàng vi mạch bán dẫn bộ nhớ từ công ty thiết kế vi mạch bán dẫn bộ nhớ Trung Quốc GigaDevice cho tai nghe không dây AirPods của mình, có thể sẽ chuyển các đơn đặt hàng vi mạch bán dẫn bộ nhớ đến các công ty có trụ sở tại Đài Loàn như Winbond và Macronix, vì GigaDevice dựa vào SMIC để sản xuất vi mạch bán dẫn.
Theo phân tích của TrendForce, các hạn chế xuất cảng có “ít tác động hơn” đối với SMIC trong việc mua các tấm silicon wafers, là nền tảng để chế tạo vi mạch bán dẫn, và hóa chất cơ bản khác dùng trong lĩnh vực bán dẫn, vì những mặt hàng này hầu hết được cung cấp bởi các công ty Nhật Bản và Châu Âu.
Cũng vào hôm 28/9/2020, Hãng thông tấn Trung Ương của chính phủ Đài Loan đã đưa tin rằng nhiều công ty thiết kế vi mạch điện tử của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Hoa Kỳ, trích dẫn một báo cáo đầu tư.
Báo cáo lưu ý rằng công ty Will Semiconductor có trụ sở tại Thượng Hải có khả năng sẽ chuyển một số đơn đặt hàng sản xuất vi mạch bán dẫn cảm biến hình ảnh CMOS (CIS) từ SMIC sang TSMC. Vi mạch bán dẫn CIS được sử dụng trong các máy ảnh kỹ thuật số để chuyển đổi ánh sáng sang ảnh kỹ thuật số.