Chuyên gia: Trung Quốc ‘rất sợ’ trước Vệ tinh Starlink của Elon Musk
Chuyên gia cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có một vấn đề là cả Trung Quốc lẫn Elon Musk đều coi không gian là một lĩnh vực chiến lược — ngoại trừ Hoa Kỳ.
Trong khi người Mỹ đang dùng thử những món ăn mới nhất của Starlink trên những chiếc xe R.V. của họ, thì một chuyên gia không gian cho biết Vệ tinh Starlink của ông Elon Musk đang khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “khiếp đảm” vì hiện giờ công nghệ đó đang là “độc nhất” trong lĩnh vực này nếu nói đến cuộc đua không gian chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
“Điều quan trọng là phải hiểu rằng công ty SpaceX của ông Elon Musk là công ty duy nhất níu giữ được Hoa Kỳ trong Cuộc đua Không gian với Trung Quốc,” ông Brandon Weichert, chuyên gia không gian kiêm tác giả của cuốn sách “Chiến Thắng Không Gian: Cách Nước Mỹ Duy Trì Một Siêu Cường Quốc,” nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng Năm.
Chuyên gia này cho biết Starlink, hiện “có thể là một công cụ gây chiến sống còn”, đang khiến kỳ phùng địch thủ của Mỹ phải “dè chừng”, tuy nhiên ông Elon Musk đang phải hứng chịu một “cuộc tấn công” gấp hai lần của Tòa Bạch Ốc và cơ quan quân sự.
Starlink, một chòm sao internet vệ tinh do công ty hàng không vũ trụ SpaceX của ông Musk điều hành, hiện bao gồm hơn 2,400 vệ tinh nhỏ trong quỹ đạo xoay quanh trái đất ở một độ cao thấp hơn 60 lần so với các vệ tinh truyền dẫn đại bộ phận kết nối mạng internet của thế giới ngày nay.
ĐCSTQ đang ‘sợ hãi’
Theo chuyên gia không gian này, lý do khiến các địch thủ của Hoa Kỳ lo lắng về Starlink là hệ thống vệ tinh này có khả năng chống lại các cuộc tấn công quy mô lớn mà đối thủ của Hoa Kỳ hiện có khả năng thực hiện và do đó khiến việc “phá hủy” cơ sở hạ tầng không gian của Mỹ sẽ khó hơn nhiều so với trước đây.
Ông Weichert nói, “Starlink là một ví dụ điển hình về động cơ lợi nhuận của khu vực tư nhân, cho thấy một tấm gương sáng về cách có thể bảo vệ các chòm sao vệ tinh sống còn nhưng dễ bị tổn thương của quân đội.”
Ông cũng lưu ý, “Điểm mạnh của Starlink là khả năng dự phòng. Vì vậy, về căn bản, chúng ta đã thấy vào mùa hè năm ngoái, một tia lửa mặt trời đã đánh bay một số thứ như 20, hoặc có thể là 40 vệ tinh của Starlink, và ông Musk thậm chí chỉ trong một ngày đã quên chuyện này. Những hệ thống đó đã được thay thế vì chúng nhỏ và còn rẻ nữa.”
Như ông Weichert đã nêu chi tiết trong cuốn sách của mình, Nga và Trung Quốc trước đây có khả năng ngăn chặn quân đội Hoa Kỳ truy cập vào các mạng lưới truyền thông bằng cách tấn công các vệ tinh của Hoa Kỳ, chẳng hạn như sử dụng các cuộc tấn công xung điện từ.
Ông nói, giờ đây, Starlink đe dọa các địch thủ của Hoa Kỳ vì khả năng thay thế của mạng vệ tinh này khiến họ không duy trì được lợi thế trước Hoa Kỳ trong chiến tranh không gian.
“Nga và Trung Quốc đều đang bị đe dọa bởi khả năng này vì họ biết người Mỹ có thể sử dụng điều đó để tạo lợi thế,” ông nói thêm. “Và đó là lý do tại sao hai quốc gia đó lúc này đang sợ tái mặt và cố gắng tìm ra các biện pháp đối phó để duy trì những gì mà họ cho là lợi thế của mình, trong đó có năng lực phản kích trong không gian, cũng như khả năng bác bỏ việc sử dụng không gian của người Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.”
Theo chuyên gia này, một dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đang bị Starlink đe dọa là khi ĐCSTQ kiện thưa với Liên Hiệp Quốc rằng Trạm không gian “Thiên Cung” (Tiangong) của Trung Quốc đã phải điều hướng để tránh va chạm với vệ tinh Starlink trong hai sự cố khác nhau.
Ông Weichert nói, “Trung Quốc đã bước ra và họ đang làm ầm ĩ về việc một trong những vệ tinh Starlink của ông Elon Musk suýt va chạm với trạm vũ trụ module mới của họ, điều này tất nhiên là một sự phóng đại quá mức … nhưng họ đã vô tình tiết lộ cho chúng ta thấy rằng họ rất sợ hệ thống thông tin liên lạc mới này.”
Hoa Kỳ đã bác bỏ các tuyên bố của ĐCSTQ trong một công hàm đáp trả. SpaceX đã đưa ra một tuyên bố thừa nhận vụ chạm trán trên và cho biết họ đang giám sát quỹ đạo bay của các vệ tinh để duy trì khoảng cách an toàn với Thiên Cung.
Chuyên gia này nói thêm rằng Starlink còn có khả năng phòng thủ mạng, điều mà các chuyên gia quốc phòng tại Ngũ Giác Đài dường như rất lấy làm ấn tượng.
“Chuyên gia chiến tranh điện tử (E.W.) của Ngũ Giác Đài đã tận mắt chứng kiến các nhà khai thác Starlink tại SpaceX bảo vệ hệ thống vệ tinh Starlink khỏi các cuộc tấn công mạng của Nga, tấn công mạng liên tiếp,” ông Weichert cho biết, đồng thời trích lời ông Dave Tremper, Giám đốc tác chiến điện tử của Ngũ Giác Đài, người từng nói với tờ Breaking Defense rằng các khả năng của SpaceX khiến ông “ngạc nhiên khôn tả” .
Do đó, nếu quân đội Trung Quốc cố gắng thực hiện một cuộc tấn công mạng vào các hệ điều hành tích hợp của Starlink, “thì họ sẽ đáp trả một đòn thẳng tay”, ông Weichert cho biết.
Người chơi độc nhất trong cuộc đua không gian
Ông Weichert cho biết SpaceX hiện là “thứ duy nhất níu giữ được Hoa Kỳ trong cuộc đua không gian với Trung Quốc,” mà muốn thành công thì cần phải điều động thông qua các lực lượng thể chế bên trong Hoa Kỳ.
“Vấn đề bây giờ là chính phủ của chúng ta dường như không nhận ra hoặc quan tâm nhiều đến thực tế rằng SpaceX là tài sản duy nhất hiện tại có thể cầm chân nước Mỹ trong cuộc đua không gian mới, và giữ được [lợi thế] cạnh tranh cho chúng ta,” ông Weichert nói. “NASA đang ngủ quên ở thời điểm quan trọng nhất và Lực lượng Không gian không thể tìm ra những gì họ muốn làm,” ông Weichert cho biết.
Ông cũng nói thêm, “Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Mỹ, phần lớn, đều không hình dung không gian như một lĩnh vực chiến lược. Vậy mà Trung Quốc và ông Musk đều mường tượng thấy.”
Ông Weichert cho biết, lý do cho sự thiếu hành động này bao gồm sự bất đồng rõ ràng trong hệ tư tưởng chính trị giữa ông Elon Musk, Giám đốc điều hành của SpaceX, và Tòa Bạch Ốc.
“[SpaceX] cũng đang chịu rất nhiều áp lực chính trị vì quan điểm chính trị của ông Elon Musk, đặc biệt là dạo gần đây. Ông Elon Musk không phải là một người bạn của chính phủ ông Biden,” ông Weichert nói, và cho biết thêm rằng sự bất đồng này đã “đặt một tấm bia đỡ đạn khổng lồ” trên lưng ông Musk.
Những lời chỉ trích gần đây của ông Musk đối với chính phủ ông Biden và Đảng Dân Chủ đã gây tranh cãi trong giới chính trị. Vị tỷ phú này cho rằng ông Biden không phải là tổng thống Hoa Kỳ “đích thực” và đã gọi Đảng Dân Chủ là đảng của “sự chia rẽ” và “cừu hận”.
“Giờ họ bắt đầu theo dõi sát sao ông Musk. Họ sẽ bám theo từng bước sau ông ấy với vấn đề quy tắc trong thương vụ mua Twitter: không phải vì bất cứ điều gì sai trái, mà chỉ vì ông ấy là một địch thủ chính trị,” ông Weichert nói. “Vì vậy, vấn đề bây giờ không phải là người Trung Quốc hay người Nga.”
Ông Weichert nói, một lý do chính khác đằng sau sự trì trệ của nước Mỹ trong cuộc chạy đua không gian này, là một cơ sở quân sự giống như kiểu “tập đoàn”, những người mà “ngày nay chẳng tìm đâu được thứ gì sáng tạo như SpaceX.”
Chuyên gia này cho biết, “Những gì quý vị có bây giờ về căn bản là một tập đoàn gồm một số nhà thầu quốc phòng rất mạnh, những người không thực sự quan tâm đến việc tạo ra các hệ thống vũ khí vừa hiệu quả, thân thiện với thời gian, vừa rẻ hơn so với hệ thống hiện tại.”
Ông cũng nói thêm, “Và vì vậy SpaceX đang làm suy yếu phương pháp tiếp cận cũ kiểu tập đoàn đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Đó là lý do tại sao ông Musk bị thù ghét. Đó là lý do tại sao ông ấy đang bị tấn công từ bộ máy hành chính quan liêu này cộng với các cuộc tấn công chính trị toàn tập trong chính phủ của ông Biden.”
Chuyên gia này gợi ý rằng nước Mỹ nên áp dụng mô hình sáng tạo của SpaceX trong việc sử dụng mạng lưới các vệ tinh có thể thay thế dễ dàng để làm cho cơ sở hạ tầng không gian của Mỹ có khả năng ứng phó tốt hơn trước các cuộc tấn công hướng vào không gian trong các tình huống thời chiến.
“Cho dù SpaceX có nhận được hợp đồng để làm việc này hay là một công ty khác, thì họ phải nhân rộng mô hình SpaceX đó. Đó là chìa khóa,” ông Weichert nói.
Trong cuốn sách Chiến Thắng Không Gian: Cách Nước Mỹ Duy Trì Một Siêu Cường Quốc, ông Weichert đã cảnh báo rằng Mỹ phải trải qua một sự thay đổi mô hình trong tầm nhìn về không gian và coi không gian là một “lĩnh vực chiến lược” để ngăn chặn một “cuộc tấn công bất ngờ thảm khốc” từ Nga hoặc Trung Quốc — cái mà ông gọi là, “trận Trân Châu Cảng ngoài không gian” — trong viễn cảnh chiến chanh tương lai.
Ông Weichert nhận xét, “Mỹ quốc là một đội quân hùng hậu. Khi cả nước đều hành động, thì không gì có thể cản bước chúng ta. Tuy nhiên, thực hiện những bước đi ban đầu ấy, luôn là thử thách gian nan nhất đối với đất nước chúng ta.”
“Ngày nay, Hoa Kỳ phải đối mặt với một trận Trân Châu Cảng ngoài không gian — và mọi người ở Hoa Thịnh Đốn đều biết điều đó.”
The Epoch Times đã liên lạc với Lực lượng Không gian Hoa Kỳ để xin bình luận.
Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.