Chín quốc gia từ chối Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, gây ra nhiều khó khăn cho việc hoàn tất
Chín quốc gia đã từ chối ký vào một khuôn khổ cải cách thuế quốc tế bao gồm 15% thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu do chính phủ Tổng thống (TT) Biden thúc đẩy như một cách để giảm việc tận dụng chênh lệch thuế quốc tế của các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ và giảm bớt tác động của đề nghị tăng thuế doanh nghiệp trong nước của TT Joe Biden.
Trong khi các quan chức từ 130 trong số 139 quốc gia trong cái gọi là Khuôn khổ Bao trùm của OECD/G20 về Xói mòn Cơ sở và Dịch chuyển Lợi nhuận đã đồng thuận thiết lập khuôn khổ mới trong tuần lễ 28/06-04/07, Ireland, Estonia, Hungary, Peru, Barbados, Saint Vincent và Grenadines, Sri Lanka, Nigeria và Kenya đã không ký thỏa thuận này.
Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe, quốc gia đã thu hút nhiều công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ với mức thuế doanh nghiệp 12.5%, cho biết ông sẽ không tham gia các bên ký kết khác nhưng vẫn sẽ cố gắng tìm ra một kết quả mà ông có thể ủng hộ.
Ông Donohoe nói: “Tôi không thể tham gia sự đồng thuận về thỏa thuận và cụ thể là mức thuế tối thiểu có hiệu lực toàn cầu hiện nay là ‘ít nhất 15%.’ Tôi đã bày tỏ sự bảo lưu của Ireland, nhưng vẫn cam kết với quá trình này và nhằm tìm ra một kết quả mà Ireland có thể hỗ trợ.”
Ông Mihaly Varga, bộ trưởng tài chính của Hungary, nước có mức thuế doanh nghiệp 9%, đã bác bỏ mức 15% vì “quá cao.”
“Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế, mức thuế 15% theo kế hoạch là quá cao, và không nên đánh vào hoạt động kinh tế thực tế,” ông Varga cho biết trong một tuyên bố hôm 02/07/2021, mặc dù ông nói thêm rằng Hungary sẽ tiếp tục đàm phán.
Khuôn khổ hai trụ cột – kết quả của các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) điều phối trong phần lớn thập kỷ qua – nhằm mục đích buộc các Doanh nghiệp Đa quốc gia lớn (MNE) phải nộp thuế tại nơi họ hoạt động và kiếm được lợi nhuận, đồng thời tìm kiếm để chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế suất doanh nghiệp quốc tế.
Trụ cột thứ nhất sẽ phân bổ lại quyền đánh thuế đối với hơn 100 tỷ USD lợi nhuận của MNE (doanh nghiệp đa quốc gia) mỗi năm từ quốc gia của họ cho các thị trường nơi họ có hoạt động kinh doanh và kiếm được lợi nhuận, bất kể doanh nghiệp có hiện diện ở đó hay không.
Trụ cột thứ hai, với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%, ước tính tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu bổ sung mỗi năm.
Lời kêu gọi hợp tác quốc tế của chính phủ TT Biden về mức thuế suất tối thiểu cho doanh nghiệp trên toàn cầu là một nỗ lực ít nhất để phần nào chống lại bất kỳ bất lợi nào có thể nảy sinh từ đề nghị của tổng thống về việc tăng thuế suất doanh nghiệp của Hoa Kỳ lên 28%, một hành động mà Đảng Cộng Hòa và các nhóm doanh nghiệp đã chỉ trích là làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các công ty Hoa Kỳ và làm chậm tốc độ tăng lương.
Các quy tắc mới xuất hiện từ hiệp ước dự kiến có hiệu lực vào năm 2023, nhưng để điều đó xảy ra, các quốc gia phải cắt bỏ các chi tiết còn lại trước tháng 10/2021 để mã số thuế có thể được sửa đổi vào năm tới. Một số bên ký kết, kể cả Ấn Độ và Thụy Sĩ, đã bày tỏ sự dè dặt. Điều đó cho thấy việc khai triển vào năm 2023 có thể lạc quan, do nhiều quốc gia đã mất nhiều năm để phê chuẩn một sự sửa đổi sớm hơn, ít sâu rộng hơn đối với các hiệp ước thuế quốc tế.
Một vấn đề phức tạp khác đến từ sự phản kháng của các quốc gia Âu Châu gồm Estonia, Hungary và Ireland, vì luật của Liên minh Âu Châu sẽ là phương tiện để thực thi các quy tắc trong khối thương mại lớn nhất thế giới và điều đó sẽ đòi hỏi phải có sự đồng thuận ủng hộ của cả 27 quốc gia thành viên EU.
TT Biden gọi thỏa thuận này là “một bước quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trở nên bình đẳng hơn cho người lao động và các gia đình trung lưu ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.”
Ông Biden nói trong một tuyên bố rằng, “Với một mức thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các tập đoàn đa quốc gia sẽ không còn có thể cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau trong nỗ lực đẩy thuế suất xuống và bảo vệ lợi nhuận của họ bằng sự đánh đổi của doanh thu công. Họ sẽ không còn có thể tránh được việc trả phần [thuế] hợp lý của họ bằng cách che giấu lợi nhuận được tạo ra ở Hoa Kỳ, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, [thông qua việc chuyển] vào trong các lãnh thổ có thuế suất thấp hơn.”
Ông nói thêm rằng, “Điều này sẽ san bằng sân chơi và khiến Hoa Kỳ cạnh tranh hơn. Và nó sẽ cho phép chúng ta dành doanh thu bổ sung mà chúng ta tăng được để đầu tư cho thế hệ, điều cần thiết để giữ cho lợi thế cạnh tranh của Hoa Kỳ trở nên sắc bén trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay.”
Hôm 06/07, các quan chức Bộ Tài chính cho biết, trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen dự kiến sẽ ép các đối tác G20 trong tuần lễ từ 05-11/07 về mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cao hơn mức sàn 15% mà 130 quốc gia đã đồng ý vào tuần trước đó, nhưng không có sự mong đợi đối với một quyết định về mức thuế suất cho đến khi diễn ra các giai đoạn đàm phán trong tương lai.
Dự kiến thỏa thuận này sẽ được các nhà lãnh đạo tài chính G20 xác nhận khi họ gặp nhau vào ngày 09 và 10/07/2021 tại Venice, Ý.
Do Tom Ozimek thực hiện
Với sự đóng góp của Reuters
Lưu Đức thực hiện
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: