Chuyên gia: Ấn Độ đang ‘bước vào một cuộc cách mạng bán dẫn’ với nhiều nhà máy mới
Thủ tướng Ấn Độ Modi đã khánh thành ba nhà máy bán dẫn mới trong tháng này. Các dự án này bao gồm các quan hệ đối tác với Đài Loan và Nhật Bản.
NEW DELHI — Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặt nền móng cho ba nhà máy bán dẫn trị giá hơn 15 tỷ USD hôm 13/03. Thủ tướng cho biết các dự án này “sẽ giúp Ấn Độ trở thành một trung tâm bán dẫn toàn cầu.”
Ba nhà máy bán dẫn này bao gồm việc hợp tác với một công ty Đài Loan và một công ty Nhật Bản. Các công ty này sẽ tham gia vào nhà máy chế tạo vi mạch bán dẫn cao cấp đầu tiên của Ấn Độ, do nhà sản xuất vi mạch Micron của Mỹ thực hiện, dự kiến sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, ông Akhil Ramesh, giám đốc Chương trình Ấn Độ tại Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở tại Honolulu, đã mô tả diễn biến này là Ấn Độ “bước vào một cuộc cách mạng bán dẫn.”
Ông Ramesh đã đặt nỗ lực thúc đẩy chất bán dẫn vào bối cảnh trên thế giới có một xu hướng được gọi là “Công nghiệp 4.0”, “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, hay “4IR” — tất cả các thuật ngữ chỉ những tiến bộ công nghệ nhanh chóng của thế kỷ 21.
Giống như cách hơi nước đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, điện lần thứ hai, tự động hóa và máy móc lần thứ ba, máy điện toán thông minh đang định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ông Ramesh đã nhấn mạnh việc thiết lập một “hệ sinh thái” bán dẫn sẽ trở thành chìa khóa thành công của Ấn Độ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời sẽ là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh địa chính trị của Ấn Độ trong kinh tế giữa thế kỷ này.
Ông cho biết, Ấn Độ đặt mục tiêu kiểm soát việc sản xuất các công nghệ tân tiến với hy vọng “dẫn đầu thế giới và lập ra các tiêu chuẩn hoạt động.”
Chính phủ của ông Modi đã khởi động sứ mệnh bán dẫn đầy tham vọng của đất nước với kinh phí 10 tỷ USD vào năm 2021. Theo truyền thông nhà nước Ấn Độ DD News, chính phủ đã tiến tới giấc mơ này với sự phê chuẩn từ Nội các cho ba nhà máy mới vào tháng trước, ước tính sẽ tạo ra 20 ngàn việc làm trong lĩnh vực công nghệ tân tiến và khoảng 60 ngàn việc làm gián tiếp.
Tập đoàn Tata của Ấn Độ sẽ thành lập một nhà máy chế tạo vi mạch bán dẫn trị giá 11 tỷ USD với sự hợp tác của Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Powerchip của Đài Loan. Cơ sở này sẽ được đặt tại Dholera, tiểu bang Gujarat thuộc miền tây Ấn Độ.
Một công ty khác của Ấn Độ là CG Power sẽ thành lập một nhà máy đóng gói vi mạch trị giá 10 tỷ USD với sự hợp tác của Tập đoàn Điện tử Renesas của Nhật Bản và Stars Microelectronics của Thái Lan tại Sanand, Gujarat.
Nhà máy thứ ba, một nhà máy đóng gói vi mạch trị giá 3.3 tỷ USD, sẽ được thành lập bởi một công ty của Tata tên là Tata Semiconductor Assembly and Test Pvt. Ltd. ở Morigaon, tiểu bang Assam thuộc miền đông Ấn Độ.
Tập đoàn Tata là tập đoàn lớn nhất Ấn Độ. Ông Ramesh cho biết, tập đoàn này đã luôn đi tiên phong và khai sáng một số ngành công nghiệp ở Ấn Độ. Ông mô tả nhóm này là “dẫn đầu phía trước” trong việc mở đường cho sản xuất vi mạch bán dẫn.
Ông Ramesh lưu ý rằng mối quan hệ hợp tác với các công ty Đài Loan và Nhật Bản là sự phù hợp tự nhiên.
Ông nói, “Họ có khả năng tiếp cận vốn và danh mục đầu tư của các công ty để tích hợp chặt chẽ khắp các ngành theo chiều dọc. Trong lĩnh vực này, các công ty Đài Loan và Đông Á dẫn đầu và do đó là sự lựa chọn cho các công ty Ấn Độ.”
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Ông Ramesh cho biết, do tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và sản xuất chất bán dẫn đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các lĩnh vực này là chìa khóa cho các khu vực địa kinh tế và địa chính trị mới nổi. Do đó, điều thiết yếu đối với các quốc gia như Ấn Độ là phải bảo đảm chuỗi cung ứng của họ an toàn khỏi các thế lực thù địch và xác định mối quan hệ đối tác đáng tin cậy với các quốc gia có cùng chí hướng.
Ông Ramesh nói: “Vi mạch bán dẫn có mặt ở khắp nơi trong xã hội hiện đại và được sử dụng trong các mặt hàng quan trọng, từ chiến đấu cơ đến siêu máy điện toán. Điều quan trọng là Ấn Độ không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia đối địch nào hoặc quốc gia nào phải đối mặt với những rủi ro địa chính trị nghiêm trọng.”
Ông giải thích có ba khâu chính trong chuỗi giá trị chất bán dẫn. Hiện tại, các công ty phương Tây chiếm phần lớn trong khâu đầu tiên: thiết kế và nắm giữ bằng sáng chế. Đài Loan dẫn đầu ở khâu thứ hai là sản xuất. Trung Quốc là một trong những quốc gia lớn nhất kiểm soát khâu thứ ba: lắp ráp, thử nghiệm, và đóng gói.
Chuyên gia sống tại Honololu này cho biết: “Những thông báo gần đây của Ấn Độ về các nhà máy bán dẫn là một phần trong ‘chiến lược Trung Quốc+1’ rộng lớn hơn của phương Tây nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi Trung Quốc.”
Gujarat, tiểu bang quê hương của ông Modi, nơi ông giữ chức thủ hiến ba nhiệm kỳ, đang nhanh chóng nổi lên như một trung tâm bán dẫn của Ấn Độ.
Hồi tháng 06/2023, Micron đã ký một biên bản ghi nhớ với chính phủ Gujarat để thành lập nhà máy chế tạo chất bán dẫn cao cấp đầu tiên của Ấn Độ tại Sanand. Hồi tháng Bảy, tiểu bang này đã ghi danh cho một số công ty toàn cầu và công ty trong ngành bán dẫn của Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh toàn cầu thường niên lần thứ hai của Ấn Độ, Semicon India 2023, do Cơ quan Sứ mệnh Bán dẫn Ấn Độ của nước này tổ chức.
Micron Technology đã lên kế hoạch đầu tư thêm 2.5 tỷ USD để thành lập cơ sở lắp ráp, kiểm tra, đánh dấu, và đóng gói (ATMP) tại trung tâm công nghiệp Sanand của Gujarat.
Tuy nhiên, ông Ramesh cho biết ông tin rằng Ấn Độ vẫn ác cảm với các hiệp định thương mại đa phương vì lo ngại việc Trung Quốc bán phá giá và nguy cơ ngành công nghiệp bản địa của Ấn Độ chịu tổn thất.
“Điều quan trọng là Ấn Độ phải thực hiện một cách tiếp cận thương mại hướng tới tương lai hơn để chuyển sản xuất trong nước sang sản xuất tập trung vào xuất cảng,” ông nói với The Epoch Times. Ông cho biết, “hướng tới tương lai” có nghĩa là cởi mở trong giao thương với các quốc gia trên toàn cầu, thay vì bị giới hạn ở yếu tố mà ông gọi là “vận mệnh địa lý” của Ấn Độ — thương mại bị giới hạn ở các quốc gia lân cận.
Những thách thức của Ấn Độ
Mặc dù Ấn Độ đã thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới cuộc cách mạng bán dẫn, nhưng ông Ramesh dự đoán rằng Ấn Độ sẽ phải đối mặt với những thách thức đặc biệt, liệt kê ra bốn thách thức trong số đó.
Ông cho biết, thách thức đầu tiên là thiếu “các biện pháp kiểm tra giám sát và cân bằng đầy đủ trong quy định quản lý,” dẫn đến lãng phí tiền thuế và phân bổ nguồn lực không hiệu quả. Ông cho rằng liên doanh trị giá 19.5 tỷ USD được công bố vào năm ngoái giữa Vedanta, một công ty khai thác mỏ của Ấn Độ, và Foxconn, một công ty Đài Loan, thất bại là do thiếu sự quy ra trách nhiệm. Liên doanh thất bại đó nhằm mục đích thành lập các nhà máy sản xuất chất bán dẫn và màn hình ở Gujarat.
Thách thức thứ hai của Ấn Độ là các vấn đề về cơ sở hạ tầng và môi trường, ông Ramesh cho biết, đồng thời nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Những thách thức về cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến sự gián đoạn hoạt động, và yếu tố này có thể dẫn đến thiệt hại hàng triệu USD trong sản xuất vi mạch bán dẫn.
Ông Ramesh đã viết trong một bài bình luận cho đài truyền hình New Delhi (NDTV) hôm 07/03: “Trong khi các ngân sách liên tiếp thực hiện ưu tiên chi tiêu về vốn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng công cộng như đường bộ, điện, và đường thủy, thì ngay cả những khu vực phát triển nhất của Ấn Độ cũng bị mất điện và có đường sá kém, làm tăng chi phí tổng thể về tiếp vận và rủi ro về gián đoạn.”
Ông cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng suy thoái môi trường. Sản xuất vi mạch bán dẫn rất tốn nước và được biết là làm cạn kiệt tài nguyên nước.
Ông nói: “Do đó, có nguy cơ môi trường tiềm ẩn với các sáng kiến sản xuất vi mạch bán dẫn.”
Dự đoán về thách thức thứ ba, ông Ramesh cho biết đó có thể là khó khăn trong vấn đề lao động và quản lý lực lượng lao động do Ấn Độ ngày càng phụ thuộc vào các đối tác Đông Á trong sản xuất vi mạch bán dẫn.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đến thăm Seoul và Tokyo từ ngày 04 đến ngày 08/03 để thảo luận về nhiều vấn đề song phương, khu vực, và toàn cầu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gồm cả thảo luận về vi mạch bán dẫn và an ninh chuỗi cung ứng cho các công nghệ tân tiến.
Tuy nhiên, ông Ramesh tin rằng “sự phụ thuộc vào các đối tác Đông Á để sản xuất công nghệ cao không nên trở thành một trụ cột.”
Nguy cơ chịu trừng phạt
Thách thức cuối cùng, mà chuyên gia này tin rằng phần lớn đã bị bỏ qua, là nguy cơ bị trừng phạt quốc tế đối với các công nghệ trọng yếu và tân tiến có mục đích sử dụng lưỡng dụng (cả quân sự lẫn dân sự). Ông đề cập đến các lệnh trừng phạt gần đây do Liên minh Âu Châu áp đặt đối với nhà sản xuất vi điện tử Ấn Độ Si2 Microsystems.
Si2, một công ty có trụ sở tại Bangalore, đã bị trừng phạt hồi năm ngoái vì cung cấp hàng hóa lưỡng dụng cho Nga mà có thể được sử dụng trong cuộc chiến của Moscow chống lại Ukraine. Công ty này, công ty duy nhất đến từ Ấn Độ bị trừng phạt, đã xuất hiện trong danh sách mới nhất do EU công bố hôm 23/02.
Công ty bị trừng phạt này hợp tác với Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ và Viện Công nghệ Madras được chính phủ Ấn Độ tài trợ. Công ty này thiết kế mạch tích hợp cho các ngành công nghiệp thương mại, quân sự, và vũ trụ.
Trong khi EU không nêu rõ lý do tại sao họ lại trừng phạt Si2, các bản tin cho biết công ty Ấn Độ này bị cáo buộc tạo thuận lợi cho các lô hàng bán dẫn tới Moscow. Vi mạch bán dẫn có thể sử dụng cho mục đích lưỡng dụng vì nhiều hệ thống vũ khí hiện đại cũng dựa vào những vi mạch này.
Ông Ramesh nói: “Mối quan hệ kinh tế và quốc phòng chặt chẽ của Ấn Độ với các quốc gia như Nga, vốn đang bị trừng phạt gần đây, sẽ khiến Ấn Độ dễ bị tổn thương trước sự kiềm chế của bên thứ ba.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times