China Books của Amazon là ‘cao tốc văn hóa tiến ra biển’ của Trung Cộng
“Những trích dẫn của Chủ tịch Mao Trạch Đông” (Mao Chủ tịch ngữ lục), thường được gọi là “Cuốn sách nhỏ màu đỏ” (Hồng bảo thư), đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trong Cách mạng Văn hóa (1966–1976) và hơn một tỷ bản đã được xuất cảng sang các nước khác để tẩy não thế giới. Ngày nay, nửa thế kỷ sau, Trung Cộng đang tiếp nối truyền thống “đỏ” này và giao cho China Books (Sách về Trung Quốc) của Amazon một vai trò chủ chốt.
Hôm 14/07, bà Mareike Ohlberg, thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall của Đức, đã tweet: “Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, tôi tình cờ biết đến Cửa hàng Sách về Trung Quốc của Amazon. Đó là một dự án hợp tác của Amazon và Tập đoàn Kinh doanh Sách Quốc tế Trung Quốc, một công ty trực thuộc Văn phòng Ngoại ngữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay bây giờ trang web đó trông như thế này.”
Bà đã đăng ba ảnh chụp màn hình từ Cửa hàng Sách về Trung Quốc của Amazon, trong đó có biểu trưng của lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Trung Cộng và cuốn sách “Quản lý Trung Quốc” (The Governance of China) của ông Tập Cận Bình bằng cả Hoa ngữ và Anh ngữ.
Trên trang chủ của China Books, ngoài cuốn sách mới nhất của ông Tập Cận Bình, một phần nổi bật khác là về “Sách về cuộc chiến chống đại dịch của Trung Quốc” và “Kỷ niệm 100 năm thành lập” của Trung Cộng nằm ở đầu phần “sách khác.”
Bao gồm trong phần “Sách về cuộc chiến chống đại dịch của Trung Quốc” là các phiên bản Hoa ngữ và Anh ngữ của “Những câu chuyện về Lòng dũng cảm và Quyết tâm: Vũ Hán Thời kỳ Phong tỏa Virus Corona” (Stories of Courage and Determination: Wuhan in Coronavirus Lockdown) và “Nhật ký Cuộc Chiến chống Virus Corona của Trung Quốc năm 2020” (2020, China’s Battle Against The Coronavirus: A Daily Log). Cả hai đều nói về cách mà Trung Cộng và ông Tập Cận Bình đã lãnh đạo người dân Trung Quốc đánh bại “bài kiểm tra khắc nghiệt” về “sự bùng phát virus corona.”
Trong một tweet khác, bà Ohlberg cho biết, “Dự án ‘Cửa hàng Sách về Trung Quốc của Amazon’” đã được chọn là ‘dự án xuất cảng văn hóa quốc gia trọng điểm’ trong quá khứ. Tôi không thấy tuyên bố từ chối trách nhiệm về quảng cáo, nhưng tôi thực sự muốn biết Amazon nhận được bao nhiêu tiền từ chính quyền Trung Quốc cho việc này.”
The Epoch Times đã thực hiện một số cuộc điều tra và phát hiện những điều sau đây.
China Books của Amazon là một dự án trọng điểm của Trung Cộng
Hôm 22/08/2017, ông Cổ Cường (Jia Qiang) – Bí thư Đảng ủy của Tập đoàn Kinh doanh Sách Quốc tế Trung Quốc (CIBTC) – đã viết một bài báo với tựa đề “Sử dụng Mô hình Kinh tế Chia sẻ để Thúc đẩy Văn hóa Trung Quốc Vươn ra Toàn cầu.” Bài báo đã phân tích cách tận dụng “mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới” để thúc đẩy tăng trưởng xuất cảng sản phẩm văn hóa.
Theo bài báo trên, hồi tháng 09/2011, CIBTC và Amazon đã khởi động dự án Amazon China Books ở Bắc Kinh, “Sử dụng nền tảng tiếp thị trực tuyến kỳ cựu, công nghệ tân tiến và ảnh hưởng toàn cầu của Amazon để quảng bá các ấn phẩm của Trung Quốc vào các kênh tiếp thị quốc tế chính thống và hiện thực hóa doanh số bán hàng trực tuyến toàn cầu của Sách Trung Quốc.”
Nói trắng ra, chiến lược này sử dụng các nền tảng Internet ngoại quốc để giúp Trung Cộng thực hiện các hoạt động quảng bá tuyên truyền quốc tế lớn ở các nước khác.
Trong năm 2012 và 2015, dự án đã hai lần được năm bộ của Trung Cộng công nhận là dự án trọng điểm: Bộ Thương mại, Bộ Tuyên truyền, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa và Cục Quản lý Nhà nước về Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình.
Bài báo nói thêm rằng về sứ mệnh cốt lõi và tư duy chiến lược của việc đẩy nhanh “văn hóa Trung Quốc ra ngoại quốc,” công ty đã nỗ lực chuyển đổi và nâng cấp mô hình kinh doanh và đã xây dựng một “nền tảng xuất cảng thương mại điện tử xuyên biên giới cho các sản phẩm văn hóa Trung Quốc” bằng cách tận dụng tối đa mô hình kinh tế chia sẻ.
Công ty cũng cho biết các dự án này đã được thử nghiệm thành công ở Madrid và Paris, đồng thời sẽ được xúc tiến và áp dụng cho Anh Quốc, Đức, Ba Lan và các quốc gia đã tham gia “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Cộng.
48 % trong số 5000 sản phẩm hàng đầu của Amazon đến từ Trung Quốc
Có bao nhiêu người bán Trung Quốc trên Amazon? EcomCrew, một blog tài nguyên trực tuyến dành cho các doanh nhân thương mại điện tử, đã đăng [một bài báo] hôm 28/06 nói rằng, “Việc bán hàng trên Amazon là RẤT LỚN ở Trung Quốc. Trên thực tế, ước tính có hơn 200,000 doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang bán hàng trên Amazon và con số này sẽ chỉ tăng lên.”
Bài báo cho rằng lý do có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng trên Amazon như vậy là vì “một mối tình tay ba: Amazon yêu các doanh nhân Trung Quốc, các doanh nhân Trung Quốc yêu Amazon, và chính quyền Trung Quốc yêu Amazon.”
Bài báo cho biết, doanh thu của hai trang web lớn nhất Trung Quốc là JD.com và Taobao lần lượt là 67 tỷ USD và 40 tỷ USD. Doanh thu tổng hợp của họ cao hơn 40% so với doanh thu của Amazon. Vì vậy, Trung Quốc là một quốc gia “thoải mái với thương mại điện tử” và đó là lý do tại sao giấc mơ “bán hàng trên Amazon” là rất lớn đối với các doanh nhân Trung Quốc.
Tại sao chính quyền Cộng sản Trung Quốc phải lòng Amazon? Theo bài báo, đó là vì họ khao khát bất kỳ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới nào, [vì đó] có nghĩa là xuất cảng, “điều mà chính phủ Trung Quốc đang tuyệt vọng kiếm tìm, đặc biệt là trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.”
Bài báo cũng đề cập rằng các chính quyền địa phương của Trung Quốc đã tham gia “Các Khu Thí điểm Thương mại Điện tử Xuyên biên giới.” Ví dụ, tỉnh Chiết Giang quảng bá thương mại điện tử xuyên biên giới cho các nhà sản xuất và người bán địa phương, đồng thời tuyên bố có hơn 80,000 người bán hàng xuyên biên giới.
Bài báo cho biết, mặc dù Amazon chưa bao giờ công bố có bao nhiêu người bán của mình là người Trung Quốc, nhưng khi sử dụng một số phương pháp để ước tính, có thể xác định được rằng 48% trong số 5000 sản phẩm hàng đầu của Amazon là đến từ Trung Quốc, trong khi 44% người bán tin rằng 10% đến 19.99 % đối thủ cạnh tranh của họ là người Trung Quốc.
Vì vậy nhìn chung, theo bài báo này, người bán Trung Quốc trên Amazon dao động từ 10% đến 25%.
Thương mại điện tử xuyên biên giới là ‘cao tốc văn hóa tiến ra biển’ của Trung Cộng
“Mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới” không độc lập với văn hóa. Hôm 26/03, ông Trần Thiên Vấn (Chen Tianwen) – Kiến trúc sư trưởng của CIBTC – đã có bài diễn văn tại Lễ hội Thương mại Điện tử Xuyên biên giới Thâm Quyến, so sánh thương mại điện tử xuyên biên giới với “cao tốc văn hóa tiến ra biển.” Ông nói rằng thương mại điện tử xuyên biên giới có ý nghĩa rất lớn đối với Trung Cộng trong việc xây dựng hệ thống diễn ngôn và bố cục văn hóa toàn cầu của họ.
Ông Trần cũng cung cấp một số dữ liệu để hỗ trợ các tuyên bố của mình.
“Báo cáo tài chính của Amazon cho thấy tổng doanh số bán hàng của họ đạt 475 tỷ USD trong năm 2020 và doanh số bán hàng của bên thứ ba trên toàn cầu trong ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) và Thứ Hai Điện Tử (Cyber Monday) đã vượt quá 4.8 tỷ USD. Điều này đã trở thành một động cơ mạnh mẽ để thúc đẩy mức tiêu thụ. Theo các tổ chức tư vấn có thẩm quyền, doanh số thương mại điện tử toàn cầu sẽ đạt 6.5 ngàn tỷ USD vào năm 2023 và thị trường tiêu thụ thương mại điện tử khổng lồ tạo cơ hội tốt nhất cho các thương hiệu văn hóa Trung Quốc vươn ra ngoài và cho các thương hiệu ngoại quốc du nhập.”
Dự án China Books của Amazon đã bán được bao nhiêu cuốn? Cho đến nay, vẫn chưa có con số chính thức; nhưng theo bài nói của ông Trần, “Nền tảng xuất cảng thương mại điện tử xuyên biên giới cho các sản phẩm văn hóa Trung Quốc do CIBTC ra mắt hồi cuối năm 2017 cho đến nay đã tích lũy được 435 triệu USD xuất cảng và hoàn thành việc thực hiện 48 triệu đơn đặt hàng.”
Xuất bản ấn phẩm Trung Quốc ra toàn cầu là một ‘chiến lược quốc gia’
Ba chương trình tuyên truyền quốc tế lớn được biết đến nhiều hơn của Trung Cộng là: hệ thống Viện Khổng Tử; hợp tác với các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng trên thế giới để mua không gian và sử dụng các phương tiện truyền thông ngoại quốc để “kể tốt câu chuyện Trung Quốc” theo yêu cầu của ông Tập Cận Bình; đồng thời tận dụng sức mạnh kinh tế BRI.
Tuy nhiên, kênh sách và ấn phẩm thường bị bỏ qua.
Trên thực tế, ngay từ năm 1952, Trung Cộng đã thực hiện một cách có ý thức chiến lược bản địa hóa các ấn phẩm ngoại quốc lớn của mình trên khắp thế giới.
Theo một bài báo năm 2018 trên trang web chính thức của CIBTC, “Bốn mươi năm Xuất bản Trung Quốc Vươn ra Toàn cầu,” công ty đã bắt đầu tham gia các cuộc triển lãm ở Bulgaria ngay từ năm 1952 và đến năm 1957 đã thiết lập mạng lưới phân phối bên ngoài tại hơn 50 quốc gia.
Tầm quan trọng chiến lược của văn hóa “vươn ra ngoại quốc” của Trung Cộng càng được làm rõ hơn trong bài báo năm 2019 mang tên “Hành trình Vinh quang của Các ấn phẩm Trung Quốc Vươn ra Toàn cầu” của ông Hạ Diệu Mẫn (He Yaomin), ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng Đại học Nhân Dân Trung Quốc.
Theo ông Hạ Diệu Mẫn, từ những năm 1950 đến những năm 1970, nhiệm vụ chính của truyền thông quốc tế về các ấn phẩm của Trung Quốc là “làm cho tiếng nói của Trung Quốc được lắng nghe” và “phản đối phe phương Tây.”
Từ đầu những năm 1960 đến cuối những năm 1970, Trung Cộng đã phải đối mặt với một cuộc chiến hai mặt trận trong lĩnh vực quan điểm và hệ tư tưởng quốc tế. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào cuối năm 2001, “việc đưa các ấn phẩm Trung Quốc ra toàn cầu đã trở thành một chiến lược quốc gia,” ông nói.
Ông Hạ Diệu Mẫn giải thích rằng sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 18 của Trung Cộng, nhiệm vụ chính của các ấn phẩm Trung Quốc là “truyền đạt vị thế của Trung Quốc ra thế giới, tích cực tham gia vào quản trị quốc tế và đề nghị các giải pháp của Trung Quốc,” đồng thời “thực hiện những bước tiến dài hướng tới trung tâm của sân khấu xuất bản thế giới.”
Hôm 24/05, Hiệp hội Hữu nghị với Ngoại quốc của Nhân dân Trung Quốc (CPAFFC), một tổ chức trực thuộc Mặt trận Thống nhất của Trung Cộng, đã gửi thư tới CIBTC cảm ơn công ty này vì “nhận thức chính trị đúng đắn, đóng góp vào tình hình chung và đóng góp độc đáo cho nền ngoại giao tổng thể của đất nước” và gọi CIBTC là lực lượng chính trong việc đạt được chiến lược “vươn ra ngoại quốc” về văn hóa của Trung Cộng, và hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác trong việc “cùng nhau kể câu chuyện Trung Quốc” trong tương lai.
Amazon hứa hẹn sẽ phát triển China Books ‘lớn hơn và mạnh hơn’
Theo trang web chính thức của CIBTC, hôm 23/04/2018, ông Trương Phúc Hải (Zhang Fuhai), Giám đốc Cục Xuất bản Ngoại văn Trung Quốc, đã gặp ông Jay Carney, phó chủ tịch cao cấp của Amazon, người được tháp tùng bởi ông Cổ Cường, bí thư Đảng ủy CIBTC.
Ông Trương Phúc Hải đã trình bày chi tiết về BRI của Trung Cộng cho ông Carney, người bày tỏ sự sẵn lòng “giúp văn hóa Trung Quốc vươn ra toàn cầu.”
Ông Carney nói rằng Amazon rất coi trọng sự hợp tác của dự án “China Books” và sẽ cố gắng hết sức để thúc đẩy cửa hàng sách này trở nên “lớn hơn và mạnh hơn.”
Theo báo cáo, “hai bên đã đạt được sự đồng thuận về bước tiếp theo là tăng cường quảng bá, mở rộng các sản phẩm văn hóa và sáng tạo, tăng cường hợp tác dữ liệu, và thúc đẩy việc chuyển đổi và nâng cấp dự án.”
Do Hannah Cai và Jennifer Zeng thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: