Cho người khác một con đường cũng là cho mình một cánh cửa
Mỗi khi có phong trào giải cứu nông nghiệp, lại rộ lên những quan điểm trái chiều, người cho rằng giải cứu là việc tốt, người lại cho đó là chuyện không nên.
Thực tế thì thực phẩm cung cấp cho chúng ta đến từ nông nghiệp, nhưng có nghịch lý là người nông dân luôn là những người khó khăn vất vả khổ sở nhất. Bởi làm nông nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Quanh năm cảnh được mùa mất giá và ngược lại không khi nào chấm dứt. Bởi sản phẩm nông nghiệp hầu hết là nhanh hỏng nên được mùa thì lo tiêu thụ gấp, mất giá, mất mùa thì chẳng có mà bán, được mùa hay mất mùa thì người nông dân vẫn sống với nỗi lo. Rồi Dịch bệnh, thiên tai, thời tiết thất thường, chưa kể, sự trở mặt của thương lái, sự tắc nghẽn của cửa khẩu… luôn có thể xảy đến bất ngờ là những rủi ro mà người nông dân luôn luôn phải đối mặt hằng ngày. Bán giá cao thì không có người mua, bán giá thấp thì phải dùng phân bón độc hại, mà cao hay thấp thì lỗi luôn được đổ trước tiên lên đầu người nông dân, những người thấp cổ bé họng vốn chẳng bao giờ có tiếng nói trên các diễn đàn của những người có tiền lai nhiều chữ nghĩa.
Kinh doanh các sản phẩm từ thiên nhiên là xu thế hiện tại cũng là một hướng đi tiềm năng cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng ngay cả những người kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực này cũng thừa nhận cái khó khăn bất trắc của nó, mà xác định như một trò chơi xổ số, với rất nhiều rủi ro không thể kế hoạch định lượng được một cách chắc chắn.
Bởi thế nhiều gia đình có đất đai rộng rãi nhưng con cái có học thức mà đứng trước mảnh đất của gia đình mình ở quê không biết trồng cây gì nuôi con gì ngoài bỏ đất không. Và có bao nhiêu người dấn thân vào sản xuất nông nghiệp xong không bán được hoặc bán được nhưng sản lượng phập phù, chán nản bỏ nghề.
Nông dân, không riêng gì Việt Nam, ở đâu cũng luôn đối mặt tình trạng này. Tháng 8 năm ngoái, nông dân ở Mỹ đối mặt chuyện được mùa ngô và đỗ tương nhưng giá rớt thảm hại. Nhiều người thậm chí phá sản. Vậy nên việc giải cứu nông sản, là điều bất đắc dĩ mà chẳng người nông dân nào mong muốn.
Giải cứu ai?
Chuyện giải cứu nông sản nhắc ta nhớ lại những câu chuyện ngụ ngôn:
Xưa có một nhà buôn có một con ngựa và một con lừa. Một hôm, anh ta phải đem một số lượng hàng hóa lớn đến một thành phố khác. Vì thế, anh ta chất đầy hàng lên con lừa rồi cưỡi ngựa rồi lên đường.
Đó là một ngày nóng bức. Vì phải chở quá nhiều đồ nên chú lừa đã nhanh chóng bị kiệt sức. Chú hỏi con ngựa rằng, có thể chở giúp nó một ít đồ không, nhưng con ngựa nói rằng đó không phải việc của mình.
Chẳng bao lâu, con lừa không thể chịu nổi nên đã ngã quỵ ở giữa đường. Người đàn ông thì vẫn muốn tiếp tục hành trình để không bị chậm trễ. Vì thế, anh ta đã chuyển toàn bộ số hàng hóa trên lưng lừa sang lưng ngựa, và rồi họ lại tiếp tục lên đường.
Lúc này, khi phải cõng thêm số hàng hóa nặng như vậy trên lưng, ngựa mới thầm nghĩ, “Giá mà lúc trước mình đã giúp lừa”, nhưng đã muộn.
Có lẽ Thượng Đế luôn sắp đặt những hoàn cảnh để thử thách lòng người. Cuộc đời là một vở kịch lớn và mỗi người có thể chọn vai chính diện hay phụ diện. Cổ nhân đã ghi lại nhiều câu chuyện trong sử sách giúp chúng ta hiểu được lẽ nhân quả mà có lựa chọn cho mình.
Kỷ Hiểu Lam, một học giả nổi tiếng thời nhà Thanh trong sách “Duyệt vi thảo đường bút ký” ghi lại những câu chuyện có thật về việc tích đức hành thiện, cuối cùng nhờ đó tự cứu được bản thân mình.
Vào đầu triều Minh của Trung Quốc, một người họ Trương từ doanh trại Cao Bưu Vệ chèo thuyền đi làm công vụ.
Khi đang ở trên hồ thì một cơn bão ập đến đánh lật thuyền của ông. Sau khi thoát nạn, ông tiếp tục đi dọc theo bờ sông. Bị sương mù che phủ phía trước, Trương lờ mờ thấy có một người đang bám trên một chiếc thuyền nhỏ bị lật đang bập bềnh theo từng đợt sóng và đang kêu cứu. Động lòng thương xót, Trương bèn hỏi mượn một chiếc thuyền câu nhỏ của một ngư dân gần đó để đi cứu người kia. Tuy nhiên, người ngư dân từ chối không cho mượn.
Chỉ khi Trương hứa sẽ tặng lại phù hiệu bạch kim thì người ngư dân mới chịu đi cứu nạn nhân. Sau khi cứu được người này, Trương nhận ra rằng ông đã cứu chính con trai mình, con trai ông đã ở dưới nước nửa ngày để chờ người đến cứu. Anh ta đã trên bờ vực của cái chết và đã có thể chết đuối bất cứ lúc nào.
Giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình
Cho người khác một con đường cũng là cho mình một cánh cửa, giúp người thuận tiện chính là giúp mình thuận tiện, lấy thiện đãi người cũng chính là lấy thiện đãi mình. Đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Thánh nhân để lại: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. Khổng Tử giảng: “Những gì mình muốn thì hãy làm cho người khác”, “Thành tựu người khác cũng chính là thành tựu mình”. Chúa Giê-su phán: “Các ngươi muốn người ta làm cho mình thế nào, hãy làm cho người ta thế ấy” (Lu 6:31).
Một ngạn ngữ Anh cũng nói một cách tương tự: “Điều tôi tiêu đi là tôi có, điều tôi giữ lại là tôi mất, điều tôi cho đi là tôi được”.
Huống hồ chúng ta cùng sống trong một đất nước đã sinh ra những câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng”,
Giống như người nông dân cũng khó có thể xoay xở với thời tiết, mùa màng, ai trong chúng ta cũng không thể biết được cuộc đời sẽ gặp những chuyện gì trong tương lai. Vậy nên giúp người trong lúc khốn khó thì cũng là để lại phúc cho mình, giúp người mà thực ra chính là giúp mình mà thôi.
Lam Khanh
Xem thêm: