Chiến dịch dùng người có ảnh hưởng để nhắm đến các nhà lập pháp Hoa Kỳ của TikTok có thể gây phản tác dụng
Dân biểu Raja Krishnamoorthi cho biết: ‘Chúng tôi có ý định để TikTok tiếp tục hoạt động nhưng không chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.’
HOA THỊNH ĐỐN — Các thành viên chủ chốt trong Quốc hội và các trợ lý của họ cho biết họ đã bị bủa vây bằng các cuộc điện thoại do một chiến dịch của đại công ty truyền thông xã hội Trung Quốc TikTok gây nên.
Một số cử tri của họ đã nhận được thông báo toàn màn hình trên TikTok.
“Hãy nói với Thượng nghị sĩ của quý vị rằng TikTok quan trọng như thế nào đối với quý vị. Yêu cầu họ bỏ phiếu chống lại lệnh cấm TikTok,” thông báo đó viết.
“Giờ đây, nếu Thượng viện bỏ phiếu, thì tương lai của sự sáng tạo và các cộng đồng mà quý vị yêu thích trên TikTok có thể khép lại.”
Thông báo này sau đó đã kêu gọi người dùng nhập mã zip code ở khu vực của họ để tìm số điện thoại của thượng nghị sĩ đại diện cho khu vực đó.
Một tin nhắn cụ thể đã được để lại cho Thượng nghị sĩ Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina), nội dung tin nhắn này đã được ông đăng trên mạng xã hội.
“Được rồi, nghe này, nếu ông cấm TikTok, thì tôi sẽ lùng ra ông và bắn ông,” một người phụ nữ gọi đến tuyên bố, trong khi những người khác cười khúc khích ở phía sau. “Đó là công việc của người ta, và đó là phương tiện giải trí duy nhất của tôi. Và người ta cũng kiếm tiền được trên đó, ông biết đấy. Tôi đang cố gắng làm giàu như vậy. Dù sao đi nữa, tôi sẽ bắn ông và lùng ra ông và cắt ông thành từng mảnh. Chào ông!”
Giống như những thông điệp còn lại, thông điệp này xuất phát từ một chiến dịch gây áp lực do TikTok dựng lên vào hồi đầu tháng Ba nhằm hối thúc người dùng vận động hành lang chống lại Đạo luật Bảo vệ Người Mỹ khỏi các Ứng dụng bị các Đối thủ Ngoại quốc Kiểm soát. Đạo luật này sẽ cấm TikTok ở Hoa Kỳ trừ phi công ty thoái vốn quyền sở hữu khỏi công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc của mình.
Chiến dịch này bắt đầu nhắm đến các dân biểu trước khi cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện để chuyển dự luật lên phòng họp Hạ viện diễn ra. Ủy ban đã tổ chức bỏ phiếu mà không đưa ra thông báo trước theo tuần như quy định thông thường. Sau khi đạo luật được Hạ viện thông qua hôm 13/03 trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 352 phiếu thuận–65 phiếu chống, các thượng nghị sĩ cũng đã bắt đầu nhận được những cuộc gọi tương tự.
Còn quá sớm để nói xem liệu chiến dịch vận động của TikTok có mang lại kết quả hay không. Chiến dịch này có thể dễ dàng khiến các nhà lập pháp sợ hãi và hành động chống lại TikTok hơn là ủng hộ công ty này.
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) là một trong nhiều người tại Thượng viện nói rằng chiến dịch vận động hành lang của TikTok lại càng là lý do để nhanh chóng cắt đứt mối liên hệ giữa công ty này và Trung Quốc.
Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, có trụ sở chính tại Bắc Kinh và cả hai công ty đều có lịch sử đáng ngờ về việc đàn áp những nội dung mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho là không mong muốn.
Bà Blackburn nói với The Epoch Times: “Nếu TikTok muốn ở lại thị trường Hoa Kỳ, thì họ cần phải tách khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ — đơn giản và dễ hiểu vậy thôi.”
