Chiến lược đằng sau các hoạt động gây ảnh hưởng toàn cầu bằng chi tiêu của Trung Cộng
Ngày 28/05, Tổng thống (TT) Joe Biden đã có một lưu ý chấn động trong bài diễn văn của ông với các quân nhân Hoa Kỳ tại một căn cứ quân sự ở Virginia, “Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên quyền.” Ông cũng nói rằng lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã từng nói với ông rằng ông ta “tin chắc rằng Trung Quốc, trước năm [20] 30, ’35, sẽ sở hữu Hoa Kỳ.”
Một số độc giả có thể nghĩ rằng ông Biden đang phóng đại, nhưng trên thực tế, khi ông Tập đề xướng “xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại,” ông ta đã thể hiện rõ lời kêu gọi bá quyền của Trung Cộng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Trung Cộng cần sự hỗ trợ của các chính phủ trên thế giới. Do đó, đảng này đã đưa ra một chiến thuật chi tiêu toàn cầu, còn được gọi là “ngoại giao tiền tệ.”
Chính sách chi tiêu toàn cầu của Trung Cộng
Kể từ năm 2013, ông Tập Cận Bình đã để lại dấu ấn của mình trên khắp năm châu. Các chuyến công du ngoại quốc thường xuyên của ông ta đã mang tới những khoản viện trợ ngoại giao dưới các hình thức hỗ trợ miễn phí, xóa các khoản nợ quá khứ cùng tiền lãi phát sinh trên các khoản nợ này, đào tạo miễn phí cho sinh viên ngoại quốc, cơ sở hạ tầng miễn phí, cho vay không lãi suất và các hỗ trợ khác. Do đó, người dân Trung Quốc đã đặt biệt danh cho ông Tập là “Người chi tiêu lớn” (“Big Spender.”)
Dưới chế độ cộng sản, viện trợ cho ngoại quốc có thể bắt nguồn từ những năm 1950.
Theo một báo cáo do Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế công bố, vào năm 1964, nhà cầm quyền cộng sản này đã phát động một chiến dịch “ngoại giao sổ ngân phiếu” (“checkbook diplomacy”) ở nhiều nước Phi Châu để được công nhận về mặt ngoại giao, bất chấp những gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Vào cuối thời kỳ Cách mạng Văn hóa, các dự án viện trợ ngoại quốc quy mô lớn đã trở thành một phần trong chính sách tiền tệ của Mao Trạch Đông. Từ năm 1971 đến năm 1975, viện trợ ngoại quốc chiếm 5.9% tổng chi tiêu của chính phủ – và theo báo cáo trên, tỷ lệ này đạt mức đỉnh điểm vào năm 1973 là 6.9%.
Lịch sử xóa nợ của Trung Cộng
Kể từ đầu thế kỷ 21, xóa nợ cho ngoại quốc đã trở thành một trong những công cụ quan trọng của chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Tháng 11/2006, cựu lãnh đạo Trung Cộng Hồ Cẩm Đào đã xóa bỏ các khoản nợ vay lớn đến hạn vào cuối năm 2005 cho tất cả các nước nghèo ở Phi Châu và các nước kém phát triển nhất có mối bang giao với Trung Quốc. Tin tức được đưa ra dưới dạng một thông báo ngắn gọn trong một câu của cơ quan ngôn luận Trung Cộng, Tân Hoa Xã, mà không giải thích gì thêm.
Trong Diễn đàn Bắc Kinh 2018 về Hợp tác Trung Quốc-Phi Châu, ông Tập đã xóa bỏ các khoản nợ chính phủ đến hạn thanh toán vào cuối năm 2018 cho các quốc gia kém phát triển nhất, các quốc gia nghèo mắc nợ nhiều, các quốc gia đang phát triển không giáp biển và các quốc gia biển đảo đang phát triển của Phi Châu có bang giao với Trung Quốc.
