Chiến dịch kêu gọi ngừng sử dụng ‘lao động cưỡng bức’ tại Tân Cương
Các đại công ty bao gồm Nike phải đối mặt với lời kêu gọi ngày gia tăng nhằm cắt đứt quan hệ với các nhà cung cấp được cho là đang sử dụng “lao động cưỡng bức” từ người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.
Các nhà hoạt động đã phát động một chiến dịch cáo buộc các công ty “gia cố và hưởng lợi” từ việc bóc lột nhóm thiểu số Hồi giáo này.
Các chính trị gia và các nhà hoạt động nói rằng các công ty cần phải làm nhiều hơn nếu họ không muốn bị trở thành đồng lõa trong việc vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc. Chiến dịch của nhà hoạt động tập trung vào các thương hiệu quần áo vì Tân Cương sản xuất 80% bông của Trung Quốc, chiếm khoảng 20% nguồn cung của thế giới.
Báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) và Quốc hội Hoa Kỳ, trong số những tổ chức khác nữa, đã phát hiện ra rằng hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã được chuyển đến làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc, trong điều kiện làm việc mà báo cáo của ASPI nói là “rất nhiều khả năng là lao động cưỡng bức”. Báo cáo này đã liên kết các nhà máy đó với hơn 80 thương hiệu cao cấp, bao gồm Nike, Apple và Gap.
Gần đây, biên phòng Mỹ cũng đã tịch thu một lô hàng 13 tấn sản phẩm tóc từ khu vực Tân Cương trị giá ước tính 800.000 đô la trong khi Bộ Thương mại liệt kê thêm 11 công ty – nhà cung cấp được cho là làm việc với các công ty như Apple – một động thái hạn chế khả năng của các công ty có thể mua sản phẩm của Hoa Kỳ với lý do là có sự lạm dụng.
Các nhà lập pháp tại Quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét luật để cấm công khai nhập khẩu từ Tân Cương, trong khi các chính trị gia ở Mỹ và châu Âu cũng đe dọa ra luật buộc các công ty giám sát vấn đề này chặt chẽ hơn.
Minh Nhật