Cơ hội vào đại học rộng mở trong thời đại dịch
Nhiều trường đại học trở nên linh hoạt hơn về việc tuyển sinh, mức học phí, và đang cố gắng đưa ra hàng chục phương án khác nhau để thu hút nhiều sinh viên hơn nữa ghi danh.
Tina Smets là mẹ của ba đứa trẻ, làm phục vụ bàn ca đêm tại một nhà hàng địa phương ở Kearney, Nebraska. Người phụ nữ 31 tuổi này không muốn gia đình trẻ của mình phải gồng gánh món nợ học phí kếch xù sau khi tốt nghiệp.
Nhưng sau đó cô được biết về chương trình “Nebraska Promise”, một chương trình mới của Đại học Nebraska nhằm hỗ trợ học phí cho những gia đình có thu nhập dưới một mức nhất định nào đó.
Những câu chuyện như Tina Smets đang trở nên phổ biến hơn trong thời COVID-19 đầy biến động này. Đối mặt với xu hướng tuyển sinh giảm, nhiều trường đại học đang trở nên sáng tạo hơn để thu hút và giữ chân các sinh viên tương lai.
“Đội ngũ lãnh đạo cấp cao mỗi trường đều đang suy nghĩ để đưa ra hàng chục phương án khác nhau giúp nhiều sinh viên hơn nữa có thể ghi danh”, Jim Hundrieser, phó chủ tịch dịch vụ tư vấn tại Hiệp hội quốc gia các trường cao đẳng và đại học ngành kinh doanh cho biết.
Chương trình của Đại học Nebraska hỗ trợ học phí cho các gia đình kiếm được ít hơn 60.000 USD mỗi năm. Đại học Maine đưa ra mức học phí bằng với mức học phí của sinh viên trong tiểu bang cho các sinh viên bên ngoài tiểu bang nơi có các trường đại học bị đóng cửa.
Một số trường đã giữ nguyên giá học phí của họ, bao gồm University of Minnesota, Colorado State, và University of Colorado. Một số trường đại học giảm học phí cho sinh viên bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế; ví dụ như Đại học Thomas của Georgia giảm 30% học phí cho các chương trình học trực tuyến.
Các biện pháp này nhằm ngăn chặn sự sụt giảm lên tới 20% của việc ghi danh, theo một cuộc khảo sát của công ty tư vấn Simpson Scarborough. Nhiều sinh viên đang cân nhắc tạm nghỉ một năm học, và số lượng sinh viên quốc tế có thể giảm xuống mức thấp nhất.
‘Trường đại học cần sinh viên’
Đối với những người mà ước mơ học đại học ở ngoài tầm với, thì đây có lẽ là năm may mắn của họ. “Năm nay sẽ là năm tốt nhất để được nhận học thay vì nằm ở danh sách chờ”, ông Kantrowitz nói. “Các trường đại học cần có sinh viên và sẽ dễ dàng hơn khi tuyển sinh.”
Theo College Openings Update của Hiệp hội Tư vấn Tuyển sinh Đại học Quốc gia, 776 trường đại học báo còn chỗ trống cho năm học tới trong khi năm ngoái chỉ có 422, ông Kantrowitz cho biết.
Số tiền hỗ trợ cho việc học cũng có thể bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng. Thông thường các khoản hỗ trợ cho niên học tới (2020-2021) được tính toán theo Đơn xin Hỗ trợ Sinh viên Liên bang (FAFSA) với dữ liệu tài chính của năm 2018. Vì vậy, nếu hoàn cảnh tài chính của gia đình bạn thay đổi, bạn có thể xin điều chỉnh để có thêm một khoản hỗ trợ.
Trong khi một số trường đại học đang đối mặt với hoàn cảnh khó khăn vì ngân sách eo hẹp, hầu hết các sinh viên lại thong thả trong việc đưa ra quyết định khi xét về mặt tài chính.
“Trong số 4.000 trường trên toàn quốc, có thể có từ 400 – 500 trường sẽ yêu cầu bạn đưa ra quyết định trước một thời hạn nào đó”, ông Hundrieser nói. “Tuy nhiên 3.500 trường còn lại rất hiểu những gì các gia đình đang trải qua và muốn giúp đỡ khi bạn xem xét tất cả các lựa chọn của mình”.
Ông Hundrieser gợi ý rằng đối với các gia đình thận trọng trong việc chọn nơi học sinh lưu trú, thì ghi danh vào trường đại học cộng đồng chi phí thấp gần nhà là phương án hoàn hảo cho năm nay. Các sinh viên có thể chuyển tiếp đến trường đại học mơ ước của họ sau khi đã học đủ các tín chỉ trong thời gian này.
Theo Reuters