Chuyên gia: Saudi Arabia có xu hướng ‘xa Mỹ gần Trung’
Theo ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (ISSA), trong khi Trung Quốc và Saudi Arabia ngày càng thể hiện sự thân thiết, thì Hoa Kỳ lại đang chứng kiến mối bang giao của họ với quốc gia vùng Vịnh này ngày một xấu đi.
Trong chương trình “China in Focus” (“Trung Quốc Tiêu Điểm”) của NTD, ông Copley nói, “Đây là bước thụt lùi lớn nhất mà Hoa Kỳ và phương Tây đã chứng kiến kể từ có lẽ là giữa thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.”
Ông chỉ ra mối bang giao giữa phương Tây và Trung Đông dưới thời chính phủ Tổng thống Richard Nixon.
Ông nói: “Những gì chúng ta thấy vào đầu những năm 1970 là dưới thời Tổng thống Nixon, Hoa Kỳ và phương Tây đã đạt được một tình hữu nghị tuyệt vời với toàn bộ các quốc gia ở Trung Đông, bao gồm cả Israel, các Quốc gia Arabia và Iran.”
Ông nói thêm: “Không có mối đe dọa thực sự nào về sự thù địch lẫn nhau, khu vực này đã ổn định và phát triển thịnh vượng hơn rất nhiều.”
Năm 1973, chính phủ ông Nixon đã thành công trong việc bảo đảm một lệnh ngừng bắn giữa Israel, Ai Cập, và Syria.
Ông Copley nhận xét, “Và về căn bản, những gì chúng ta thấy dưới thời Tổng thống [Joe] Biden là sự độc đoán, dưới thời Tổng thống [Barack] Obama trong nhiệm kỳ trước đó, là sự cân bằng đó bị phá vỡ ở Trung Đông.”
Ông dẫn chứng chuyến công du của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Saudi Arabia hồi đầu tháng Mười Hai.
Ông cho hay, “Mục tiêu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là bước vào và nói: ‘Chúng tôi là bằng hữu của tất cả mọi người, và chúng tôi sẽ bảo đảm hòa bình trong khu vực,’ vốn là điều mà chỉ Hoa Kỳ mới có thể làm được trong mấy chục năm qua.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh mô tả chuyến thăm của ông Tập là “sự kiện ngoại giao cao cấp nhất và lớn nhất giữa Trung Quốc và thế giới Ả Rập kể từ khi khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Ông Copley lưu ý, “Vì vậy, những gì chúng ta thấy ở đây là Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt được điều gì đó chưa từng đạt được kể từ những thành tựu của Tổng thống Nixon hồi đầu những năm 1970, cho đến năm 1974.”
Sự tiếp đón khác nhau
Theo ông Copley, có một sự khác biệt rất lớn giữa sự tiếp đón xa hoa, nồng hậu đối với chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Saudi Arabia so với sự tiếp đón lạnh nhạt trong chuyến thăm Riyadh hồi tháng Bảy của Tổng thống Biden.
“Không có bộ trưởng nào tới phi trường để tiếp đón ông ấy. Không có gì đặc biệt về buổi lễ tiếp đón ông ấy, các cuộc thảo luận xoay quanh những chi tiết rất, rất nhỏ và hiện hành,” ông nói khi đề cập đến chuyến thăm của ông Biden.
Ông nói thêm, “Trong khi đó lúc mà … ông Tập Cận Bình đến, mới đây thôi, tại Riyadh, ông ấy đã được chào đón với tất cả những phụ kiện trang hoàng của một chuyến thăm cấp nhà nước hoàn chỉnh, bao gồm cả phi cơ, chiến đấu cơ và phi cơ huấn luyện của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia, trong đó tất cả đều mang màu sắc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cờ Trung Quốc và những thứ tương tự.”
Ông Copley cho rằng sự suy giảm trong mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Saudi Arabia là do ông Biden chỉ trích Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vì thái tử bị buộc tội dàn dựng vụ mưu sát ký giả Jamal Khashoggi của tờ Washington Post hồi năm 2018 sau khi ông Khashoggi đi vào đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Quý vị thấy một tình huống mà phần lớn Trung Đông, bao gồm cả Saudi Arabia đang trở nên xa lánh chính phủ Hoa Kỳ do ông Biden lãnh đạo, vì về căn bản Hiệp định Hòa bình [Abraham] đã bị phá vỡ, vốn đã đạt được sau rất nhiều khó khăn và công sức,” ông nói thêm, đề cập đến thỏa thuận hòa bình được thực hiện giữa Israel, Bahrain, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hồi năm 2020, trong đó chính phủ cựu Tổng thống Trump đứng giữa làm cầu nối.
The Epoch Times đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc để đề nghị bình luận.
Bước tiến trong bang giao Trung Quốc-Saudi Arabia
Ông Copley chỉ ra thêm những bước tiến trong mối bang giao về kinh tế mà Bắc Kinh đã đạt được với quốc gia vùng Vịnh này, được đánh dấu bằng chuyến thăm mới nhất của ông Tập tới Saudi Arabia.
Ông nói: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đạt được bước tiến lớn trong việc đàm phán bán dầu từ Trung Đông, bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng dollar Mỹ, đồng dollar dầu mỏ.”
“Saudi Arabia cũng đang đùa giỡn với ý tưởng bán dầu và khí đốt cho CHND Trung Hoa bằng đồng nhân dân tệ.”
Trong chuyến thăm của mình, ông Tập được cho là đã tập trung vào những nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm sử dụng đồng nhân dân tệ thay cho đồng dollar với tư cách là loại tiền tệ chính trong giao dịch dầu mỏ giữa Trung Quốc và Saudi Arabia, thông qua việc sử dụng Sàn giao dịch Dầu mỏ và Khí đốt Quốc gia Thượng Hải làm nền tảng thanh toán.
Ông Copley lưu ý: “Vì vậy, những gì chúng ta đang chứng kiến là một bước đại chuyển mình trong sự thống trị của đồng dollar Mỹ ở Trung Đông, nhưng không có nghĩa là nó đã hoàn thành.”
Chuyến thăm của ông Tập bao gồm các cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và Trung Quốc, một cuộc họp giữa Trung Quốc và Saudi Arabia, cùng hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
“Các thỏa thuận mà ông Tập Cận Bình đã thực hiện, ở Trung Đông, [là] rất quan trọng về mặt địa chính trị, bởi vì những thỏa thuận này cũng liên kết khối các quốc gia Á-Âu nằm dưới trướng của Bắc Kinh — một liên minh chiến lược giữa Saudi Arabia, Nga, và Iran,” ông nói.
Ông nói thêm: “Đặc biệt, các thỏa thuận này mang lại cho họ sự liên kết xuyên suốt từ Saudi Arabia xuống tận Phi Châu.”
Theo vị chuyên gia này, mối liên kết trên sẽ giúp Bắc Kinh tránh được việc vận chuyển hàng hóa “qua Ấn Độ Dương ở Biển Đông đến các cảng của Trung Quốc,” mà ông nói, có thể “dễ bị các cường quốc phương Tây can thiệp, cho dù đó là Hoa Kỳ hay các quốc gia Âu Châu, hay là người Nhật Bản và người Úc.”
Không có biện pháp khắc phục lâu dài
Theo quan điểm của ông Copley, khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, các thỏa thuận mà Bắc Kinh đạt được với Trung Đông sẽ không phải là cách khắc phục tình hình cho nhà cầm quyền này về lâu về dài.
Do chính sách zero COVID của Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi nhu cầu của người tiêu dùng yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực địa ốc. Thị trường địa ốc trì trệ đã gây ra sự sụt giảm đáng kể trong nguồn thu tài chính của các chính quyền địa phương và làm tăng đáng kể các khoản chi tiêu, dẫn đến thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times