Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo ‘Cấp độ 3’ về việc đi du lịch tới Trung Quốc do nguy cơ bị giam giữ trái phép
Trước việc nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc thi hành luật tùy tiện, có thể dẫn đến việc mọi người bị bỏ tù mà không biết mình bị cáo buộc bởi tội danh gì, chính phủ Hoa Kỳ đã cảnh báo người Mỹ không nên đi du lịch đến Trung Quốc.
“Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) tùy tiện thực thi luật nội bộ, bao gồm ban hành lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Hoa Kỳ và công dân của các quốc gia khác, mà không dựa trên thủ tục công bằng và minh bạch theo luật,” một khuyến cáo du lịch hôm 30/06 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ban hành cho biết. “Công dân Hoa Kỳ đi du lịch hoặc cư trú tại CHND Trung Hoa có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận các dịch vụ lãnh sự của Hoa Kỳ hoặc thông tin về hành vi phạm tội mà họ bị cáo buộc.”
Theo khuyến cáo trên, Trung Quốc được xếp vào “Cấp độ 3,” nghĩa là những du khách sau này nên “cân nhắc lại việc du lịch” tới quốc gia Á Châu này. Đây là cấp cao thứ hai trong bốn cấp khuyến cáo du lịch do Bộ Ngoại giao ban hành.
Khuyến cáo khẳng định rằng đã có các nhân viên chính phủ ngoại quốc, học giả, ký giả, và doanh nhân, và nhiều người khác, đã bị các quan chức Trung Quốc “thẩm vấn và giam giữ” vì cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia.
“Chính quyền CHND Trung Hoa dường như có toàn quyền quyết định nhiều loại tài liệu, dữ liệu, số liệu thống kê, hoặc tài liệu là bí mật quốc gia và bắt giữ cũng như truy tố các công dân ngoại quốc vì cáo buộc hoạt động gián điệp.”
Khuyến cáo này được đưa ra sau khi chính quyền Trung Quốc kết án tù chung thân một công dân Hoa Kỳ 78 tuổi, ông Lương Thành Vận (John Shing-Wan Leung) vì tội gián điệp hồi tháng Năm. Tòa án trung cấp của thành phố Tô Châu đã công bố bản án trong một tuyên bố ngắn gọn thông qua mạng xã hội mà không cung cấp bất kỳ chi tiết nào.
Những phiên tòa như vậy thường được tiến hành bí mật và thường không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho công chúng. Mới đây Trung Quốc cũng đã thông qua luật đe dọa sẽ có những hành động nghiêm khắc đối với các cá nhân và tổ chức nước ngoại quốc được coi là một nguy cơ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trong một bài đăng trên Tweeter hôm 01/07, ông Daren Nair, người dẫn chương trình podcast “Ngoại giao Con tin” (Pod Hostage Diplomacy), đã chỉ trích chính phủ Mỹ vì đã mềm mỏng với Trung Quốc. “Tại sao lại gán Cấp độ 3 cho Trung Quốc trong khi Iran, Venezuela, và Nga đều ở Cấp độ 4? Có phải mối quan hệ kinh tế của chúng ta với Trung Quốc là lý do khiến Trung Quốc được đối xử khác đi chăng?”
Lệnh cấm xuất cảnh
Khuyến cáo du lịch này còn cảnh báo rằng các quan chức Trung Quốc có thể giam giữ công dân Hoa Kỳ vì đã tiến hành nghiên cứu, truy cập tài liệu sẵn có, và gửi tin nhắn riêng tư bằng thiết bị điện tử chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ngoài ra, khuyến cáo này còn cho biết, Bắc Kinh đã sử dụng các biện pháp hạn chế đi lại và xuất cảnh, còn được gọi là lệnh cấm xuất cảnh, để buộc các cá nhân ngoại quốc tham gia vào các cuộc điều tra của chính quyền, gây áp lực buộc các thành viên gia đình của họ ở hải ngoại phải trở về Trung Quốc, giải quyết các tranh chấp dân sự có lợi cho công dân Trung Quốc, và tạo lợi thế hơn các quốc gia khác.
“Công dân Hoa Kỳ chỉ có thể biết về lệnh cấm xuất cảnh khi họ cố gắng rời khỏi CHND Trung Hoa, và có thể không có sẵn thủ tục pháp lý để phản đối lệnh cấm xuất cảnh tại tòa án. Thân nhân, kể cả trẻ em vị thành niên, của những người đang bị điều tra tại Trung Quốc có thể là người bị cấm xuất cảnh.”
Trong một bài đăng trên twitter hôm 03/07, ông Mike Abramowitz, chủ tịch của tổ chức ủng hộ dân chủ Freedom House, đã gọi khuyến cáo du lịch này là một lời khuyên “hãi hùng” đối với những người Mỹ nào đang nghĩ về việc đến thăm Trung Quốc.
Luật gián điệp của Trung Quốc
Hôm 01/07, Luật Quan hệ Đối ngoại của Trung Cộng có hiệu lực. Luật này cho phép chính quyền Trung Quốc thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết đối với các hành vi được coi là một mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích của quốc gia này.
Luật chống gián điệp mới được sửa đổi của Trung Quốc cũng có hiệu lực hôm 01/07. Bản sửa đổi đã mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp, làm cho luật này trở nên mơ hồ hơn và bao quát hơn. Các nhà hoạt động nhân quyền tin rằng luật được sửa đổi này sẽ trao cho Bắc Kinh quyền tăng cường đàn áp công dân của mình đồng thời cho phép họ nhắm mục tiêu vào các cá nhân và công ty ngoại quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang), một nhà bình luận và là nhà kinh tế người Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc vì đã sử dụng một định nghĩa mơ hồ về “an ninh” và “lợi ích quốc gia” trong luật sửa đổi này.
Ông nói: “Trước đây, việc thu thập cái gọi là bí mật quốc gia được coi là hành vi gián điệp. Bây giờ, bất cứ điều gì cản trở an ninh quốc gia đều được coi là hành vi gián điệp.”
Bản tin có sự đóng góp của Sophia Lam
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times