Chuyên gia: Trước thềm bầu cử giữa kỳ, trát hầu tòa mới lại nhắm vào cựu TT Trump một cách đáng ngờ
Theo một nhà phân tích chính trị, cuộc bỏ phiếu được Ủy ban ngày 06/01 của Hạ viện thực hiện hôm 13/10 để ban trát lệnh đòi hầu tòa đối với cựu Tổng thống (TT) Donald Trump là một thủ đoạn chính trị nhằm thúc đẩy ấn tượng chung rằng ông Trump quá là “mặt dạn mày dày” không thể tái tranh cử được nữa. Ông còn cho rằng hành động này cũng nhằm truyền tải một thông điệp rằng đảng chính trị liên kết với ông Trump cũng như các ứng cử viên mà ông ấy bảo chứng, không phải là lựa chọn đúng đắn cho đất nước.
Các chuyên gia nói với The Epoch Times, thời điểm đưa ra thông báo không thể không làm dấy lên sự ngờ vực, vì một số cuộc tranh cử ở các tiểu bang quan trọng đã trở nên sát sao như thế nào, đặc biệt là các cuộc tranh cử vào Thượng viện ở các tiểu bang Pennsylvania, Georgia, Ohio, và Arizona.
Trong cuộc tranh cử tại Pennsylvania giữa ứng cử viên Đảng Cộng Hòa được ông Trump bảo chứng, Tiến sĩ Mehmet Oz và ứng cử viên Đảng Dân Chủ, ông John Fetterman, sự giám sát gắt gao của giới truyền thông đã tập trung vào sự kết thúc chóng vánh của ông Fetterman vốn một thời ung dung dẫn đầu. Theo một cuộc thăm dò của tổ chức Trafalgar Group được thực hiện từ ngày 08/10 đến 11/10, hiện nay cuộc đua này là sự so tài giữ ông Fetterman với tỷ lệ 47.2% và ông Oz với tỷ lệ 44.8%, cùng với sự khác biệt trong phạm vi sai số.
Theo cuộc thăm dò mới đây nhất, các cuộc chạy đua vào Thượng viện vốn được giám sát chặt chẽ ở tiểu bang Ohio, Georgia, và Arizona cũng cạnh tranh không kém.
Nhưng, một chuyên gia tin rằng, mục tiêu chính của Ủy ban ngày 06/01 và các hoạt động của họ có thể là nhắm vào tham vọng tranh cử vào năm 2024 của ông Trump.
“Rõ ràng mục đích của ủy ban này mang đầy tính chính trị — vốn dĩ được thành lập để ngăn cản ông Trump tái tranh cử tổng thống vào năm 2024,” ông Charles Steele, trưởng khoa kinh tế, kinh doanh, và kế toán tại Đại học Hillsdale ở Michigan nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, mặc dù chỉ chính các thành viên của ủy ban, những người đã bỏ phiếu để ban trát lệnh hầu tòa, mới biết được các quy trình định hướng tư tưởng dành cho họ, nhưng ông không nhận thấy chứng cứ nào đạt đến mức chắc chắn về ý định lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 của ông Trump.
“Chúng ta không thể biết chính xác ý định của ủy ban ngày 06/01 là gì khi ban hành trát lệnh hầu tòa đối với cựu TT Trump. Họ không có bằng chứng về bất kỳ hành vi sai trái nào từ phía ông ấy, nếu có thì hẳn là họ sẽ công bố rồi,” ông nói.
“Mối ngờ vực của tôi là họ hy vọng sẽ đặt ra một cái bẫy theo cách nào đó để nhanh chóng đưa ra một số cáo buộc mà họ có thể đề nghị Bộ Tư pháp của [Tổng chưởng lý] Merrick Garland tiến hành một cuộc truy tố hình sự.”
Ông Steele nhận thấy một sự khác biệt rõ rệt giữa mục đích bề ngoài của ủy ban này với tư cách là một cơ quan thu thập thông tin phi đảng phái với chức năng thực sự của họ. Ông tin rằng họ đã vượt qua giới hạn để tiến tới những hành động có thể so sánh với việc đàn áp các đối thủ chính trị trong các chế độ độc tài.
“Ủy ban ngày 06/01 không phải là một ủy ban tìm kiếm sự thật thông thường của Quốc hội. Quá trình tố tụng có vẻ giống như một bản trình bày của một cơ quan công tố, và, trên thực tế, ủy ban này khiến tôi nhớ đến những phiên tòa đấu tố của Liên Xô. Ủy ban này được thành lập từ tất cả các nghị sĩ Quốc hội chống lại ông Trump. Những người này từng tuyên bố rằng đó là một kết luận đã được định trước rằng ông Trump và chính phủ của ông là có tội.”
Điều khiến cho phép suy luận này đặc biệt phù hợp chính là bản chất lệch lạc về phương diện thủ tục từ các hành động của ủy ban, vốn ngăn cản một cơ hội chất vấn hoặc tranh luận nhằm phản bác cơ sở pháp lý đối với trát hầu tòa này.
“Không có bằng chứng nào được trình bày cho điều ngược lại và hoàn toàn không có cơ hội để bào chữa. Cảnh quay từ camera an ninh của Điện Capitol đã bị loại bỏ, ngoại trừ một số đoạn quay được chọn lọc cẩn thận. Đây hoàn toàn là một phiên tòa kiểu Liên Xô, nơi mà chính trị định trước kết quả, theo như tôi có thể thấy,” ông Steele bày tỏ. “Cách thức mà các thành viên của ủy ban 06/01 đã tự biên tự diễn ra thật đáng hổ thẹn và là một chương rất nguy hiểm trong nền chính trị Hoa Kỳ.”
Những diễn biến có thể xảy ra
Chí ít, một số chuyên gia pháp lý đã nhìn thấy khả năng vi phạm pháp luật từ phía ông Trump, nhưng câu hỏi liệu ủy ban có thể thực thi trát đòi hầu tòa của mình hay không là một câu hỏi khá phức tạp. Các chuyên gia cho biết, trong tình huống bất thường khi một cơ quan liên bang hành động chống lại một quan chức không còn tại vị, nhưng sau khi ông đã trở lại cuộc sống thường dân, thì cả ủy ban và ông Trump đều có nhiều lựa chọn trong nhiều tuần và nhiều tháng tới.
Theo quan điểm của ông Mark Graber, giáo sư tại Trường Luật Đại học Maryland, ông Trump có khả năng có thể đã vi phạm luật hoặc chí ít là có thông tin liên quan đến những gì đã xảy ra tại Điện Capitol hôm 06/01/2021. Nhưng vấn đề là liệu ủy ban này có thể buộc ông Trump phải ra điều trần hay không được chia thành hai câu hỏi cơ bản, ông cho biết.
Ở đây, ông Graber viện dẫn phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 1997 trong án lệ Clinton kiện Jones vốn cho thấy một tổng thống đương nhiệm có thể bị kiện ra tòa án dân sự. Trong việc xác định quyền hạn của ủy ban 06/01 mở rộng đến đâu, việc ngoại suy từ trường hợp này là rất hữu ích, ông gợi ý.
“Câu hỏi ‘Liệu họ có thể buộc ông ấy ra điều trần không?’ có hai phương diện. Đầu tiên là về phương diện pháp lý. Một cựu tổng thống có thể bị buộc phải ra điều trần về các hành vi phạm pháp mà ông ấy và các cộng sự của ông có thể đã phạm phải không? Tôi cho rằng án lệ Clinton kiện Jones chính là căn cứ. Nếu quý vị có thể kiện một tổng thống trong khi ông ấy đang tại vị thì vị tổng thống này không có quyền miễn trừ việc ra điều trần về các hành động được thực hiện khi đang tại vị, trong đó lập luận rằng những hành động này không phải được thực hiện trong khi hỗ trợ điều hành chính phủ,” ông Graber nói.
Nhưng thời điểm của cuộc bỏ phiếu, một lần nữa, lại đặt ra nhiều nghi vấn.
“[Phương diện] thứ hai là về chính trị. Tôi cho rằng nếu Đảng Cộng Hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, ủy ban này sẽ bị giải tán cùng với trát đòi hầu tòa,” ông cho biết.
Ông Eugene Mazo, giáo sư tại Trường Luật Đại học Seton Hall, cũng đồng ý với ông Graber về luận điểm này.
Ông Mazo không cho rằng ông Trump sẽ phản ứng một cách thụ động trước hành động mới nhất này của ủy ban. Ông nói phần lớn phụ thuộc vào kết quả của các cuộc tranh cử trong các cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
“Tôi nghĩ ông Trump sẽ tận dụng thời gian để khởi kiện Ủy ban ngày 06/01. Nếu Đảng Cộng Hòa tiếp quản Hạ viện vào ngày 03/01/2023, ông ấy sẽ không phải ra điều trần nữa. Hoặc ông ấy có thể tìm cách thương lượng một vấn đề nào đó tương tự như thỏa thuận mà ông Ginny Thomas đã có, khi đó lời khai của ông ấy sẽ được lên kịch bản, được giới hạn, và diễn ra trong cuộc họp kín. Chắc chắn nhiều thủ thuật pháp lý ở đây để tìm cách trì hoãn càng lâu càng tốt,” ông Mazo nói.
Hôm 14/10, ông Trump đã phúc đáp trát đòi hầu tòa bằng một bức thư dài 15 trang chỉ trích gay gắt ủy ban này về điều mà ông cho rằng họ đã dàn dựng một “Phiên tòa Đấu tố vốn dĩ chưa từng được chứng kiến ở đất nước này trước đây.” Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra một câu trả lời về việc liệu ông ấy có trình diện trước ủy ban theo trát lệnh đòi hầu tòa đó hay không.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times