Chủ tịch Ủy ban Các nhà phê bình Nghệ thuật Nam Hàn: Bài viết của Đại Sư Lý ‘bao hàm các chân lý phổ quát của nhân loại’
Ông Chang Seok-yong, chủ tịch Ủy ban Các nhà phê bình Nghệ thuật Nam Hàn, cho biết ông đã đọc bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, và thấy đó là “lời khuyên tuyệt vời từ một bậc trưởng bối, và tôi nghĩ đây là một lời dạy mà toàn nhân loại nên tiếp nhận.”
Ông Chang, là một nhà phê bình thơ ca, vũ đạo và điện ảnh, đã đang được những người trong các cộng đồng văn hóa và nghệ thuật gọi là “nhà phê bình văn hóa và nghệ thuật tài hoa nhất của thời đại này.” Ông từng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Các nhà phê bình Điện ảnh Nam Hàn, Chi nhánh Nam Hàn của Liên đoàn Các nhà phê bình Điện ảnh Quốc tế, và Hiệp hội Các nhà biên kịch Nam Hàn. Ông đã nhận các giải thưởng cho Phê bình Nghệ thuật Biểu diễn & Duyệt lãm Điện ảnh, Nghệ sĩ của năm, Bộ trưởng Giáo dục và Nhân sự, Văn hóa và Nghệ thuật Nam Hàn, Phê bình Vũ đạo, và giải nhất Phê bình Điện ảnh Le Monde.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 11/03, ông Chang đã nói: “Bài viết của Đại Sư Lý bao hàm các chân lý phổ quát của nhân loại, giống như Kinh Thánh và các kinh sách Phật giáo … Tôi hiểu rằng ngài nói tất cả mọi người nên làm người tử tế và làm việc tốt.”
Làm người tốt và tử tế để được phúc đức
Ông Chang nói, ông đặc biệt thích đoạn này: “cho nên đời người ở thế gian này dù các vị sống giàu hay nghèo, nhất định phải làm điều tốt, đừng làm điều xấu, bảo trì thiện lương, kính Trời kính Thần, vui vẻ giúp người. Như thế mới sẽ tích lũy phúc đức, đời sau sẽ có phúc báo,” bởi vì, ông nói “điều này đại khái là đức tin và hành xử mang lại hòa bình cho thế giới.”
Trong Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa là “‘Thần’ duy nhất, nhưng ‘Thần’ cũng là một danh xưng chung cho tất cả các vị Thần trên thiên thượng,” ông nói. “Bài viết của Đại Sư Lý khuyến nghị rằng chúng ta có thể tích lũy phúc đức bằng cách làm điều tốt và không làm điều xấu trong khi luôn nhớ đến Thần, phúc đức có thể là một tia sáng chiếu rọi [hoàn cảnh] xung quanh, kể cả hạnh phúc của con cái chúng ta, và có một ảnh hưởng thiện, một ảnh hưởng tốt.”
“Sinh mệnh của chúng ta không kết thúc ngay cả khi cuộc sống này kết thúc, nhưng cuộc sống này là một thế giới nơi chúng ta được sinh ra khi chúng ta hạ xuống từ thiên thượng, và sống tạm thời,” ông Chang nói tiếp, “và dù cho thật khó để sống, nhưng nếu chúng ta làm nhiều điều tốt, thì chúng ta có thể được sinh ra trong kiếp sau và sống hạnh phúc.”
“Nếu bạn làm việc và nỗ lực hết mình, thì bạn sẽ được phúc báo dù cho không phải là ngay lúc này, và hàng xóm của bạn sẽ được phúc báo nếu không phải là bạn,” ông chia sẻ, và nói thêm, “Tôi nghĩ tôi nên làm nhiều điều tốt trong tương lai.”
‘Mọi người từng đều là người tốt nhưng họ đã trở nên tham lam và bất hảo’
“Tôi tin vào nguyên lý bản tính thiện lương (học thuyết của Mạnh Tử, một nhà hiền triết của Trung Quốc cổ đại, cho rằng bản tính nhân loại vốn là thiện),” ông Chang nói. “Ban đầu, mọi người đều là người tốt, nhưng rồi họ đã trở nên tham lam và bất hảo.”
“Bạn có thể thấy mọi người tranh đấu với nhau để thỏa mãn lòng tham của họ, đi ngược với đạo lý chính thường, làm điều xấu, và cuối cùng tự hủy hoại bản thân,” ông chia sẻ, và nói thêm rằng ông lo ngại về “sự gia tăng nhanh chóng của tình trạng sát sinh, trộm cắp, và chiếm đoạt, thậm chí từ đời này sang đời khác.”
“Thầy Lý đã nói vũ trụ này trải qua bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, và diệt, và khi đến thời điểm tối hậu của giai đoạn diệt, thì tất cả mọi thứ đều bị giải thể và tận diệt,” ông Chang nói, “Tôi cũng đồng ý với ngụ ý rằng nếu nhân loại làm điều xấu, thì Thần sẽ tiêu hủy họ.”
“Bài viết này nhắc tôi về một điều gì đó mà tôi đã quên trong khi chạy theo thế giới hiện thực này,” ông Chang nói, “và tôi đã thề tôi sẽ cố gắng nhẫn chịu khổ nạn trong thế giới hiện thực này để có thể chuộc tội của mình.”
Tầm quan trọng của các giá trị truyền thống
Ông Chang, là người luôn hứng thú với các tôn giáo truyền thống, đã chia sẻ: “Bài viết của Đại Sư Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thống và chân lý. Tôi thấy quen thuộc vì điều này dường như không khác biệt nhiều so với các tư tưởng truyền thống phương Đông như Phật giáo và Đạo giáo.”
“Tôi thấy có nhiều điểm tương đồng với các tôn giáo truyền thống của tổ tiên chúng ta và trí huệ được truyền lại từ thời xưa,” ông chia sẻ, và nói thêm bài viết đã nhắc ông về những điều ông bà đã từng dạy ông.
“Chẳng hạn như, ông bà đã từng bảo chúng ta sống như thế nào, đến sớm, đừng làm điều xấu, đừng uống rượu say vì con có thể làm điều sai trái, nhưng chúng ta đã quên tất cả những điều đó,” ông Chang nói. “Những người ghi nhớ và tuân theo truyền thống sẽ tiếp nhận bài viết của thầy như một tư tưởng vượt biên giới, dù là ở phương Đông hay phương Tây,” ông chia sẻ.
“Bài viết của thầy hệ thống hóa bản chất của các tư tưởng truyền thống và các giá trị truyền thống theo cách uyên thâm hơn và cung cấp những chỉ dẫn cụ thể,” ông bày tỏ, và nói thêm, “Bài viết cho phép chúng ta nghiền ngẫm về mục đích và phương hướng trong cuộc sống.”
‘Tôi hy vọng bài viết của thầy sẽ được quảng bá và được nhiều người đọc’
“Tôi hy vọng bài viết của thầy sẽ được quảng bá và được nhiều người đọc,” ông Chang nói. “Sau khi đọc bài viết, mọi người sẽ được nhắc nhở về tầm quan trọng của các giá trị truyền thống chẳng hạn như lòng hiếu thảo và lòng biết ơn đối với Thần.”
“Đặc biệt là các bậc trưởng bối sẽ có thể liễu giải được điều này,” ông nói thêm, “và tôi cũng sẽ giới thiệu bài viết cho những người hoàn toàn không tin vào các tôn giáo khác.”
Ông Chang cũng bày tỏ mong muốn giới thiệu bài viết này cho những người trẻ. “Khi chúng ta lớn lên, chúng ta dần dần mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ, và trong đời sống xã hội của chúng ta ở tập thể như trường học, quân đội, và nơi làm việc, chúng ta đôi khi phải làm điều xấu vì hoàn cảnh chúng ta đang ở hoặc vì ánh mắt của người khác,” ông nói. “Thời nay, mọi người không thích bị làm phiền, vì vậy chúng ta không thể ép họ, nhưng tôi cho rằng sẽ thật tốt nếu cung cấp bài viết của thầy dưới dạng mà những người trẻ có thể dễ dàng truy cập, chẳng hạn như phim hoạt hình hay bài tiểu luận.”
Trương Đăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times