Có nên đầu tư vào doanh nghiệp của bạn bè?
Ben & Jerry’s là một doanh nghiệp bắt đầu từ tình bạn thời thơ ấu. Bốn người bạn thân thời tiểu học đã sáng lập Warby Parker. Tình bằng hữu đã được chuyển biến thành một mối quan hệ hợp tác lâu dài đã đem Clear đến với TSA (Cục An Ninh Vận Tải Hoa Kỳ) trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Một chuyến mua sắm của hai người bạn gái đã thành lập nên thương hiệu thời trang ngoại cỡ Universal Standard.
Đúng vậy, những câu chuyện về mối quan hệ kinh doanh thành công giữa những người bạn thân là có tồn tại. Tuy nhiên với mỗi Ben và Jerry, thì ngoài kia vẫn còn vô số những Jane và Joe đã đánh đập bạn cùng phòng của họ chỉ vì đã thúc ép họ vay tiền để kinh doanh.
Việc trộn lẫn giữa tình bạn và công việc có thể là một thử thách nghiêm trọng cho các bạn. Vì vậy, khi một người bạn học, một đồng nghiệp hoặc một người bạn thời thơ ấu mời bạn đầu tư vào doanh nghiệp của họ, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều khía cạnh.
Hãy suy nghĩ như một nhà đầu tư chuyên nghiệp
Đừng để những quan hệ cá nhân làm lu mờ đi óc phán đoán trong công việc của bạn. Hãy coi những yêu cầu này như thể là nó đến từ một người xa lạ.
Doanh nghiệp đó có đem đến điều gì độc đáo không? Có thỏa mãn nhu cầu của thị trường không? Người sáng lập doanh nghiệp đó có nhạy bén không? Họ có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp không?
“Một nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn am tường về công ty mà họ sẽ đầu tư vào.” Giáo sư Dileep Rao, Khoa quản trị doanh nghiệp tại Trường Đại Học Quốc Tế Florida cho biết, “Doanh nghiệp đó có khả năng trở thành một công ty lớn không? Nếu tiềm năng là rất lớn, nghĩa là triển vọng tài chính cũng sẽ rất khả quan.”
Bạn cũng cần phải biết rõ các điều khoản cho món đầu tư của mình và thành quả đạt được là gì. Nếu người bạn ấy yêu cầu về các khoản cho vay, vậy hãy thảo luận thẳng thắn về thời hạn thanh toán và lợi nhuận.
Nếu khoản đầu tư của bạn là để đổi lấy vốn chủ sở hữu, hãy xem xét một số điều khoản. Có phải đó chỉ là giao dịch tài chính đơn thuần, hay là bạn có thể tham gia vào việc điều hành của doanh nghiệp?
Một cái bắt tay chốt thương vụ sẽ không phải là kết thúc, thậm chí là với bạn bè hoặc là bạn lâu năm. Hãy chắc chắn rằng mọi thỏa thuận đều bằng văn bản nếu bạn quyết định đầu tư để tránh bất kỳ sự sai sót nào.
Luôn luôn và luôn luôn nghiên cứu kỹ về kế hoạch kinh doanh
Hãy kiểm tra bảng kế hoạch kinh doanh để xem liệu người bạn của mình đã nghĩ đến tất cả các khía cạnh khác nhau của công việc kinh doanh này chưa.
Một kế hoạch kỹ lưỡng nên bao gồm các hạng mục về tài chính, doanh thu hiện tại, kế hoạch dự kiến cho năm năm sắp tới, và một bảng phân tích chi tiết thị trường bao quát các đối thủ cạnh tranh và những khó khăn tiềm ẩn.
“Bạn cần phải có sự thẩm định sáng suốt của riêng mình thậm chí là trong trường hợp bạn đã hiểu rõ người bạn này cả đời” – Dimitrios Mano, chủ một doanh nghiệp đã phát biểu như thế qua thư điện tử. Ông Mano là người đồng sáng lập Bloom Express, một trang thương mại điện tử chuyên về tinh dầu, vào năm 2019 cùng với một người bạn thân thời đại học trong khi cả hai vẫn còn đi học.
Ngoài người đồng sáng lập, Mano không tiếp cận những người bạn khác cũng như gia đình để vay tiền khởi nghiệp. Bộ đôi này chủ yếu dựa vào khoản tiền tiết kiệm và thu nhập từ công việc thời vụ của họ.
“Tôi đã từng chứng kiến những tình bạn 20 năm đổ vỡ bởi những việc không thích đáng trong công việc, hoặc các thành viên trong gia đình cắt đứt hoàn toàn quan hệ với nhau chỉ vì một chút bất đồng nhỏ bé,” Mano nói. Đối với ông, các được không đáng với các tổn thất tiềm ẩn.
Giao tiếp, nhưng phải thiết lập các giới hạn
Ranh giới giữa công và tư có thể nhanh chóng bị phai mờ khi bạn đầu tư vào doanh nghiệp của một người thân. Trong khi việc thảo luận thông tin rõ ràng và thường xuyên là điều cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải thiết lập các ranh giới.
Khi Mark Aselstine cùng với anh rể của mình đồng sáng lập Uncorked Ventures, một câu lạc bộ rượu quý hiếm trực tuyến, hai người này đã định ra các quy định nghiêm khắc ngay từ những ngày đầu.
Aselstine cho biết trong một bức thư điện tử như sau, “Ngay từ đầu chúng tôi đã quyết định sẽ không nói bất cứ điều gì với nhau mà chúng tôi sẽ không nói với các đứa cháu trai và gái của mình.” Hai người họ sẽ bàn bạc về công việc vào buổi sáng thay vì làm những việc cá nhân khác. “Chúng tôi có quy định sẽ không nói chuyện công việc tại các sự kiện của gia đình hoặc là các buổi ăn tối. Có những ranh giới rõ ràng như vậy, tuy nhiên việc giao tiếp cởi mở chính là chìa khóa giải quyết vấn đề.”
Đừng đầu tư bằng khoản tiền mà bạn không thể mất
“Đừng nghĩ rằng bạn sẽ kiếm được một món hời lớn khi giúp đỡ bạn bè,” Rao đã nói như vậy. Thực tế, đừng mong đợi về việc sẽ kiếm được lợi nhuận từ việc đó.
Có khoảng 20% doanh nghiệp sẽ đóng cửa trong năm đầu tiên, theo dữ liệu của Cục Thống Kê Lao Động. Và hầu hết các công ty khởi nghiệp không bao giờ đem đến một khoản lợi nhuận tích cực nào.
“Hãy tự hỏi chính mình rằng liệu bạn vẫn sẽ ổn nếu mất tất cả số tiền mà đã đầu tư vào công ty khởi nghiệp của bạn mình,” Amanda Sanders, nhà sáng lập Authentic CEO, đã phát biểu như thế qua thư điện tử. Sanders đã từng ở cả hai phía trong phương trình này – một nhà khởi nghiệp và một nhà đầu tư.
“Nếu bạn trả lời là Có mà không hề có bất kỳ ác ý nào với người bạn của mình, thì như vậy mối quan hệ giữa các bạn có thể vẫn vững vàng bất chấp thành quả kinh doanh là gì.” Cô ấy nói. “Còn nếu câu trả lời của bạn là có điều kiện, như vậy thì mối quan hệ giữa các bạn có lẽ phải phụ thuộc vào tình hình kinh doanh.”
Hãy cung cấp hỗ trợ và chuyên môn hơn là tiền bạc
Tiền không phải là cách duy nhất để bạn giúp đỡ cho công ty của bạn mình. Bạn có thể dành thời gian, chuyên môn và các mối quan hệ để hỗ trợ họ.
Hỗ trợ quảng cáo tại các trang mạng hoặc sự kiện. Quản lý tài khoản mạng xã hội của họ. Phát tờ rơi để giới thiệu doanh nghiệp. Hãy trở thành một nguồn sáng tạo cho các ý tưởng và hạng mục công việc.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times