“Thượng viện nên nhanh chóng giải quyết vấn đề này để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta, và chúng ta nên giải mật thông tin được cung cấp cho Quốc hội để công chúng Mỹ có thể hiểu chính xác mối đe dọa mà chúng ta đang phải đối mặt.”
TikTok là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới, với hơn 150 triệu người dùng ở Hoa Kỳ, nhiều người trong số họ nhận tin tức chủ yếu từ nền tảng này.
Theo bà Blackburn và những người khác trong Quốc hội, sự phổ biến đó, cộng với khả năng nền tảng này có thể nhận được những chỉ thị chỉnh sửa từ ĐCSTQ đã tạo nên một mối đe dọa trước mắt.
Không rõ ĐCSTQ nắm giữ bao nhiêu quyền kiểm soát gián tiếp đối với ByteDance và TikTok. Tuy nhiên, nhà cầm quyền này đã mua “cổ phiếu vàng” trong công ty con của ByteDance tại Trung Quốc vào năm 2019, điều này có thể cho phép họ tác động đến cách hội đồng quản trị của công ty bỏ phiếu đối với các quyết định quan trọng. Cổ phiếu vàng thường chiếm một lượng nhỏ cổ phần, nhưng cổ phần này mang lại cho chủ sở hữu nó một quyền biểu quyết đặc biệt, bao gồm cả quyền phủ quyết.
Theo ông Du Tri Hạo (Chihhao Yu), đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Thông tin Đài Loan (IORG), ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy một số người có ảnh hưởng trên nền tảng này đang phối hợp với nhà cầm quyền.
Hiện nay trong một số trường hợp, tuyên truyền ủng hộ ĐCSTQ đã bắt đầu xuất hiện trên TikTok trước khi được đăng trên Douyin, phiên bản ứng dụng có sẵn ở Trung Quốc.
Ông Du cho biết trong cuộc nói chuyện hôm 08/04 tại Hoa Thịnh Đốn: “Một số video TikTok này được truyền thông nhà nước [Trung Quốc] đăng tải trước các video tương tự trên phiên bản Douyin.”
“Vì vậy, đó là một tín hiệu thậm chí còn mạnh mẽ hơn, cho thấy rằng ít nhất thì những người có ảnh hưởng trên TikTok này có sự phối hợp nào đó với các tác nhân [Trung Quốc].”
Tuy nhiên, ông Du nói rằng sự gia tăng phổ biến của thông tin sai lệch và các hoạt động gây ảnh hưởng trực tuyến của ngoại quốc không phải là vấn đề của riêng TikTok. Mà thay vào đó, ông cho rằng đó chỉ là một trong số những vấn đề.
Ông Du nói: “Còn hai điều nữa: thứ nhất là bảo mật dữ liệu cá nhân và thứ hai là tính gây nghiện của nền tảng này.”
Bảo mật dữ liệu
Bà Blackburn cũng tin rằng mối đe dọa trước nhất mà TikTok đặt ra là pháp luật ở Trung Quốc quy định ByteDance phải cung cấp bất kỳ dữ liệu nào mà họ có cho ĐCSTQ theo yêu cầu, bao gồm mọi thông tin cá nhân nhạy cảm mà họ có thể đã thu thập về người Mỹ thông qua TikTok.
Bà Blackburn cho biết: “Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, bị ràng buộc với Đảng Cộng sản Trung Quốc vì luật pháp nghiêm ngặt ở Bắc Kinh buộc các công ty phải giao nộp dữ liệu cá nhân của người dùng.”
Ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Brendan Carr cảnh báo rằng TikTok đang được sử dụng để thu thập hàng loạt thông tin về hàng triệu người dùng Hoa Kỳ, bao gồm cả “lịch sử tìm kiếm và duyệt web, kiểu gõ phím, dữ liệu sinh trắc học, và thông tin vị trí.”
“Rốt cuộc, bất kỳ pháp nhân nào ở bên trong Trung Quốc, đặc biệt nếu họ là một đảng viên ĐCSTQ, đều bị luật an ninh quốc gia ở Trung Quốc buộc phải tuân theo mệnh lệnh của bộ máy giám sát của ĐCSTQ và phải giữ bí mật,” ông Carr cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ” (American Thought Leaders) của EpochTV.
Thật vậy, phiên bản mới nhất của đạo luật về TikTok được xây dựng phần lớn là do mối đe dọa từ luật an ninh của Trung Quốc.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược với ĐCSTQ, cho biết đó là lý do tại sao dự luật bao gồm các điều luật buộc bất kỳ công ty truyền thông xã hội nào được cho là nằm dưới sự kiểm soát của các địch thủ của Hoa Kỳ thoái vốn.
Ông Gallagher nói với The Epoch Times: “Dự luật này tập trung trực tiếp vào việc ngăn chặn không cho các địch thủ ngoại quốc — Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, và Iran — kiểm soát các ứng dụng mạng xã hội ở Hoa Kỳ.”
Ông nói: “Theo cấu trúc sở hữu của ByteDance, chính quyền Trung Quốc không chỉ có khả năng giám sát dữ liệu người dùng của người Mỹ mà còn có thể thao túng thuật toán của TikTok và tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng trên các trang ‘For You’ có các thông tin gợi ý dành cho người Mỹ.”
“Chúng ta đơn giản là không thể tiếp tục cho phép một ứng dụng bị đối thủ hàng đầu của đất nước chúng ta kiểm soát, chiếm lĩnh toàn bộ môi trường truyền thông ở Hoa Kỳ.”
Sự phản đối lệnh cấm TikTok ngày càng tăng
TikTok đã mô tả dự luật này như một lệnh cấm có chủ đích đối với các hoạt động của mình và là một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận.
“Dự luật này là một lệnh cấm trực tiếp đối với TikTok, bất kể các tác giả có cố gắng ngụy trang nó đến mức nào,” một phát ngôn viên của TikTok nói với The Epoch Times trong một thư điện tử. “Đạo luật này sẽ chà đạp lên các quyền Tu chính án thứ Nhất của 170 triệu người Mỹ và tước đi nền tảng mà năm triệu doanh nghiệp nhỏ dựa vào để phát triển và tạo việc làm.”
Nỗ lực chống lại TikTok cũng chịu sự phản đối ngày càng tăng trong Quốc hội, với một thiểu số nhỏ các nhà lập pháp ở cả hai đảng của lưỡng viện bày tỏ nhiều lo ngại về luật này.
Nói chuyện trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về dự luật, Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) cho rằng dự luật có thể trở thành “con ngựa thành Troy” cho sự lạm quyền liên tục từ nhánh hành pháp vì nó sẽ trao quyền cho tổng thống để buộc bán các công ty mạng xã hội thậm chí chỉ bị xem là chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các thế lực ngoại quốc.
Ông Massie nói: “Tôi biết những người bảo trợ cho dự luật này hết lòng quan tâm và nỗ lực bảo vệ người Mỹ.”
Nhưng “chúng ta không cần được chính phủ bảo vệ khỏi thông tin.”
Ngoài ra còn có nghi vấn về việc liệu cộng đồng tình báo Hoa Kỳ có xác minh độc lập bất kỳ tuyên bố nào rằng ĐCSTQ đã chỉ thị quảng bá hoặc trấn áp nội dung trên TikTok thông qua ByteDance hay không.
Cho đến nay, những tuyên bố duy nhất mà cộng đồng tình báo công khai đưa ra liên quan đến việc can dự của ĐCSTQ vào ByteDance hoặc TikTok chỉ giới hạn ở những tuyên bố trước đây trong các bản tin trên truyền thông Hoa Kỳ dựa trên các nguồn ẩn danh.
Vì lý do này, bà Blackburn và nhiều người khác trong Quốc hội đã yêu cầu công khai các thông tin mật của họ về chủ đề này.
Tuy nhiên, một số người cho rằng việc giải mật sẽ không tiết lộ một mối đe dọa mang tính độc nhất.
Dân biểu Sara Jacobs (Dân Chủ-California) cho biết trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện rằng “không một điều gì” mà Quốc hội đã nghe trong các cuộc họp cơ mật tóm lược thông tin của họ là chỉ riêng TikTok mới có, mà là vấn đề tồn tại ở tất cả các nền tảng truyền thông xã hội.
Ông Massie cũng nêu ra nhiều tranh cãi về tiền đề và tính hợp pháp của dự luật, bao gồm cả việc Bytedance không thực sự thuộc sở hữu của ĐCSTQ hoặc thậm chí không thuộc sở hữu đa số của các nhà đầu tư Trung Quốc, rằng dự luật không có điều khoản quy định thời gian hết hiệu lực và dự luật sẽ yêu cầu tất cả các kháng nghị sẽ được giải quyết thông qua Tòa Phúc thẩm của khu vực Hoa Thịnh Đốn chứ không phải qua tòa án của các tiểu bang.
Ngoài ra còn có vấn đề liệu dự luật có hợp pháp hay không, do luật phụ thuộc vào thẩm quyền của tổng thống, một vấn đề mà một số nhà lập pháp, trong đó có Dân biểu Jim Himes (Dân Chủ-Connecticut) và Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky), đã nêu lên.
Đó là vì Bản sửa đổi Berman thời Chiến Tranh Lạnh đã thu hồi quyền của Văn phòng Tổng thống trong việc cấm hoặc điều chỉnh việc cung cấp tự do bất kỳ “tài liệu thông tin” nào tới công dân Mỹ, bao gồm cả tuyên truyền của ngoại quốc.
“Một trong những điểm khác biệt chính giữa chúng ta và những đối thủ đó là việc họ đóng cửa các tờ báo, đài phát thanh, và nền tảng truyền thông xã hội. Chúng ta thì không,” ông Himes nói.
“Chúng ta tin tưởng công dân của mình xứng đáng với nền dân chủ của họ. Chúng ta không tin tưởng chính phủ của mình sẽ quyết định những thông tin nào mà họ có thể xem hoặc không thể xem.”
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hiện tại, tương lai của dự luật vẫn chưa chắc chắn, mặc dù rõ ràng là dự luật này sẽ không được thông qua Thượng viện với tốc độ nhanh như tại Hạ viện.
Trong những ngày cuối cùng tại nhiệm, ông Gallagher đang đóng vai trò một phó lãnh đạo thiểu số không chính thức, thúc giục Thượng viện đưa ra luật càng nhanh càng tốt vì sợ ĐCSTQ có thể lợi dụng TikTok để đẩy mạnh tuyên truyền trước chu kỳ bầu cử của Hoa Kỳ.
Ông Gallagher nói: “Dự luật này được thông qua với tỷ lệ áp đảo với 352 phiếu bầu tại Hạ viện, điều mà tôi chưa từng thấy về một vấn đề hệ trọng như vậy trong tám năm làm việc tại Quốc hội.”
“Mức độ ủng hộ này khiến Thượng viện không thể bỏ qua. Tòa Bạch Ốc đã phát tín hiệu rằng họ sẽ ký dự luật nếu và khi luật được Thượng viện thông qua, và tôi biết Lãnh đạo Schumer rất lo ngại về mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra,” ông nói.
Suy ngẫm về sự can thiệp của ĐCSTQ vào cuộc bầu cử của Đài Loan gần đây, ông Du thừa nhận mối đe dọa do ảnh hưởng của nhà cầm quyền này trên mạng xã hội.
Lưu ý đến ba mối lo ngại chính của mình — ảnh hưởng của ĐCSTQ, bảo mật dữ liệu, và tính gây nghiện — ông kết luận rằng không nên hạn chế quyền tự do ngôn luận và chia sẻ ý tưởng. Thay vào đó, ông nói, vấn đề thông tin sai lệch của ĐCSTQ sẽ được giải quyết bằng cách khuyến khích trao đổi tranh luận và đưa ra các ý kiến thay vì loại bỏ đi.
Ông Du nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần giải quyết tất cả ba vấn đề lớn của TikTok và có thể nói rộng ra là tất cả các nền tảng truyền thông xã hội và những gì tất cả các công cụ công nghệ này đang tác động đến các quy trình dân chủ của chúng ta.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times