Chủ tịch HĐGD San Francisco đổ lỗi cho ‘người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng’ sau cuộc bãi nhiệm
Sau thất bại nặng nề trong trận chiến bãi nhiệm tuần này, chủ tịch Hội đồng Giáo dục (HĐGD) San Francisco tuyên bố rằng việc cô bị bãi nhiệm là hậu quả của việc “đấu tranh cho công bằng sắc tộc” và rằng những người bỏ phiếu “thuận” là phù hợp với “những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.”
Không ai trong số 3 thành viên hội đồng giáo dục bị thách thức trong cuộc bãi nhiệm giành được sự ủng hộ để tiếp tục ở vị trí của họ. Theo cơ quan bầu cử của San Francisco, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Gabriela López, Phó Chủ tịch Faauuga Moliga và Ủy viên Alison Collins đều mất vị trí với tỷ số chênh lệch gần 3-1.
Cô López viết trên Twitter hôm thứ Năm: “Vì vậy, nếu quý vị đấu tranh cho công bằng sắc tộc, thì đây là hậu quả. Đừng nhầm lẫn, những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đang tận hưởng điều này. Và sự ủng hộ của cuộc bãi nhiệm là tương đồng với điều này.”
Cô López đã đăng một ảnh chụp màn hình của một bản tin về vụ bãi nhiệm thành công lớn trên tờ The Washington Post, có nhan đề “San Francisco bãi nhiệm các thành viên hội đồng giáo dục được coi là quá tập trung vào công bằng sắc tộc.” Bài báo mô tả nỗ lực bãi nhiệm này là “một hành động được thôi thúc bởi sự thất bại trong việc mở lại trường học vào năm ngoái và các hành động không phổ biến nhằm mục đích thúc đẩy công bằng sắc tộc.”
Tiêu đề phụ của bài báo viết: “Trong một cảnh báo dành cho cánh tả, các nhà phê bình đã nhìn thấy các ưu tiên đặt sai vị trí, vì hội đồng giáo dục tập trung vào các vấn đề công bằng trong khi các trường học vẫn đóng cửa.”
Đáp lại bài đăng của cô López, phóng viên đưa tin chính trị của Washington Post, ông David Weigel nhận xét rằng lời phàn nàn về “những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” của cô không thực sự phù hợp, chỉ ra rằng những người ủng hộ phong trào bãi nhiệm là “đa dạng về chủng tộc.”
Ông Weigel viết trên Twitter : “Những người bỏ phiếu ‘thuận’ cho việc bãi nhiệm rất đa dạng về chủng tộc, bao gồm hàng trăm người nhập cư không phải là công dân đủ điều kiện tham gia . Lời cáo buộc cho ‘người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng’ không thuyết phục được ai cả.”
Chiến dịch bãi nhiệm này được bà Autumn Looijen và ông Siva Raj, hai phụ huynh đơn thân có con học tại các trường công lập trong thành phố, dẫn đầu. Trang web của họ nêu bật những lý do hàng đầu mà họ tin rằng cần có sự thay đổi trong ban lãnh đạo hội đồng giáo dục, trong đó có sự thiếu kế hoạch giải quyết những tổn thất về việc học tập do trường đóng cửa, quản lý kém dẫn đến thâm hụt ngân sách của khu học chánh tăng gấp đôi lên khoảng 125 triệu USD, cũng như những tranh cãi xung quanh Ủy viên Collins.
Trang Web cũng cho biết: “Các trường học của chúng ta đã lãng phí thời gian đổi tên trường thay vì mở lại chúng.”
Viện dẫn các mối liên hệ bị cáo buộc liên quan đến phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và những bất công khác trong lịch sử, hội đồng này năm ngoái đã chấp thuận việc đổi tên 44 trường học theo tên các nhân vật lịch sử nổi tiếng, chẳng hạn như George Washington và Abraham Lincoln, nhưng cuối cùng lại tạm dừng kế hoạch vì bị chỉ trích rộng rãi.
Trong khi đó, bà Collins mất chức phó chủ tịch hồi tháng 03/2021 vì các bài đăng trên Twitter xuất hiện trở lại, trong đó bà cáo buộc cộng đồng người Mỹ gốc Á đã không làm đủ để giúp từ chối nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Bà từ chối từ chức và thay vào đó, đệ đơn kiện khu học chánh vì thiệt hại 87 triệu USD.
Thị trưởng San Francisco London Breed, người trước đây đã bày tỏ sự thất vọng về các ưu tiên đặt sai vị trí của khu học chánh, giờ đây sẽ cần bổ nhiệm 3 thành viên mới vào hội đồng giáo dục.
Bà Breed nói trong một tuyên bố chuẩn bị sau vụ bãi nhiệm: “Các cử tri của thành phố này đã đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng, trên tất cả, hội đồng giáo dục phải tập trung vào những việc thiết yếu để mang lại một hệ thống trường học vận hành tốt. San Francisco là một thành phố tin tưởng vào giá trị của những ý tưởng lớn, nhưng những ý tưởng đó phải được xây dựng trên nền tảng của một chính phủ làm tốt những việc cần thiết.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: