Chuyên gia kinh tế: Xe điện sẽ trở thành ‘thất bại lớn tiếp theo’ của thị trường xe hơi
Một cố vấn kinh tế cao cấp của cựu Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng nhu cầu xe điện đang suy yếu cho thấy loại xe này có nguy cơ trở thành một thất bại lớn trên thị trường.
Ông Stephen Moore, nhà kinh tế cao cấp tại FreedomWorks, người từng là cố vấn kinh tế cao cấp cho cựu Tổng thống Donald Trump, đã có dự đoán ảm đạm về thị trường xe điện (EV) của Hoa Kỳ, nói rằng xe điện đang trên đà trở thành “thất bại lớn tiếp theo” của các nhà sản xuất xe hơi.
Ông Moore đã đưa ra dự đoán ảm đạm kể trên đối với thị trường xe điện trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Varney & Co” của Fox News hôm 30/10 và một bài xã luận trên The Daily Caller hôm 29/10, trong đó nhà kinh tế này đã so sánh nỗ lực thúc đẩy xe điện hiện tại với việc khai triển thất bại Ford Edsel.
Ông viết trong bài báo: “Một trong những ví dụ kinh điển mọi thời đại trong sách giáo khoa về thất bại tiếp thị là chiếc xe sedan Ford Edsel, được báo trước là mẫu xe mới nóng hổi vào cuối những năm 1950.”
Vào thời điểm Edsel ra mắt, quan điểm phổ biến của các chuyên gia xe hơi là chiếc sedan được đặt theo tên con trai của ông Henry Ford này chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên, thay vì doanh số hàng trăm ngàn chiếc như các chuyên gia thường dự đoán vào thời điểm đó, Edsel chỉ bán được khoảng 10,000 chiếc và bị ngừng sản xuất.
Theo ông Moore, yếu tố then chốt đằng sau sự thất bại của Edsel là chiếc xe này đã được tiếp thị cho một công chúng không hề muốn có nó.
Ông viết: “Bài học rõ ràng cho ngành: quý vị không thể hối lộ người Mỹ để mua những chiếc xe hơi mà họ không muốn. Trước cách tiếp cận dốc toàn lực cho xe điện tại Ford và GM, rõ ràng là Detroit chưa bao giờ hiểu được thông điệp này.”
Theo một nghiên cứu được GOBankingRates công bố hồi đầu tháng Chín, mặc dù chính phủ Tổng thống Biden đang thúc đẩy công chúng sử dụng xe điện, bao gồm cả đề nghị trợ cấp 7,500 USD, nhưng có chưa đến 10% tổng doanh số bán xe hơi mới trong hai năm qua là xe điện.
Gần đây hơn, các giám đốc điều hành của General Motors, Ford, và Mercedes-Benz thừa nhận rằng nhu cầu về xe điện đang suy yếu, với một số thông báo rằng họ sẽ rút lại mục tiêu xe điện của mình.
Ông Moore nói rằng nhu cầu xe điện suy yếu có thể là một tín hiệu cho thấy, ngoài một phần tương đối nhỏ những người sớm áp dụng công nghệ mới này, người mua nhìn chung chỉ đơn giản là không quan tâm đến vậy.
“Edsel là một trong những chiếc xe thất bại lớn nhất mọi thời đại,” ông Moore nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi ở đây để nói với quý vị rằng, nếu những xu hướng này tiếp tục, chúng ta sẽ chứng kiến thị trường xe điện trở thành đợt thất bại lớn tiếp theo vì người mua xe không muốn những chiếc xe này.”
Công ty nghiên cứu thị trường Canalys ước tính doanh số bán xe điện toàn cầu đã tăng 49% trong nửa đầu năm nay, giảm so với tốc độ tăng trưởng 63% của năm ngoái.
Nhu cầu xe điện suy yếu
Trình bày tại một triển lãm xe hơi ở Nhật Bản hồi tuần trước (23-29/10), Chủ tịch kiêm cựu Giám đốc điều hành Toyota Akio Toyoda nói với các phóng viên rằng nhu cầu xe điện suy yếu là dấu hiệu cho thấy mọi người đang nhận ra thực tế rằng xe điện không phải là viên đạn bạc để chống lại những vấn đề được cho là do khí thải carbon như người ta vẫn mong đợi.
Trước thềm Triển lãm Di chuyển Nhật Bản ở Tokyo vào tuần trước, ông Toyoda, người đứng đầu Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe hơi Nhật Bản, bên đứng ra tổ chức sự kiện này, nói với các phóng viên: “Mọi người cuối cùng cũng nhận ra thực tế” về công nghệ xe điện.
Ông Toyoda từ lâu đã hoài nghi về việc toàn lực áp dụng xe điện. Ông đã từ chức Giám đốc điều hành của Toyota trong năm nay trong bối cảnh bị chỉ trích rằng ông không đủ nghiêm túc trong việc thúc đẩy công ty nhanh chóng áp dụng xe hơi chạy bằng pin.
Lời đáp của ông Toyoda với các ký giả hỏi suy nghĩ của ông về nhu cầu xe điện giảm cho thấy ông cảm thấy được biện minh cho sự chần chừ của mình.
“Có nhiều cách để leo ngọn núi mục tiêu về đạt được mức độ trung hòa carbon,” ông nói, đồng thời ngụ ý rằng người tiêu dùng cuối cùng cũng tỉnh mộng khỏi giấc mơ mà những người reo rắc hoang mang về biến đổi khí hậu thúc đẩy, đặt xe điện lên bệ và phóng đại quá mức lợi ích của xe điện trong khi hạ thấp những nhược điểm của chúng.
Nhận xét của ông được đưa ra khi tốc độ tăng trưởng nhu cầu về xe điện ở nhiều thị trường khác nhau đã chậm lại, khiến một số công ty phải quay lại kế hoạch điện khí hóa của họ.
Tuần trước, Honda và General Motors đã thông báo rằng họ sẽ hủy bỏ kế hoạch trị giá 5 tỷ USD để cùng nhau phát triển xe điện, trong khi GM cho biết họ đang làm chậm chiến lược điện khí hóa của mình.
GM đang “điều tiết việc tăng tốc sản xuất xe điện để bảo vệ giá cả của chúng tôi, điều chỉnh theo tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong thời gian ngắn chậm hơn và thực hiện các thay đổi kỹ thuật nhằm tăng lợi nhuận”, Giám đốc tài chính của GM, Paul Jacobson, cho biết trong cuộc họp công bố lợi nhuận ngày 24/10 với các phóng viên, theo đó ông tiết lộ rằng cuộc đình công kéo dài nhiều tuần của các nhân viên xe hơi thuộc nghiệp đoàn đã khiến công ty thiệt hại 800 triệu USD và còn hơn thế nữa.
Đầu tháng này, Ford cho biết họ sẽ tạm thời cắt giảm một trong ba ca làm việc tại một nhà máy sản xuất xe bán tải chạy điện F-150 Lightning sau khi giảm tốc độ tăng tốc xe điện vào tháng Bảy.
Gần đây hơn, Giám đốc điều hành Ford Jim Farley cho biết trong một cuộc họp thông báo lợi nhuận với các nhà đầu tư vào tuần trước rằng tình hình xe điện đang “thách thức.”
“Thực tế là hoạt động kinh doanh của chúng tôi chưa bao giờ thiếu vắng thách thức, đặc biệt là hiện nay với sự phát triển của thị trường xe điện và các đối thủ toàn cầu mới từ Trung Quốc, cũng như sự gián đoạn về công nghệ,” ông nói. “Việc sở hữu một sản phẩm tuyệt vời không còn là đủ trong ngành kinh doanh xe điện nữa,” ông nói, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi phải hoàn toàn có tính cạnh tranh về mặt chi phí” vì “khả năng chi trả là một vấn đề” đối với người tiêu dùng.
Kết quả là Ford đã đình chỉ 12 tỷ USD chi tiêu cho xe điện cho năng lực sản xuất.
Giám đốc tài chính của Ford John Lawler cho biết hôm thứ Năm: “Với môi trường xe điện năng động, chúng tôi đang thận trọng trong việc sản xuất và điều chỉnh công suất trong tương lai để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường”.
Ông nói thêm: “Như đã nói, chúng tôi đã thúc đẩy khoảng 12 tỷ USD chi tiêu cho xe điện, bao gồm vốn đầu tư, đầu tư trực tiếp, và chi phí.”
Trong khi ông Toyoda tranh luận tại triển lãm xe hơi Nhật Bản rằng mọi người đang trở nên sáng suốt hơn về những hạn chế của xe điện thì Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch hiện tại của Toyota, ông Koji Sato, lại đề cập đến những lợi ích của loại xe này.
Nói trong cuộc họp báo hôm 25/10 tại Triển lãm Di chuyển Nhật Bản, ông Sato đã bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách quảng cáo xe điện.
Theo một bản ghi lời diễn văn của ông, ông nói, “Câu chuyện đầu tiên là cuộc sống tương lai của chúng ta với xe điện chạy bằng pin.” “Xe điện không chỉ thân thiện với môi trường. Xe điện còn mang đến cảm giác thú vị khi lái xe và gia vị cho xe hơi.”
Ông đề cập đến những lợi ích rõ ràng khác của xe điện, cụ thể là trọng tâm thấp hơn và nội thất rộng rãi hơn, gọi đó là “giá trị mà chỉ xe điện chạy pin mới có thể mang lại.”
Ông nói: “Trên những chiếc xe này, khung cảnh trông hoàn toàn khác.”
Nhưng mặc dù trọng tâm thấp hơn và nội thất rộng rãi hơn có thể sẽ được một số người lái xe chào đón, trừ khi các nhà sản xuất xe điện có thể tìm ra cách vượt qua “nỗi lo về phạm vi hoạt động”, họ có thể thấy việc áp dụng xe điện sẽ ngày càng suy yếu.
Lo lắng về phạm vi
Một mối lo lắng lớn của những người Mỹ khi cân nhắc việc chuyển sang sử dụng xe điện là sự lo lắng về phạm vi hoạt động, đó là nỗi sợ lái xe điện và hết điện mà không thể tìm thấy trạm sạc — và cuối cùng bị mắc kẹt bên đường.
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA) cho thấy phạm vi hoạt động của xe điện có thể giảm tới 1/4 khi xe chở tải trọng tải lớn.
Bà Adrienne Woodland, phát ngôn viên của AAA, cho biết trong một tuyên bố: “Lo lắng về phạm vi vẫn là lý do hàng đầu khiến người tiêu dùng ngần ngại chuyển từ xe chạy bằng xăng sang xe điện.”
Một nghiên cứu gần đây khác của công ty tư vấn Ernst & Young — phối hợp với cơ quan công nghiệp năng lượng Âu Châu Eurelectric — cho thấy lo lắng về phạm vi hoạt động là mối lo ngại được trích dẫn nhiều thứ hai về việc chuyển sang sử dụng xe điện, trong đó vị trí hàng đầu là thiếu các trạm sạc công cộng.
Nghiên cứu chỉ ra nhu cầu ước tính về 68.9 triệu bộ sạc trên khắp Hoa Kỳ và Canada vào năm 2035 để hỗ trợ tốc độ chuyển đổi xe điện.