Trong ba năm tới, Trung Cộng sẽ cung cấp 156,000 USD hỗ trợ lương thực nhân đạo khẩn cấp cho các nước Phi Châu bị ảnh hưởng bởi thiên tai; gia hạn 15 tỷ USD các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản cho vay không lãi suất và các khoản vay ưu đãi; 20 tỷ USD hạn mức tín dụng; thành lập một quỹ đặc biệt trị giá 10 tỷ USD để tài trợ phát triển; và một quỹ đặc biệt trị giá 5 tỷ USD để tài trợ cho hàng nhập cảng từ Phi Châu. Trung Cộng cũng sẽ khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư ít nhất 10 tỷ USD vào Phi Châu.
Kể từ năm 2018, Trung Cộng đã nghiêm cấm các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin chi tiết về viện trợ ngoại quốc, và một số dữ liệu chỉ được biết đến do giới truyền thông ngoại quốc đưa tin. Theo ước tính của cư dân mạng, từ năm 2013 đến nay, Trung Cộng có khả năng đã chi hơn 3 nghìn tỷ USD ngoại tệ. Mặc dù dữ liệu này không thể xác nhận được, nhưng đánh giá từ sự suy giảm mạnh trong dự trữ hối đoái của Trung Quốc, thì rất có thể là điều này đúng.
Theo một bản tin của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), cách thức chi tiêu của ông Tập Cận Bình không phải là trò chơi của kẻ ngốc – mà đó là một chiến lược chuyển giao tài sản rất khôn ngoan. Ý tưởng là chuyển số tiền ban đầu thuộc về những người nộp thuế vào túi của gia đình các nhà lãnh đạo và những người thuộc Thế hệ Hồng nhị đại (con của những người sáng lập Trung Cộng). Theo bản tin này, “Viện trợ ngoại quốc của Trung Cộng nói chung không phải bằng tiền mặt, mà là dưới dạng một dự án. Số tiền này được chuyển trực tiếp vào tài khoản của các công ty đa quốc gia do các thái tử đảng [hậu duệ của các quan chức cộng sản cao cấp] quản lý. Họ sẽ giữ hầu hết số tiền này, và sau đó ký các hợp đồng thầu phụ cho dự án. Vì vậy, viện trợ ngoại quốc thực chất là rửa tiền cho các lãnh đạo hàng đầu của Trung Cộng.”
Bất bình trong nước về ‘Người chi tiêu lớn’
Theo một bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 26/07/2018, chỉ trong nửa đầu năm 2018, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay không lãi hoặc lãi suất thấp trị giá khoảng 353 tỷ USD cho các chính phủ ngoại quốc trong khi chỉ để lại 125 triệu USD cho các nạn nhân lũ lụt ở 10 tỉnh miền nam Trung Quốc. Nhà hoạt động nhân quyền tại Bắc Kinh Ni Yulan đã nhận xét về chuyến công du ngoại quốc và viện trợ của ông Tập rằng, “Tại sao giờ đây chúng ta lại sống trong cảnh đói ăn và lạnh giá? Trong lúc phải vật lộn với khó khăn, chúng ta không nhận được sự trợ giúp nào hết.”
Ngày 02/08/2018, ông Sun Wenguang, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Sơn Đông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA rằng ông đã viết một bức thư ngỏ cho ông Tập để khuyên ông không nên đưa tiền cho Phi Châu. Nhưng ông Tập vẫn tiếp tục “viện trợ” và “đầu tư.” Ông Tập không những không chấp nhận những đề nghị được đề ra trong bức thư ngỏ, mà còn tăng cường giám sát ông Sun. Cảnh sát đã ập vào nhà ông trong khi ông đang phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại với VOA. Ông Sun, 84 tuổi, đã bị bắt và lương hưu của ông bị cắt giảm.
Âm mưu chính trị của ‘Người chi tiêu lớn’
Sau đây là những quan điểm tổng hợp về nghị trình ẩn giấu sau hoạt động chi tiêu lớn của Trung Cộng.
Bẫy nợ để đổi lấy chủ quyền hoặc cơ sở chiến lược của quốc gia khác
Trung Cộng cung cấp các khoản vay cho các nước nhỏ và yếu dưới danh nghĩa viện trợ. Nhưng các khoản vay này quá lớn để có thể trả được. Sau khi giăng các bẫy nợ lần lượt hết cái này đến cái khác, các nước tiếp nhận cuối cùng buộc phải nhượng lại một phần chủ quyền của mình, do đó cho phép Trung Cộng can thiệp vào công việc nội bộ của họ, hoặc chuyển quyền sở hữu và/hoặc quyền thuê một số khu vực và cơ sở hạ tầng, do đó cho phép Trung Cộng đạt được mục tiêu “chiếm một vị trí chiến lược.”
Ví dụ, cảng Hambantota, một cảng quan trọng ở Sri Lanka, đã được nhượng lại cho Trung Cộng thông qua một hợp đồng thuê 99 năm; Pakistan sẽ chuyển cho Trung Cộng 91% thu nhập hoạt động từ Cảng Gwadar ở Pakistan trong 40 năm tới. Các cảng này là cơ sở kinh tế và chiến lược quan trọng ở Ấn Độ Dương phục vụ cho sự bành trướng quân sự của Trung Cộng.
Ngoài ra, Trung Cộng hiện đang đẩy mạnh hoạt động của mình bằng cách tận dụng các khoản cho vay để thâm nhập vào các quốc gia nhỏ ở Nam Thái Bình Dương như Papua New Guinea. Mục đích là giành được chỗ đứng trong khu vực Thái Bình Dương và phá vỡ sự phong tỏa chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Trung Cộng dự định mở rộng quân sự đến khu vực Đông Thái Bình Dương bao gồm Úc và New Zealand, điều cũng có thể được coi là mối đe dọa nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Hải quân và Không quân Hoa Kỳ.
Đổi quyền lực cứng về kinh tế sang quyền lực bén nhằm gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác
Học thuyết kinh tế quyết định của chủ nghĩa Marx là quy tắc vàng cho Trung Cộng. Tiền là cách nhanh nhất để đạt được tầm ảnh hưởng quốc tế.
Bất chấp thực tế là một đại bộ phận dân số vẫn có cuộc sống nghèo đói và nền kinh tế trong nước đang trên đà khủng hoảng, nhưng Trung Cộng không tiếc công chi tiền để mua lấy sự ảnh hưởng chính trị với các chính trị gia ngoại quốc và tạo ra các ý kiến truyền thông ủng hộ nhà cầm quyền này.
Một chiến lược bí mật để đạt được quyền bá chủ
Tại sao Trung Cộng lại tích cực mở rộng và phát huy quyền lực bén (sharp power) của mình thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường? Mục đích căn bản là để thống trị thế giới. Trong cuốn sách nổi tiếng “Cuộc đua Marathon Trăm năm,” ông Michael Pillsbury, giám đốc chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson, đã tiết lộ “chiến lược bí mật của Trung Cộng nhằm thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc thống trị thế giới vào năm 2049, kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân.” Mặc dù Trung Cộng bác bỏ ý tưởng này, nhưng mọi người đều biết rõ về tham vọng bá chủ của Trung Cộng.
Chia rẽ các đồng minh của Hoa Kỳ trong khi Hoa Kỳ đang khôi phục lại sức mạnh quốc gia của mình
Trong vài năm gần đây, Hoa Kỳ đã suy yếu về sức mạnh kinh tế và quân sự. Do đó, dưới danh nghĩa Một vành đai Một Con đường và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Á Châu, Trung Cộng đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu trong khi gây bất hòa và thậm chí đối đầu với Hoa Kỳ về mặt kinh tế và chính trị.
Chuyển giao quyền lợi thành lợi ích riêng của các nhóm cốt lõi Trung Cộng
Cái gọi là viện trợ kinh tế cho ngoại quốc trên thực tế đã được các thái tử đảng Trung Cộng khai thác. Nói cách khác, các quốc gia nhận được viện trợ của Trung Cộng được yêu cầu phải bàn giao lại tất cả các dự án cơ sở hạ tầng. Tiền thuế của Trung Quốc được cho là để viện trợ cho ngoại quốc nhưng được bí mật phân bổ trở lại cho các nhóm lợi ích riêng của Trung Cộng.
Tác giả Gu Feng là một nhà truyền thông kỳ cựu từ Trung Quốc đại lục, người đã dành nhiều năm để đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Ông hiện đang sống ở Hoa Kỳ.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của the Epoch Times.
Do Gu Feng thực hiện
Minh Trí biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: