Chính phủ TT Biden thành lập Văn phòng Công lý Môi trường thuộc Bộ Y tế
Hôm 31/05, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) đã ra mắt Văn phòng Công lý Môi trường mới, cơ quan mới nhất trong một loạt các chính sách và các tổ chức quan liêu tập trung vào công lý môi trường, phân biệt chủng tộc về môi trường, công bằng và các mối quan tâm liên quan của chính phủ Tổng thống (TT) Biden.
“Hàng triệu người dân ở Hoa Kỳ có nguy cơ sức khỏe kém vì họ sống, làm việc, vui chơi, học tập và phát triển trong hoặc gần các khu vực ô nhiễm quá mức và các mối nguy hiểm khác về môi trường. Văn phòng Công lý Môi trường là một giải pháp tiếp cận quan trọng mà thông qua đó phúc lợi và chất lượng cuộc sống của họ nhận được sự quan tâm đầy đủ của chúng tôi,” Đô đốc Rachel Levine, Trợ lý Bộ trưởng Y tế, nêu rõ trong một thông cáo báo chí thông báo về văn phòng mới này.
Cũng trong thông cáo báo chí này, ông Xavier Becerra, Bộ trưởng HHS, nói: “Sự thật thẳng thắn là nhiều cộng đồng trên toàn quốc — đặc biệt là các cộng đồng thu nhập thấp và cộng đồng da màu — tiếp tục chịu gánh nặng ô nhiễm do phát triển công nghiệp, các quyết định sử dụng đất kém, giao thông vận tải, và các hành lang thương mại.”
Văn phòng mới sẽ thuộc thẩm quyền của Văn phòng Biến đổi Khí hậu và Công bằng Y tế của HHS, cũng do chính phủ TT Biden thành lập thông qua Sắc lệnh 14008.
Sắc lệnh này đề cập đến thuật ngữ “công lý môi trường” 24 lần, là nền tảng cho các cơ quan chính phủ mới và các chương trình được chi tiết hóa.
Đáng chú ý, chính phủ TT Biden đã thành lập một số cơ quan khác, bao gồm Hội đồng Liên ngành Công lý Môi trường của Tòa Bạch Ốc, được giao nhiệm vụ tư vấn “các nhà lãnh đạo công lý môi trường địa phương” để phát triển một chiến lược về công lý môi trường; Văn phòng Công lý Môi trường, thuộc Phòng Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ; và Hội đồng Tư vấn Công lý Môi trường của Tòa Bạch Ốc thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), đã có Văn phòng Công lý Môi trường.
Văn phòng Công lý Môi trường của EPA khởi phát từ Văn phòng Công bằng Môi trường, được thành lập hồi năm 1992 dưới thời cựu TT George H.W Bush trước bối cảnh chủ nghĩa tích cực dân quyền, được báo cáo “Chất thải Độc hại và Chủng tộc ở Hoa Kỳ” năm 1987 thúc đẩy.
Tiến sĩ Benjamin Chavis, một mục sư của Giáo hội Chúa Kitô thống nhất (United Church of Christ-UCC), đã biên soạn báo cáo đó. Sau đó, ông Chavis đã cải đạo sang Quốc gia Hồi giáo và lấy tên là Tiến sĩ Benjamin Chavis Muhammad. Ông cũng đã làm việc với ông Louis Farrakhan thuộc tổ chức Quốc gia Hồi giáo chỉ thị cuộc biểu tình Vạn người du hành (Million Man March) hồi năm 1995.
Năm 1991, Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo Môi trường Người da màu Quốc gia Đầu tiên ở Hoa Thịnh Đốn, cũng do UCC dẫn đầu, đã đề ra những gì được mô tả là 17 nguyên tắc về công lý môi trường.
Các động lực được tuyên bố để thiết lập những nguyên tắc đó bao gồm “[bảo đảm] sự giải phóng về chính trị, kinh tế và văn hóa của chúng ta đã bị phủ nhận trong hơn 500 năm thuộc địa và áp bức.”
Với nguồn gốc của thuật ngữ này là từ chủ nghĩa tích cực của cánh tả, ý nghĩa và tính trung lập chính trị của “công lý môi trường” đôi khi đã là một vấn đề gây tranh cãi.
Một định nghĩa được EPA sử dụng để mô tả công lý môi trường là “sự đối xử công bằng và sự tham gia có ý nghĩa của tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc thu nhập, liên quan đến việc phát triển, thực hiện, và thực thi các luật và quy định về môi trường.”
Hiệp hội Sinh thái Hoa Kỳ đã liệt kê cách diễn đạt đó cùng với cái mà họ gọi là “một định nghĩa rộng hơn,” trong đó công lý môi trường được coi “vừa là một lĩnh vực nghiên cứu vừa là một phong trào xã hội nhằm giải quyết sự phân bổ không đồng đều giữa các lợi ích và tác hại đối với môi trường, và đặt ra câu hỏi liệu các thủ tục và tác động của việc ra quyết định về môi trường có công bằng đối với những người bị ảnh hưởng không.”
Định nghĩa đó đến từ ông Bunyan Bryant, giáo sư danh dự về công lý môi trường tại Đại học Michigan.
Bằng cách viết khác, ông Bryant đã tuyên bố rằng con người đã được dẫn dắt “đến sự hủy diệt trên Trái đất và [hủy diệt] lẫn nhau” nhờ vào “sức mạnh hủy diệt của các lực lượng thị trường.”
Sau thông báo của HHS, một số người đã lên mạng xã hội để ăn mừng.
Tiến sĩ Gaurab Basu, một thành viên công bằng y tế thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, đã viết trong một tweet rằng, “Chúng tôi cần chính phủ liên bang bảo vệ quyền của chúng tôi trước những tác động của sự bất công về môi trường, và văn phòng này sẽ là đối tác của công việc quan trọng này.”
Các ấn phẩm gần đây của ông Basu bao gồm bài xã luận “COVID-19 và biến đổi khí hậu: Khủng hoảng của phân biệt chủng tộc có cấu trúc”, một bài báo cho Tạp chí Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe với nhà môi trường học Bill McKibben là một trong số đồng tác giả.
“Đối với cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta phải có sự hoài nghi về các giải pháp vốn chỉ dựa vào sự đổi mới và chủ nghĩa cá nhân,” bài báo viết, sau đó khẳng định rằng “chúng ta phải coi vận động và hành động tập thể là một phương tiện để mang lại kết quả y tế công bằng.”
Giống như ông Bryant và những người khác trong phong trào công lý môi trường, ông Basu đã chê trách chủ nghĩa tư bản vì những gì ông coi là các vấn đề phổ biến, có tính hệ thống ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên của Hoa Kỳ.
Ông Basu nói với người dẫn chương trình podcast Derek Wolfe, “Quý vị biết đấy, chúng tôi phải nghĩ về cách chúng tôi cải tổ chủ nghĩa tư bản, bởi vì, quý vị biết đấy, tôi nghĩ bằng nhiều cách, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa tư bản là những động lực đã cho phép chúng ta đến được nơi này.”
Ông Basu cũng khuyến nghị rằng thính giả của ông Wolfe nên đọc “bất cứ thứ gì của ông Bill McKibben.”
Những người khác bày tỏ sự hoài nghi về văn phòng mới của HHS.
Ông Steve Milloy, chủ sở hữu trang JunkScience.com, nói với The Epoch Times rằng, “Thực tế, cái gọi là công lý môi trường hay ‘phân biệt chủng tộc về môi trường’ là một trò lừa bịp hoàn toàn do các nhà hoạt động điều hành.”
“Những gì các cộng đồng này cần là công ăn việc làm, chứ không phải trò lừa bịp về công lý môi trường vốn sẽ có tác động xấu khi làm cho những chủ nhân doanh nghiệp trả lương cao tránh xa cộng đồng của họ và chôn chân họ trong cảnh nghèo đói vĩnh viễn.”
The Epoch Times đã liên hệ với HHS để yêu cầu thêm thông tin về văn phòng này, bao gồm thông tin về người điều hành văn phòng và số lượng nhân sự sẽ được tuyển dụng.
The Epoch Times cũng đã liên hệ với giám đốc Văn phòng Công lý Môi trường của EPA, ông Matthew Tejada.
Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected] hoặc theo dõi ông trên Twitter @nnworcester.