Chiến lược không gian mạng mới của TT Biden xem Trung Quốc là ‘mối đe dọa dai dẳng nhất’
Chiến lược an ninh mạng mới của chính phủ ông Biden đang nhắm vào chế độ cộng sản Trung Quốc và các cường quốc độc tài khác vì đã phá hoại trật tự quốc tế thông qua hoạt động mạng độc hại.
Chiến lược Không gian mạng Quốc gia năm 2023, được công bố hôm 02/03, nói rằng Trung Quốc cộng sản và các chế độ khác đang cố gắng xuất cảng các hình thức chủ nghĩa độc tài của riêng họ thông qua việc sử dụng công nghệ.
Chiến lược này nêu rõ: “Chính quyền Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn, và các quốc gia chuyên quyền khác chủ định theo chủ nghĩa xét lại đang ráo riết sử dụng các năng lực không gian mạng tiên tiến để theo đuổi các mục tiêu đi ngược lại lợi ích của chúng ta và các chuẩn mực quốc tế được chấp nhận rộng rãi.”
“Sự khinh thường của họ đối với pháp quyền và nhân quyền trong không gian mạng đang đe dọa an ninh quốc gia và sự thịnh vượng kinh tế của Hoa Kỳ.”
Tài liệu cũng nêu rõ, đặc biệt, Trung Quốc đang đe dọa các lợi ích của Hoa Kỳ và thống trị các công nghệ mới phát triển quan trọng đối với sự phát triển toàn cầu với mưu toan tái định hình trật tự thế giới.
“[Trung Quốc] hiện là mối đe dọa rộng lớn nhất, tích cực nhất, và dai dẳng nhất đối với mạng lưới của cả chính phủ và khu vực tư nhân và là quốc gia duy nhất có mưu toan tái định hình lại trật tự quốc tế và, ngày càng tăng cường kinh tế, ngoại giao, quân sự, và sức mạnh công nghệ để làm như vậy.”
“Sau khi khai thác thành công Internet như là xương sống của nhà nước giám sát và khả năng ảnh hưởng của mình, [Trung Quốc] đang xuất cảng tầm nhìn về chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số, cố gắng định hình Internet toàn cầu theo hình ảnh của mình và đe dọa nhân quyền bên ngoài biên giới của họ.”
Phương pháp tiếp cận toàn chính phủ để chống lại Trung Quốc
Trước mối đe dọa do các cường quốc độc tài như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra, chiến lược này đưa ra một biện pháp cứng rắn mà chính phủ tìm cách thực hiện để bảo vệ Hoa Kỳ và các lợi ích của Hoa Kỳ khỏi sự can thiệp của ngoại quốc.
Theo chiến lược nêu trên, biện pháp mới này sẽ tích hợp không gian mạng, ngoại giao, quân sự, tình báo, thực thi pháp luật, và các năng lực khác để nhắm mục tiêu và loại bỏ các tác nhân đe dọa.
Chiến lược này nêu rõ: “Hoa Kỳ sẽ sử dụng tất cả các công cụ của quyền lực quốc gia để phá vỡ và tiêu diệt các tác nhân đe dọa có hành động uy hiếp đến lợi ích của chúng ta.”
“Những nỗ lực này có thể tích hợp năng lực ngoại giao, thông tin, quân sự (cả về tác chiến và không gian mạng), tài chính, tình báo, và chấp pháp.”
Sự tích hợp như vậy sẽ đưa chiến lược an ninh mạng của Hoa Kỳ gần giống hơn với phương pháp tiếp cận toàn xã hội đang được Trung Quốc và các cường quốc khác thực hiện.
Tài liệu cho biết, mục đích của một hệ thống tích hợp và mở rộng như vậy là để bảo đảm rằng những kẻ xấu “không có khả năng thực hiện các chiến dịch trợ giúp không gian mạng bền vững có thể đe dọa đến an ninh quốc gia hoặc an toàn công cộng của Hoa Kỳ.”
Tương tự như vậy, chiến lược này tìm cách mở rộng vai trò của chính phủ liên bang theo những cách khác, bao gồm đảm nhận một vai trò quyết đoán hơn trong việc định hướng thị trường bằng cách liên bang hóa một số chi tiêu và gia tăng các quy định về an ninh và luật về trách nhiệm pháp lý.
Chiến lược này nêu rõ, phương pháp tiếp cận đó sẽ tập trung vào việc “chuyển gánh nặng an ninh mạng ra khỏi các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, và chính phủ địa phương,” vì các lực lượng thị trường “không đủ” để áp đặt các chi phí cần thiết lên các tổ chức đưa các sản phẩm có thể bị tấn công vào hệ sinh thái kỹ thuật số.
‘Những thay đổi căn bản’ đối với hệ sinh thái kỹ thuật số
Chiến lược này cũng nêu rõ, bằng cách làm cho hệ sinh thái kỹ thuật số trở nên “dễ bảo vệ hơn,” “kiên cường hơn,” và “phù hợp với các giá trị hơn,” Hoa Kỳ có thể tự bảo vệ mình và các đối tác tốt hơn, đồng thời còn đưa ra một giải pháp thay thế cho mô hình quản trị công nghệ độc tài do các chế độ như ĐCSTQ đưa ra.
Cuối cùng, chiến lược này được xây dựng một cách cẩn thận như một sự phát triển của khuôn khổ không gian mạng được thiết lập lần đầu tiên theo chiến lược của chính phủ ông Trump vào năm 2018 và “tiếp tục thúc đẩy nhiều ưu tiên của nó, bao gồm cả việc hợp tác bảo vệ hệ sinh thái kỹ thuật số này.”
Do đó, chiến lược này tìm cách đưa ra một lập trường cứng rắn hơn đối với các mối đe dọa mạng nhắm vào an ninh quốc gia và hiện sẽ phân loại các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền là mối đe dọa an ninh quốc gia chứ không phải là các thách thức tội phạm đơn thuần, đồng thời mở đường cho nhiều biện pháp ứng phó hơn đối với các mối đe dọa đó, bao gồm thông qua việc phối hợp với các đối tác quốc tế.
Chiến lược này cũng sẽ tạo ra những thay đổi căn bản đối với các yêu cầu an ninh tối thiểu dành cho các công nghệ và hệ thống được sử dụng bởi các lĩnh vực quan trọng như đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên, hàng không, đường sắt, và thủy cục.
Hơn nữa, chiến lược này cho biết, bằng cách tận dụng các liên minh và quan hệ đối tác quốc tế giữa các quốc gia có cùng chí hướng và hợp tác với các đồng minh về các tiêu chuẩn chung về bảo mật, độ tin cậy, và quyền tư ẩn, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể chống lại ĐCSTQ và các tác nhân xấu khác, đồng thời thúc đẩy một môi trường công nghệ tự do hơn.
Chiến lược này nêu rõ: “Chúng ta phải thực hiện những thay đổi căn bản đối với động lực căn bản của hệ sinh thái kỹ thuật số, đồng thời chuyển lợi thế này cho những người bảo vệ hệ sinh thái này và liên tục làm nản chí các lực lượng sẽ đe dọa nó.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times