Chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, nhiều công ty khởi nghiệp kỳ lân AI của Trung Quốc báo cáo thua lỗ
Các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Trung Quốc đã có một năm 2022 căng thẳng. Một số công ty báo cáo thua lỗ nặng nề do đại dịch COVID-19, lệnh cấm vi mạch bán dẫn và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì vai trò của họ trong các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Nhận dạng giọng nói iFlytek
Hôm 20/04, iFlytek, nhà vô địch giọng nói máy điện toán của Trung Quốc, đã báo cáo doanh thu là 18.82 tỷ nhân dân tệ (2.73 tỷ USD), lợi nhuận ròng năm 2022 đã giảm 63% so với cùng thời kỳ năm trước đó.
Theo báo cáo của công ty trên, khoản lỗ này là do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ hồi năm 2019 và 2022, vốn đã ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, từ chuỗi cung ứng đến việc ký kết hợp đồng.
Năm 2019, iFlytek và bảy công ty khác đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ do vai trò của họ trong việc trợ giúp hoạt động giám sát và vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc.
Năm 2022, công ty này một lần nữa lại bị đưa vào danh sách hạn chế thương mại của Hoa Kỳ, hạn chế họ mua lại các công nghệ quan trọng được sử dụng trong siêu máy điện toán và vũ khí dẫn đường, cùng những sản phẩm khác.
Những chú hổ AI của Trung Quốc
Bốn công ty khởi nghiệp điện toán hàng đầu của Trung Quốc — SenseTime, Megevii, CloudWalk, và Yitu Technology — được công nhận là “bốn con hổ AI.”
Tất cả bốn công ty này đều nằm trong danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ.
Gần đây, SenseTime và CloudWalk đã công bố báo cáo của họ, cho thấy các khoản lỗ năm 2022.
SenseTime báo cáo thu nhập hoạt động là 3.8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 550 triệu USD) cho năm 2022, giảm 19% so với cùng thời kỳ năm trước đó; khoản lỗ hàng năm là 6.09 tỷ nhân dân tệ (khoảng 880 triệu USD) và lỗ lũy kế là 43.8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.35 tỷ USD) kể từ năm 2018.
Theo nhiều bản tin của các hãng thông tấn Trung Quốc, hoạt động kinh doanh cốt lõi của SenseTime tại “thành phố thông minh” đã giảm 50% so với cùng thời kỳ năm trước đó, chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch.
“Thành phố thông minh” đề cập đến các sản phẩm giám sát và an ninh của SenseTime được sử dụng trong cơ sở hạ tầng của các thành phố.
SenseTime đã phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt và ứng dụng của họ trong phân tích video, lái xe tự động, và viễn thám.
Công ty này đã nằm trong danh sách hạn chế thương mại của Hoa Kỳ vì bị cáo buộc sử dụng công nghệ của mình để trợ giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát người Duy Ngô Nhĩ.
Theo một báo cáo năm 2018 từ Gen Market Insights, CloudWalk là nhà sản xuất thiết bị nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới.
Dự báo hiệu suất năm 2022 của công ty này đã báo cáo lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ là -785 triệu nhân dân tệ đến -934 triệu nhân dân tệ (khoảng -113.87 triệu USD đến -135.49 triệu USD). Mức lỗ đã tăng từ 24.18% lên 47.75% so với cùng thời kỳ năm trước đó.
CloudWalk nằm trong danh sách các công ty của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) quân sự của Trung Quốc như một phần của cái gọi là chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của ĐCSTQ.
Công nghệ tái nhận dạng (ReID) của công ty này — có thể theo dõi mọi người theo y phục, kiểu tóc và tư thế — bổ sung tính năng nhận dạng khuôn mặt để giám sát công khai.
Được biết, công nghệ theo dõi nhiều lớp camera ReID của CloudWalk đã trợ giúp chính quyền Trung Quốc bắt giữ hơn 10,000 người từ năm 2016 đến năm 2019. Đặc biệt, công nghệ này được cho là đã trở thành một công cụ đàn áp được phân bố rộng rãi trên khắp Trung Quốc nhằm nhắm mục tiêu vào các nhóm sắc tộc và tôn giáo cụ thể.
Cuộc khủng hoảng vi mạch bán dẫn của Trung Quốc
Cambricon, công ty khởi nghiệp vi mạch bán dẫn AI hàng đầu của Trung Quốc, đã báo cáo thu nhập hoạt động là 729 triệu nhân dân tệ (khoảng 105 triệu USD) trong năm 2022, tăng 1.11% so với cùng thời kỳ năm trước đó; lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ là -1.1 tỷ nhân dân tệ (khoảng -160 triệu USD), mức lỗ cao hơn 41.40% so với cùng thời kỳ năm 2021.
Công ty này cho biết khoản lỗ lớn này là do chi phí R&D tăng, lỗ do suy giảm tài sản, và lỗ do suy giảm tín dụng.
Họ vẫn chưa tạo ra lợi nhuận, chủ yếu là do các vi mạch bán dẫn điện toán phức tạp đòi hỏi đầu tư lớn và liên tục vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Cambricon đã được liệt kê trong danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2022).
Bản tin có sự đóng góp của Lý Băng
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times