Chuyên gia: ‘Chúng ta nên lo lắng’ trước tuyên bố của Trung Quốc về việc phá vỡ mã hóa lượng tử
Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã phát triển một phương pháp phá mã hóa công khai bằng điện toán lượng tử.
Trong một bài báo được phát hành trực tuyến vào cuối tháng Mười Hai, 24 nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã phát triển một phương pháp sử dụng điện toán lượng tử để phá vỡ hệ thống mã hóa công cộng RSA thường được sử dụng trong ngành tài chính và viễn thông.
Nếu thực sự là như vậy, bài báo này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với an ninh quốc gia và tương lai của dữ liệu và quyền riêng tư.
Theo ông Arthur Herman, thành viên cao cấp tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống, việc phát hành bài báo này có thể liên quan đến nỗ lực lớn hơn của chế độ cộng sản Trung Quốc nhằm phát triển các công nghệ có khả năng làm suy yếu các công nghệ quan trọng nhất của Hoa Kỳ.
“Tất cả đều theo cùng một khuôn mẫu là người Trung Quốc sử dụng các công nghệ tiên tiến … để đạt được lợi thế chiến lược,” ông Herman nói với The Epoch Times.
“Hoa Kỳ thực sự cần đưa ra kế hoạch của riêng mình, cách riêng của mình để không chỉ đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, mà còn thúc đẩy các lợi ích chiến lược của chính chúng ta theo cùng một cách nhất quán.”
Một lời cảnh báo cho phương Tây
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cai trị Trung Quốc với tư cách là một quốc gia độc đảng, đã nhanh chóng nỗ lực phát triển công nghệ lượng tử có thể phá vỡ các hệ thống mã hóa công khai như RSA và hạ bệ phương Tây từ bên trong.
Ông Herman, người cũng là giám đốc Sáng kiến Liên minh Lượng tử của Viện Hudson, tin rằng ĐCSTQ không có khả năng phá vỡ mã hóa đó, trái với những gì bài báo đã nêu. Thay vào đó, ông nói, bài báo nên đóng vai trò như một lời cảnh báo về những tham vọng của chế độ này.
“Tôi nghĩ quý vị phải xem xét rất cẩn thận rằng tuyên bố đó có hợp lệ hay không,” ông Herman nói. “Tôi muốn nói rằng … bài báo đó không gây ra bất kỳ mối đe dọa tức thời nào, nhưng chúng ta nên cảm thấy lo lắng.”
“Đừng bỏ qua mối đe dọa này. Đó là những điều sẽ xảy ra. Và đó cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy người Trung Quốc đang nỗ lực đạt được điều này.”
Bộ xử lý truyền thống sử dụng bit làm đơn vị thông tin cơ bản nhất. Các bit có thể được chuyển sang một trong hai vị trí, tắt hoặc bật, tạo thành các số 0 và số 1 của mã nhị phân.
Bộ xử lý lượng tử sử dụng bit lượng tử hoặc qubit thay vì bit. Trong khi các bit thông thường chỉ có thể được bật hoặc tắt, các qubit có thể được bật, tắt hoặc bật và tắt đồng thời trong một hiện tượng được gọi là chồng chất lượng tử.
Sự tồn tại của trạng thái thứ ba này về mặt lý thuyết sẽ cho phép các bộ xử lý lượng tử đạt được tốc độ thực hiện nhanh hơn nhiều so với các bộ xử lý truyền thống của chúng, khiến chúng trở nên vô giá trong lĩnh vực an ninh mạng.
Do đó, ông Herman trước đây đã mô tả điện toán lượng tử là “vũ khí tối thượng” và cuộc đua giành ngôi vị bá chủ lượng tử là “có tầm quan trọng ngang với Dự án Manhattan để tạo ra bom nguyên tử.”
Cuối cùng, ông nói rằng bài báo nghiên cứu này nên được đưa ra như một lời cảnh báo đối với phương Tây về tham vọng của ĐCSTQ trong tương lai gần.
“Nếu quý vị đọc kỹ bài báo này, quý vị sẽ nhận ra điều đã xảy ra là họ không thực sự đột nhập vào bất cứ thứ gì,” ông Herman nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “Trung Quốc tiêu điểm” của NTD, một cơ quan truyền thông liên kết của The Epoch Times.
“Những gì họ tuyên bố là họ đã phát minh ra một thuật toán giải mã lượng tử phổ quát, một thuật toán có thể được sử dụng để phân tích các số lượng lớn làm nền tảng cho các hệ thống mã hóa công khai của chúng ta.”
“Vì vậy, đó là một thuật toán phá mã. Những gì thuật toán này cần là một cỗ máy đủ lớn và đủ mạnh, với đủ sức mạnh qubit và đủ sức mạnh xử lý, để có thể được sử dụng và vận hành theo những cách thực sự khiến nó trở thành một thiết bị nguy hiểm.”
Một chiến thắng về mặt tuyên truyền đối với Trung Quốc cộng sản
Mặc dù ĐCSTQ chưa có thiết bị để bẻ khóa các hệ thống mã hóa công cộng của Hoa Kỳ, ông Herman nói rằng việc phát hành bài báo này có thể nhằm mục đích đánh dấu một chiến thắng tuyên truyền cho chế độ.
“Nếu người Trung Quốc thực sự có một thuật toán có thể làm được tất cả những điều tuyệt vời, nguy hiểm và đáng sợ đó, họ sẽ không quảng bá nó,” ông Herman nói. “Họ sẽ chỉ sử dụng nó.”
“Đây có phải là điều mà chúng ta cần phải lo lắng ngay bây giờ không? Không. Có nhiều giá trị tuyên truyền cho Trung Quốc khi đưa ra một thông báo như vậy không? Chắc chắn là có rồi.”
Do đó, ông Herman nói rằng không có lý do gì để hoảng sợ, nhưng bài báo này sẽ thúc đẩy giới lãnh đạo ở phương Tây dấn thân vào trò chơi này và nỗ lực để nhanh chóng phát triển các khả năng lượng tử trước ĐCSTQ.
Ông Herman cho biết rằng: “Sự thúc đẩy mà Trung Quốc đang thực hiện để đạt được bước đột phá đó, để có được chiếc máy tính lượng tử toàn năng đó, chỉ là một mặt trận trong cuộc chiến nhiều mặt trận mà họ đang tiến hành đối với chúng ta trong lĩnh vực công nghệ cao.”
Andrew Thornebrooke, Tiffany Meier và Emel Akan thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times