Chứng nhân trong cuộc thỉnh nguyện lịch sử và chiến dịch khủng bố ở Trung Quốc cộng sản
NEW YORK – Nỗi sợ hãi về sự sách nhiễu và bắt giữ của công an đã ám ảnh và làm tổn thương tinh thần cô Trương Minh Huệ (Zhang Minghui), 23 tuổi. Khi ấy cô mới vừa tròn một tuổi, là năm mà công an Trung Quốc đánh cha cô bằng ván gỗ cho đến khi bàn chân của ông sưng phồng lên và chuyển sang màu bầm đen, sau đó dùng một chiếc bật lửa để đốt cháy cánh tay của ông.
Khi cô chưa đầy hai tuổi, công an đã nhốt cô và ông nội của cô trong một trại giam không chính thức một tuần liền. Ở đó, hai người họ không được cung cấp đồ ăn hay thức uống, họ đã sống sót qua ngày bằng những mẩu vụn thức ăn mà người bạn tốt bụng của ông nội cô lén đưa cho hai ông cháu.
Sự giam cầm trong căn phòng tối chỉ có hai ô cửa sổ nhỏ ấy đã tạo nên một phần ký ức vụn vỡ thời thơ ấu của cô. Khi còn nhỏ, cô tự hỏi liệu toàn bộ những điều này có phải là ác mộng hay không.
Giá mà mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Ba tháng sau khi cô đào thoát khỏi Trung Quốc để đến Mỹ năm 2019, một lần nữa cảnh sát lại bắt giữ cha cô và sau đó kết án ông bốn năm tù. Gia đình 11 thành viên của cô Trương, giống như hàng triệu gia đình Trung Quốc khác, bị chính quyền nhắm mục tiêu không gì khác ngoài việc là học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, những người đang sống chiểu theo ba nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Cô Trương là một trong số 2,000 học viên Pháp Luân Công đã tham gia cuộc diễn hành ở quận Flushing của thành phố New York hôm 23/04, đánh dấu 23 năm cuộc thỉnh nguyện đi vào lịch sử của các học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh ngày 25/04/1999.
Cuộc thỉnh nguyện này là cuộc biểu tình ôn hòa lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại kể từ cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn. Và giống như các cuộc biểu tình năm 1989, ba tháng sau cuộc thỉnh nguyện này, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc — với bản chất không chịu nhận những ý kiến bất đồng – đã khởi xướng một chiến dịch đàn áp khốc liệt.
Hành động thù địch
Pháp Luân Công cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990. Chỉ qua việc người truyền người, mà môn tập đã thu hút từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học vì những lợi ích sức khỏe mà môn tập mang lại cũng như bộ bài giảng đạo đức của pháp môn này. Cha mẹ của cô Trương gặp nhau tại một lớp học của Pháp Luân Công trong khoảng thời gian này, và sau đó họ kết hôn. Giới chức Trung Quốc trong nhiều năm đã công khai tán dương những lợi ích sức khỏe của môn tu luyện này.
Đó là những năm tháng mà cô Trương còn chưa ra đời để chứng kiến sự ngợi ca đó, trước khi nhà cầm quyền vô thần này đột nhiên thay đổi 180 độ.
Hồi tháng 04/1999, lần đầu tiên chính quyền thể hiện hành động thù địch công khai đối với nhóm tín ngưỡng này, các quan chức ở thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc đã điều động công an đến đánh đập và bắt giữ hàng chục học viên.
Chính quyền thành phố nói với các học viên rằng họ phải kháng nghị lên thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để trả tự do cho những người bị giam giữ. Khi thông tin được lan truyền, cuối cùng đã có hơn 10,000 học viên từ khắp vùng miền trên cả nước tìm đường lặn lội tới Bắc Kinh.
Vào thời điểm đó, cô Trương chỉ là một em bé sơ sinh, còn những học viên khác tại các sự kiện tưởng nhớ ở Flushing hay ở các nơi khác đều đã khá lớn tuổi khi nhớ lại cuộc thỉnh nguyện mà họ đã tham gia hơn hai thập niên trước. Bà Phạm Minh Hoa (Fan Minghua), 62 tuổi sống ở Virginia, là một trong số đó.
Ủng hộ lẽ phải
Năm 1999, bà Phạm là một người làm ăn buôn bán đến từ Thiên Tân sắp sửa bước sang tuổi 30. Nếu là bà của cách đó vài năm – một người gian thương – thì sự tham gia vào cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 hẳn sẽ khiến bà thấy chấn động lắm.
Ở thị trấn Dương Thôn quê hương bà, bà Phạm từng được biết đến là một người “tinh ranh”. Bà bán tất cả mọi thứ từ vải vóc đến cá rồi đến than, và kiếm tiền từ những người hàng xóm của mình bằng những lời nói lừa gạt. Bà nói dối về độ dài của chiếc quần mà bà bán, điều chỉnh cân để làm cho sản phẩm của mình nặng cân hơn, rồi bà pha loãng dầu mè, một loại dầu chính trong ẩm thực Trung Quốc, cùng với dầu thực vật rẻ tiền hơn để hưởng lợi từ sự chênh lệch đó.
“Tôi không nghĩ gì về vấn đề đạo đức vào thời điểm đó. Tiền mới là vua,” bà Phạm, người đã tham gia một sự kiện tưởng niệm tương tự ở Hoa Thịnh Đốn hôm 23/04, nói với The Epoch Times.
Bà chia sẻ, việc đọc các cuốn kinh sách của Pháp Luân Công vào năm 1997, khiến tâm tính bà biến chuyển hàng ngày. Bà đã ngừng tất cả những mưu đồ thất đức của mình sau khi biết được ý nghĩa chân chính của việc làm một người tốt. Thỉnh thoảng, bà còn tặng miễn phí sản phẩm của mình cho những khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính.
Đứng trên đường Phúc Hữu gần khu tòa nhà chính phủ Trung Nam Hải, trụ sở chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, bà Phạm cảm thấy vô cùng tự hào về bản thân vì có thể đứng lên ủng hộ những giá trị mà bà tin tưởng.
Bà Lý Huệ Lai (Li Huilai), một người dân Bắc Kinh, chỉ lớn hơn bà Phạm vài tuổi chia sẻ cảm xúc của bà. Bà đã lén ra khỏi nhà vào sáng sớm hôm đó khi chồng và con trai vẫn đang ngủ say. Giống như bà Phạm, bà Lý được thôi thúc phải bước ra.
“Nếu họ có thể bắt giữ những người ở Thiên Tân hôm nay, thì ngày mai họ cũng có thể làm như vậy với chúng tôi,” bà Lý, một cư dân thành phố New York 66 tuổi tham gia cuộc diễu hành ở Flushing, nói với The Epoch Times.
Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa
Trên con phố rợp bóng cây, các học viên lặng lẽ xếp thành hàng dài hơn một dặm, một số học viên đang thực hành bài công pháp thiền định của môn tập, cũng có người ngồi đọc kinh sách Pháp Luân Công mà họ mang theo. Những người khác, như bà Phạm, thì đi nhặt vỏ chai nhựa và các loại rác khác trên mặt đất. Nhiều người hồi tưởng lại cảnh tượng những chiếc xe hơi chầm chậm băng qua con đường này, và những người ngồi trong xe dùng camera ghi hình lại.
Bà Phạm nhớ lại các học viên đứng trên vỉa hè và chừa một lối đi rộng trên lề đường cho người đi bộ. Sự yên tĩnh của các học viên Pháp Luân Công trái ngược hoàn toàn với những chiếc xe cảnh sát réo còi inh ỏi trên đường phố. Theo bà Phạm, không một học viên nào gây ồn ào hay có hành vi gây mất trật tự. “Điều đó thật tuyệt vời.”
Đến tối, tất cả những người đến thỉnh nguyện đã rời đi sau khi biết rằng các học viên Thiên Tân bị giam giữ đã được trả tự do và được bảo đảm quyền tự do luyện tập mà không phải sợ hãi.
Bà Lý nói trong các sự kiện được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn cách đó vài dãy nhà, nhiều công nhân vệ sinh thường sẽ được thuê để dọn dẹp hàng tấn rác tại địa điểm này. Nhưng sau một ngày biểu tình của 10,000 người, thậm chí không tìm thấy được dù chỉ một đầu mẩu thuốc lá của công an trên mặt đất, bà nói thêm.
Đi ngang qua một vị công an đang dùng camera để quay phim hiện trường, bà Lý chỉ cho người này thấy cảnh tượng ấy. “Các anh hãy nhìn mà xem, kiếm đâu ra những người thiện lương như thế này chứ?” Vị công an này lặng im không nói.
Khủng bố nhà nước
Những lời cam đoan mà Bắc Kinh nói với các học viên đi kháng nghị hóa ra chỉ là để trấn an, trước khi một cơn bão khác ập đến.
Vào ngày 20/07 cùng năm đó, một cuộc đàn áp đẫm máu giáng xuống và reo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp đất nước Trung Quốc. Vài tháng sau khi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện phản đối cuộc bức hại, bà Lý đã bị công ty đuổi việc. Chồng bà sợ bị nhà nước trả thù đến nỗi đã thông báo ý định ly hôn với bà trên một tờ báo địa phương, mặc dù sau đó ông đã rút đơn ly hôn.
Bà Phạm, phụ đạo viên tình nguyện tại một điểm tập luyện Pháp Luân Công trong khu vực của bà, ngay từ đầu đã nhận thấy mình là mục tiêu chính của cuộc bức hại này.
Vào rạng sáng ngày 20/07, cảnh sát ập vào nhà bà sau khi leo qua bức tường và bắt giữ bà. Tại trung tâm giam giữ, cảnh sát ép buộc bà xem các video tuyên truyền và ký vào một biên bản cam kết từ bỏ đức tin của bà.
Nhiều thập niên trước đó, bà Phạm đã bị chấn động bởi trải nghiệm bị lục soát nhà, khi ấy bà vẫn còn là một đứa trẻ trong cuộc Cách mạng Văn hóa đầy biến động, khi những hồng vệ binh cộng sản — những người trẻ tuổi nhiệt thành thực thi một cách thô bạo các học thuyết cấp tiến của nhà lãnh đạo cộng sản Mao Trạch Đông – đã lấy đi tất cả những đồ vật có giá trị trong gia đình bà, kể cả cửa ra vào. Bị tổn thương bởi những trải nghiệm về sự khủng bố do nhà nước hậu thuẫn như vậy, cuối cùng bà Phạm đã đầu hàng trước cảnh sát.
Bà sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc bị cưỡng chế từ bỏ đức tin của mình. “Toàn bộ cơ thể tôi lúc đó cứng đờ ra như bị liệt vậy.”
Gia đình tan tác
Cô Trương đã lớn lên chính dưới bầu không khí như vậy.
Trong số 11 thành viên của gia đình cô Trương thì có đến mười người tu luyện Pháp Luân Công, và họ cũng không nhớ hết được số lần bắt bớ, lục soát nhà, và sách nhiễu của công an trong hai thập niên qua.
Ngay ngày đầu tiên của chiến dịch bức hại, bà của cô Trương tên là Vương Chấn (Wang Zhen) đã bị công an bắt lên xe tải ở Duy Phường, miền trung của tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc và bị giam giữ trong khoảng hai tuần.
Cùng ngày hôm đó, cha của cô Trương đang ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông đã bị đánh đập dã man dưới bàn tay của lực lượng công an, những người đã đấm, đá và dùng gậy gỗ và ván để hành hung ông. Vụ đánh đập để lại vết xước trên đầu, và những vết bầm khắp cơ thể, theo lời tường thuật hồi năm 2017, mà vợ ông đã gửi cho Minghui, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên thu thập thông tin trực tiếp của người trong cuộc về việc bức hại ở Trung Quốc.
Trong khi bị giam giữ, bàn chân của cha cô bị sưng tấy đến mức ông không thể xỏ chân vào giày của mình. Những vết thương bị mưng mủ xuất hiện trong cánh tay của ông, chính tại vị trí mà công an đã dùng bật lửa để đốt ông. Phải mất hơn hai tháng trước khi chỗ sưng tấy này lành lặn.
Trong một dịp đoàn viên Tết Nguyên Đán năm 2000, cha mẹ và ông bà của cô Trương phải trải qua một đợt bắt giữ khác, một trong số nhiều vụ bắt giữ đã xảy ra với họ trong hai thập niên sau đó. Do đó, phần lớn cô Trương được dì chăm sóc.
Một tháng bị tra tấn dã man đó đã khiến cha của cô Trương sụt đi một nửa cân nặng — từ hơn 200 pound (90kg) xuống còn khoảng 100 pound (45kg). Chẳng bao lâu sau ông bị tuyên án ba năm tù giam.
Cuộc bức hại trường kỳ này đã khiến nhà họ Trương từ một gia đình khá giả trở thành một gia đình phải chật vật để sống tiếp. Mỗi lần công an đến gõ cửa, họ đã lấy đi tất cả tiền mặt và tài sản có thể, bao gồm hai chiếc xe trị giá 50,000 nhân dân tệ (7,622 USD), gấp bốn lần thu nhập dư giả hàng năm của người dân Sơn Đông vào thời điểm đó.
Kiên định
Trước khi đến Hoa Kỳ, cô Trương hy vọng được đoàn tụ với gia đình cô ở đây và bắt đầu học đại học chuyên ngành mỹ thuật, nhưng việc cha cô bị bắt giữ và bỏ tù vào năm 2019 đã làm tan biến giấc mơ đó.
“Chúng tôi không mong cầu một cuộc sống xa hoa, nhưng giờ đây ngay cả sống một cuộc sống căn bản nhất cũng là điều khó khăn,” cô nói với The Epoch Times.
Các nhà chức trách đã không cho phép gia đình đến thăm nuôi kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Kể từ giữa tháng Mười Hai, thân nhân đã không thể thực hiện một cuộc gọi điện video nào với cha của cô Trương và họ biết hầu như không biết gì về tình hình của ông.
Mặc dù được an toàn và tự do ở Mỹ, cô Trương vẫn thấy lo lắng cho gia đình mình ở Trung Quốc. Cô giãi bày, áp lực tâm lý [mà tôi đang chịu đựng] cảm giác là “không khác mấy so với việc ở trong tù.”
Nhưng khi nhìn lại, cô Trương tin rằng 22 năm kiên định của gia đình cô là xứng đáng. “Không nhờ có Đại Pháp, có lẽ không có tôi ngày hôm nay,” cô nói, khi đề cập đến một tên gọi khác của môn Pháp Luân Công, đó là Pháp Luân Đại Pháp.
Câu hỏi liệu có nên kiên định vào đức tin của họ hay không là câu hỏi mà nhiều học viên ở Trung Quốc phải đối mặt.
Chân của bà Lý hơi khập khiễng do ngã từ tầng bốn của một tòa nhà khi chạy trốn khỏi cảnh sát, đã bị đồng nghiệp cũ, nhân viên tổ dân phố, người thẩm vấn và các quan chức trong công ty của bà liên tục yêu cầu viết cam kết từ bỏ đức tin của mình.
“Bà có thể có mọi thứ, tiền lương, rồi công việc; sẽ không có gì bị ảnh hưởng nếu bà chỉ tập luyện bí mật ở nhà,” họ biện luận.
Mặc dù lời đề nghị này thoạt nghe cũng hợp tình hợp lý, nhưng bà Lý vẫn quyết tâm kiên định với đức tin của mình. Ngay cả khi bị giam giữ vì đức tin của bà, bà cũng vẫn giữ vững niệm đầu này.
“Phải có người nào đó đứng lên đấu tranh vì chính nghĩa,” bà nói.
Cô Eva Fu là một nhà văn ở New York cho The Epoch Times tập trung vào các mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, tự do tôn giáo và nhân quyền. Liên hệ với cô Eva tại [email protected]
Bản tin có sự đóng góp của Terri Wu
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: