Chuyên gia: Việc ĐCSTQ phá lệ bổ nhiệm ông Đổng Quân làm Bộ trưởng Quốc phòng gửi đi hai tín hiệu
Hôm thứ Sáu (29/12), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố cựu Tư lệnh Hải quân Đổng Quân (Dong Jun) sẽ thay thế ông Lý Thượng Phúc đã bị miễn chức làm tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Dựa trên lý lịch của ông Đổng, các nhà phân tích cho rằng việc bổ nhiệm này gửi đi hai tín hiệu.
Tuyên bố về tân Bộ trưởng Quốc phòng chấm dứt những đồn đoán về việc ai sẽ kế nhiệm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Ông Lý không xuất hiện trước công chúng từ cuối tháng Tám và chính thức bị cách chức Ủy viên Quốc vụ viện cũng như Bộ trưởng Quốc phòng hồi cuối tháng Mười. Không có lời giải thích chính thức nào cho việc bãi miễn này. Cho đến nay, tung tích của ông Lý vẫn là một bí ẩn.
Tín hiệu 1: ĐCSTQ xem Biển Đông là lĩnh vực cạnh tranh ưu tiên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ
Hôm 29/12, trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây gọi là Twitter), ông Tống Văn Địch (Wen-ti Sung), nghiên cứu viên không thường trú tại Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, đã phân tích việc bổ nhiệm này của ĐCSTQ. Ông Tống đề cập đến hai lần đề bạt nhân sự mới do ĐCSTQ thực hiện vào ngày 25/12: Thăng cấp cho Chính ủy mới được bổ nhiệm của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam Vương Văn Toàn và Tư lệnh hải quân Hồ Trọng Minh làm thượng tướng.
“Vì vậy, việc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới Đổng Quân, cùng với việc thăng chức cho các sĩ quan cao cấp có kinh nghiệm về hải quân và Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc (ĐCSTQ) xem Biển Đông là lĩnh vực ưu tiên mới trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ,” ông Tống nói.
Ông Tống cho biết thêm, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Sullivan đã nói rằng việc cạnh tranh kịch liệt đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao quyết liệt. “Vậy là, Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa thăng chức cho hai vị tướng mới có thể tranh giành ưu thế hải quân ở Biển Đông một cách kịch liệt, đồng thời bổ nhiệm một Bộ trưởng Quốc phòng mới đến từ hải quân để tham gia vào hoạt động ngoại giao quân sự khốc liệt.”
Không giống như các Bộ trưởng Quốc phòng gần đây, ông Đổng Quân không phải là Ủy viên Quân ủy Trung ương. Điều này có nghĩa là lãnh đạo ĐCSTQ đã phá lệ để thăng chức cho ông Đổng khi bỏ qua các thành viên của cơ quan quân sự hàng đầu của quốc gia. Ông Lưu Chấn Lập, Ủy viên Quân ủy Trung ương, từng được xem là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Ông Tống cũng đề cập đến điểm này. Ông nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thường nắm giữ cùng lúc ba chức danh: Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ viện và Bộ trưởng Quốc phòng. Cho đến hiện tại, ông Đổng Quân chỉ nắm giữ một trong ba chức danh này, điều này khiến vai trò Bộ trưởng Quốc phòng của ông tương đối nhẹ nhàng.
Có lẽ một lý do khiến ông Đổng được thăng chức là do kinh nghiệm làm việc trong hải quân. Kể từ đầu năm nay, hải quân của ĐCSTQ luôn phô trương sức mạnh ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, khiến phía Hoa Kỳ phải lên tiếng chỉ trích. Ông Đổng cũng từng công tác ở Eo biển Đài Loan, đó là một trong những khu vực dễ xảy ra đối đầu nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Đổng được thăng chức Tư lệnh Hải quân hồi tháng 08/2021, trước đó ông từng giữ chức Phó tư lệnh Chiến khu miền Nam. Chiến khu này chịu trách nhiệm quản lý Biển Đông. ĐCSTQ thường xuyên có sự tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng như Philippines và Việt Nam ở Biển Đông. Mặt khác, Hoa Kỳ đang tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở những vùng biển này, và điều này khiến ĐCSTQ không hài lòng.
Ông Đổng Quân còn từng giữ chức vụ Phó tư lệnh Hải quân Bộ chỉ huy Chiến khu miền Đông (Hạm đội Biển Hoa Đông). Hạm đội này chịu trách nhiệm về Biển Hoa Đông, bao gồm cả Đài Loan mà ĐCSTQ đang đe dọa thống nhất. Năm ngoái, sau khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đương thời, đến thăm Đài Loan, hạm đội này đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan.
Tín hiệu 2: Lực lượng Hỏa tiễn đang bị thanh trừng
Ông Đổng Quân đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Trung Quốc có xuất thân hải quân. Ông Tống Văn Địch cho biết, ĐCSTQ thường ưu tiên lựa chọn Bộ trưởng Quốc phòng trong số những người phụ trách các cơ quan tương đối có tính kỹ thuật như Lực lượng Hỏa tiễn và Tổng cục Vũ khí (chịu trách nhiệm mua sắm). Việc từ bỏ cách làm này, thay vào đó lại chọn người từ hải quân có thể là dấu hiệu cho thấy Lực lượng Hỏa tiễn và Tổng cục Vũ khí đang bị thanh trừng hoặc điều tra. Điều này cho thấy việc đề bạt nhân sự từ các ngành này là một vấn đề chính trị.