Chính phủ TT Biden ra lệnh cho các ngân hàng không được từ chối đơn vay tín dụng của người nhập cư bất hợp pháp
Hai cơ quan liên bang đã cảnh báo các tổ chức tài chính không được từ chối đơn vay tín dụng của những người nhập cư bất hợp pháp chỉ dựa trên hoặc chủ yếu dựa trên tình trạng công dân của họ.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã đưa ra cảnh báo đối với các ngân hàng Hoa Kỳ và các tổ chức tài chính khác rằng họ không thể từ chối đơn vay tín dụng của những người nhập cư bất hợp pháp chỉ dựa trên hoặc chủ yếu dựa trên tình trạng nhập cư của họ.
Bộ Tư pháp (DOJ) và Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) cho biết trong một thông báo gần đây rằng việc từ chối cung cấp thẻ tín dụng và các loại khoản vay khác nhau cho những người nhập cư bất hợp pháp chỉ vì họ không phải là công dân là bất hợp pháp.
Hai cơ quan này tuyên bố rằng họ đã đưa ra cảnh báo như vậy cho các tổ chức tài chính “bởi vì người tiêu dùng đã báo cáo rằng họ bị từ chối cấp thẻ tín dụng cũng như các khoản vay mua xe hơi, khoản vay sinh viên, vay cá nhân và vay mua các thiết bị vì tình trạng nhập cư của họ, ngay cả khi họ có hồ sơ tín dụng tốt và có các mối liên hệ với Hoa Kỳ và có đủ điều kiện để nhận các khoản vay.”
Cụ thể, các cơ quan này đã trích dẫn các điều khoản của Đạo luật Cơ hội Tín dụng Bình đẳng (ECOA), nhằm bảo vệ người nộp đơn vay tín dụng khỏi sự phân biệt đối xử dựa trên các đặc điểm như chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng giới tính, và nguồn gốc quốc gia.
Các cơ quan lập luận rằng các biện pháp bảo vệ mà ECOA cũng như các luật khác cung cấp áp dụng mở rộng cho người ngoại quốc, và do đó các ngân hàng áp dụng chính sách chung là không để người nhập cư bất hợp pháp vay vốn sẽ có thể vi phạm luật.
“Bên cho vay không nên từ chối cơ hội vay tiền của mọi người để mua nhà, khởi nghiệp hoặc theo đuổi các mục tiêu tài chính của họ vì sự thiên vị bất hợp pháp và không tính đến khả năng trả nợ thực tế của họ,” Trợ lý Tổng Chưởng lý Kristen Clarke thuộc Phòng Dân quyền của DOJ cho biết trong một tuyên bố.
“Việc tiếp cận tín dụng một cách công bằng là rất quan trọng để xây dựng sự giàu có và củng cố sự ổn định tài chính của gia đình,” giám đốc CFPB Rohit Chopra cho biết trong một tuyên bố. “CFPB sẽ không cho phép các công ty sử dụng tình trạng nhập cư như một cái cớ để phân biệt đối xử bất hợp pháp.”
Ông Bud Cummins, một cựu Biện lý Liên bang, đã phản đối lời cảnh báo của các cơ quan này đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính khác.
“DOJ và CFPB nói với các ngân hàng rằng việc từ chối cho những người vi phạm luật liên bang vay tiền ngân hàng có thể là bất hợp pháp. Các vị đang đùa tôi đấy à. Việc xâm nhập của những người nhập cư bất hợp pháp là có chủ đích và phải được ngăn chặn,” ông nói trong một bài đăng trên X.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư (CIS), tính đến tháng 01/2022, có khoảng 11.35 triệu người nhập cư bất hợp pháp đang cư trú tại Hoa Kỳ.
Các thông tin chi tiết khác
Các cơ quan kể trên cho biết các biện pháp bảo vệ của ECOA mở rộng áp dụng cho cả người ngoại quốc, mặc dù trong một tuyên bố chung họ thừa nhận một số điểm chưa rõ ràng, cụ thể là luật này “không cấm rõ ràng việc xem xét tình trạng nhập cư.”
Một số tổ chức tài chính đã duy trì các chính sách chung từ chối tín dụng cho các cá nhân dựa trên tình trạng nhập cư của họ mà không quan tâm đến khả năng trả nợ của họ, đồng thời diễn giải ECOA theo cách mà các tổ chức này tin rằng sẽ bảo vệ mình khỏi trách nhiệm pháp lý, các cơ quan này tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng cách diễn giải như vậy là không chính xác.
“Bên cho vay có thể xem xét tình trạng nhập cư của người nộp đơn khi cần thiết để xác định các quyền của bên cho vay liên quan đến việc trả nợ,” các cơ quan này cho biết, giải thích rằng Quy định B, một quy tắc thực hiện ECOA, nêu rõ rằng các điều kiện duy nhất để xem xét tình trạng nhập cư là để xác định “quyền và biện pháp khắc phục liên quan đến việc hoàn trả” khoản vay cho chủ nợ.
Các cơ quan này cho biết, nếu các tổ chức tài chính xem xét tình trạng nhập cư vì bất kỳ lý do nào khác, thì họ có thể đã vi phạm pháp luật.
Các cơ quan cho biết: “Các bên cho vay nên lưu ý rằng việc phụ thuộc quá mức hoặc không cần thiết vào tình trạng nhập cư trong quá trình quyết định tín dụng, bao gồm cả trong trường hợp khi sự phụ thuộc đó dựa trên sự thiên vị, có thể vi phạm các điều khoản chống phân biệt đối xử của ECOA và cũng có thể vi phạm các luật khác.”
“Các luật khác” được đề cập ở trên có thể là nhắc đến là Đạo luật Dân quyền năm 1866, hay còn gọi là Đề mục 1981, mà các cơ quan cho biết trong tuyên bố chung của họ là “từ lâu đã được hiểu là cấm phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc ngoại quốc.”
Họ cho hay, các tòa án đã cho rằng “lệnh cấm phân biệt đối xử nguồn gốc quốc gia của ECOA và các lệnh cấm của Đề mục 1981 bổ sung cho nhau và sự phân biệt đối xử phát sinh từ những hạn chế quá mức đối với việc cho vay đối với những người không phải là công dân có thể vi phạm một hoặc cả hai đạo luật.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times