Chuyên gia: Hệ thống hỏa tiễn đánh chặn vũ khí siêu thanh của Hoa Kỳ-Nhật Bản sẽ ngăn chặn mối đe dọa từ Bắc Kinh
Hôm 18/08, trong một hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Trại David, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Nam Hàn và Nhật Bản đã đồng ý tăng cường quan hệ an ninh ba bên đồng thời lên án chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Hoa Kỳ tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh rằng Nhật Bản sẽ tham gia phát triển hệ thống hỏa tiễn đánh chặn vũ khí siêu thanh “Glide Phase Interceptor” (GPI), vốn sẽ được trang bị trên các tàu đã có hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Aegis.
Vũ khí siêu thanh bay với tốc độ siêu thanh Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) trở lên và khó bị radar phát hiện và đánh chặn. Được coi là thế hệ vũ khí mới có tiềm năng thay đổi mô hình chiến tranh, vũ khí siêu thanh hiện đang được phát triển ở nhiều quốc gia.
“Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ đã mất đi các đối thủ cạnh tranh và dành nhiều nỗ lực cho cuộc chiến chống khủng bố đối với các phần tử tôn giáo cực đoan. Sự phát triển của một số vũ khí chiến lược đã bị đình trệ hoặc chậm lại, bao gồm hỏa tiễn siêu thanh và hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiệu suất cao,” ông Tony Hạ (Tony Xia), một chuyên gia quân sự kiêm nhà bình luận, nói với The Epoch Times.
“Đó là lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] mở rộng tham vọng và vươn lên trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Hoa Kỳ, đòi hỏi Hoa Kỳ phải tái lập chiến lược phát triển quân sự của mình.
“Lập trường chống Hoa Kỳ của ĐCSTQ và Bắc Hàn cũng như việc khai triển hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân [ICBM] đã khiến Hoa Kỳ lần đầu tiên phải đối mặt với vũ khí hủy diệt hàng loạt kể từ Chiến tranh Lạnh. Các hệ thống phòng thủ đối với ICBM của Liên Xô cũ từ thời đầu đã không còn khả năng ngăn chặn nhiều đầu đạn với khả năng thay đổi quỹ đạo như ngày nay, đó là lý do tại sao Hoa Kỳ khai triển chương trình hỏa tiễn đánh chặn thế hệ tiếp theo (Next Generation Interceptor – NGI) vào năm 2004.”
Theo ông Hạ, phần lớn hiệu suất và cách sử dụng của NGI đều tương tự như các hệ thống hỏa tiễn đánh chặn trên mặt đất và hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo mặt đất hiện có của Quân đội Hoa Kỳ.
Ông cho biết, “Sự khác biệt là NGI được tích hợp một thế hệ cảm biến và công nghệ điều khiển bay mới, giúp hệ thống này có khả năng đánh chặn bất kỳ hỏa tiễn siêu thanh đa đầu đạn nào của đối thủ với tỷ lệ thành công cao hơn nhiều. Hệ thống có thể phá hủy nhiều đầu đạn của nhiều hỏa tiễn đang lao tới cùng một lúc, điều này rất khó thực hiện được với các hệ thống phòng thủ trước đây và thậm chí đây còn được coi là một hệ thống phòng thủ ‘bất bại.’”
Sự tham gia của Nhật Bản có ý nghĩa gì?
Ông Hạ, người đã có hơn chục năm phục vụ trong quân đội, tin rằng sự hợp tác Hoa Kỳ-Nhật Bản lần này càng làm nổi bật hơn nữa khả năng phòng thủ của khu vực.
Ông nói, “Do Nhật Bản nằm gần Trung Quốc và Bắc Hàn, nếu Nhật Bản có thể khai triển NGI trong tương lai, quốc gia này sẽ có thể phát hiện và đánh chặn hỏa tiễn của đối phương ở giai đoạn phóng sớm nhất, điều này sẽ làm tăng thêm tỷ lệ đánh chặn thành công và tăng thêm sức mạnh gây áp lực lên đối thủ.”
“Điều này tương đương với việc loại bỏ mối đe dọa hạt nhân của ĐCSTQ và Bắc Hàn.”
Đây là lần thứ hai Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng phát triển hỏa tiễn đánh chặn sau loại hỏa tiễn SM3 Block 2AII cải tiến.
Vào tháng 11/2020, khu trục hạm Hoa Kỳ đã bắn thử hỏa tiễn SM-3 Block IIA, tiêu diệt thành công một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa thử nghiệm. Sự kiện này, được chỉ định là Thử nghiệm bay Hệ thống vũ khí Aegis-44 (FTM-44), là cuộc thử nghiệm thành công của khu trục hạm được trang bị Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo Aegis (BMD) sử dụng hỏa tiễn SM-3 Block IIA.
Hệ thống Aegis BMD là gì?
Hệ thống Aegis BMD là một phần của hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Hoa Kỳ trong hải quân. Các tàu được trang bị Aegis nhận dữ liệu theo dõi thông qua hệ thống mạng Liên lạc Quản lý Chiến đấu và Kiểm soát Chỉ huy (C2BMC), xây dựng các giải pháp điều khiển hỏa lực, sau đó phóng và điều khiển hỏa tiễn dòng SM-3 để tiêu diệt các mục tiêu đang bay tới.
Ông Hạ cho biết: “Về bản chất, đó vẫn là sự thay đổi trong tích hợp hệ thống, nâng cấp trên cơ sở hệ thống vũ khí ban đầu, và ý nghĩa của điều này nằm ở việc mở rộng hệ thống vũ khí trên đất liền ra biển.”
“Tuy nhiên, NGI là một bước đột phá về công nghệ, một cuộc cách mạng về công nghệ cảm biến và điều khiển, đồng thời có tính sát thương cao hơn đối với các ICBM sắp tới.”
Hội nghị thượng đỉnh ba bên nhắm vào mối đe dọa của ĐCSTQ
Trước quan điểm của truyền thông Nhật Bản rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ mở rộng trọng tâm đối đầu từ Bắc Hàn sang khu vực rộng lớn của Trung Quốc và Nga, ông Hạ cho rằng trọng tâm nên là mối đe dọa bành trướng của ĐCSTQ.
“Bắc Hàn chỉ là kẻ tòng phạm của ĐCSTQ và Nga trong khu vực này, và quốc gia này không phải là mối đe dọa lớn nhưng lại gây ồn ào ở Bán đảo Triều Tiên,” ông nói. “Họ có yếu tố rủi ro cao. Đó là mối đe dọa lớn đối với Nam Hàn và Nhật Bản, nhưng những mối đe dọa đó về gốc rễ là từ ĐCSTQ.”
Ông Hạ, người từng tham gia giảng dạy quân sự và quản lý kỹ thuật, không đồng ý rằng Nga có mối liên kết với ĐCSTQ và Bắc Hàn.
Ông nói: “Nga đã rơi vào tay ĐCSTQ vì họ buộc phải làm như vậy do cuộc chiến sai lầm ở [Ukraine]. Cả Nga và Trung Quốc đều hiểu rằng mối quan hệ của họ là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times