‘Cô gái bìa cứng’ của Nhật Bản biến những chiếc hộp cũ thành tác phẩm điêu khắc kinh ngạc
Được thôi thúc bởi tình yêu đối với phim ảnh, kịch nghệ và văn hóa anime, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tái sử dụng các hộp các tông cũ bằng cách biến chúng thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo.
Cô Monami Ohno, 29 tuổi, sinh ra ở Quận Wakayama và hiện đang sống tại Tokyo, đã tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Osaka chuyên ngành hoạt hình. Có biệt danh là “Cô gái bìa cứng,” cô đã hoàn toàn tự học về nghệ thuật chế tác bìa các tông trong những năm gần đây.
Tất cả khởi đầu vào mùa hè năm 2011. Đối với cô Monami, việc chế tác bìa các tông cũng chỉ là một sở thích có chi phí thấp và được duy trì qua thời gian lâu dài. Nhưng rất nhanh sau đó, cô đã vô cùng say mê loại vật liệu có tính đa dụng này.
“Hiện tại, các tác phẩm bìa cứng của tôi được sử dụng trong quảng cáo và đôi khi được coi là nghệ thuật,” cô Monami chia sẻ với thời báo Epoch Times. “Tôi xem phim điện ảnh, kịch nghệ, anime, đọc sách, lên internet, và ngắm các cửa hàng để tìm cảm hứng.”
Cô Monami thường chế tạo các tác phẩm của mình dựa trên những mẫu hình mà cô thích. Cô nói thêm: “Tôi có thể quyết định kích thước của tác phẩm một cách tùy ý, vì vậy tôi làm những gì mình thích theo cách mình muốn.”
Nhìn nhận rằng sản phẩm của mình là một loại hình nghệ thuật đại chúng, cho đến nay, cô Monami đã hoàn thành khoảng 200 tác phẩm điêu khắc bằng bìa cứng. Các tác phẩm của cô có chủ đề đa dạng, từ những nhân vật điện ảnh thường thấy cho đến xe cộ, giày dép, súng ống, robot và các hình tượng thực tế về đồ ăn thức uống.
“Tôi hết sức cảm thông với sự tầm thường của bìa các tông và số phận của nó là chỉ được dùng một lần, để gói ghém và bảo vệ những thứ có giá trị,” nghệ sĩ chia sẻ, “vì vậy, khi chế tác những tác phẩm nghệ thuật của mình, tôi nghĩ về đặc điểm của chất liệu bìa các tông, để [tác phẩm của tôi có thể] biểu lộ được những đặc tính như vậy.”
Cô Monami sử dụng kéo, dao rọc giấy, thước kẻ, keo dán và băng dính để chế tạo những kiệt tác của mình. Nhờ đó mà màu sắc tự nhiên, mặt cắt, và kết cấu bề mặt của bìa cứng được giữ nguyên và làm nổi bật vẻ đẹp của loại vật liệu mang tính “tạm thời” này.
Với một tác phẩm điêu khắc thô có kích thước 10cm khối, cô Monami có thể mất 10 ngày để hoàn thành. Trong khi đó, một tác phẩm điêu khắc tỉ mỉ có kích thước 60cm khối có thể mất đến 3 tháng.
Tuy nhiên, càng ngày, các tác phẩm của cô càng trở nên tinh xảo hơn.
Cô cho biết: “Tôi luôn thử thách bản thân để xem mình có thể làm được đến đâu. Tác phẩm trước đó của tôi luôn luôn là đối thủ của tôi.”
Khi cảm thấy bị choáng ngợp vì quá nhiều tưởng, cô sẽ đi dạo. Nếu việc đi dạo không giúp ích được gì, cô sẽ tạm dừng công việc của mình và đi ngủ, để cho những suy nghĩ của mình lắng tĩnh xuống.
Vào năm 2018, cô Monami đã tái tạo trang bìa tập đầu tiên của bộ truyện tranh, “Akira,” một trong những dự án yêu thích của cô, mặc dù phải làm việc trong tình huống “dò dẫm” để đạt được độ chính xác cao khi đối chiếu với hình ảnh gốc.
Ba năm sau, cô tạo ra một người lính robot trong bộ phim “Laputa: Lâu đài trên không” của đạo diễn Hayao Miyazaki. Nhân vật này mất 3 tháng để hoàn thành. Từ lâu trong trí nhớ của mình, cô đã yêu thích hình mẫu giống với người lính robot đứng sừng sững trên nóc Bảo tàng Ghibli ở Mitaka, ngoại ô Tokyo.
Niềm đam mê hoạt hình đã truyền cảm hứng cho cô khi còn nhỏ cũng chính là niềm đam mê đã tiếp thêm động lực cho người nghệ sĩ hôm nay. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận rằng điều khó nhất đối với bản thân là việc cân bằng giữa “kỹ thuật” và “cảm giác,” và biết khi nào nên dừng lại.
Cô Monami thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn và triển lãm cá nhân, cũng như chia sẻ những tác phẩm của mình trên Instagram và Facebook. Cô nhận được những khoản tiền boa từ các nhà quảng cáo thường xuyên theo dõi những tác phẩm của cô. Điều này giúp cô tiếp tục làm những gì mình yêu thích nhất.
Khi nói về điều đã thôi thúc và thúc đẩy bản thân tiến về phía trước, cô Monami cho rằng “việc chấp nhận thử thách sẽ giúp bản thân phát triển.”
“Trong trường hợp của tôi, đó là việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật … khi nhìn lại [chặng đường đã qua], tôi có thể thấy mình đang tiến bộ, ngay cả khi đó là những bước tiến nhỏ,” cô nói với The Epoch Times.
Cô có lời khuyên cho mọi người là: “Đừng sợ phải tiếc nuối, bất kể đó là điều gì.”
Cô Louise Bevan là một nhà văn, sinh ra và lớn lên ở London, nước Anh. Cô đưa những tin tức truyền cảm hứng và những câu chuyện xoay quanh chủ đề con người được nhiều đọc giả đón nhận.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: