Chuyên gia Pháp: Âu Châu không thể “đứng ngoài cuộc” trong vòng xoáy xung đột Đài Loan-Bắc Kinh
Trong cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Đài Loan, Châu Âu sẽ buộc phải lựa chọn Dân chủ hay Cộng sản, nhưng điều này vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ ở các nước Châu Âu, một chuyên gia người Pháp-người đã khuyến khích nhiều cuộc thảo luận xuyên Đại Tây Dương hơn giữa các quan chức cao cấp và các tổ chức tư vấn-cho biết.
“[Cuộc khủng hoảng Đài Loan] là một điều gì đó mới mẻ đối với một số người Châu Âu khi hiểu rằng một cuộc khủng hoảng… thậm chí xung đột có thể xảy ra giữa Trung Quốc, Đài Loan và có lẽ có cả sự tham gia của Hoa Kỳ,” theo lời Tiến sĩ Nicolas Regaud, Đại diện đặc biệt khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Cục trưởng Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Bộ Các Lực lượng Vũ trang Pháp.
Ông nói trong một hội thảo trực tuyến trên web có tiêu đề “Vượt qua Trung Cộng: Vai trò của Đồng minh Châu Âu trong cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ-Trung Quốc,” do Viện nghiên cứu Đề án 2049 tổ chức hôm 05/05, rằng các nước Châu Âu không thể đứng nhìn mà không làm gì cả nếu chế độ cộng sản này tấn công đất nước Đài Loan dân chủ.
“Không thể có chuyện Châu Âu, hay EU, có thể là những người đứng ngoài cuộc xa lạ. Họ sẽ bị buộc phải đứng về một bên nào đó,” điều này “vẫn chưa được hiểu đầy đủ ở Châu Âu,” ông nói rằng lựa chọn bắt buộc sẽ được đặt trên bàn, và việc không làm gì sẽ “có nguy cơ gây nguy hiểm cho sự gắn kết lòng tin” và kiểm tra “tinh thần đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.”
Hoa Kỳ đã kêu gọi Châu Âu cùng đối đầu với chế độ cộng sản này vì sự thiếu tôn trọng luật pháp và trật tự quốc tế và sự áp bức của chế độ này lên người dân của chính mình cũng như những quốc gia dám đứng lên chống lại nó, chẳng hạn như Úc.
Tuy nhiên, Châu Âu thích một biện pháp toàn diện hơn là một thế giới “đen-trắng” phân minh. Hơn nữa, với tư cách là một thể chính trị thống nhất, các quốc gia Châu Âu “mong manh” hơn về nhiều mặt, mà an ninh và sự thịnh vượng của họ được xây dựng dựa trên luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, ông Regaud cho biết.
Ông chỉ ra rằng, điều đó không có nghĩa là Châu Âu trung lập, mà hoàn toàn trái ngược.
Một cơ chế mới để sàng lọc đầu tư nước ngoài vào Châu Âu, do Pháp và Đức khởi xướng, đã được đưa vào áp dụng hôm 05/05. Sáng kiến này nhắm mục tiêu vào hoạt động gián điệp kinh tế và kỹ thuật của chế độ Trung Cộng ở Châu Âu, là một lĩnh vực hội tụ giữa Châu Âu và Hoa Kỳ liên quan đến Trung Quốc. Ông cho rằng có rất nhiều điều để chia sẻ liên quan đến cơ chế và biện pháp bảo vệ lợi ích của chính họ.
Ủy ban Châu Âu đã thông qua các quy định để hạn chế các công ty được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp nước ngoài liên quan đến đóng góp tài chính của “các chính phủ không thuộc Liên minh Châu Âu” để “mang lại cho người thụ hưởng của họ một lợi thế không công bằng khi mua lại các công ty EU, tham gia vào các hoạt động mua sắm công ở EU hoặc tham gia vào các hoạt động thương mại khác ở EU.”
Cuộc họp cao cấp gần đây của Nhóm Bảy nền dân chủ phương Tây (G-7) diễn ra tại London cũng tập trung vào việc chống lại những thách thức từ chế độ Trung Cộng và Nga bằng cách thu hút các đồng minh mới.
Ông Regaud đề cập rằng những hành động chính trị như vậy là rất quan trọng và không ai mong đợi việc các quốc gia Châu Âu sẽ gửi lực lượng đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu xung đột xảy ra. Tuy nhiên, một số tài sản có thể được gửi đến để thể hiện sự đoàn kết.
Một số lực lượng Châu Âu đã biểu lộ sự phản kháng [của họ] trước sự đe dọa của Trung Cộng, chẳng hạn như tình trạng Trung Cộng điều các tàu lớn của mình đến vùng biển tranh chấp, Bãi đá ngầm Whitsun, trong khu vực Biển Đông.
Pháp đã dẫn đầu trong các hành động này vì nước này sở hữu các vùng lãnh thổ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và duy trì quân đội ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau đó, Anh Quốc thông báo rằng một tàu sân bay sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông. Đức cũng đã quyết định gửi một tàu khu trục nhỏ đến khu vực này.
Các nước Châu Âu không còn “ngây thơ” đối với chế độ cộng sản nữa, như Phó chủ tịch EU Josep Borrell đã nói. Hồi tháng Ba, Hội đồng Liên minh Châu Âu đã yêu cầu Ủy ban Châu Âu và đại diện cao cấp vạch ra một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng Chín năm nay, trong đó ám chỉ đến những thách thức của Trung Cộng về nhân quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế và những căng thẳng trong chuỗi cung ứng.
Ông Regaud cũng nhấn mạnh rằng lợi ích kinh tế không đủ để thúc đẩy các nước Châu Âu can dự về mặt chính trị và chiến lược ở các khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông cũng chỉ ra rằng, “Nếu trường hợp này xảy ra, Đức đã có thể là nhà cung cấp chiến lược tận tâm nhất trong khu vực, [nhưng] thực tế không như vậy.”
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc đẩy tăng cường mối liên kết kinh tế với Trung Cộng, với đỉnh điểm là thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc đạt được vào cuối năm 2020, vốn bị đình chỉ gần đây do những lo ngại về nhân quyền.
“Tôi nghĩ rằng có [một] con đường để thảo luận nhiều hơn giữa các nhà chức trách… nhưng cũng có thể giữa các tổ chức tư vấn chính sách để thảo luận về tất cả các cuộc tập trận, các kịch bản điên rồ, kế hoạch dự phòng, chỉ để… giúp các đối tác Châu Âu của chúng tôi hiểu rằng họ sẽ buộc phải chọn lấy [một] bên.”
Do Dorothy Li thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: