Chính sách zero COVID của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường khách sạn hạng sang
Chủ khách sạn rao bán cơ ngơi khi tỷ lệ lấp phòng giảm mạnh
Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện chính sách zero COVID, các doanh nhân ngoại quốc ngày càng không muốn lui tới Trung Quốc và ngày càng có nhiều căn hộ khách sạn hạng sang bị bỏ trống. Tỷ lệ lấp phòng sụt giảm nghiêm trọng trong ba năm đại dịch đang buộc các chủ khách sạn phải bán hoặc chuyển nhượng tài sản.
Các chuyến công tác ngoại quốc đến và đi từ Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ khi đại dịch bắt đầu. Một bài báo của China Digital Times cho thấy mức giảm có thể lên tới 95.5%.
Mặc dù việc miễn cưỡng đến Trung Quốc có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng điều được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất là các chính sách cách ly nghiêm ngặt của ĐCSTQ.
Công ty dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu Jones Lang LaSalle Incorporated (JLL) báo cáo rằng lượng du khách quốc tế đến Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, đã giảm 48.3% trong tháng Sáu, trong khi tỷ lệ lấp phòng trung bình ở thị trường khách sạn hạng sang chỉ là 19.6%.
Con số đó thực tế hơn so với những con số được thổi phồng một cách giả tạo vào đầu năm khi các khách sạn hạng sang được sử dụng cho mục đích cách ly. Trang web của JLL dẫn lời ông Mike Batchelor, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Quản trị Dịch vụ Nhà hàng và Khách sạn (Á Châu), cho biết “Việc phong tỏa toàn thành phố ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất của thị trường.”
Đại công ty khách sạn tổ chức bán tháo
Tác động của đại dịch và các chính sách cách ly đã được cảm nhận khi Công ty TNHH Hoa Kiều Thành (OCT Á Châu), một doanh nghiệp niêm yết tại Hồng Kông, đưa nhiều tài sản khác nhau ra thị trường, đặc biệt là khách sạn Bulgari Hotel & Residences sang trọng bậc nhất ở Thượng Hải.
Công ty con của OCT Á Châu là Xí nghiệp Thủ Trì Thượng Hải (Shanghai Shouchi Enterprises), công ty sở hữu khách sạn sang trọng gồm 133 phòng, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID, chịu khoản lỗ sau thuế lũy kế 19 triệu USD kể từ năm 2020.
Để giải quyết các khoản lỗ của Bulgari, OCT Á Châu đã tiết lộ hôm 05/10 (pdf) rằng công ty con không thuộc sở hữu hoàn toàn của họ, OCT Shanghai Land, có kế hoạch bán 51% cổ phần của mình trong Xí nghiệp Thủ Trì Thượng Hải thông qua niêm yết công khai trên Sàn giao dịch Bất động sản Bắc Kinh. Cụ thể, công ty này rao bán Bulgari Hotel & Residences và quyền sử dụng đất tương ứng tại khu vực Vịnh Tô Hà thuộc quận Áp Bắc, Thượng Hải.
Theo China Digital Times, OCT Á Châu đã đặt giá khởi điểm dự thầu khoảng 81 triệu USD cho các bất động sản kết hợp này.
Hội đồng quản trị của OCT bày tỏ hy vọng rằng thương vụ bán này sẽ hồi sinh kho tài sản của tập đoàn và đẩy nhanh vòng quay vốn. Tuy nhiên, kể từ hôm 20/10, tập đoàn này vẫn chưa thấy ai chào giá, theo phương tiện truyền thông công nghệ và kinh doanh Trung Quốc TMT Pos .
The Bulgari Thượng Hải: Viên ngọc của Vịnh Vàng kim
Quyền sở hữu các tài sản của OCT bắt đầu vào năm 2012 thông qua liên kết đối tác với Tập đoàn Bulgari. Vào năm 2018, Bulgari Hotel & Residence, khách sạn thứ tư của thương hiệu trang sức mang tính biểu tượng, đã khai trương tại khu vực Vịnh Tô Hà của Thượng Hải, một khu vực sang trọng bậc nhất được gọi là “Vịnh Vàng kim”.
Khách sạn Bulgari Thượng Hải được thiết kế bởi công ty thiết kế nổi tiếng của Ý Antonio Citterio Patricia Viel. Vị trí này có tầm nhìn ra Bến Thượng Hải, Sông Hoàng Phố cũng như Phố Đông, khu tài chính quốc tế của Thượng Hải.
Giá thuê phòng hàng tháng tại Bulgari Thượng Hải dao động từ 9,000 USD đến 20,000 USD và những người lưu trú ở đây chủ yếu là các giám đốc điều hành ngoại quốc. Tuy nhiên, do các chính sách cách ly COVID của Thượng Hải, tỷ lệ lấp phòng của khách sạn này đã giảm mạnh.
Du khách ngoại quốc ‘sợ’ chính sách zero COVID
Từ Dương (Xu Yang, hóa danh), một nhân viên của OTC Thượng Hải, nói với The Epoch Times rằng anh cho là quyết định bán Bulgari Shanghai là một quyết định dè dặt. “Lý do chính là chính sách Zero COVID. Chính sách này khiến du khách ngoại quốc sợ hãi bỏ chạy và rất hiếm người Trung Quốc có thể trả được mức giá thuê cao ngất ngưởng đó. Nếu chính phủ Trung Quốc không thay đổi chính sách của mình, sẽ rất khó để thu hút những tài năng hàng đầu từ các công ty ngoại quốc quay lại đây.”
Nhận xét của anh Từ phản ánh kết quả cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu (EU) tại Trung Quốc. Cuộc khảo sát cho thấy một nửa số người ngoại quốc ở Trung Quốc đã rời khỏi đất nước kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. 74% những người được khảo sát cho biết chính sách zero Covid đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tuyển dụng và giữ chân lao động ngoại quốc của người sử dụng lao động. 33% số người được hỏi cho biết đã bị từ chối lời mời làm việc cho các vị trí quan trọng ở Trung Quốc. Do đó, một số nhà tuyển dụng ở EU và Hoa Kỳ cho biết họ đang xem xét chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Gần 3/4 số nhà tuyển dụng được khảo sát cho biết việc phong tỏa toàn thành phố khiến Trung Quốc kém hấp dẫn hơn đối với các khoản đầu tư.
Tống Hân (Song Xin, hóa danh), một cư dân ở quận Hoàng Phố của Thượng Hải, nói với The Epoch Times: “Năm nay, thành phố đã bị phong tỏa trong ba tháng và các giám đốc điều hành ngoại quốc cần có thêm đơn đặt hàng kinh doanh. Khi chúng ta không thể sản xuất và không thể đáp ứng việc giao hàng, vậy họ có thể làm gì đây? Họ sẽ muốn rời đi. Thượng Hải phong tỏa toàn thành phố bao gồm cả bệnh viện, các doanh nghiệp hậu cần và vận tải. Cả thành phố như thành phố chết, ai chịu nổi điều này chứ? Người ngoại quốc không bỏ chạy mới lạ!”
Anh Từ nói với The Epoch Times rằng những thách thức thị trường ở Trung Quốc sẽ khiến OCT khó tìm được người mua Bulgari Thượng Hải.
Các công ty con khác của OCT trên thị trường
Anh Từ xác nhận rằng Bulgari không phải là công ty con duy nhất của OCT có khả năng bị chuyển nhượng.
Kể từ đầu nửa cuối năm nay, OCT đã liệt kê việc chuyển nhượng cổ phần từ một số công ty con của mình.
Vào tháng Bảy, Công ty TNHH Công nghiệp Doanh Sáng Thành Đô đã đề xuất chuyển nhượng 100% vốn chủ sở hữu cộng với các khoản nợ khoảng 5 triệu USD, với giá xem xét là 77 triệu USD.
Vào tháng Chín, 49% cổ phần của OCT Trùng Khánh trong Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Kiến Thủy Kiều Bác đã được đề xuất chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Lữ hành Expo Kang Vân Nam với giá khởi điểm là 19 triệu USD.
Do Kane Zhang thưc hiện
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times