Cổ cầm: Thần khí câu thông trời, đất và con người
Tương truyền, sau khi Thần Nông thị kế thừa thiên hạ, ông đã tuân theo nguyên lý của vạn vật vũ trụ, chặt gỗ cây đồng làm thành thân cầm, dụng dây tơ làm dây đàn, chế tác được chiếc cổ cầm sớm nhất. Đàn này có thể thông đức của Thần minh, dẫn dắt vạn vật theo hướng tốt đẹp, an hòa.
Bản thân cổ cầm là một tiểu vũ trụ; đàn dài ba thước sáu tấc năm phân, đại biểu cho một năm có 365 ngày; mặt gỗ hình cánh cung, tượng trưng cho “trời tròn”; đáy hình vuông bằng phẳng, tượng trưng cho “đất vuông”. Mặt nghiêng bên ngoài đàn có 13 sợi dây tơ hình tròn thể hiện vị trí các âm khác nhau, đại biểu cho mười hai tháng trong một năm và thêm tháng Nhuận.
Cổ cầm được làm đầu tiên chỉ có năm dây cung, tượng trưng cho “ngũ hành” là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Về sau Chu Văn Vương, Chu Võ Vương mỗi người thêm một dây cung, tượng trưng cho đạo Vua tôi, vì vậy trở thành đàn có bảy dây như hiện nay.
Thiên “Điển lễ” phần hạ trong “Lễ ký” ghi rằng: “Sĩ vô cố bất triệt cầm sắt”, ý rằng kẻ sĩ sẽ không vô cớ từ bỏ đàn sắt. Vào thời Trung Quốc cổ đại, ngay cả bậc quý tộc ở tầng thấp nhất cũng biết dùng cổ cầm. Nó không chỉ là nhạc khí bầu bạn bên cạnh lúc ca xướng của văn nhân mà còn là khí cụ bắt buộc.
Cổ cầm không phải là loại nhạc khí dùng để trút bầu cảm xúc, mà trái ngược với điều đó, trong “Vân hổ thông” viết: “Cầm, cấm dã.” Đàn dùng khi tâm tình thuần tĩnh, thanh trừ tà niệm. Cũng có nghĩa là người bên cạnh nghe tiếng đàn cầm cũng có thể đạt được cảnh giới bình hòa, tĩnh tâm, quên đi ưu phiền chốn thế tục.
Hoàng Đế từng đàn tấu khúc “Thanh giác”, triệu tập quỷ thần tại núi Tây Thái; Đại Thuấn tấu đàn năm dây, ca khúc “Nam phong”, tiếp đó đại hóa thiên hạ. Vào thời Xuân Thu, khi cầm sư vĩ đại Bá Nha chơi đàn, ngựa đều dừng chân ăn cỏ, ngẩng đầu lên thưởng thức.
Khổng Tử bị vây khốn bởi Trần Thái, chỉ làm một việc là “đàn ca chẳng dứt”, không ngừng đàn, ca hát, giảng học, khiến hoàn cảnh cuồng loạn trở lên tĩnh chỉ.
Thời Ngụy Tấn, Kê Khang bị vu cáo và giam ngục, ngày hành hình, ông ta muốn đàn một khúc cho huynh trưởng, ung dung đàn tấu khúc “Quảng Lăng tán” làm nên tuyệt tác nói về sinh mệnh con người.
Kê Khang biết rằng cổ cầm là nhạc khí có đầy đủ “đức”, “trong các khí cụ, đức của đàn cầm đặc biệt nhất”. Vì vậy, ông cũng lấy đó để thể hiện nhân cách và tiếng lòng của bản thân mình.
“Độc tọa u hoàng lý,
Đàn cầm phục trường khiếu.
Thâm lâm nhân bất tri,
Minh nguyệt lai tương chiếu”
(“Trúc lý quán”, Vương Duy)
Tạm dịch:
Ngồi lặng lẽ một mình trong bụi trúc,
Gảy đàn rồi hát nghêu ngao.
Rừng sâu nên người không biết đến,
Chỉ có trăng sáng tới soi vào.
Đàn cầm từ lâu không chỉ là công cụ biểu diễn, mà còn trực tiếp trở thành Lễ khí hoặc Thần khí; Bậc quân tử không dùng đàn để mua vui cho kẻ khác, mà là đánh cho chính bản thân mình lắng nghe. Trong quá trình diễn tấu, họ đối thoại tâm linh với chính mình, đạt đến cảnh giới hư không, vô cùng an tĩnh.
Cổ cầm, kỳ thực là một công cụ thông qua âm nhạc mà câu thông với Trời, Đất và con người, đạt đến Thiên nhân hợp nhất.
Một chiếc đàn chính là một Thần khí dẫn dắt con người quay trở về Thiên giới.
Năm 1977, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã phóng phi thuyền vũ trụ để tìm kiếm sự sống ngoài không gian, trên phi thuyền mang theo âm nhạc để giao tiếp với sự sống trong vũ trụ. Một trong số đó là bản nhạc “Lưu thủy” nổi tiếng do nghệ sĩ cổ cầm Trung Quốc Quản Bình Hồ diễn tấu.
Ngày 07/11/2004, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công bố “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” lần thứ hai tại Paris, cổ cầm của Trung Quốc và 27 biểu tượng văn hóa nghệ thuật của các quốc gia trên thế giới đã đạt được vinh dự này.
Văn Dật Phi thực hiện
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ.