Chuyên gia: Hoa Kỳ phải giúp Nhật Bản, Đài Loan tăng cường sẵn sàng lâm chiến chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc
Mối đe dọa từ Trung Quốc đã làm tăng nhu cầu về các hoạt động phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Đài Loan.
Tuy nhiên, theo các nhà địa chiến lược, quân đội Đài Loan và Nhật Bản trang bị đặc biệt kém cho chiến tranh. Các chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ nên trợ giúp hai nước này giải quyết các vấn đề nội bộ và thiết lập các hoạt động chung hiệu quả.
Theo cổng phân tích Global Fire Power, quân đội Nhật Bản và Đài Loan xếp thứ 8 và 23 về sức mạnh quân sự toàn cầu. Trong khi Hoa Kỳ dẫn đầu bảng xếp hạng này, theo sau là Nga và Trung Quốc — hai đồng minh chiến lược vừa mới đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự phối hợp.
Chuyên gia: Cần ‘Tiền, Nhân lực, Chú trọng Quân đội’
Ông Grant Newsham là một thành viên cao cấp của Trung tâm Chính sách An ninh, và là một thành viên nghiên cứu tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản. Ông đã nói chuyện với The Epoch Times qua thư điện tử.
Ông Newsham cho biết, mặc dù “theo lý thuyết” Nhật Bản có một quân đội tốt, nhưng nước này lại không sẵn sàng cho chiến tranh. Trong khi đó, Đài Loan có một quân đội “Galapagos,” đã bị suy yếu trong sự cô lập trong nhiều thập niên.
Ông Newsham nhấn mạnh quân đội hai nước này cần “thêm tiền bạc, nhân lực, chú trọng quân dịch.”
Bắt đầu từ năm nay, Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp để tăng cường các liên minh quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những biện pháp đó bao gồm việc khai triển thêm quân đội Hoa Kỳ trên đảo Okinawa, tạo điều kiện cho các đồng minh tăng cường khả năng chống hạm cần thiết trong trường hợp Trung Quốc xâm nhập vào Đài Loan.
Hôm 28/02, ủy ban đặc biệt Hạ viện về Trung Quốc đã tổ chức phiên điều trần đầu tiên, trong đó các nhà lập pháp bày tỏ những lo ngại về một khoản tồn đọng trị giá 19 tỷ USD trong việc bán vũ khí đã được Bộ Ngoại giao chấp thuận cho Đài Loan.
Đài Loan cũng đang chờ nhận 66 chiến đấu cơ F-16. Những chiếc F-16 Block 70 này, do hãng Lockheed Martin sản xuất và được trang bị những khả năng khiến chúng trở thành chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 tân tiến nhất hiện có, dự kiến sẽ được giao vào cuối năm 2026.
Tuy nhiên, trong khi đó, các mối đe dọa chiến tranh này ngày càng lớn hơn, khi lực lượng không quân của Đài Loan phải đối mặt với các chuyến bay quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ phải dẫn đầu
Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều nói rằng họ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nêu rõ cách họ sẽ giải quyết những thách thức nội bộ trước mắt mà quân đội Đài Loan và Nhật Bản đang phải đối mặt. Những thách thức đó bao gồm các chính sách, năng lực, và sự sẵn sàng cho chiến tranh.
Bất kể mối đe dọa mà họ đang phải đối mặt, Nhật Bản và Đài Loan vẫn chưa có đủ những nỗ lực để cùng nhau củng cố khả năng răn đe và nâng cao khả năng đóng góp vào phòng thủ chung.
Các nhà địa chiến lược tin rằng tình hình sắp tới sẽ không thể được giải quyết nếu không có Mỹ đi đầu trong vấn đề này.
“Hoa Kỳ cần chiến đấu chống lại Trung Quốc ở tiền tuyến. Nếu Hoa Kỳ cứ ở phía sau … và yêu cầu Nhật Bản và Đài Loan lâm chiến, còn họ sẽ không lâm chiến,” Tiến sĩ Satoru Nagao, một nhà nghiên cứu không thường trú của Viện Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times. Để lãnh đạo thành công, thì “nhà lãnh đạo đó chiến đấu ở phía trước,” ông Nagao nói.
Theo kế hoạch hiện tại, ông Nagao cho biết, Nhật Bản sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 56% trong 5 năm tới. “Tuy nhiên, Trung Quốc đã tăng [ngân sách của họ] nhiều hơn,” ông nói. “Nếu không có sự hợp tác với các nước khác, thì một mình Nhật Bản không thể chuẩn bị đủ ngân sách” để chống lại mối đe dọa đó từ Trung Quốc.”
Ông Nagao cho rằng điều đó khiến việc xây dựng năng lực hoạt động chung với Hoa Kỳ trở nên vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản.
Ông Newsham cho biết điều quan trọng là “người Mỹ phải ngồi xuống với JSDF [Lực lượng phòng vệ Nhật Bản] và TAF [Không quân Đài Loan] và nêu rõ một cách có hệ thống những gì cần thiết … người Mỹ sẽ làm gì và người Nhật Bản và Đài Loan sẽ làm gì.”
Những thách thức đối với quân đội Đài Loan
Đài Loan nhận thức được mối đe dọa mà họ phải đối mặt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Đài Loan có những vấn đề cấp bách cần giải quyết.
Đài Loan phải đối mặt với những thách thức do tỷ lệ sinh giảm. Theo một bài báo của CNN hồi tháng 12/2022, dân số của hòn đảo này lần đầu tiên giảm vào năm 2020 và đợt nhập ngũ của họ vào năm 2022 là thấp nhất trong một thập niên.
Ông Abhishek Darbey, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng sức mạnh quân sự của Đài Loan yếu hơn so với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Ông Darbey nói: “Thời gian thực hiện quân dịch bắt buộc của họ quá ngắn và việc huấn luyện cho lực lượng dự bị không nghiêm ngặt.”
Theo ông Newsham, trên lý thuyết, Đài Loan có hơn một triệu lính dự bị, nhưng những người lính dự bị lại xem điều đó như một trò đùa. Và ông cho rằng các nhà lãnh đạo dân sự không xem điều đó đủ quan trọng để dành thời gian và nguồn lực cần thiết.
Ông Newsham nói, “Một lực lượng dự bị thiết thực có thể nhân lên đáng kể các lực lượng và tạo ra nhiều thách thức đối với một kẻ xâm lược — và thậm chí có thể ngăn cản một kẻ xâm lược tấn công. Một phần của vấn đề này mà Đài Loan gặp phải là lực lượng tại ngũ thiếu ngân sách và nhân lực, vì vậy họ không thực sự có thời gian hoặc các nguồn lực để dành cho một lực lượng dự bị.”
Ông Newsham cho biết quân đội Đài Loan cũng thiếu “những khái niệm phòng thủ sáng tạo” vốn sẽ rất quan trọng trong một cuộc chiến với PLA. Về mặt kỹ thuật, điều này có nghĩa là Đài Loan cần một “lực lượng cơ động, khó xác định và khó tấn công,” được trang bị vũ khí tầm xa chính xác, hệ thống phòng không đáng gờm, thủy lôi thông minh, chiến đấu cơ không người lái, và thậm chí cả khả năng tham chiến ở Hoa lục.
Ông Darbey nói rằng quân đội Đài Loan phải tăng cường hơn nữa các khả năng quân sự của mình khi bàn về chiến tranh hiện đại, với các hệ thống vũ khí “được thông tin hóa” và “thông minh hóa.”
Ông Darbey cho biết, “Việc sử dụng AI [trí tuệ nhân tạo] và phi cơ không người lái sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự trong tương lai và trong trường hợp của Đài Loan, PLA sẽ sử dụng các vũ khí thông minh của họ mà không sử dụng nhân sự. Điều này cũng sẽ giúp PLA bảo đảm không có nhiều thương vong trong bất kỳ hoạt động nào có thể xảy ra ở Đài Loan, vốn là một mối lo ngại đối với người dân ở đại lục.”
Phá vỡ thế cô lập của Đài Loan
Sự mơ hồ ngoại giao xung quanh vị thế là một quốc gia độc lập của Đài Loan đã tạo ra nhiều thách thức cho các hoạt động chung. Các chuyên gia nói rằng điều này phải được khắc phục.
Ông Newsham cáo buộc rằng Đài Loan đang phải đối mặt với các hậu quả của “hơn 40 năm bị cô lập.” Ông cảm thấy rằng Hoa Kỳ đã không tham gia đáng kể với các lực lượng vũ trang của Đài Loan. Do đó họ đã không tiến bộ như lẽ ra họ phải đạt được.
“Tại sao người Mỹ lại cô lập Đài Loan? [Họ] sợ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) có thể phàn nàn. Nếu quý vị có suy nghĩ đó, thì sẽ thật khó để giành chiến thắng. Và làm mất tinh thần những người được xem là bằng hữu của chúng ta, người Đài Loan,” ông Newsham nói.
Ông Darbey cho biết Hoa Kỳ nên tránh “sự mơ hồ về chiến lược,” thay vào đó áp dụng “sự rõ ràng về chiến lược” liên quan đến khả năng can thiệp quân sự của nước này chống lại bất kỳ hoạt động nào của PLA ở Đài Loan. Nước này cũng nên tăng cường hiện diện quân sự ở Eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, Nhật Bản cần có chính sách ủng hộ để giúp đỡ Đài Loan, ông nói. Nhật Bản vẫn đang xem xét ban hành phiên bản “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” của riêng mình để bảo đảm về mặt pháp lý cho sự trợ giúp của nước này đối với Đài Loan.
Đạo luật Quan hệ Đài Loan là một luật của Hoa Kỳ nhằm tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ nhân quyền của người dân Đài Loan.
Quân đội Nhật Bản: Thiếu người, thiếu ngân sách
Do một tỷ lệ sinh thấp và dân số lão hóa, quân đội Nhật Bản cũng đang đối mặt với tình trạng tuyển mộ thấp. Điều này cản trở việc xây dựng quân đội theo mong muốn của họ.
Theo các nhà địa chiến lược, Nhật Bản đang có những thách thức khác cần được giải quyết cấp bách.
Ông Newsham cảm thấy JSDF thiếu người, thiếu ngân sách, và không xem chiến tranh là một nhiệm vụ thực sự mãi cho đến gần đây. Ông nói: “Điều đó cũng tạo ra một lỗ hổng lớn về mặt tâm lý khi một quân đội không nghĩ đến việc tham chiến như họ nên làm.”
Ông nói rằng, phụng sự trong JSDF không phải là một nghề được tôn trọng ở Nhật Bản vì mức lương thấp, lương hưu ít ỏi, ít phúc lợi, nhà ở không đạt tiêu chuẩn, và rất ít sự giúp đỡ cho các gia đình quân nhân.
Ông Newsham phàn nàn rằng các lực lượng của JSDF thậm chí không thể thực hiện các hoạt động chung theo kiểu phối hợp, được trù hoạch với sự tham gia của lục quân, không quân, và hải quân trên lãnh thổ của quốc gia này. Nhật Bản cũng thiếu “dự trữ chiến tranh, dự trù thương vong,” cũng như toàn bộ các dịch vụ hậu cần và viện trợ cần thiết để lâm chiến.
Ông Nagao cho rằng việc xây dựng các nguồn lực nội bộ của quân đội Đài Loan và Nhật Bản, cùng với việc củng cố năng lực hoạt động chung của họ, là điều mà không một quốc gia nào trong số này — kể cả Hoa Kỳ — có thể tránh được trong bối cảnh ngày nay.
“Đặc biệt, để bảo vệ Đài Loan, Nhật Bản là rất quan trọng,” ông nói.
Trụ sở điều hành chung
Các chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Đài Loan nên thành lập một trụ sở điều hành chung.
Ông Newsham tin rằng nhu cầu này là cấp bách, và ít nhất nên bắt đầu với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ông nói: “Thật tệ khi [một trụ sở điều hành chung] không hiện hữu sau hơn 60 năm liên minh phòng thủ.”
Tuy nhiên, ông Nagao cho biết, do chính sách “Một Trung Quốc” của Hoa Kỳ, không dễ có được một trụ sở chung giữa ba bên. Theo một người giải thích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Hoa Kỳ “công nhận CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc nhưng chỉ thừa nhận quan điểm của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.”
Chính sách này có hiệu lực từ năm 1979; tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không nhượng bộ trước yêu cầu của Trung Quốc rằng họ phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan: do đó thuật ngữ “thừa nhận” trái ngược với “công nhận.”
“Trong một tình huống như vậy, ngay cả khi Nhật Bản và Hoa Kỳ biết rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập, thì họ vẫn không thể thiết lập trụ sở chung như [họ có thể làm ở] một quốc gia có chủ quyền,” ông Nagao nói.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times