Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của TT Biden đặc biệt tập trung vào chủ nghĩa khủng bố trong nước
Hôm 15/06, chính phủ Tổng thống (TT) Joe Biden đã công bố chiến lược an ninh quốc gia tập trung hoàn toàn vào chủ nghĩa khủng bố trong nước, gọi những phần tử cực đoan da trắng và dân quân cực đoan là “những mối đe dọa dai dẳng và gây sát thương nhất” đối với Hoa Kỳ trong số các tư tưởng thúc đẩy những kẻ khủng bố trong nước.
Tiếp tục nỗ lực chính chống lại bạo lực từ các phần tử cực đoan trong nước, chính phủ này đã công bố bản chiến lược dài 32 trang và tổng thống tuyên bố sẽ giải quyết cả bạo lực và các yếu tố dẫn đến khủng bố trong nước.
“Chúng ta không thể lờ đi mối đe dọa này hoặc cầu mong nó không tồn tại. Ngăn chặn khủng bố trong nước và giảm thiểu các yếu tố thúc đẩy nó đòi hỏi một phản ứng đa phương diện ở khắp Chính phủ Liên bang và hơn thế nữa,” ông Biden cho biết trong phần giới thiệu chiến lược này.
Mặc dù các cuộc tấn công khủng bố trong nước đã là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ trong nhiều thế kỷ, nhưng các quan chức thuộc Chiến lược Quốc gia về Chống khủng bố Nội địa cho biết những năm gần đây chứng kiến sự trỗi dậy trở lại của bạo lực trong nước, bao gồm cả sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào người Do Thái và xả súng hàng loạt tại một siêu thị Walmart ở El Paso, Texas, vào năm 2019.
Những tên khủng bố trong nước ngày nay có đủ loại động cơ, bao gồm cả sự cố chấp về chủng tộc hoặc sắc tộc và tư tưởng chống chính phủ. Họ có thể hành động đơn lẻ hoặc là một phần của các nhóm nhỏ, không chính thức. Một số là bộ phận của các mạng lưới lớn hơn.
Các quan chức cáo buộc rằng, “Qua các hệ tư tưởng bạo lực, các cá nhân và nhóm nhỏ – cả chính thức lẫn không chính thức – đã được kích động bởi các sự kiện chính trị và xã hội gần đây ở Hoa Kỳ để thực hiện các cuộc tấn công bạo lực. Trong số một loạt các hệ tư tưởng kích động đa dạng đó, những kẻ cực đoan bạo lực có động cơ chủng tộc hoặc sắc tộc (chủ yếu là những kẻ cổ súy cho sự ưu việt của chủng tộc da trắng) và những kẻ cực đoan bạo lực dân quân được đánh giá là đặt ra những mối đe dọa dai dẳng và mang tính sát thương nhất.”
Chiến lược này bao gồm việc tạo ra một nỗ lực trong toàn chính phủ, chia sẻ thông tin và đào tạo; thử nghiệm việc chỉ định nhiều nhóm là Tổ chức Khủng bố Ngoại quốc hơn, điều này sẽ ngăn người Mỹ không hỗ trợ cho các tổ chức đó hoặc nhận được sự đào tạo từ họ; và cắt giảm các tài liệu tuyển mộ lưu hành trực tuyến lẫn trong thế giới thực.
Ngoài ra còn có các kế hoạch để bổ sung quy trình sàng lọc đối với những người tìm cách gia nhập quân đội và cơ quan thực thi pháp luật liên bang hoặc một “chức vụ tin cẩn” trong chính phủ liên bang. Ngoài ra, các quan chức đang tiến hành phân tích những người đã ở những chức vụ như vậy để loại bỏ tận gốc những người “sẽ lạm dụng chức vụ đó để vi phạm pháp luật, bao gồm cả các hoạt động liên quan đến khủng bố trong nước.”
FBI sẽ tham gia sâu vào việc chống khủng bố trong nước. Cơ quan này dự kiến sẽ nhận được nhiều tài trợ hơn trong Năm Tài chính 2022 để hành động nhiều hơn về vấn đề này.
Chiến lược này được thông báo qua một đánh giá hồi tháng 03/2021 của các quan chức tình báo coi chủ nghĩa bạo lực cực đoan trong nước là một hiểm họa leo thang đối với Hoa Kỳ. Các quan chức cho biết trong bản đánh giá rằng những thành kiến đối với các nhóm thiểu số và quan điểm cho rằng có sự tham gia quá mức của chính phủ có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy những kẻ cực đoan trong nước, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng các diễn biến chính trị xã hội mới hơn, như các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020, “gần như chắc chắn” sẽ thúc đẩy một số kẻ cực đoan cố gắng thực hiện bạo lực trong năm nay.
Phản hồi đánh giá nói trên, cùng các kế hoạch nhằm công bố chiến lược chống khủng bố trong nước mới và các biện pháp khác; bà Carly Gordenstein và ông Seamus Hughes–hai nhà nghiên cứu thuộc Chương trình về Chủ nghĩa Cực đoan của Đại học George Washington–nói rằng “những thay đổi cấu trúc đang được tiến hành nhằm mục đích loại bỏ chủ nghĩa cực đoan trong và ngoài chính phủ, cố gắng tập trung các nỗ lực hiệu quả hơn, và đầu tư vào vấn đề chủ nghĩa cực đoan trong nước với một tỷ lệ chưa từng có ở Hoa Kỳ.”
Cũng trong ngày 15/06, trong một bài diễn văn về chiến lược mới này, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã đề cập đến vụ xâm nhập Điện Capitol Hoa Kỳ hôm 06/01, lưu ý rằng hơn 480 người đã bị bắt vì bị cáo buộc tham gia vào cuộc tấn công này, cũng như vụ một nhà hoạt động Đảng Dân Chủ vài năm trước nổ súng vào các thành viên Quốc hội của Đảng Cộng Hòa trên một sân bóng chày ở Virginia và vụ xả súng hàng loạt ở Walmart.
“Các cuộc tấn công như thế không chỉ là những thảm kịch khôn tả đối với thân nhân của các nạn nhân, mà còn là một thảm kịch cho đất nước chúng ta—một cuộc tấn công vào những lý tưởng cốt lõi của chúng ta với tư cách là một xã hội. Chúng ta không chỉ phải mang các nguồn lực liên bang của mình ra để gánh chịu, mà chúng ta còn phải thông qua một phản ứng xã hội rộng rãi hơn để giải quyết những căn nguyên sâu xa hơn của vấn đề này,” ông cho biết.
Ông nói thêm rằng số lượng các cuộc điều tra khủng bố trong nước còn chưa giải quyết của FBI đã tăng lên đáng kể trong năm nay, và mối đe dọa hàng đầu đó bắt nguồn từ những kẻ cực đoan có động cơ chủng tộc hoặc sắc tộc, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa cực đoan da trắng.
Ông Garland cho biết các quan chức tập trung vào bạo lực chứ không phải là vào ý thức hệ, vì ở Hoa Kỳ việc tán thành tư tưởng thù hận không phải là bất hợp pháp. Ông cũng nhấn mạnh rằng Bộ Tư pháp vẫn duy trì “nhận thức sâu sắc” về mối đe dọa do những kẻ khủng bố ngoại quốc đặt ra.
Giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố, Đổi mới, Công nghệ, và Giáo dục Quốc gia Ginamarie Ligon nói rằng các chuyên gia an ninh quốc gia “đã chờ đợi điều này từ LÂU (Tim McVeigh đã sát hại 168 người tại tiểu bang quê hương tôi 26 năm trước).”
“Quả là một tuyên bố, chúng ta đã có chiến lược đầu tiên của mình. Sẽ háo hức theo dõi để xem việc khai triển các nội dung này sẽ mang lại những gì,” bà viết trên Twitter.
Tuy nhiên, giám đốc an ninh nội địa và chống khủng bố của Trung tâm Chính sách An ninh Kyle Shideler nói với The Epoch Times qua email rằng chiến lược mới này “có lẽ nên được mô tả là một chiến lược chống lại Tu chính án thứ Nhất và Tu chính án thứ Hai.”
“Thay vì dự kiến tập trung vào việc thực sự phát hiện và ngăn chặn các hành động khủng bố, thì chiến lược này của ông Biden liên tục nhấn mạnh việc chống lại những gì mà chiến lược này mô tả là ‘thông tin sai lệch’ trên phương tiện truyền thông xã hội, và việc sở hữu cái gọi là ‘các vũ khí tấn công’ và ‘ổ đạn dung lượng cao,’” ông nói thêm.
Ông Shideler coi chiến lược này là liên tục hợp nhất chủ nghĩa khủng bố với tội ác do thù hận thành một.
“Mặc dù tội ác do thù hận rõ ràng là hết sức ghê tởm, nhưng chúng không đáp ứng định nghĩa theo luật định về khủng bố,” ông nói khi lập luận rằng việc hợp nhất này “cấp vỏ bọc cho Chính phủ TT Biden thúc đẩy nghị trình cấp tiến ‘công bằng’ của mình dưới danh nghĩa ngăn chặn khủng bố.”
Ngoài ra, theo ông Shideler, việc tập trung vào “thanh lọc lực lượng chấp pháp và các cấp quân đội” trong một chiến lược chống khủng bố “một lần nữa nhấn mạnh rằng Chính phủ ông Biden quan tâm đến việc theo đuổi những quan điểm trái chiều hơn là theo đuổi những kẻ khủng bố nguy hiểm.”
Do Zachary Stieber thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: