Chuyên gia: Tương lai chính trị của ông Trump phụ thuộc rất nhiều vào cách ông đối đãi những cử tri đang gặp khó khăn về kinh tế
Nhà sử học kinh tế đã nói với The Epoch Times rằng, mặc dù thông báo hôm 15/11 của ông Donald Trump về cuộc tranh cử tổng thống năm 2024 gặp phải nhiều phản ứng khác nhau, từ sự báo động và lên án của Đảng Dân Chủ và một số người chủ đạo theo phái bảo tồn truyền thống cho đến sự ủng hộ nhiệt thành từ cơ sở cử tri của ông, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa rằng, trong vô số những quan điểm về chính sách và lập trường của ông Trump, thông điệp về kinh tế của ông chính là điều gây được tiếng vang lớn nhất với các cử tri và định ra con đường chắc chắn nhất cho ông trong tương lai.
Trong bài diễn văn hôm thứ Ba (15/11), ông Trump đã mô tả những gì ông chứng kiến là một quốc gia đang vận hành rất tốt vào thời điểm ông rời nhiệm sở vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên hồi tháng 01/2021. Trong lời kể của ông, nước Mỹ đã “sẵn sàng cho thời kỳ hoàng kim” và đứng “trên đỉnh cao của quyền lực, sự thịnh vượng, và uy thế, vượt xa các đối thủ của mình” và hưởng thụ một nền kinh tế “không tồn tại lạm phát” và đất nước này “cuối cùng đã đạt được ước mơ không tưởng là độc lập về năng lượng cho người Mỹ.”
Ông Trump cho rằng sự thịnh vượng này là do ông đã cắt giảm thuế và các quy định, bao gồm cả việc cắt giảm “thậm chí còn lớn hơn những gì Tổng thống Ronald Reagan có thể tạo ra,” cũng như các chính sách thương mại của ông, và những biện pháp tích cực để bảo vệ việc làm bằng cách đóng cửa biên giới phía nam.
Ông đối chiếu sự thịnh vượng này với thành tích kinh tế của chính phủ Tổng thống Biden.
“Hai năm qua dưới thời của ông Joe Biden là khoảng thời gian đầy đau đớn, khó khăn, lo lắng, và tuyệt vọng. Khi chúng ta đang nói đây, lạm phát đang ở mức cao nhất trong hơn 50 năm qua, giá xăng đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, và dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa,” ông Trump nói.
Trong khi bài diễn văn của ông có đề cập đến những lĩnh vực chính sách khác và chỉ trích chính phủ đương nhiệm về nhiều vấn đề khác, bao gồm cả cuộc khủng hoảng opioid và điều mà ông Trump gọi là sự sỉ nhục của Mỹ ở Afghanistan, thì đề xướng về kinh tế của ông mới là điều nói trực tiếp nhất đến các trải nghiệm thường nhật mà những người dân đang gặp khó khăn đang tuyệt vọng để tìm kiếm một sự thay đổi.
Một cuộc thăm dò ý kiến đối với 2,660 cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ do Edison Research thực hiện cho thấy 74% cử tri cho rằng tình trạng của nền kinh tế là “không tốt lắm” hoặc “yếu kém.” Cuộc thăm dò này cũng cho thấy mức độ tín nhiệm rất thấp đối với công việc mà ông Biden đã thực hiện với tư cách là tổng thống, với 43% cử tri nói rằng họ “phản đối mạnh mẽ” và chỉ 17% cho biết họ “rất ủng hộ.”
Trong khi nhiều người ngay cả trong nội bộ đảng của ông ấy tỏ ra e ngại về việc ông Trump tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai và nhiều điều có thể xảy ra trong hai năm từ nay đến cuộc bầu cử năm 2024, thì chính những yếu tố này đã củng cố cho việc ông Trump thể hiện mình trước một đám đông cử tri mệt mỏi với lạm phát, với tư cách là một người theo chủ nghĩa dân túy có vị thế tốt để khôi phục chất lượng cuộc sống và tăng trưởng ổn định thường niên mà người dân từng xem là điều hiển nhiên. Ông Trump có thể phát triển một chiến lược bầu cử thành công hay không, điều đó sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng của ông ấy trong việc khai thác những khó khăn kinh tế của cử tri.
Đây là quan điểm của ông Brian Domitrovic, một giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Tiểu bang Sam Houston ở Texas. Trong bối cảnh lịch sử Hoa Kỳ, ông Domitrovic xem 22 năm đầu tiên của thế kỷ và thiên niên kỷ này là một điều gì đó bất thường.
Tăng trưởng còi cọc
Theo số liệu của Macrotrends, kể từ đầu thiên niên kỷ, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiếm khi đạt tới mức 4% và thường dao động trong khoảng từ 0 đến 3%. Trong bốn thập niên cuối của thế kỷ trước, tốc độ tăng trưởng thường niên trên 6% hoặc 7% không phải là hiếm. Ông Domitrovic lưu ý rằng mức tăng trưởng 2.6% của GDP trong quý 3 năm 2022 vẫn còn khá thấp so với các tiêu chuẩn lịch sử. Ông quy trách nhiệm cho quy định, thuế, và chi tiêu quá mức của chính phủ về một khu vực tư nhân suy thoái.
“Thế kỷ 21 là thế kỷ độc nhất trong lịch sử kinh tế Hoa Kỳ về tăng trưởng chậm trong dài hạn. Điều đó chưa từng xảy ra trong hơn 20 năm qua trong lịch sử của chúng ta,” ông Domitrovic nói với The Epoch Times.
“Tôi rất đồng tình với lập luận rằng đất nước này lẽ ra phải luôn luôn phát triển rất mạnh mẽ, và nếu có những giai đoạn đi xuống, thì chúng phải bị loại bỏ. Và tôi cũng sẽ nói rằng trong giai đoạn kể từ cuộc đại khủng hoảng 2008 đến 2009, hai năm tuyệt vời nhất là 2018 và 2019, với các đợt cắt giảm thuế của ông Trump. Đó là một sự cắt giảm thuế rất tốt xét về tăng trưởng lực lượng lao động,” ông nói.
Ông Domitrovic lập luận rằng, nếu không có đại dịch COVID-19 và tác động của đại dịch đối với các doanh nghiệp và tỷ lệ việc làm, thì tăng trưởng GDP trong thời gian tới sẽ vượt quá 3% và phù hợp hơn với các số liệu lịch sử.
Ông Domitrovic còn cho biết, các nhiệm vụ cấp bách nhất đối với một chính phủ giả định của Đảng Cộng Hòa nhậm chức vào năm 2025 sẽ bao gồm việc chống lại chính sách tiền tệ mở rộng đã thúc đẩy lạm phát, giảm thuế, và cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là những khoản chi tiêu liên quan đến Đạo luật Giảm Lạm Phát của Tổng thống Biden, vốn sẽ làm tăng thêm 750 tỷ USD đến hơn 1 ngàn tỷ USD trong thâm hụt hiện tại của Hoa Kỳ chỉ trong 5 năm tới, và 158 tỷ USD trong thập niên tới theo như số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.
“Hãy bãi bỏ chi tiêu đó. Khoản chi tiêu này lấy nguồn lực từ khu vực tư nhân và khiến chúng trở nên vô dụng. Điều đó nói lên rằng, ‘Tôi muốn quý vị làm điều gì đó vô ích và trả cho quý vị số tiền cao nhất để làm việc đó,’” ông Domitrovic nói.
Những việc cần phải làm
Bài diễn văn của ông Trump vấp phải sự hoài nghi của những người tự nhận là theo phái bảo tồn truyền thống, những người có xu hướng đồng thuận với ông về nguyên tắc trong nhiều vấn đề. Các biên tập viên của tạp chí quan điểm National Review đã gọi thông báo của ông Trump là “một lời mời làm tăng thêm sự phẫn nộ và thất bại trong vài năm qua mà Đảng Cộng Hòa nên khước từ mà không cần do dự hay nghi ngờ.”
Các nhà bình luận khác chia sẻ phản ứng của họ với The Epoch Times không xem nhẹ các số liệu kinh tế và lập luận của ông Trump về việc khôi phục sự thịnh vượng, nhưng lập luận rằng cựu tổng thống vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện hình ảnh của mình nếu muốn giành được phiếu bầu của những công dân Mỹ gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha vốn vẫn có xu hướng ủng hộ các ứng cử viên Đảng Dân Chủ, và để tránh nhận thức rằng ông ấy mang theo “quá nhiều cảm xúc về quá khứ” để trở thành một ứng cử viên mang mọi người lại với nhau một cách hiệu quả.
Khi được hỏi liệu ông Trump có thể làm gì để mở rộng sức hút của mình, ông Mark Graber, giáo sư tại Khoa Luật Trường Đại học Maryland, nói với The Epoch Times: “Tôi không phải là một thành viên Đảng Cộng Hòa, vì vậy tôi rất muốn nói rằng, hãy áp dụng đề xướng của Đảng Dân Chủ. Thực tế hơn, thì Đảng Cộng Hòa cần một ban lãnh đạo ít bị đồng nhất với những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng hơn.”
Ông Keith Naughton, chủ nhiệm của tổ chức Silent Majority Strategies ở Germantown, Maryland, nghĩ rằng bài diễn văn hôm 15/11 của ông Trump thiên về sự khoa trương và những lời hoa mỹ hơn là giải quyết các vấn đề ở một cấp độ chi tiết.
“Tôi nghĩ rằng bài diễn văn đó đã bắt đầu một cách đường hoàng, nhưng đã trở nên tồi tệ. Tôi nghĩ rằng đó là một nỗ lực yếu kém để tái tạo ông Trump thành một thứ mà ông ấy vốn không phải. Tất cả mọi thứ về thông báo này, từ dàn dựng sân khấu đến đám đông, đến nội dung, đều khá chung chung. Sau khi bông đùa về một buổi ra mắt hoành tráng, bài diễn thuyết này giống như một tập giữa mùa của chương trình The Apprentice (Người Tập Sự),” ông Naughton nói với The Epoch Times.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times